Ông Durham: FBI lẽ ra không nên điều tra toàn diện chiến dịch tranh cử của cựu TT Trump
Biện lý Đặc biệt John Durham cho biết FBI lẽ ra không nên tiến hành một cuộc điều tra toàn diện về chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump, khi đó đang là một ứng cử viên tổng thống, dựa trên thông tin tình báo chưa được xác thực.
Vào tháng 07/2016, trong vòng ba ngày kể từ khi nhận được tin từ các quan chức Úc rằng cố vấn chiến dịch tranh cử của ông Trump, ông George Papadopoulos, cho biết nhóm của ông Trump đã nhận được một đề nghị từ Nga rằng họ có thể giúp tiết lộ thông tin gây tổn hại cho Đảng Dân Chủ, thì FBI đã chọn mở một cuộc điều tra toàn diện, thay vì tiến hành một bước khiêm tốn hơn.
“Dựa trên cuộc điều tra của chúng tôi, đó không phải là cơ sở hợp pháp để mở một cuộc điều tra toàn diện,” ông Durham cho biết hôm thứ Tư (21/06) trong lần đầu tiên công bố về một báo cáo mà nhóm của ông đã thực hiện.
FBI đã quyết định không kiểm tra cơ sở dữ liệu của chính họ hoặc cơ sở dữ liệu của các cơ quan tình báo khác hoặc thực hiện các hành động điển hình khác trước khi tiến hành một cuộc điều tra toàn diện. Các đặc vụ cũng không phỏng vấn các nhà ngoại giao Australia.
Nếu FBI làm như vậy, họ “chắc hẳn sẽ biết rằng các chuyên gia phân tích người Nga dày dạn kinh nghiệm của họ không hề có thông tin nào về việc ông Trump có liên quan đến các quan chức lãnh đạo Nga, cũng như không có ai khác ở các vị trí nhạy cảm tại CIA, NSA, và Bộ Ngoại giao biết về bằng chứng liên quan đến nhân vật này,” ông Durham cho biết trong báo cáo của mình.
“Họ cứ tiến hành ngay một cuộc điều tra toàn diện,” ông Durham nói với các thành viên Quốc hội trong một phiên điều trần ở Capitol Hill.
Văn phòng FBI đã không phúc đáp một đề nghị bình luận. Họ đã nói rằng họ đã thực hiện các cải tổ trong những năm gần đây để ngăn chặn “những sai lầm” được xác định trong báo cáo nêu trên.
Ông Durham kết luận rằng FBI có một nghĩa vụ là phải đánh giá thông tin được truyền từ Úc, nhưng nói rằng Cục lẽ ra nên thực hiện một bước khiêm tốn hơn bằng cách mở một cuộc điều tra sơ bộ hoặc bắt đầu một cuộc đánh giá.
Các quy tắc của FBI cho phép mở một cuộc đánh giá để kiểm tra những lời tuyên bố đồng thời có thể mở cuộc điều tra sơ bộ về thông tin cho rằng một tội phạm liên bang hoặc mối đe dọa đối với an ninh quốc gia “có thể” đang xảy ra. Chỉ sau khi tiến hành điều tra sơ bộ thì mới có thể mở một cuộc điều tra toàn diện, miễn là có “một cơ sở thực tế rõ ràng cho cuộc điều tra đó” cho thấy tội phạm đó hoặc mối đe dọa đó có thể đang xảy ra và cuộc điều tra “có thể thu thập được thông tin liên quan đến hoạt động đó.”
Ngày 31/07/2016, chỉ ba ngày sau khi nhận được thông tin từ Úc, quan chức FBI đương thời Peter Strzok đã mở một cuộc điều tra toàn diện được gọi là Crossfire Hurricane về ông Papadopoulos. Ông Strzok đã nói rằng Phó Giám đốc FBI đương thời Andrew McCabe, người sau đó đã bị sa thải vì khai man, đã chỉ thị cho ông mở cuộc điều tra này. Ông Strzok đã nhiều lần bày tỏ sự thù hận đối với ông Trump, bao gồm cả việc nói trong một tin nhắn văn bản rằng “chúng tôi sẽ ngăn” ông Trump trở thành tổng thống.
Cuộc điều tra Crossfire Hurricane được mở để điều tra xem liệu những người có liên quan đến chiến dịch tranh cử của ông Trump có “biết và/hoặc phối hợp các hoạt động với chính phủ Nga hay không.” Chỉ vài ngày sau khi mở cuộc điều tra, FBI cũng bắt đầu điều tra ba quan chức khác trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, trong đó có ông Carter Page.
Các quan chức FBI đã bảo vệ việc nhanh chóng mở cuộc điều tra toàn diện này bằng cách nêu ra cách mà Nga có thể liên quan đến các tài liệu do WikiLeaks công khai và những nỗ lực của Nga nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016, cũng như việc ông Trump nói trong một sự kiện vận động tranh cử rằng ông hy vọng Nga có thể tìm thấy những thư điện tử bị thất lạc.
Văn phòng của ông Durham đã thu thập được bằng chứng cho thấy ông McCabe và các quan chức khác tại trụ sở FBI ở Hoa Thịnh Đốn đồng lòng ủng hộ việc mở cuộc điều tra này và rằng không có dấu hiệu nào cho thấy họ suy xét mở một cuộc đánh giá hoặc điều tra sơ bộ.
Mở một cuộc điều tra toàn diện sẽ cung cấp một số quy định nhất định, trong đó có khả năng do thám người Mỹ. FBI đã nhanh chóng tìm cách để có được những trát lệnh theo dõi ông Papadopoulos và ông Page. Họ đã không nhận được sự cho phép theo dõi ông Papadopoulos. Họ đã được chấp thuận cho phép theo dõi ông Page sau khi đưa các cáo buộc từ hồ sơ của ông Christopher Steele, do chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton tài trợ, vào đơn đề nghị.
Ông Durham nói với Quốc hội rằng FBI “đã quá quyết tâm chấp nhận và sử dụng nghiên cứu đối lập được điều phối và tài trợ chính trị, chẳng hạn như hồ sơ Steele” và rằng Cục đã dựa vào hồ sơ này mặc dù biết rằng hồ sơ đó có khả năng được đối thủ chính trị của ông Trump trợ giúp, thậm chí ngay sau khi Tổng thống đương thời Barack Obama và những người khác đã được thông báo về thông tin tình báo rằng chiến dịch tranh cử của bà Clinton đang làm việc để “khuấy động một vụ bê bối liên kết ông Trump với Nga.”
Ông Michael Horowitz, tổng thanh tra của Bộ Tư pháp, cho biết vào năm 2019 rằng FBI có lý khi mở một cuộc điều tra toàn diện.
Tổng chưởng lý đương thời William Barr, người sau này đã bổ nhiệm ông Durham, đã không đồng ý.
“Báo cáo của tổng thanh tra hiện làm rõ rằng FBI đã tiến hành một cuộc điều tra xâm phạm một chiến dịch tranh cử tổng thống Hoa Kỳ dựa trên những nghi ngờ nhỏ nhất mà, theo quan điểm của tôi, là không đủ để biện minh cho các hành động đã được thực hiện,” ông Barr nói vào thời điểm đó.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times