Hồ sơ mới cho thấy cách thức cuộc điều tra về Quỹ Clinton đã kết thúc
Hồ sơ mới được công bố cho thấy, các công tố viên liên bang đã từ chối đưa ra các cáo buộc chống lại Quỹ Clinton, khiến FBI phải đóng lại một cuộc điều tra về tổ chức này.
Theo hồ sơ này, hồi tháng 01/2021 Văn phòng Biện lý Liên bang Địa hạt Phía Đông Arkansas đã từ chối đưa ra các cáo buộc chống lại Quỹ Clinton.
Hồ sơ cho thấy việc làm đó đã khiến FBI đóng lại vụ án mà cục này đã điều tra trong nhiều năm.
The New York Times đã thu thập và đăng tải các tài liệu này (pdf), tuyên bố rằng họ đã thu được tài liệu thông qua một yêu cầu theo Đạo luật Tự do Thông tin (FOIA).
Trong khoảng thời gian bà Hillary Clinton đảm nhận chức vụ ngoại trưởng, bà là một trong chín thành viên của Ủy ban Đầu tư Ngoại quốc tại Hoa Kỳ (CFIUS) đã phê chuẩn việc bán phần lớn công ty sở hữu nhiều mỏ Uranium One cùng các dự án khác ở Hoa Kỳ cho một công ty nhà nước của Nga vào năm 2010. Cùng năm đó, ông Bill Clinton đã nhận được 500,000 USD từ một ngân hàng có liên kết với chính phủ Nga để diễn thuyết tại Moscow. Quỹ Clinton cũng đã nhận được các khoản đóng góp từ các viên chức Uranium One trước khi có lệnh phê chuẩn và đã không tiết lộ các khoản tiền này, mặc dù đã đồng ý làm như vậy trước khi bà Clinton trở thành ngoại trưởng.
Sau khi các khoản đóng góp đã được biết đến vào năm 2015, quỹ này cho biết trong một tuyên bố rằng họ “đã phạm phải sai lầm.”
“Nhưng chúng tôi đang nhanh chóng hành động để khắc phục những sai lầm đó, và đã thực hiện các bước để bảo đảm những lỗi lầm như vậy không xảy ra trong tương lai,” quỹ này tuyên bố.
Bà Clinton từng nói, những tuyên bố cho rằng bà đã nhận hối lộ để chấp thuận thương vụ này đã được “lật tẩy nhiều lần.”
Các mốc thời gian mới được tiết lộ cho thấy, cuộc điều tra về quỹ do gia đình nhà Clinton khởi xướng đã chỉ kéo dài đến một vài ngày trước khi Tổng thống Donald Trump rời nhiệm sở.
Ông Trump đã đánh bại bà Clinton trong cuộc bầu cử năm 2016 trước khi thua Tổng thống Joe Biden vào năm 2020.
Ông Biden nhậm chức vào ngày 20/01/2021.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) và cả các văn phòng biện lý liên bang đều từ chối bình luận. Quỹ Clinton đã không phúc đáp các truy vấn.
Các công tố viên có ‘thẩm quyền cao nhất’
Nhà phân tích tình báo giám sát đã về hưu của FBI, ông George Hill, nói với The Epoch Times rằng ngay cả khi có những vụ việc có bằng chứng rõ ràng, các công tố viên vẫn là người đưa ra quyết định cuối cùng về việc có truy tố hay không.
Ông cho biết, các công tố viên có “thẩm quyền cao nhất.”
Từng là người đồng giám sát lực lượng đặc nhiệm điều tra vụ đánh bom tại cuộc thi Marathon Boston, ông Hill nhớ lại việc trình bày những gì ông xem là bằng chứng xác đáng cho thấy một phụ nữ biết về vụ đánh bom, nhưng vị công tố viên đặc trách vào thời điểm đó đã từ chối truy tố.
Các nhân viên FBI thu thập bằng chứng và trình bày vụ việc cho các công tố viên, những người sẽ xem xét bằng chứng trước khi đưa ra một quyết định về việc truy tố.
Trong các cuộc điều tra hình sự, việc công tố viên từ chối truy tố thường có nghĩa là cuộc điều tra bị đình chỉ, ông Kyle Seraphin, một cựu đặc vụ FBI vừa trở thành người tố cáo gần đây, nói với The Epoch Times.
“Một khi quyết định về việc có truy tố không được đưa ra xong, thì tất cả là chuyện đã rồi. Không có nơi nào khác để đi với nó,” ông nói.
Ngược lại, một cuộc điều tra phản gián hoặc chống khủng bố vẫn có thể được tiếp tục ngay cả khi công tố viên từ chối truy tố, trong lúc đó các đặc vụ sẽ tìm cách thu thập thêm bằng chứng.
Bằng chứng bị tiêu hủy
Sau khi vụ án Quỹ Clinton được khép lại, các quan chức đã tiêu hủy bằng chứng.
Một tài liệu trong hồ sơ cho biết: “Tất cả các bằng chứng thu thập được trong quá trình điều tra này đã được trả lại hoặc bị tiêu hủy.”
Theo các cựu đặc vụ FBI, đó là quy trình bình thường trong trường hợp vụ án được khép lại.
“Không có lý do gì để giữ lại bằng chứng khi cuộc điều tra đã được đóng lại,” ông Steve Friend, người đã nêu lên những lo ngại về việc FBI được cho là đã vi phạm chính sách của chính họ trong cuộc điều tra về vụ xâm phạm Điện Capitol Hoa Kỳ vào ngày 06/01/2021, nói với The Epoch Times.
Các cựu đặc vụ cho biết rằng các thông tin nhạy cảm hơn, chẳng hạn như thông tin từ các nguồn tin mật, có thể đã được giữ lại.
FBI đã không phúc đáp yêu cầu bình luận của The Epoch Times trước thời điểm phát hành bản tin này.
Các cựu đặc vụ này cho biết, mặc dù quy trình vẫn như bình thường, nhưng cách thức diễn ra sự việc thật đáng ngờ.
“Họ có thể sắp xếp thời gian một cách quan liêu để có thể sử dụng tấm bình phong ‘không thể bình luận về một cuộc điều tra đang diễn ra’ dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump. Sau đó, khi chính phủ Tổng thống Biden nắm quyền, họ đóng cuộc điều tra lại và tiêu hủy bằng chứng, vì vậy bây giờ họ không thể cung cấp bằng chứng cho Quốc hội,” ông Friend nói. “Thế là quá tiện rồi còn gì.”
Vì bà Clinton là ứng cử viên tổng thống nên quyết định đóng vụ án có thể rơi vào tay các quan chức hàng đầu trong DOJ, các cựu đặc vụ cho biết.
Cuộc điều tra kéo dài nhiều năm
Theo báo cáo của Biện lý Đặc biệt John Durham, cuộc điều tra về quỹ này bắt đầu từ tháng 01/2016. Báo cáo này cho biết, các văn phòng FBI ở Washington, New York, và Little Rock, Arkansas, đã mở các cuộc điều tra về hoạt động tội phạm tiềm ẩn, trong đó có cáo buộc rằng các chính phủ ngoại quốc “đã đóng góp hoặc đề nghị đóng góp cho Quỹ để đổi lấy sự đối xử ưu ái hoặc thiên vị từ bà Clinton.”
Ít nhất một trong số các cuộc điều tra đã dựa trên tường thuật của ông Peter Schweizer trong cuốn sách “Clinton Cash” của ông.
Vì bà Clinton là một ứng cử viên tổng thống và ba văn phòng khác nhau đang điều tra bà, nên “có một sự cần thiết trong nhận thức về việc tiến hành các cuộc họp phối hợp giữa các văn phòng địa phương, Trụ sở FBI, và các văn phòng Biện lý Hoa Kỳ thích hợp cũng như các bộ phận từ Bộ,” báo cáo Durham nêu rõ.
Trong một cuộc họp vào ngày 01/02/2016, quan chức Bộ Tư pháp Raymond Hulser đã từ chối truy tố, mặc dù ông nói rằng quyết định này là “không mang tính ràng buộc” đối với các biện lý Hoa Kỳ hoặc các bộ phận địa phương của FBI. Trong cuộc họp thứ hai vào tháng đó, Phó Giám đốc FBI Andrew McCabe đã chỉ thị các văn phòng khép lại các cuộc điều tra, nhưng sau khi bị phản đối, ông đã đồng ý xem xét lại. Vào cuối cuộc họp, các quan chức được thông báo rằng bất kỳ bước điều tra nào cũng cần được ông McCabe cho phép, đây là một hạn chế vẫn luôn được áp dụng cho đến tháng 08/2016.
Vào ngày 01/08/2016, các quan chức ở Washington và Arkansas được thông báo rằng các vụ án đang được hợp lại thành một ở New York, nơi các công tố viên sau đó đã từ chối đưa ra trát đòi hầu tòa “mặc dù trước đó đã bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc điều tra này.”
The New York Times đưa tin, vụ án sau đó được chuyển đến Arkansas, nơi các công tố viên đã ban hành trát lệnh yêu cầu các đặc vụ FBI truy xuất hồ sơ của các nhà tài trợ cho quỹ này.
Một phát ngôn viên của quỹ này nói với các hãng truyền thông rằng báo cáo của Biện lý Durham “nhấn mạnh điều đã rõ trong nhiều năm — chưa bao giờ có bất kỳ hành vi sai trái nào từ phía Quỹ Clinton.” Một phát ngôn viên nói với The New York Times rằng tổ chức này đã “chịu các cáo buộc có động cơ chính trị mà không có cơ sở thực tế.”
“Báo cáo của ông Durham chứng minh rằng ban lãnh đạo của FBI và DOJ đã cố tình bảo vệ chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton trong khi tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ về chiến dịch tranh cử của ông Trump,” Dân biểu Barry Moore (Cộng Hòa-Alabama) nói với The Epoch Times qua thư điện tử, đề cập đến cựu Tổng thống Donald Trump.
“Việc này nên khiến mọi người dân Mỹ lo lắng. Các cơ quan được cho là đứng ngoài chính trị và tập trung vào việc bảo vệ người dân Mỹ thì dường như lại tập trung vào việc gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử để giúp đỡ các thành viên Đảng Dân Chủ. Ủy ban Tư pháp Hạ viện, mà tôi là một thành viên, đã mời ông Durham ra làm chứng. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm sự thật và làm việc để buộc chính phủ bị vũ khí hóa này chịu trách nhiệm.”
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times