Vương quốc Anh bác bỏ tuyên bố ‘phá hoại’ của Nga trong bối cảnh Moscow nối lại thỏa thuận ngũ cốc
Vương quốc Anh bác bỏ tuyên bố của Điện Kremlin cho rằng các “chuyên gia” quân sự của Anh đã đóng vai trò trong các vụ nổ hồi tháng Chín trên các đường ống dẫn năng lượng chiến lược nối các mỏ khí đốt của Nga với Bắc Âu.
“Chúng tôi đang theo dõi tình hình này một cách sát sao, nhưng không nên để bị lôi cuốn vào những loại phiền nhiễu này, vốn là một phần trong kế sách của Nga,” phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói với các phóng viên hôm 01/11.
Nga tuyên bố có bằng chứng cho thấy các mật vụ Anh, đang làm việc song song với các lực lượng Ukraine, đã tham gia vào một cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái hôm 29/10 nhằm vào các tàu hải quân Nga cập cảng Sevastopol của Crimea.
Bộ Quốc phòng Nga cũng khẳng định rằng cùng một đơn vị đó gồm các “chuyên gia” của Anh đã tham gia vào quá trình “lập kế hoạch, cung cấp, và thực hiện” các hành động làm vỡ đường ống Nord Stream, mà các báo cáo cho rằng đây là hành động cố ý phá hoại.
Tuy nhiên, Moscow vẫn chưa đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cho các tuyên bố trên.
Các đường ống Nord Stream đã bị nổ hôm 26/09 trong vùng lãnh hải của Thụy Điển và Đan Mạch, gây ra một loạt các cáo buộc ăn miếng trả miếng giữa các thủ đô của phương Tây và Moscow.
Mặc dù Điện Kremlin đã nhiều lần ám chỉ về sự can dự của phương Tây, nhưng trước đó họ đã hạn chế chỉ đích danh bất kỳ tác nhân nhà nước nào.
Hôm 01/11, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã nhấn mạnh những tuyên bố này, nói với các phóng viên, “Có bằng chứng cho thấy Anh can dự vào vụ phá hoại … một hành động khủng bố chống lại cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng.”
“Những hành động như vậy không thể bị gạt sang một bên. Tất nhiên, chúng tôi sẽ suy nghĩ về các bước tiếp theo. Chắc chắn không thể để yên như thế này được.”
Theo ông Peskov, Nga đang chờ hoàn thành đánh giá thiệt hại trước khi quyết định có bắt đầu sửa chữa đường ống trị giá hàng tỷ dollar này hay không.
Hồi giữa tháng Mười, các nhà chức trách Thụy Điển đã đột ngột tạm dừng các cuộc điều tra chung với Đan Mạch và Đức về vụ việc này, với lý do lo ngại về “an ninh quốc gia.”
Tuy nhiên, sau đó, Stockholm đã công bố kế hoạch tiến hành kiểm tra kỹ hơn đường ống bị hư hỏng này — lần này có sự giúp đỡ của Lực lượng Vũ trang Thụy Điển.
“Tôi đã quyết định cùng với cảnh sát an ninh thực hiện một số cuộc điều tra bổ sung tại hiện trường vụ án,” ông Mats Ljungqvist, công tố viên Thụy Điển phụ trách vụ án, cho biết hôm 28/10.
Nhà chức trách quân sự Thụy Điển cũng đã được đề nghị tham gia vào cuộc điều tra, ông nói.
Các nhà điều tra Thụy Điển và Đan Mạch đã kết luận rằng đường ống bị vỡ là do nhiều vụ nổ dưới nước gây ra. Nhưng cho đến nay, họ đã hạn chế chỉ đích danh bất kỳ nghi phạm nào.
Hôm 02/11, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố rằng họ có kế hoạch triệu tập đại sứ của Vương quốc Anh tại Nga để thảo luận về những cáo buộc cho sự liên can của Anh.
“Những hành động này đã được thực hiện dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Anh,” phát ngôn viên Maria Zakharova của Bộ cho biết. “Về vấn đề này, đại sứ Anh sẽ sớm được triệu tập tới Bộ Ngoại giao Nga.”
Nối lại thỏa thuận ngũ cốc qua Biển Đen
Cuối ngày hôm đó, các quan chức Nga thông báo nối lại thỏa thuận mang tính bước ngoặt với Ukraine cho phép nước này xuất cảng ngũ cốc qua Biển Đen.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố, “Nhờ sự tham gia của Liên Hiệp Quốc và sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi đã có được những bảo đảm cần thiết bằng văn bản từ Ukraine về thỏa thuận ngũ cốc.”
Nga đã dừng tham gia Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen ngay sau vụ tấn công Sevastopol, làm dấy lên lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung cấp ngũ cốc toàn cầu.
Theo Bộ Cơ sở hạ tầng của Ukraine, hơn 200 tàu chở hàng chất đầy ngũ cốc đã bị “chặn lại một cách hiệu quả” trong khi rời khỏi đất nước này vì lý do Nga rút khỏi thỏa thuận.
Được ký kết hồi tháng Bảy bởi Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, đến nay, thỏa thuận này đã mở đường cho gần 10 triệu tấn ngũ cốc Ukraine tiếp cận được với người mua ở hải ngoại.
Theo thỏa thuận, một trung tâm điều phối chung đã được thành lập ở Istanbul để kiểm tra các tàu chở hàng và điều phối việc di chuyển của những con tàu này. Thỏa thuận cũng thiết lập một “hành lang hàng hải” cho việc vận chuyển an toàn ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen.
Hôm 01/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói chuyện qua điện thoại với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để thảo luận về tình trạng của sáng kiến ngũ cốc.
Trong cuộc trò chuyện của họ, ông Putin đã cáo buộc Kyiv — và “những người phụ trách phương Tây” — đã sử dụng hành lang hàng hải để thực hiện cuộc tấn công nhằm vào các tàu Nga cập cảng gần Sevastopol.
Theo lời tường thuật của Điện Kremlin về cuộc điện đàm, ông Putin cũng yêu cầu Kyiv “bảo đảm” về việc tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận, vốn cấm sử dụng hành lang hàng hải cho mục đích quân sự.
Hôm 02/11, trình bày với các nhà lãnh đạo của Đảng Công lý và Phát triển cầm quyền của mình, ông Erdogan đã xác nhận việc nối lại sáng kiến ngũ cốc do Liên Hiệp Quốc làm trung gian, vốn sẽ lập tức có hiệu lực.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times