Tổ chức bất vụ lợi của bà Hillary Clinton đã quyên góp 300,000 USD cho các nhà tài trợ của nhóm Just Stop Oil
Tổ chức của cựu ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton đã quyên góp hàng trăm ngàn dollar cho Quỹ Khẩn cấp Khí hậu, vốn tài trợ cho các nhà hoạt động môi trường thuộc nhóm Just Stop Oil (Hãy Chấm Dứt Dầu).
Theo các tài liệu thuế (pdf), tổ chức Onward Together (Cùng Nhau Hướng Tới) đã quyên góp 300,000 USD cho Quỹ Khẩn cấp Khí hậu có trụ sở tại Los Angeles.
Theo trang InfluenceWatch, tổ chức Onward Together đã được thành lập sau khi bà Clinton cùng ứng cử viên tổng thống đầy hy vọng của Đảng Dân Chủ Howard Dean thất bại trước cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2016.
Just Stop Oil cho biết họ nhận được phần lớn nguồn tài trợ — mà họ tuyên bố là “để tuyển dụng, đào tạo, xây dựng năng lực, và giáo dục” — từ Quỹ Khẩn cấp Khí hậu. Đây là tổ chức nhận nhiều tài trợ nhất của quỹ này, với khoản tiền là 1.1 triệu USD.
Trong báo cáo thường niên năm 2022 của mình (pdf), Quỹ Khẩn cấp Khí hậu đã cảm ơn tổ chức bất vụ lợi của bà Clinton, trong số các nhà tài trợ cao cấp khác, vì đã “đem đến những điều vượt quá mong đợi.” Báo cáo này không nêu rõ các khoản tài trợ của Onward Together được chi tiêu ra sao.
Just Stop Oil đang phản đối việc chính phủ trao các hợp đồng dầu mỏ mới cho các doanh nghiệp và đứng đằng sau một làn sóng hành động bất hợp pháp, chẳng hạn như chặn lối vào các trạm xăng và một đoạn đường cao tốc sầm uất nhất Vương quốc Anh, vi phạm lệnh của Tòa án Tối cao, v.v.
Tờ The Times đưa tin, các cuộc biểu tình của Just Stop Oil đã dẫn đến hơn 2,100 vụ bắt giữ và 138 bản án.
Quỹ Khẩn cấp Khí hậu đã trao hàng triệu dollar cho một mạng lưới các nhà hoạt động quốc tế mà họ gọi là “cánh đột phá của phong trào khí hậu toàn cầu.” The Epoch Times đã đặt câu hỏi với Quỹ Khẩn cấp Khí hậu và Just Stop Oil rằng liệu số tiền quyên góp có được chuyển thành phí pháp lý hay không.
Tiền mờ ám
Cây bút kiêm ký giả người Mỹ Robert Bryce, người đã đưa tin về chủ đề năng lượng và điện trong hơn ba thập niên, nói với The Epoch Times qua thư điện tử rằng “điều rõ ràng” là Quỹ Khẩn cấp Khí hậu và “các nhóm cấp tiến tương tự là một phần của ngành bài xích công nghiệp, một lĩnh vực của nền kinh tế toàn cầu đang thu về hàng tỷ dollar mỗi năm để tài trợ cho hoạt động xã hội chống hydrocarbon, chống hạt nhân.”
Ông Bryce đưa tin rằng các tổ chức phi chính phủ “tiền mờ ám” (“dark money”) đang thu được hàng trăm triệu dollar mỗi năm thường cố gắng “bắt buộc tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo phụ thuộc vào thời tiết, cản trở (hoặc ngừng) sản xuất hydrocarbon, ngăn chặn việc xây dựng cơ sở hạ tầng hydrocarbon mới, bắt buộc điện khí hóa tòa nhà, và tất nhiên, cấm sử dụng khí đốt tự nhiên trong các gia đình và doanh nghiệp.”
“Những nhóm này thường có mạng lưới liên kết giữa các giám đốc và các nhà tài trợ. Nguồn tài trợ của họ thường được che đậy một cách có chủ ý vì nguồn này đến từ các tổ chức phi chính phủ khác vốn không tiết lộ các nhà tài trợ của họ,” ông cho hay.
“Số tiền mờ ám này áp dụng cho Quỹ Khẩn cấp Khí hậu, vốn liệt kê hai tổ chức trong số các nhà tài trợ của họ. Những nhà tài trợ đó là Tổ chức Onward Together, vốn không tiết lộ các nhà tài trợ của mình và Tổ chức Earthsense,” ông cho biết thêm.
Lúng túng trước hoạt động gây quỹ cộng đồng
The Epoch Times nhận thấy các nhà chức trách Anh Quốc vẫn lúng túng trong việc thảo luận về mô hình của các nhóm hoạt động được nhận tài trợ từ quốc tế.
Vì Just Stop Oil không phải là một công ty hoặc tổ chức từ thiện được ghi danh chính thức, nên không phải tuân theo các quy tắc và quy định.
Hồi tháng Mười năm ngoái, nền tảng gây quỹ cộng đồng lớn nhất của Vương quốc Anh, Crowdfunder, đã đóng trương mục của Just Stop Oil. Nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc của Crowdfunder đã nói với The Epoch Times vào thời điểm đó qua thư điện tử rằng “tổ chức này không còn tuân thủ các điều khoản sử dụng của mình nữa” sau một loạt hành vi phá hoại.
Just Stop Oil hiện có một trương mục với một nền tảng huy động vốn từ cộng đồng do người Úc thành lập có tên là Chuffed. Trang web này là một phương tiện cho các động cơ cấp tiến, với một trương mục gây quỹ để những người cấp tiến ở Nigeria có thể theo đuổi một “cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.”
The Epoch Times đã liên lạc với trang Chuffed để đề nghị bình luận.
Do tính chất phổ biến của các hoạt động của Just Stop Oil và các vụ bắt giữ sau đó nên đã dẫn đến việc ban hành luật mới vốn trao cho cảnh sát nhiều quyền hơn để dập tắt các cuộc biểu tình nhanh hơn, bao gồm cả Dự luật Trật tự Công cộng, mà các nhà phê bình cho rằng có thể hạn chế quyền biểu tình ôn hòa.
The Epoch Times đã liên lạc với các cơ quan chính phủ cũng như các cơ quan quản lý tài chính, từ thiện, và gây quỹ, nhưng họ không thể bình luận về Just Stop Oil hoặc các chiến lược tài trợ quốc tế và vi phạm pháp luật của tổ chức trên vì tổ chức này nằm ngoài phạm vi quản lý của họ.
Hoạt động xã hội cánh tả
Tổ chức Onward Together, cũng giống như Quỹ Khẩn cấp Khí hậu, ủng hộ những gì họ cho là hữu ích cho phong trào cấp tiến.
Đến lượt mình, Quỹ Khẩn cấp Khí hậu là do bà Aileen Getty tài trợ một phần. Bà là một tỷ phú Hoa Kỳ có ông nội là ông trùm dầu mỏ J. Paul Getty. Bà Getty cùng với các nhà tài trợ giàu có, bao gồm doanh nhân nhiên liệu tái tạo Trevor Neilson và bà Rory Kennedy, con gái của cố Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy đã đồng sáng lập ra tổ chức này. Nhà tài trợ cho Quỹ Khẩn cấp Khí hậu kiêm đạo diễn phim Hollywood Adam McKay gần đây đã cam kết quyên góp gấp ba lần cho Just Stop Oil.
Quỹ Khẩn cấp Khí hậu khẳng định rằng họ “chỉ tài trợ cho các hoạt động hợp pháp, và chúng tôi được hướng dẫn bởi cố vấn pháp lý thông thạo về hoạt động xã hội và các phong trào xã hội.”
Tổ chức này tuyên bố rằng “việc cử các nhà hoạt động thay vì những nhà vận động hành lang sẽ tiết kiệm chi phí hơn khoảng ba lần.”
Trên trang sứ mệnh của mình, tổ chức này tuyên bố hợp tác với một “mạng lưới các nhà hoạt động quốc tế” được gọi là Mạng lưới A22, trong đó Just Stop Oil là một trong số đó, và họ sử dụng một phương pháp cụ thể để “thiết lập phản kháng dân sự trong nhân dân.” Quỹ Khẩn cấp Khí hậu cho biết Mạng lưới A22 đã tạo ra một “phương pháp đã được chứng minh để nhân rộng các cuộc biểu tình phá hoại.”
Quỹ Khẩn cấp Khí hậu là nhà tài trợ chính của Mạng lưới A22.
Hồi năm 2022, Quỹ Khẩn cấp Khí hậu đã tài trợ 5.1 triệu USD cho 44 nhóm.
Khi yêu cầu các nhà tài trợ tiềm năng “ủng hộ cuộc nổi dậy này,” một liên kết tuyên bố rằng “lịch sử cho chúng ta biết rằng cách nhanh nhất để tạo ra sự thay đổi mang tính chuyển biến thông qua phản kháng dân sự bền vững.” Liên kết này cũng yêu cầu “hãy giúp chúng tôi ủng hộ Just Stop Oil tại 10 nhóm khác trong Mạng lưới A22 để tuyển dụng hàng ngàn người mỗi ngày tham gia cuộc chiến vì nhân loại của chúng ta.”
Tờ The Guardian đưa tin, hồi tháng Năm, cảnh sát Đức đã tiến hành các cuộc truy quét trên toàn quốc đối với Last Generation (Thế Hệ Cuối Cùng), một tổ chức của Mạng lưới A22 do Quỹ Khẩn cấp Khí hậu tài trợ, vì nghi ngờ “thành lập hoặc trợ giúp một tổ chức tội phạm.” Vào thời điểm đó, một phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres đã bảo vệ các nhà hoạt động này và nói rằng “họ nên được bảo vệ.”
Tạp chí Time cho rằng nhà tâm lý học Margaret Klein Salamon, giám đốc điều hành của Quỹ Khẩn cấp Khí hậu, là người đứng sau chiến thuật của những người biểu tình ném súp vào [các tác phẩm] nghệ thuật. Trong một bài luận năm 2019, bà Salamon nói rằng “chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể để lan truyền sự thật về khí hậu, và xây dựng sức mạnh để phục vụ cho nhu cầu về phong trào khí hậu có quy mô như Đệ nhị Thế Chiến.”
Hồi tháng 11/2022, các nhà nghiên cứu tại viện nghiên cứu chính sách thuộc phái bảo tồn truyền thống Policy Exchange (Trao Đổi Chính Sách) đã điều tra Just Stop Oil và phát hiện ra rằng các thành viên của tổ chức này phải ký một hợp đồng trong đó họ cam kết vi phạm pháp luật.
Các nhà hoạt động được yêu cầu ký vào một văn bản, vốn dưới dạng biểu mẫu hiện đã bị xóa, có nội dung: “Tôi hiểu tầm quan trọng của hành động này trong bối cảnh nỗi kinh hoàng khôn tả sẽ xảy ra nếu khủng hoảng khí hậu và sinh thái không được giải quyết. Chỉ khi có một sự kiện đầy kịch tính trong cuộc đời, chẳng hạn như mất đi một người thân yêu hoặc bệnh tật, thì mới ngăn cản tôi tham gia vào hành động này.”
Biểu mẫu này cũng thể hiện một cam kết hành động vốn sẽ dẫn đến “ít nhất” một vụ bắt giữ.
Các nhà hoạt động đã phun sơn lên nhiều tòa nhà và hồi tháng 10/2022, các nhà hoạt động của Just Stop Oil đã tấn công bức tranh bình hoa hướng dương nổi tiếng của họa sĩ Van Gogh bằng cách ném một hộp sốt cà chua vào bức tranh và dính tay họ vào khung tranh.
“Cái gì đáng giá hơn, nghệ thuật hay cuộc sống?” cô Phoebe Plummer, một trong những nhà hoạt động này, cho biết.
Gần đây hơn, các nhà hoạt động đã đi bộ chậm trên những con đường đông đúc. Các chiến thuật khác bao gồm rải sơn bột tại các sự kiện nổi tiếng như Triển lãm hoa Chelsea và Giải Vô Địch Snooker Thế Giới.
Các trường đại học
The Epoch Times nhận thấy rằng mặc dù có rất nhiều nghiên cứu về cánh hữu ở các trường đại học Anh Quốc, nhưng lại có rất ít nghiên cứu tìm hiểu về các tổ chức môi trường cánh tả.
“Các trường đại học là những tổ chức ủng hộ nhiệt thành cho hoạt động xã hội,” ông Philip Kiszely, thành viên cao cấp của viện nghiên cứu chính sách thuộc phái bảo tồn truyền thống Diễn Đàn Tân Văn Hóa (New Culture Forum), nói với The Epoch Times. “Họ coi đó là một lối đi tắt của đạo đức thực hành. Đó là một cam kết có thể đo lường được. Một sự can thiệp.”
Diễn Đàn Tân Văn Hóa cho biết họ đang thách thức những quan điểm chính thống thống trị trong các thể chế xã hội, đời sống công cộng, và nền văn hóa rộng lớn hơn.
Ông Kiszely cho biết việc tuân thủ các hoạt động xã hội vì môi trường tại các trường đại học cũng tương tự như những luận điệu xung quanh việc chống phân biệt chủng tộc, nơi người ta phải khoe khoang các thành tích chống phân biệt chủng tộc.
“Thực tế là khi làm như vậy, quý vị nói ngôn ngữ của sự chia rẽ (kêu gọi các không gian chỉ dành riêng cho người da màu), chế nhạo (gọi mọi người là gammon – từ dành để chỉ trích người cực hữu), v.v., dường như không khiến các trường học đó bận tâm. Trên thực tế, họ tích cực khuyến khích điều đó,” ông Kiszely nói.
Ông Kiszely nói rằng “những người quá khích vì sinh thái này cũng giống như điều” mà người ta nói là “thuốc chữa còn tệ hại hơn cả bệnh tật.”
Theo ông, họ “tranh đấu cho ‘việc giảm phát triển’ như một biện pháp chống lại biến đổi khí hậu.”
“Điều này tất nhiên là thảm khốc; nhưng sự thuần khiết về tư tưởng đầy ám ảnh luôn đi kèm với một yếu tố tự trừng phạt bản thân nặng nề nhằm hối lỗi. Yếu tố này là một sự thay thế cho tư duy thực sự. Các trường đại học tràn ngập những học giả chống chủ nghĩa tư bản, vì vậy họ đương nhiên tán thành những cuộc tấn công nhằm vào sự giàu có như vậy (miễn là không ảnh hưởng đến họ),” ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng sinh viên “đã bị ép tiếp thụ một loạt các hoạt động hạn hẹp của nền chính trị và chủ nghĩa môi trường có tính chất đơn giản thái quá.”
Ông Kiszely nói rằng các trường đại học “không còn đưa ra một thử thách về trí tuệ nữa.”
Ông nói: “Các trường củng cố những ý tưởng đã có sẵn và khuyến khích mọi người nghĩ giống nhau.”
“Đó là cách dễ dàng hơn. ‘Các giá trị’ của họ (họ nói rất nhiều về các giá trị) cũng giống như ‘giá trị’ của giới truyền thông, các tập đoàn, và các nhóm phản kháng. Thay vì hoạt động như một nơi để trao đổi các ý tưởng, thì các trường lại bán một cách sống. Hoạt động xã hội chỉ là vậy, một cách sống. Nó chỉ phục vụ cho mục đích của chính nó. Và thứ này tạo ra ảo tưởng về giá trị — cho bản thân các cá nhân và cho những bằng cấp mà họ phải trả,” ông nói thêm.
Ông Kiszely lưu ý rằng có “nhiều cá nhân xuất sắc đang giảng dạy và nghiên cứu ở các trường đại học ở khắp mọi nơi trên đất nước này,” nhưng giáo dục đại học là “một lĩnh vực hoàn toàn bị các nhà hoạt động cấp tiến nắm giữ — và đó là vấn đề.”
Ông nói: “Càng ngày càng khó mà nghe được những tiếng nói bất đồng.”
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times