Nguồn cung cấp lương thực thế giới gặp rủi ro khi Nga rút khỏi thỏa thuận Biển Đen
SINGAPORE— Quyết định rút lui hồi cuối tuần trước của Nga khỏi một thỏa thuận do Liên Hiệp Quốc làm trung gian để xuất cảng các loại ngũ cốc ở Biển Đen có khả năng làm tổn hại các chuyến hàng đến các nước phụ thuộc vào nhập cảng, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và làm tăng giá.
Hai thương nhân sống tại Singapore cho biết, hàng trăm ngàn tấn lúa mì được đặt để giao cho Phi Châu và Trung Đông đang gặp rủi ro sau khi Nga rút lui khỏi thỏa thuận, đồng thời xuất cảng bắp của Ukraine sang Âu Châu sẽ giảm xuống.
Hôm thứ Bảy (29/10), Nga đã đình chỉ việc tham gia vào thỏa thuận ngũ cốc của Liên Hợp Quốc trong một “điều kiện vô thời hạn”, sau những gì họ nói là một cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái lớn của Ukraine nhằm vào hạm đội Biển Đen của họ ở Crimea.
Một thương nhân ngũ cốc sống tại Singapore, người cung cấp lúa mì cho người mua ở châu Á và Trung Đông, cho biết: “Nếu tôi phải thay thế một con tàu chỉ bởi vì nó đến từ Ukraine, thì có những phương án nào? Thực sự là không nhiều.”
Giá lúa mì Chicago kỳ hạn hôm thứ Hai tăng hơn 5% và bắp tăng hơn 2% do lo ngại về nguồn cung ứng.
Đầu năm nay, giá lúa mì toàn cầu đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại và bắp đạt mức cao nhất 10 năm do xung đột ở Ukraine tiếp thêm nhiên liệu cho đà tăng được thúc đẩy bởi thời tiết bất lợi và gián đoạn nguồn cung cấp do dịch bệnh COVID-19.
Các thương nhân cho biết, Úc – nhà cung cấp lúa mì quan trọng cho Á Châu, khó có thể lấp đầy bất kỳ khoảng trống cung cấp nào, với các lô hàng đã được đặt trước đến tháng Hai.
Cổ phiếu của Graincorp của Úc — công ty có lợi nhuận tăng gấp 5 lần trong 6 tháng đầu năm do hạn chế về nguồn cung phát sinh từ xung đột Nga-Ukraine — tăng hơn 7%.
Không có tàu nào di chuyển qua hành lang nhân đạo hàng hải đã được thiết lập hôm Chủ Nhật (30/10). Tuy nhiên, Liên Hiệp Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, và Ukraine đã thúc đẩy thực hiện thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen và đồng ý về kế hoạch trung chuyển vào thứ Hai (31/10) cho 16 tàu tiếp tục di chuyển, bất chấp sự rút lui của Nga.
Thương nhân ngũ cốc sống tại Singapore cho biết, “Chúng ta phải xem tình hình diễn biến như thế nào. Không rõ liệu Ukraine có tiếp tục vận chuyển ngũ cốc hay không và điều gì sẽ xảy ra với hàng xuất cảng của Nga.”
Lúa mì, bắp, và dầu thực vật
Những nước Á Châu đặt các chuyến hàng lúa mì của Ukraine bao gồm Indonesia, nhà nhập cảng ngũ cốc lớn thứ hai thế giới, mặc dù khu vực này thường phụ thuộc vào Úc và Bắc Mỹ.
Trong các giao dịch gần đây, các nhà máy xay xát của Indonesia đã mua 4 chuyến hàng tương đương với khoảng 200,000 tấn lúa mì Ukraine cho chuyến hàng tháng Mười Một trong các giao dịch được ký kết trong vài tuần qua, các thương nhân cho biết. Một số nhà máy thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đã mua lúa mì của Ukraine cũng có khả năng bị ảnh hưởng.
Tuần trước, một cơ quan chính phủ ở Pakistan đã mua khoảng 385,000 tấn lúa mì trong một cuộc đấu thầu có thể có nguồn gốc từ Nga và Ukraine.
Một thương nhân thứ hai làm việc cho một công ty quốc tế có trụ sở tại Singapore cho biết: “Chúng tôi không chắc liệu Nga có tiếp tục xuất cảng lúa mì không hay là liệu có an toàn trong việc vận chuyển từ Biển Đen đối với các tàu chở lúa mì của Nga ngay cả khi việc xuất cảng của Ukraine vẫn bị chặn hay không.”
Lượng bắp xuất cảng của Ukraine sang Âu Châu đặt trước cho tháng Mười Một cũng có khả năng bị ảnh hưởng.
Thương nhân thứ hai cho biết: “Đối với Âu Châu, bắp là một vấn đề lớn hơn lúa mì vì chúng tôi đang bước vào mùa cao điểm đối với bắp Ukraine vào tháng Mười Một.”
Quyết định của Nga được cho là sẽ làm tăng giá dầu thực vật thế giới vì hành động này đe dọa đến việc xuất cảng dầu hướng dương của Ukraine sang các thị trường chính, bao gồm cả nước nhập cảng dầu ăn hàng đầu Ấn Độ.
Giá dầu cọ Malaysia giao sau tăng hơn 4% vào thứ Hai (31/10).
Theo thỏa thuận ngũ cốc do Liên Hiệp Quốc làm trung gian, Trung tâm Điều phối Chung (JCC) bao gồm các quan chức UN, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Ukraine đồng ý về việc di chuyển các tàu và kiểm tra các tàu. Hơn 9.5 triệu tấn ngô, lúa mì, các sản phẩm hướng dương, lúa mạch, hạt cải dầu và đậu nành đã được xuất cảng từ Biển Đen kể từ tháng Bảy.
Mặc dù giá hàng hóa nông sản toàn cầu đã tăng cao kỷ lục trong những tháng gần đây, nhưng giá thực phẩm bán lẻ trong nước vẫn ở mức cao và hiện còn tiếp tục tăng.
Một nhà phân tích sống tại Sydney cho biết: “Thông thường, mất khoảng hai tháng để giá ngũ cốc cao hơn thấm dần vào chuỗi cung ứng và tác động đến người tiêu dùng ở cấp độ bán lẻ.”
Do Naveen Thukral của Reuters thực hiện
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times