Vương quốc Anh và Hoa Kỳ tuyên bố tăng cường độc lập năng lượng và chấm dứt sự phụ thuộc vào Nga
Anh và Hoa Kỳ đã cam kết hợp tác để tăng cường độc lập về năng lượng và giúp các đối tác Âu Châu của hai quốc gia này chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/02/2022, các quốc gia Âu Châu đã giảm nhập cảng dầu và khí đốt của Nga, dẫn đến một tình trạng thiếu hụt các nguồn cung cấp và giá năng lượng tăng cao chưa từng thấy.
Gặp gỡ Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ Jennifer Granholm tại London hôm thứ Hai (27/02), Bộ trưởng An ninh Năng lượng Vương quốc Anh Grant Shapps cho biết sự độc lập năng lượng lớn hơn đã trở thành một điều cần thiết đối với Vương quốc Anh sau cuộc xâm lược của Nga.
Ông cho biết điều này có nghĩa là “cung cấp năng lượng cho nước Anh từ nước Anh” bằng cách chuyển sang các nguồn sản xuất nội địa bao gồm hạt nhân và các loại năng lượng tái tạo.
Hai vị bộ trưởng Shapps và Granholm cho biết họ sẽ hợp tác để làm suy yếu khả năng tài trợ cho cuộc chiến của TT Putin thông qua xuất cảng năng lượng của Nga, và trợ giúp các đồng minh Âu Châu của họ trong nỗ lực chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Ông Shapps cho biết: “Bộ trưởng Granholm và tôi sát cánh bên nhau trong sự ủng hộ không ngừng của chúng tôi dành cho Ukraine, và để bảo đảm rằng cả ông Putin và bất kỳ nhà độc tài nào cũng không bao giờ nghĩ rằng họ có thể cưỡng bách cả thế giới phải nhượng bộ thông qua nguồn cung cấp năng lượng của mình.”
“Cuộc chiến này đã khiến Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, và các quốc gia trên thế giới nhận ra nhu cầu độc lập năng lượng ngày càng lớn hơn, vốn được thúc đẩy bởi việc tránh xa các nhiên liệu hóa thạch và hướng tới các nguồn năng lượng nội địa như năng lượng tái tạo và hạt nhân. Hôm nay, tôi cam kết mang lại sự độc lập về năng lượng đó — vốn được hậu thuẫn bởi tham vọng của tôi về giá bán sỉ điện thấp hơn trong dài hạn.”
“Điều này cũng sẽ mở ra các cơ hội cho các công ty của Vương quốc Anh và Hoa Kỳ hợp tác cùng nhau trong những lĩnh vực công nghệ tân tiến nhất này đồng thời củng cố các mối bang giao lâu dài giữa hai nước chúng ta.”
Bà Granholm cho biết chính phủ Hoa Kỳ “nhận thức sâu sắc rằng việc tiếp tục phụ thuộc quá nhiều vào các nhiên liệu hóa thạch sẽ khiến an ninh năng lượng của chúng ta gặp rủi ro và giải pháp nằm ở việc đa dạng hóa các nguồn nhiên liệu của chúng ta thông qua việc khai triển năng lượng sạch.”
“Chính phủ Biden–Harris đã đưa ra các công cụ mạnh mẽ như Đạo luật Giảm Lạm phát và Luật Cơ sở hạ tầng lưỡng đảng để giảm các chi phí và thúc đẩy các công nghệ năng lượng mới, đồng thời chúng tôi mong muốn tiếp tục xây dựng dựa trên một lịch sử hợp tác lâu dài xung quanh các mục tiêu chung về năng lượng sạch vốn sẽ mang lại an ninh nội địa và sự độc lập lớn hơn,” bà cho biết thêm.
Các nhà máy hạt nhân
Chính phủ Anh đã đẩy mạnh phát triển năng lượng hạt nhân kể từ khi chiến tranh ở Ukraine nổ ra.
Hồi tháng 11/2022, ông Shapps, lúc đó còn là bộ trưởng kinh doanh, xác nhận rằng chính phủ nước này đang cho phép xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới, Sizewell C, ở Suffolk ở duyên hải phía đông nước Anh.
Công ty Năng lượng EDF của Pháp, đang xây dựng lò phản ứng Hinkley Point C ở Somerset, là đối tác chính của dự án trị giá 20 tỷ bảng Anh (24 tỷ USD), trong đó Bộ Ngân khố sẽ đầu tư 700 triệu bảng Anh (840 triệu USD).
Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc ban đầu sở hữu 20% cổ phần trong Sizewell C. Tuy nhiên, ông Shapps cho biết công ty Trung Quốc này đã “được mua lại từ thỏa thuận về Sizewell” và “không còn tham gia” vào dự án trên.
Sự tham gia của Trung Quốc vào ngành năng lượng hạt nhân ở Anh bắt nguồn từ một thỏa thuận được Thủ tướng đương thời David Cameron và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thông qua vào năm 2015.
Tuy nhiên, sự khao khát của chính phủ Anh đối với đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng kể từ đó đã trở nên nhạt dần. Khi Đạo luật Đầu tư và An ninh Quốc gia được thông qua, việc một công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc trở thành đối tác chính trong một dự án cơ sở hạ tầng quan trọng của Anh không còn được xem là có thể chấp nhận được nữa.
Khí tự nhiên hóa lỏng
Bất chấp mục tiêu như đã tuyên bố của chính phủ Hoa Kỳ và Vương quốc Anh là hướng tới năng lượng tái tạo, Hoa Kỳ đã tăng cường đáng kể xuất cảng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang Vương quốc Anh và lục địa Âu Châu trong năm qua.
Theo dữ liệu từ Kpler, trong 11 tháng đầu năm 2022, xuất cảng LNG của Hoa Kỳ sang châu Âu đã tăng hơn 137% so với cùng thời kỳ năm 2021, cung cấp hơn một nửa lượng LNG nhập cảng của châu Âu, và giúp khu vực này bù đắp được lượng sụt giảm đến 54% trong các chuyến hàng bằng đường ống từ Nga.
Hồi tháng 12/2022, Downing Street đã công bố một “Liên doanh An ninh Năng lượng và Khả năng chi trả Anh-Mỹ,” theo đó hai nước sẽ hợp tác để bảo đảm “thị trường mang lại sự gia tăng bền vững trong việc cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho các kho cảng của Vương quốc Anh” từ Hoa Kỳ nhằm giảm biến động giá.
Hoa Kỳ sẽ cố gắng xuất cảng ít nhất 9–10 tỷ mét khối LNG trong năm tới thông qua các kho cảng của Vương quốc Anh, tăng hơn gấp đôi mức xuất cảng vào năm 2021, đồng thời cho biết thêm rằng điều đó sẽ “tốt cho cả Vương quốc Anh và các đồng minh Âu Châu.”
Theo chính phủ Anh, sáng kiến này có một “mục tiêu trước mắt” là ổn định các thị trường năng lượng và giảm nhu cầu, đồng thời tìm cách xây dựng khả năng phục hồi lâu dài bằng cách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các giải pháp thay thế “sạch.”
Bản tin có sự đóng góp của Chris Summers và PA Media.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times