Vở vũ kịch đặc sắc ‘Thuyền cỏ mượn tên’
Năm 2015, vở vũ kịch “Thuyền cỏ mượn tên” do Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun sáng tác đã giúp khán giả có được cảm nhận vô cùng mới lạ, tái hiện một cách đặc sắc câu chuyện thần cơ diệu toán gần hai nghìn năm về trước.
Tấm màn lớn của sân khấu mở ra, tiếng kèn Pháp hùng hồn vang lên, bầu không khí như ngưng đọng. Chỉ thấy nước sông cuồn cuộn, sương mù dày đặc, từng chiếc từng chiếc chiến thuyền đang tiến về phía trước. Gia Cát Lượng mặc bộ y phục màu trắng, nhẹ nhàng phe phẩy chiếc quạt lông. Đối diện với bóng đêm nặng nề vô định, trong lòng ông dường như có một niềm tin rất vững chắc. Các binh sĩ ra sức chèo thuyền, tiến về hướng doanh trại của quân Tào. Khi gần đến thủy trại của đối phương, Gia Cát Lượng ra lệnh cho binh sĩ nổi trống và hò hét. Tiếng trống khiến quân Tào bắn tên ra như châu chấu, bắn trúng người rơm được buộc chặt trên những chiếc thuyền. Rất nhanh sau đó, Khổng Minh đã thu được hơn mười vạn mũi tên, thắng lợi trở về.
Vở vũ kịch dài không quá bốn phút, tình tiết cô đọng. Âm nhạc vô cùng xuất sắc, âm thanh của kèn đồng cùng với tiếng vĩ cầm, đàn nhị hồ và đàn tỳ bà dung hợp xen kẽ, nhịp điệu ngắn gọn và tiết tấu nhanh tái hiện việc quân cấp bách khẩn trương, làm cho câu chuyện từng bước được đẩy đến cao trào. Vũ đạo và phông nền phối hợp nhuần nhuyễn, tạo nên hiệu quả đặc biệt kỳ diệu, khiến cho sân khấu và sông nước mênh mông liên kết thành một mảng, cảm giác sống động như thật. Sự kết hợp giữa vũ đạo điêu luyện của các nghệ sĩ múa và phục sức biểu diễn tinh tế thanh tao, mang đến cho khán giả cảm giác say mê thán phục.
Tác phẩm dựa theo nội dung câu chuyện trong Hồi thứ 46 của “Tam Quốc Diễn Nghĩa,” kể về sự việc diễn ra trước trận Xích Bích năm 208 sau Công nguyên: Gia Cát Lượng viết quân lệnh trạng với Chu Du, bảo đảm nội trong ba ngày sẽ có đủ mười vạn mũi tên. Thấy rằng kỳ hạn đã đến gần, mưu sĩ của Đông Ngô là Lỗ Túc cảm thấy lo lắng cho ông. Gia Cát Lượng bèn mời Lỗ Túc cùng đội thuyền của ông đi “lấy tiễn.” Đoạn này trong nguyên tác viết: “Lỗ Túc nói: ‘Tiên sinh đúng là Thần nhân! Làm sao biết được ngày hôm nay sương mù nhiều như vậy?’ Khổng Minh đáp: ‘Làm tướng mà không thông thiên văn, không tường địa lý, không biết kỳ môn, không hiểu âm dương, không biết trận đồ, không rõ trận thế, là tầm thường rồi.’”
Gia Cát Lượng là chính trị gia, quân sự gia, nhà phát minh nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, được ca ngợi là mẫu mực điển hình về trí tuệ và lòng trung nghĩa. Mặc dù có người cho rằng trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” miêu tả về ông có phần “cường điệu,” nhưng thành tựu trị quốc và phẩm cách cao thượng của ông thì ai ai cũng đều phải ghi nhận.
Về phương diện quân sự, Gia Cát Lượng từng dựa trên cơ sở “cổ bát trận” mà bày ra “Bát trận đồ,” đồng thời lưu lại một phần nội dung và khu di tích Tam thạch trận (ba trận đồ bằng đá). Theo ghi chép trong “Tấn thư ‧ Đế kỷ đệ nhất,” sau khi Gia Cát Lượng qua đời, Tư Mã Ý từng quan sát cách bài binh bố trận và doanh trại do quân Thục Hán lưu lại, ông đã ca ngợi Gia Cát Lượng là bậc “Thiên hạ kỳ tài.” Trong “Tấn thư” và các sách sử thời Nam Bắc triều có rất nhiều ghi chép liên quan đến bát trận, trong đó thuyết minh đầy đủ ảnh hưởng của bát trận đối với các tướng lĩnh đời sau.
Gia Cát Lượng rất tài trí và sáng tạo, ông phát minh ra các khí cụ như “Khổng Minh đăng” (đèn Khổng Minh), nỏ liên hoàn, trâu gỗ ngựa máy v.v. Tương truyền, khi Gia Cát Lượng bị vây khốn ở thành Bình Dương, không cách nào để có thể gọi quân đến cứu viện. Sau khi xem xét hướng gió, ông đã chế ra chiếc đèn lồng bằng giấy biết trôi bồng bềnh theo gió, đem thư cầu cứu buộc ở phía trên. Nhờ vậy, cuối cùng đội quân của ông đã có được viện binh và may mắn thoát khỏi nguy hiểm. Loại đèn lồng này được gọi là “Khổng Minh đăng,” nó cũng chính là khởi nguồn của khinh khí cầu sau này.
Cung nỏ sau khi được Gia Cát Lượng cải tiến, có thể liên tục bắn ra mười mũi tên, hỏa lực rất mạnh. Ông còn chế tạo phương tiện chuyên chở “trâu gỗ ngựa gỗ,” cấu tạo của nó rất giống trâu, ngựa, chân của chúng do đục gỗ mà thành. Tương truyền, trâu gỗ ngựa gỗ này có thể chở được trên dưới bốn trăm cân, mỗi ngày “đi đơn lẻ được hơn mười dặm, đi thành đoàn được ba mươi dặm,” cung cấp lương thực cho mười vạn đại quân nước Thục. Hơn nữa, chúng không cần ăn uống, chỉ dựa vào chuyển động đầu lưỡi liền có thể đi lại như thường, được xem là nguyên mẫu robot sớm nhất trên thế giới.
Ngoài ra, Gia Cát Lượng còn rất am hiểu thư pháp và hội họa, các tác phẩm tản văn và thơ ca của ông cũng vô cùng xuất sắc. Bài “Xuất sư biểu” của ông đã được lưu danh thiên cổ, lời lẽ mộc mạc, thẳng thắn và chân thành, tình cảm chan chứa, thể hiện rõ tấm lòng trung quân ái quốc của ông. Một số câu đối trong bài không chỉ có vẻ đẹp về kết cấu văn tự, mà còn phản ánh phẩm đức và tinh thần của ông. Ví như: “Thị vệ chi thần bất giải vu nội, trung chí chi sĩ vong thân vu ngoại” (Tạm dịch: Bề tôi thị vệ trong hoàng cung tận tụy, quân sĩ trung trinh ngoài chiến trận quên mình); “Cẩu toàn tính mệnh vu loạn thế, bất cầu văn đạt vu chư hầu” (Tạm dịch: Bảo toàn tính mạng lúc loạn thế, không cầu danh tiếng truyền chư hầu); “Thụ nhậm vu bại quân chi tế, phụng mệnh vu nguy nan chi gian” (Tạm dịch: Nhậm chức giữa lúc bại quân, phụng mệnh ngay trong nguy khó) v.v.
Trong “Giới tử thư,” Gia Cát Lượng đã lưu lại danh ngôn: “Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn,” ý rằng: Không phải lúc đạm bạc không thể rõ ý chí, không an tĩnh thì không thể tiến xa. Triết lý nhân sinh của ông có ảnh hưởng sâu sắc đối với hậu thế, đồng thời thể hiện sự điềm đạm an nhiên, không màng danh lợi trong giá trị quan truyền thống của Trung Quốc.
Thi nhân Đỗ Phủ nổi tiếng triều Đường đã biểu đạt sự kính phục và tưởng nhớ về Gia Cát Lượng trong bài thơ “Thục tướng”:
“Tam cố tần phiền thiên hạ kế,
Lưỡng triều khai tế lão thần tâm.
Xuất sư vị tiệp thân tiên tử,
Trường sử anh hùng lệ mãn khâm.”
Tạm dịch:
“Mưu vì trăm họ ba lần đến
Phò tá hai vua một tấm lòng
Bình giặc chưa xong người vội khuất
Nghìn thu còn đẫm lệ anh hùng.”
(Bản dịch của Dịch giả Bùi Khánh Đản)
“Thuyền cỏ mượn tên” – một vở vũ kịch ngắn gọn mà tinh diệu, đồng thời hàm chứa bao kiến thức lịch sử và nội dung đáng để chúng ta tìm tòi nghiên cứu! Với sứ mệnh phục hưng văn hóa truyền thống Trung Hoa, Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun đã mang đến vẻ đẹp nghệ thuật đa phương diện, với những tiết mục vũ đạo và âm nhạc mỹ diệu, cùng nội hàm văn hóa sâu xa, dẫn dắt chúng ta lãnh hội sự sâu rộng huyền bí của văn minh năm nghìn năm Trung Hoa.
Mời quý vị thưởng thức trọn Tác phẩm của Shen Yun “Thuyền cỏ mượn tên”;
Và nghe trọn Nguyên tác âm nhạc của Shen Yun “Thuyền cỏ mượn tên.”
Video này là một phần trong bộ sưu tập gói cao cấp của Tác Phẩm Shen Yun.
Nhận quyền truy cập để xem video đầy đủ bằng cách đăng ký ngay hôm nay!
✓ Truy cập không giới hạn tất cả video nguyên tác của Shen Yun
✓ Thưởng thức trên tất cả thiết bị, mọi lúc, mọi nơi
✓ Bắt đầu 7 ngày dùng thử miễn phí
✓ Đăng ký tại: https://www.shenyuncreations.com/vi-VN/subscription
The Epoch Times tự hào là một nhà tài trợ của Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun. Chúng tôi đã đưa tin về phản hồi của khán giả từ những ngày đầu thành lập Shen Yun vào năm 2006.
Hoan nghênh quý vị tìm hiểu thêm tại:
Cao Thiên Vận thực hiện
Lâm Phương Vũ biên tập
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ