Vụ việc ông Tần Cương lại bị tiết lộ, chuyên gia phân tích ‘mạng nhện’ đáng sợ của ĐCSTQ
Hồi năm ngoái, cựu Ngoại trưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tần Cương (Qin Gang) đột nhiên biến mất và bị cách chức. Nội tình vụ việc vẫn đang không ngừng được hé lộ. Gần đây, giới truyền thông Hoa Kỳ đã lặp lại các tin cũ về ông Tần Cương như chuyện ngoại tình, làm gián điệp v.v.. Đồng thời, bổ sung thêm một số chi tiết như chuyện ông Tần Cương có mối quan hệ tình ái với bà Bành Lệ Viện (Peng Liyuan), và kẻ thù không đội trời chung của ông ấy là ông Vương Nghị (Wang Yi), v.v. Bà Thịnh Tuyết (Sheng Xue), chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc hiện đang sống ở Canada, tin rằng một số tin đồn có thể là ‘thêm mắm dặm muối’, nhưng xung đột nội bộ của ĐCSTQ chính là xấu như vậy. Trong “mạng nhện” khổng lồ và đáng sợ của ĐCSTQ, không ai có thể thoát khỏi kết cục bi thảm.
Hôm 12/02, tờ Washington Post đã đăng bài báo của ông David Ignatius, tác giả chuyên mục cấp cao. Bài báo này dựa vào nội dung phỏng vấn một quan chức cấp cao của chính phủ Hoa Kỳ, một cựu quan chức có quan hệ với Bắc Kinh và là một nhà ngoại giao.
Trước tiên, bài báo đề cập đến chuyện ngoại tình của ông Tần Cương và phóng viên tuyên truyền của ĐCSTQ Phó Hiểu Điền (Fu Xiaotian) đã được loan tin trước đây. Bà Phó có một đứa con do một phụ nữ Hoa Kỳ ‘đẻ thuê’. Có thông tin cho rằng bà Phó là đặc vụ của cơ quan tình báo Anh quốc và các hoạt động gián điệp của bà có thể đã đe dọa ông Tần. Cựu quan chức Hoa Kỳ cho biết, về vấn đề này, Tổng cục An ninh Liên bang Nga trước đây đã từng cảnh báo Bộ An ninh Quốc gia của ĐCSTQ.
Nhưng quan chức Hoa Kỳ này cho rằng có một lý do khác khiến ông Tần mất quyền lực, đó là việc ông Tần thăng tiến nhanh chóng trong Bộ Ngoại giao đã làm dấy lên sự bất bình trong các đồng nghiệp. Ông ấy và người tiền nhiệm Vương Nghị cũng nảy sinh “huyết hải thâm thù.”
Nghe nói, ông Tần đã thiết lập mối liên kết bền chặt với ông Tập Cận Bình (Xi Jinping) nhờ sự giúp đỡ của bà Lâm Diễm (Lin Yan), vợ ông Tần. Bà Lâm đã làm bánh trung thu cho vợ ông Tập Cận Bình là bà Bành Lệ Viện, cơ hồ giống như một thành viên trong gia đình. Mối quan hệ chặt chẽ của ông Tần với gia đình ông Tập có thể đã giúp ông bỏ qua những nấc thang thăng tiến thường thấy ở Trung Quốc, và vươn lên vị trí Ngoại trưởng khi còn khá trẻ.
Các quan viên được thăng chức hay giáng chức dựa trên mối quan hệ mật thiết với lãnh đạo và phù hợp với logic chính trị
Hôm 14/02, bà Thịnh Tuyết nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng tấm màn bên trong vụ án của ông Tần đang được thảo luận sôi nổi. Lần này, người ta cho rằng việc ông Tần thăng tiến nhanh chóng trong Bộ Ngoại giao là nhờ vào mối quan hệ cá nhân với ông Tập Cận Bình và mối quan hệ giữa vợ ông với bà Bành Lệ Viện. Điều này rất phổ biến và hợp logic trong cơ cấu quyền lực của ĐCSTQ.
“Hệ thống quyền lực của ĐCSTQ không có bất kỳ sự công bằng, công chính, công khai hay bất kỳ thủ tục hợp lý, hợp pháp nào. Mọi người đều tranh giành các mối quan hệ. Trong đó chắc chắn sẽ đầy rẫy những âm mưu và các cuộc đấu tranh sinh tử. Rất nhiều sự tình của các quan chức này cũng tương tự các quan chức thế hệ trước của ĐCSTQ.”
Bà Thịnh Tuyết lấy ví dụ, ông Chu Tiểu Hoa (Zhu Xiaohua), cựu Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Everbright Trung Quốc, người được mệnh danh là vị tướng được yêu thích của Thủ tướng Chu Dung Cơ (Zhu Rongji) lúc bấy giờ, đã ngã ngựa trong mâu thuẫn nội bộ vì thăng tiến quá nhanh.
“Hồi năm 2001, tôi đã có một cuộc phỏng vấn độc quyền về trường hợp của ông Chu Tiểu Hoa. Ông Chu vốn là một thanh niên có học thức, chen ngang vào hàng ngũ. Sau đó ông làm cán bộ nhỏ trong một ngân hàng ở Thượng Hải. Trong một lần tình cờ, ông Chu Dung Cơ đánh giá rất cao ông ấy và không ngừng thăng chức cho ông Chu Tiểu Hoa. Ở tuổi 44, ông Chu Tiểu Hoa được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc kiêm Giám đốc Cục Quản lý Ngoại hối quốc gia. Sau đó, ông tiếp tục được thăng chức làm Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Everbright và được phái đến Hồng Kông. Đây là một cán bộ còn rất trẻ và đầy triển vọng, nhưng rất nhanh đã bị người trong nội bộ tố cáo, bị kết án 15 năm tù vì tội nhận hối lộ.”
Ông Chu Tiểu Hoa bị điều tra vào năm 1999 và bị kết án 15 năm tù hồi tháng 08/2002. Vợ ông ấy đã tự sát ở Chicago, Hoa Kỳ, vào năm 2002 sau khi biết chuyện.
Bà Thịnh Tuyết cho biết, ngày nay xem xét lại tội nhận hối lộ của ông Chu Tiểu Hoa, có thể nói rằng căn bản không thể định tội. Bà đã từng thấy một bức thư do con gái của ông Chu Tiểu Hoa viết cho ông Chu Dung Cơ, xưng là “ông nội Chu.” Điều này cho thấy họ xác thực có một mối quan hệ bất thường. Nhưng chính mối quan hệ bất thường này đã khơi dậy sự đố kỵ của người ngoài, bức ông ấy đến tử lộ.
Xung đột nội bộ trong ĐCSTQ tạo ra cục diện xấu xí, các quan chức đều mắc vào ‘mạng nhện khủng bố’
Vụ việc của ông Tần Cương cũng giống như trường hợp của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu), vì thông tin không minh bạch nên dẫn tới rất nhiều đồn đoán.
Bà Thịnh Tuyết cho biết, trước đây khi các quan chức cấp cao của ĐCSTQ bị cách chức, chính quyền thường sẽ đưa ra một lý do. Dù một số lý do là bịa đặt hoặc ‘tự thị nhi phi’, nhưng họ sẽ luôn đưa ra một lời giải thích cho thế giới bên ngoài. Hiện tại, chưa có lời giải thích chính thức nào được đưa ra về những gì đã xảy ra với ông Tần Cương, ông Lý Thượng Phúc, v.v. Điều này làm nổi bật tính ngang ngược và đa nghi của ông Tập Cận Bình. Ông ta không quan tâm đến trình tự thủ tục chứ đừng nói đến đạo đức.
“Đấu tranh nội bộ trong ĐCSTQ vẫn luôn không dừng. Ngày nay nó đã hình thành một cục diện vô cùng xấu xí. Bất cứ ai cũng có thể bị tập kích. Trong Lực lượng Hỏa tiễn do chính ông Tập Cận Bình thành lập, hai chỉ huy đã mất tích, một phó chỉ huy bị bắt, một người khác tự sát. Bây giờ nghe nói hàng chục tướng cấp trung và cấp cao đang bị điều tra.”
Tin đồn ông Tần Cương dính líu đến gián điệp cũng tràn lan. Bà Thịnh Tuyết cho biết, có người nói ông Tần là gián điệp của Nga, cũng có người nói bà Phó Hiểu Điền là gián điệp của Anh hoặc gián điệp của Hoa Kỳ. Một số tin tức có thể là thông qua vài hiện tượng bề ngoài, ‘thêm mắm dặm muối’ để phân tích. Nhưng có một điểm, bản thân ĐCSTQ là một hệ thống băng đảng vô cùng nghiêm khắc và nghiêm mật. Một khi có người trở thành kẻ phản bội, ĐCSTQ chắc chắn sẽ hạ thủ tàn nhẫn hơn.
Bà Thịnh Tuyết cho hay, trong vài thập niên qua, hệ tư tưởng mà ĐCSTQ tuân theo trước đây đã hoàn toàn sụp đổ. Ngày nay, ngoại trừ bản thân ông Tập Cận Bình, không ai còn coi trọng chủ nghĩa cộng sản, người ta phần nhiều đều theo đuổi quyền lực, tiền bạc, địa vị, và lợi ích.
“Bây giờ ĐCSTQ đã hình thành một hệ tư tưởng mới từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Chỉ cần lợi ích này đủ khiến họ dao động thì những chuyện như gián điệp, đặc vụ không còn là vấn đề đối với các đảng viên ĐCSTQ nữa. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi một ngày nào đó có bằng chứng cho thấy bà Phó Hiểu Điền là gián điệp của Anh, hay ông Tần Cương là gián điệp của Nga.”