Vua Charles đăng cơ trong sự kiện nghi lễ lớn nhất nước Anh trong vòng 7 thập niên
Vua Charles Đệ tam đã được trao vương miện tại Tu viện Westminster ở London trong sự kiện nghi lễ lớn nhất nước Anh trong vòng bảy thập niên.
Trước một nhóm gồm khoảng 100 nhà lãnh đạo thế giới và hàng triệu khán giả truyền hình, Tổng Giám mục Canterbury Justin Welby đã đặt Vương miện Thánh Edward 360 năm tuổi lên đầu vua Charles khi ông ngồi trên một ngai vàng có từ thế kỷ 14 ở Tu viện Westminster.
Vua Charles trở thành vị vua trị vì thứ 40 được đăng quang tại tu viện này — vốn là nhà thờ tổ chức các lễ đăng quang của quốc gia kể từ năm 1066.
Ở tuổi 74, ông là vị vua lớn tuổi nhất từng đăng cơ của Anh.
Người vợ thứ hai của ông, bà Camilla, 75 tuổi, sau đó đã lên ngôi hoàng hậu.
Buổi lễ này đã diễn ra sau hơn bảy tháng vua Charles trở thành quốc vương hồi tháng Chín năm ngoái (2022) sau khi thân mẫu của ông, Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị, băng hà sau 70 năm trị vì.
‘Màn trình diễn rực rỡ’
Lễ đăng quang này có quy mô nhỏ hơn so với lễ đăng quang được tổ chức cho Nữ hoàng Elizabeth hồi năm 1953, song vẫn cố gắng để thu hút sự chú ý, nổi bật với một loạt các biểu tượng lịch sử từ quả cầu vàng và các thanh kiếm nạm đá quý cho đến một vương trượng có viên kim cương cắt không màu lớn nhất thế giới.
Hàng chục ngàn người chúc mừng đã bất chấp cơn mưa nhẹ để tề tựu cổ vũ cho lễ rước hoàng gia và cuộc diễn hành quân sự cho lễ đăng quang này.
Thủ tướng Rishi Sunak cho biết, “Không một quốc gia nào khác có thể tổ chức một màn trình diễn rực rỡ như vậy — những đám rước, những cảnh quang hào nhoáng, những buổi lễ, và các bữa tiệc đường phố.”
Những lời cầu nguyện trong buổi lễ Cơ Đốc Giáo lấy chủ đề “Called to Serve” (Được kêu gọi để Phụng sự), một thuộc ngữ gắn liền với Nữ hoàng quá cố, người đã nguyện dâng hiến cuộc đời mình cho Khối thịnh vượng Chung.
Trước khi đăng cơ, đức tổng giám mục đã thuyết giảng trước 2,300 khách mời, một tập hợp gồm các nhà lãnh đạo thế giới, người nổi tiếng, các chính trị gia Vương quốc Anh, hoàng gia ngoại quốc, những người hùng là thường dân, và hoàng gia Anh.
Ông Welby bắt đầu bằng cách nói với những người có mặt: “Chúng ta ở đây để làm lễ sắc phong cho một vị vua, và chúng ta sắc phong cho một vị Vua để phụng sự.”
“Những gì trao đi ngày hôm nay là vì lợi ích của tất cả. Vì Đấng Jesus Christ đã công bố một vương quốc trong đó người nghèo và người bị áp bức được giải thoát khỏi xiềng xích bất công. Kẻ mù được thấy. Những người bị tổn thương và tan nát cõi lòng được chữa lành.”
Thưa chuyện với Vua Charles và Hoàng hậu Camilla, ông Welby nói: “Thưa Bệ hạ, gánh nặng của nhiệm vụ được giao hôm nay chỉ có thể chịu đựng được nhờ Đức Thánh Linh, người đã ban cho chúng ta sức mạnh để dâng hiến cuộc đời mình vì những người khác.”
Vua Charles đã dâng lên Lời cầu nguyện của Nhà vua, đây là lần đầu tiên một vị vua đã đọc to lời cầu nguyện với Chúa trong một lễ đăng quang, và ông đề cập đến nghĩa vụ của một vị vua là phụng sự tất cả các cộng đồng.
Ông nói với Tu viện Westminster: “Chúa của lòng trắc ẩn và lòng thương xót, con của Ngài được sai phái đến không phải để được phụng sự mà là để phụng sự, xin ban ân sủng để con có thể tìm thấy sự tự do hoàn hảo trong việc phụng sự Ngài và trong sự tự do đó, tìm thấy sự hiểu biết về lẽ thật của Ngài.”
“Xin hãy ban ân sủng để con có thể là một phước lành đối với tất cả con dân của Ngài, thuộc mọi đức tin và niềm tin, để chúng ta có thể cùng nhau khám phá những con đường của sự hòa nhã và được dẫn dắt vào những con đường hòa bình. Nhờ Đấng Jesus Christ, Chúa của chúng ta, amen.”
Sau nghi lễ này, Vua Charles và Hoàng hậu Camilla sẽ khởi hành trên cỗ xe Gold State Coach nặng bốn tấn được chế tạo cho Vua George Đệ tam, vị vua cuối cùng của các thuộc địa Anh ở Mỹ, đi tới Cung điện Buckingham trong đoàn diễn hành dài một dặm gồm 4,000 quân nhân từ 39 quốc gia.
Đây sẽ là màn diễn hành lớn nhất thuộc loại này ở Anh kể từ khi vương mẫu của Vua Charles đăng quang.
Nhiều người biểu tình bị bắt
Tuy nhiên, không phải tất cả đều đến đó để cổ vũ cho Vua Charles, hàng trăm người theo phong trào cộng hòa đã la ó và vẫy những biểu ngữ có nội dung “Không Phải Nhà Vua Của Tôi.”
Nghị viên thuộc Đảng Lao Động Clive Lewis, một trong những người phản đối chế độ quân chủ, cho biết, “Đó là một hệ thống bất bình đẳng và lỗi thời bởi vì hệ thống đó để cho một vị tỷ phú cha truyền con nối được sinh ra trong nhung lụa và đặc quyền, người mà về căn bản là tượng trưng cho sự bất bình đẳng về của cải và quyền lực trong xã hội của chúng ta.”
Nhóm vận động phản đối chế độ quân chủ Republic cho biết giám đốc điều hành Graham Smith của nhóm này cùng với năm thành viên trong nhóm của ông đã bị bắt trong thời gian chuẩn bị cho lễ đăng cơ.
Viết trên Twitter hồi sáng thứ Bảy (06/05), nhóm này cho biết: “Sáng nay, ông Graham Smith và 5 thành viên trong nhóm của chúng tôi đã bị bắt. Hàng trăm tấm biển biểu ngữ đã bị tịch thu. Đây có phải là nền dân chủ không?”
Ngay sau đó, 13 nhà hoạt động của nhóm khí hậu Just Stop Oil đã bị bắt tại đại lộ The Mall, gần Cung điện Buckingham.
Sau đó, Cảnh sát Đô thành đã xác nhận rằng một số người đã bị bắt vì bị tình nghi phạm các tội bao gồm gây rối trật tự công cộng và âm mưu gây phiền hà cho công chúng.
Bản tin có sự đóng góp của PA Media và Reuters
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times