Nga tạm dừng thỏa thuận xuất cảng ngũ cốc ở Biển Đen sau vụ tấn công, đổ lỗi cho Anh
Nga đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận do Liên Hiệp Quốc làm trung gian điều giải với Ukraine nhằm bảo đảm việc vận chuyển lúa mì của Ukraine an toàn qua Biển Đen.
Hành động này được đưa ra nhằm đáp trả một cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái nhằm vào các tàu hải quân Nga cập cảng Sevastopol của Crimea, mà Moscow đã quy trách nhiệm cho các lực lượng Ukraine đang hoạt động song song với các “chuyên gia” quân sự của Anh.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố, “Sau khi xem xét hành động khủng bố của chế độ Kyiv với sự tham gia của các chuyên gia Anh … Nga đang ngừng tham gia các thỏa thuận xuất cảng nông sản từ các cảng của Ukraine.”
Vào sáng sớm ngày 29/10, các tàu hải quân Nga ở Sevastopol, nơi đóng trụ sở của Hạm đội Biển Đen của Nga, được đưa tin là đã bị tấn công dữ dội bởi nhiều phi cơ không người lái đường không và đường thủy. Theo các nguồn tin của Nga, một tàu quét mìn đã bị hư hại nhẹ trong vụ tấn công, mặc dù không có thương vong nào được báo cáo.
Cuối ngày hôm đó, Moscow đã đột ngột tuyên bố rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen do Liên Hiệp Quốc làm trung gian.
Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố: “Phía Nga không thể bảo đảm an toàn cho các tàu chở hàng khô dân sự tham gia vào sáng kiến Biển Đen và đình chỉ vô thời hạn việc thực hiện kể từ hôm nay.”
Được Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian hồi mùa hè năm nay, sáng kiến này nhằm bảo đảm việc tiếp tục xuất cảng lúa mì từ ba cảng biển của Ukraine. Theo thỏa thuận, một trung tâm điều phối chung đã được thành lập ở Istanbul — do các quan chức Liên Hiệp Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, và Ukraine tổ chức — để kiểm tra các tàu chở hàng và điều phối việc di chuyển của họ qua Biển Đen.
Kể từ khi thỏa thuận này có hiệu lực hồi tháng Bảy, hơn 9 triệu tấn lúa mì của Ukraine đã được xuất cảng cho nhiều người mua ở ngoại quốc. Theo Liên Hiệp Quốc, thỏa thuận này đã giúp giảm giá lương thực quốc tế khoảng 15% kể từ mức cao đỉnh điểm vào tháng Ba.
Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraine cho biết hôm 30/10, do sự rút lui của Nga, hơn 200 tàu chở hàng hiện đang bị “chặn lại thực sự” khi đang rời khỏi Ukraine.
Vào ngày hôm đó, NATO đã kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin kích hoạt lại sáng kiến này và “ngừng vũ khí hóa lương thực.”
Đáp lại những tuyên bố cho rằng việc đình chỉ thỏa thuận sẽ dẫn đến tình trạng thiếu lương thực, Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Dmitry Patrushev nói rằng Moscow đã sẵn sàng, với sự giúp đỡ của Thổ Nhĩ Kỳ, cung cấp cho các nước nghèo 500,000 tấn lúa mì miễn phí trong vòng bốn tháng tới.
Hôm 31/10, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Hulusi Akar đã có các cuộc đàm phán khẩn cấp với những người đồng cấp Nga và Ukraine với hy vọng khôi phục sáng kiến bị đình trệ.
‘Quy mô hoành tráng’
Trong khi đó, các quan chức ở Kyiv đã không xác nhận hoặc phủ nhận sự tham gia của đất nước họ trong cuộc tấn công Sevastopol.
Ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, đã cáo buộc Nga tự thực hiện “các cuộc tấn công khủng bố giả vào các cơ sở của chính họ.”
Nhưng Moscow khẳng định rằng các lực lượng Ukraine, với sự hỗ trợ của Anh, đã thực hiện cuộc tấn công vào Hạm đội Biển Đen của họ.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố: “Việc chuẩn bị cho hành động khủng bố này, và việc đào tạo các binh sĩ của Trung tâm Điều hành Hải quân Đặc biệt số 73 của Ukraine, đã được thực hiện dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Anh tại thị trấn Ochakiv [miền nam Ukraine].”
Trong một diễn biến đáng chú ý, Bộ này cũng tuyên bố rằng cùng một đơn vị gồm “các chuyên gia Anh” đã chịu trách nhiệm về vụ tấn công trơ trẽn vào đường ống dẫn khí Nord Stream hồi tháng trước, vốn liên kết các mỏ khí đốt ở Nga với Bắc Âu.
“Theo thông tin có được, các thành viên của đơn vị này của Hải quân Anh đã tham gia vào việc lập kế hoạch, cung cấp, và thực hiện vụ tấn công khủng bố ở Biển Baltic hôm 26/09 năm nay, làm nổ tung các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và Nord Stream 2,” Bộ này nêu rõ.
Họ đã không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào cho tuyên bố của mình hoặc nói rõ hơn về “thông tin” mà họ tuyên bố sở hữu liên quan đến vụ tấn công hồi tháng Chín.
Về phần mình, các quan chức Vương quốc Anh kiên quyết phủ nhận những khẳng định của Moscow.
Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố: “Để làm giảm bớt cách giải quyết tai hại của họ đối với cuộc xâm lược trái phép vào Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga đang sử dụng các tuyên bố sai sự thật ở một quy mô hoành tráng.”
“Câu chuyện bịa đặt này cho thấy nhiều hơn về những tranh luận đang diễn ra bên trong chính phủ Nga hơn là về phương Tây.”
Hồi cuối tháng Chín, đường ống chiến lược đã bị chọc thủng một cách có chủ ý ở vùng biển Thụy Điển và Đan Mạch, gây ra một loạt cáo buộc giữa các thủ đô Âu Châu và Moscow. Mặc dù phía Nga đã ám chỉ mạnh mẽ về sự can dự của phương Tây, nhưng họ đã kiềm chế — cho đến nay — không buộc tội rõ ràng bất kỳ tác nhân nhà nước nào.
Hôm 14/10, Thụy Điển đã đột ngột ngừng các cuộc điều tra chung với Đan Mạch và Đức về vụ phá hoại này, với lý do lo ngại về “an ninh quốc gia.” Một tuần sau, một phát ngôn viên của Điện Kremlin đã nói một cách khó hiểu rằng “sự thật” về vụ Nord Stream sẽ khiến người Âu Châu “ngạc nhiên” nếu nó được công khai.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters và The Associated Press
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times