Người có ảnh hưởng trực tuyến đăng meme về bà Hillary Clinton bị kết tội can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016
Một người đàn ông đăng meme về chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 đã bị kết tội âm mưu chống lại quyền bầu cử vào hôm thứ Sáu (31/03).
Một tuyên bố do Tòa án Địa hạt Phía Đông New York đưa ra hôm thứ Sáu cho biết, “Ông Doulass Mackey, còn gọi là ‘Ricky Vaughn’, hôm nay đã bị một bồi thẩm đoàn liên bang ở Brooklyn kết tội về tội Âm mưu Chống lại Các quyền xuất phát từ kế hoạch tước bỏ quyền bầu cử hiến định của các cá nhân.”
Các thành viên của bồi thẩm đoàn đã nhất loạt đi đến phán quyết sau chưa đầy một tuần cân nhắc bắt đầu từ chiều hôm thứ Hai (27/03) sau thời gian tranh luận kéo dài một tuần.
Nhân vật trực tuyến của anh Mackey, “Ricky Vaughn” — được mệnh danh theo tên một nhân vật chính trong bộ phim hài thể thao “Major League” (Giải Đấu Lớn) — có hơn 50,000 người theo dõi trực tuyến trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, điều này khiến tiếng nói ủng hộ Đảng Cộng Hòa của anh trong cuộc bầu cử năm 2016 thường xuyên được lan truyền rộng rãi.
Anh Mackey đang bị xét xử với cáo buộc âm mưu chống lại quyền bầu cử của mọi người bằng các meme — hay nói chung là các hình ảnh châm biếm trực tuyến — bao gồm một hình ảnh mô tả một phụ nữ người Mỹ gốc Phi Châu đứng trước một tấm biển “Người Mỹ gốc Phi Châu ủng hộ bà Hillary.” Meme này hướng dẫn mọi người bỏ phiếu bằng tin nhắn trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Mặc dù Bộ Tư pháp (DOJ) đã truy tố nhiều hình thức can thiệp bầu cử khác — ví như bạo lực — trường hợp của anh Mackey là một vụ đầu tiên trong lịch sử, trong đó cáo buộc gian dối đang được tranh luận như một hình thức can thiệp bầu cử, ông Eugene Volokh, giáo sư tại Trường Luật Đại học California-Los Angeles (UCLA) chuyên về Luật Tu chính án thứ Nhất, đã nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng Ba.
Anh Mackey sẽ bị kết án vào ngày 16/08/2023 và phải đối mặt với mức án tối đa là 10 năm tù.
Âm mưu hay chỉ là châm biếm?
Dựa trên meme đó và hồ sơ các cuộc thảo luận trực tuyến giữa anh Mackey và những người bạn của anh, Bộ Tư pháp đã buộc tội anh Mackey âm mưu chống lại quyền bầu cử.
Các nhà chức trách đã bắt giữ anh Mackey hồi tháng 01/2021 theo cáo buộc đó, và đại bồi thẩm đoàn đã truy tố anh trong vòng hai tuần sau khi anh bị bắt.
Theo bằng chứng của các công tố viên được trình bày trước tòa, các bài đăng trên Twitter của anh Mackey gồm một bài đề nghị hạn chế “cử tri gốc Phi Châu đi bầu”, một tuyên bố mà các công tố viên cho biết ủng hộ cáo buộc rằng anh Mackey có ý định âm mưu can thiệp vào cuộc bầu cử. Trên bục nhân chứng, anh Mackey mô tả đó là một bài viết theo lối nói “phóng đại.”
Nhưng theo luật sư bào chữa của anh Mackey, ông Andrew Frisch, thì meme đó và các bài đăng trên Twitter của anh Mackey rõ ràng là những trò đùa và không thể xem như là một nỗ lực nghiêm túc nhằm âm mưu chống lại phe đối lập với đảng chính trị ưa thích của anh Mackey.
“Tại sao ai đó lại chia sẻ một meme rằng quý vị nên bỏ phiếu cho Tổng thống Hoa Kỳ (POTUS)… mà không tiết lộ tên của quý vị… hoặc chứng minh rằng quý vị đủ tuổi bỏ phiếu?” ông Frisch đưa ra câu hỏi mà không cần câu trả lời, chỉ vài phút sau khi bên công tố đưa ra tuyên bố mở đầu của họ. Ông Frisch nói rằng các meme của anh Mackey chỉ mang tính châm biếm trong mắt một người bình thường.
“Cảm giác khi quý vị vô tình đăng một meme và meme đó xuất hiện trên truyền hình cáp,” ông Frisch trích dẫn một thông điệp mà anh Mackey đã gửi cho những người bạn của mình, nhấn mạnh từ “vô tình.”
Mặc dù một tổn thất đáng kể — trong trường hợp này là quyền bầu cử của người dân bị tước đoạt — không bắt buộc phải có để có thể buộc tội âm mưu, nhưng chính phủ cho biết trong phiên tòa rằng phiếu bầu của người dân đã bị “bốc hơi” bởi “những tờ rơi kỹ thuật số” của anh Mackey.
“Vào hoặc gần và trước Ngày Bầu Cử năm 2016, đã có ít nhất 4,900 số điện thoại độc nhất nhắn tin ‘Hillary’ hoặc chữ tương tự tới số 59925, số này đã được sử dụng trong nhiều hình ảnh chiến dịch lừa đảo do ông Mackey và các đồng phạm của ông ta đăng trên Twitter,” tuyên bố hôm thứ Sáu của DOJ cho biết.
Luật sư bào chữa của anh Mackey cho biết 4,900 tin nhắn kể trên đã được gửi đi sau khi tài khoản Twitter của anh Mackey bị đình chỉ và sau các bản tin truyền thông về các meme của anh Mackey. Luật sư Frisch nói rằng 4,900 tin nhắn đã được gửi đi vì các hãng truyền thông đưa tin về các meme của anh Mackey hơn là vì để trả lời các meme của anh Mackey.
Dự định kháng cáo
Trong phiên tòa, lời khai của nhân chứng do bên công tố viên đưa ra cho thấy các thành viên chiến dịch tranh cử của bà Clinton đã trình báo meme của anh Mackey cho các nhà quản lý chiến dịch cấp trên trong chu kỳ bầu cử năm 2016, nhưng những nhà quản lý đó đã bác bỏ mối lo ngại của họ. Khi luật sư Frisch chất vấn các công tố viên về bằng chứng này, bên công tố đã không phủ nhận về giá trị thực tế của bằng chứng này nhưng lưu ý rằng bằng chứng từ nhân viên chiến dịch tranh cử của bà Clinton không nên được xem như là bằng chứng ủng hộ hoặc phản đối cáo buộc âm mưu.
Mặt khác, ông Frisch nói trong phiên tòa này rằng bằng chứng đó cho thấy chính phủ đã giữ lại bằng chứng miễn tội, viện dẫn án lệ Brady kiện Maryland, một vụ án năm 1963 mà Tối cao Pháp viện cho rằng các công tố viên phải cung cấp bằng chứng miễn tội cho luật sư bào chữa. Ông Frisch nói rằng việc chính phủ giữ lại bằng chứng đã gây tổn thất một cách không thể vãn hồi đối với những lời tuyên bố mở đầu của ông tại phiên tòa và yêu cầu tòa tuyên bố một phiên xét xử vô hiệu do sai sót trong thủ tục tố tụng.
Tòa án đã từ chối yêu cầu của ông Frisch, thẩm phán nhận xét rằng tòa án không nên tuyên bố một phiên tòa xét xử vô hiệu khi có sẵn các biện pháp ít quyết liệt hơn, bao gồm cả việc tái thẩm vấn các nhân chứng về bằng chứng kể trên.
Luật sư Frisch nói với The Epoch Times trong một tuyên bố hôm thứ Hai rằng anh Mackey dự định kháng cáo bản án này.
“Vụ án này đặt ra một loạt vấn đề phúc thẩm bất thường cần phải theo đuổi,” ông Frisch cho biết trong một tuyên bố. “Tòa phúc thẩm sẽ có quyền lựa chọn vấn đề nào để hủy bỏ bản án. Họ có thể chọn làm như vậy trên cơ sở Tu chính án thứ Nhất, hoặc dựa trên việc chính phủ giữ thông tin miễn tội, hoặc dựa trên việc thiếu bằng chứng về địa điểm, trong số các vấn đề khác.”
“Tôi lạc quan rằng bản án này sẽ được bác bỏ.”
Các câu hỏi liên quan
Giáo sư Volokh đã đề ra ba tranh chấp pháp lý có thể xảy ra khi kháng cáo mà theo ông, phán quyết của tòa phúc thẩm có thể tạo tiền lệ cho việc phát ngôn trực tuyến.
“Một lập luận có thể đưa ra là Tu chính án thứ Nhất chỉ cho quý vị quyền nói dối về các cuộc bầu cử và về cách quý vị có thể bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử,” ông Volokh nói. “Quý vị có thể tưởng tượng rằng Tu chính án thứ Nhất thường bảo vệ ngay cả những lời nói dối về chính phủ — không phải là bảo vệ những lời nói dối về cá nhân cụ thể, đó sẽ là hành vi phỉ báng,” ông Volokh nói trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm thứ Sáu. “Đồng thời, có một số lý do để nghĩ rằng nếu quý vị muốn nói dối về… nơi cuộc bầu cử sẽ được tổ chức, hoặc khi nào nó sẽ được tổ chức, hoặc đúng hơn là cách thức bỏ phiếu — những lời nói dối về các quy định bỏ phiếu, điều có lẽ là có thể bị hạn chế theo Hiến Pháp.”
Theo ông Volokh, câu hỏi thứ hai sẽ nảy sinh khi kháng cáo là liệu luật liên bang quy định về âm mưu chống lại các quyền có mở rộng cho các tuyên bố về các quy định bầu cử ngoài cách giải thích hiện tại của luật này, vốn cấm can thiệp bầu cử thông qua bạo lực, cản trở thể chất, hoặc uy hiếp đe dọa hay không.
“Nếu thế thì luật này có thể trở nên quá rộng,” giáo sư nói. “Rốt cuộc nó có thể bao hàm sự can thiệp bằng cách chỉ cần đưa ra những cáo buộc sai sự thật về tác dụng của một dự luật bỏ phiếu, điều này trên thực tế có thể khiến nó trở nên quá rộng — là một hạn chế quá lớn đối với phát ngôn về các chiến dịch.”
“Điểm cuối cùng sẽ được đưa ra thảo luận… là, xét theo ngữ cảnh thì đây có phải là một lời nói dối không? Hay đây là một trò đùa?” ông nói. “Tôi nghĩ rằng rất nhiều người nhìn vào tấm áp phích này và nói, ‘Hahaha, đây rõ ràng chỉ là một trò đùa,’ theo lý thuyết thì ai đủ ngu ngốc để tin điều này? Bởi vì, tất nhiên, mọi người đều biết rằng quý vị có thể bỏ phiếu bằng tin nhắn. Vì vậy, tôi cho rằng đó sẽ là một phần của cuộc tranh luận.”
Ông James Lawrence, luật sư của nhóm vận động pháp lý cho anh Mackey, Quỹ Bảo vệ Douglass Mackey, nói với The Epoch Times rằng chính phủ đang sử dụng một đạo luật mơ hồ để truy tố anh Mackey, và vụ việc này có thể có ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tự do ngôn luận của người Mỹ.
“Đây là một luật được thông qua sau cuộc Nội chiến, có mục đích bảo vệ quyền bầu cử của những nô lệ mới được giải phóng ở miền Nam thời hậu nội chiến,” ông Lawrence nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng Ba.
“Nếu giả thuyết của chính phủ thắng thế trong trường hợp này và cuối cùng chính phủ thành công trong việc truy tố anh Douglass Mackey, thì quyền Tu chính án thứ Nhất của tất cả người Mỹ có khả năng bị ảnh hưởng bởi vì, tùy thuộc vào chính phủ nào nắm quyền, án lệ này có thể được sử dụng để làm suy yếu hoặc phá hoại các Quyền Hiến Định của bất kỳ ai, nếu họ có quan điểm chính trị khác với những người đang nắm quyền.”
Ông nói, vụ truy tố này đề cập một cách đáng chú ý đến khả năng sử dụng châm biếm của người Mỹ, vốn đã được viện đến trong suốt lịch sử để chỉ trích chính phủ.