Vô tình cưới thê tử bị bệnh, chàng trai đã làm thế nào?
Vào thời nhà Thanh, ở Hoài Nam có một chàng thư sinh tên là Trần Kỳ, sống ở núi Vũ Tích. Gia đình sống dựa vào nghề làm nông và buôn bán nhỏ, cuộc sống có chút khá giả. Khi Trần Kỳ 15 tuổi, chàng rất thích đọc sách. Mẫu thân chàng là Hoàng Thị chỉ có một người em trai, tên là Hải Khách, sống ở một quận nào đó ở Quảng Tây. Ông làm ăn buôn bán ở nơi ấy, kiếm được rất nhiều tiền. Sau này, mẫu thân của Trần Kỳ sinh bệnh, khi sắp qua đời, bà nói: “Sau khi mẫu thân mất đi, phụ thân con nhất định sẽ tái hôn. Nếu sau này kế mẫu đối đãi với con không tốt, cuộc sống khó khăn, thì con có thể đến Quảng Tây tìm kiếm và nương dựa vào cậu ruột của mình.” Bà còn lén đưa Trần Kỳ vài chục lượng bạc mà bản thân đã dành dụm được, để làm lộ phí đi đường. Trần Kỳ khóc nhận lấy số bạc ấy.
Sau khi mẫu thân qua đời, phụ thân chàng tái giá với Ô Thị. Quả nhiên, lòng dạ bà ấy vô cùng nham hiểm và tàn độc, sự tình diễn ra y như những gì mẫu thân quá cố của chàng nói. Dù chỉ là một khắc thì họ cũng không thể hòa hợp được với nhau. Trần Kỳ liền đi đến mộ của mẫu thân khóc lóc thảm thiết. Sau đó, chàng để lại một lá thư bên cạnh gối của phụ thân, rồi bỏ nhà ra đi.
Trần Kỳ trèo non lội suối, đi tận nửa năm mới đến được quận nọ ở Quảng Tây. Nhưng lộ phí đã cạn kiệt mà không có lấy một chút tin tức nào về người cậu. Một ngày nọ, chàng đi đến phía đông ngoại thành thì gặp được một ông lão. Ông lão hỏi: “Sao cậu lại rơi vào tình cảnh này?” Trần Kỳ liền kể ra quê quán của mình và lý do tại sao chàng tìm đến người cậu ruột. Ông lão lặng lẽ nhìn Trần Kỳ và hỏi: “Cậu ruột của cậu họ Hoàng tên là Hải Khách, người có khuôn mặt rỗ, có phải không?” Trần Kỳ đáp: “Đúng vậy.” Ông lão lại nói: “Ông Hải Khách đã qua đời ở đây rất lâu rồi. Tôi đã uống rượu kết giao với ông ấy, nên tôi đã mua quan tài và an táng cho ông ấy dưới gốc cây liễu lớn bên cạnh am ni cô Đông Quách. Trên mộ có dựng một tấm bia nhỏ.” Trần Kỳ cúi đầu cảm ơn ông lão. Chàng đi thẳng đến nơi ông lão chỉ, quả nhiên nhìn thấy phần mộ của người cậu. Ngày hôm ấy, vì không còn nơi nào để đi, Trần Kỳ đành tá túc một đêm tại am ni cô.
Bởi vì không còn cách nào khác để sinh sống, Trần Kỳ đã quay lại và cầu xin sự giúp đỡ của ông lão. Ba ngày sau, ông lão đưa cho chàng một chiếc áo choàng làm bằng vải thô và nói rằng: “Tôi nghèo nàn nên không có gì cho cậu cả, mong cậu có thể cảm thông cho tôi. May mắn thay, trên núi ở huyện lân cận có một phú hộ nọ, họ Khưu tên Tử Mộc, ông ta là người họ hàng xa của tôi. Lão phu nhân có một người con gái tên là Lệ Ngọc, bằng với tuổi cậu. Cô ấy vô cùng xinh đẹp. Tuy cậu nghèo khó, nhưng tướng mạo lại tuấn tú, cử chỉ hành động lại nho nhã. Nơi đây không có ai có thể tương xứng với cậu. Tôi đã thay cậu viết thư xin xe duyên kết tóc, cậu hãy đến phủ đệ của Khưu Viên ngoại đi. Trần Kỳ nghĩ rằng mình lâm vào tình cảnh quẫn bách, đã đến bước đường cùng, nên chàng đành cầm theo bức thư và lên đường.”
Trần Kỳ đi tới trước một cánh cổng cao lớn và trang nghiêm của đệ phủ, người gác cổng nhận thư và đi vào trong.
Viên ngoại cùng thê tử đi ra gặp mặt Trần Kỳ. Họ nói: “Con gái Lệ Ngọc của tôi xưa nay vẫn luôn được chúng tôi yêu chiều. Tôi không muốn gả con gái đi xa, thế nhưng vẫn chưa tìm được một chàng rể nào khôi ngô tuấn tú cả. Hôm nay chắc hẳn cậu đã được sợi chỉ đỏ dẫn dắt. Điều này thật sự là có duyên từ tiền kiếp, hy vọng hai người có thể nên duyên vợ chồng.” Trần Kỳ rời khỏi chỗ ngồi lên tiếng “Dạ”. Sau khi trịnh trọng bày tỏ lòng biết ơn, chàng lại khéo léo nói: “Con cảm thấy rất hổ thẹn vì bản thân là người không đáng để người khác dựa vào. Có thể trèo cao và cưới được thiên kim tiểu thư nhà phú ông là điều con luôn hy vọng. Thế nhưng, thực tế là do con muốn tìm người cậu ruột nên mới đến đây. Sau khi kết hôn ba, bốn ngày, con sẽ chuẩn bị để quay trở về nhà. Sau khi hoàn thành xong mọi việc, con sẽ quay về quý phủ. Vì vậy con không thể không bẩm báo với các vị trưởng bối.” Khưu Viên ngoại đáp: “Lòng hiếu thảo của công tử sao có thể làm trái được, hãy để ta chuẩn bị cho con năm trăm lượng bạc để làm lộ phí.” Trần Kỳ vui mừng khôn xiết, cung kính đáp lời.
Đến ngày thành hôn, tiếng đàn sáo vang vọng, đèn đuốc chiếu sáng khắp mọi nơi. Một vài người hầu dẫn chàng vào phòng trong thay bộ y phục mới. Khưu Lệ Ngọc kiều diễm từ phòng trong bước ra, cùng Trần Kỳ bái lạy. Sau đó, họ được dẫn vào động phòng. Trần Kỳ lấy quạt ra để nhìn người con gái ấy. Nàng mang vẻ đẹp diễm lệ, yêu kiều mà ngay cả giọt sương trên hoa sen, ráng mây mù trên hoa đào cũng không thể sánh được. Trần Kỳ trong lòng dâng trào cảm giác hạnh phúc. Lệ Ngọc không tự chủ được cũng lén vén tấm vải che để nhìn tân lang, khuôn mặt nàng ẩn giấu sự mệt mỏi và tiều tụy. Trần Kỳ không biết nguyên nhân bên trong, chàng bước tới bên cạnh, ấm áp an ủi tân nương, giúp nàng tháo trang sức xuống. Khưu Lệ Ngọc dùng tay đẩy chàng ra. Khi Trần Ngọc bước lại gần nàng một lần nữa, thì Lệ Ngọc liền bật khóc. Đợi cho đến khi xung quanh không còn ai, Lệ Ngọc mới đóng cửa lại, nhỏ giọng nói: “Lang quân có biết mình sắp mất mạng không?”. Trần Kỳ đáp: “Ta không biết.” Lệ Ngọc lại hỏi: “Lang quân từ đâu tới? Chàng định đi tới đâu? Tại sao không nói rõ ràng với thiếp.” Trần Kỳ đem mọi chuyện của mình kể cho nàng nghe. Khưu Lệ Ngọc thở dài, muốn nói gì đó nhưng lại thôi. Trần Kỳ nhận thấy sự tình có chút thay đổi, chàng quỳ xuống đất, cầu xin nàng thương mình.
Khưu Lệ Ngọc nói: “Thiếp thấy cách hành xử của lang quân cảm động lòng người, trong tâm cảm thấy không nỡ, vì vậy thiếp sẽ nói cho chàng một bí mật. Thiếp là nữ nhân bị bệnh phong. Nơi này nằm ở biên giới Quảng Tây. Thế hệ này có rất nhiều mỹ nữ được sinh ra, nhưng họ đều mắc một loại bệnh kỳ lạ. Khi các nữ tử đến 15 tuổi, những gia đình giàu có sẽ dùng hàng ngàn lượng bạc, dẫn dụ những người khách ở phương xa đến để kết hôn giả. Đợi sau khi động phòng, khí độc sẽ chuyển hết cho nam nhân. Lúc đó, nữ nhân mới cùng gia đình mình tính đến chuyện hôn nhân, lúc ấy họ mới tìm người để kết hôn thật sự. Nếu sau 15 tuổi, những cô gái ấy vẫn không thoát khỏi căn bệnh này, thì độc tố sẽ lập tức phát tán, da trở nên khô, tóc sẽ bị xoăn. Lúc đó sẽ không có ai muốn cưới cô ấy nữa. Nếu người từ phương xa đến để thành hôn vì ham muốn tiền tài, thì sau ba, bốn ngày, trên cổ họ sẽ nổi mẩn đỏ, bảy tám ngày sau toàn thân sẽ ngứa ngáy. Một năm sau, tay chân sẽ co quắp lại, không thể duỗi ra được nữa. Cho dù có danh y như Biển Thước, Hoa Đà cũng không thể chữa khỏi.”
Sau khi Trần Kỳ nghe xong, thì bất giác hiểu ra sự tình. Chàng khóc nói: “Ta một mình đến đây cả ngàn dặm, gánh nặng cũng rất lớn, cầu xin nương tử thương xót ta, có thể cho ta lén chạy thoát khỏi nơi này không?” Khưu Lệ Ngọc nói: “Không được đâu! Nơi đây để kiếm được một nam nhân vô cùng khó. Khi lang quân tiến vào cổng, xung quanh và ngoài phòng đều có rất nhiều hạ nhân cường tráng mai phục. Họ cầm theo đao lớn, gậy gộc để ngăn chặn chàng chạy trốn.” Trần Kỳ khóc nói: “Ta mất mạng cũng không có gì đáng tiếc. Điều đáng buồn là ở nhà còn có cha già, không có người chăm sóc.” Khưu Lệ Ngọc lại nói: “Thiếp tuy rằng là nữ tử, nhưng cũng hiểu về danh dự và tiết tháo. Thiếp vẫn luôn hận bản thân mình sinh ra ở một nơi như thế này, chỉ nguyện chết, chứ không nguyện sống. Xin lang quân hãy tạm thời mặc quần áo và ngủ với thiếp trong ba ngày. Sau khi chàng nhận được tiền tài thì hãy quay trở về quê hương. Sau khi thiếp phát bệnh cũng sẽ không ở lại dương thế lâu đâu. Cầu xin lang quân sau khi quay trở về nhà, hãy dựng một bài vị, trên đó viết ‘bài vị của nguyên phối đã kết tóc se tơ Khưu Lệ Ngọc’. Có như vậy thì thiếp mới có thể nhắm mắt nơi suối vàng.” Nói xong, cô ôm hai cánh tay, lặng lẽ rơi nước mắt.
Trần Kỳ vô cùng đau lòng, chàng xót xa nói: “Này! Nàng vừa thành thân với ta thì đã qua đời. Ta không cưới nàng thì ta cũng mất mạng. Chi bằng chúng ta cùng nhau uống thuốc độc, kiếp sau lại kết nhân duyên nhé? Lệ Ngọc đáp: “Không được. Xin chàng hãy để lại địa chỉ, thiếp sẽ khâu nó bên trong y phục. Đợi đến một ngày nào đó, khi thiếp từ phương xa tới thăm hỏi cha mẹ chồng thì vẫn sẽ nhận được một bát mì thô.” Tuy Trần Kỳ đã để lại địa chỉ của mình, nhưng nước mắt chàng lại không ngừng rơi xuống. Đôi phu thê trẻ cùng nằm trên giường ngủ, đắp chung tấm chăn bông. Trần Kỳ đôi lần không kiềm chế được cảm xúc của bản thân, Lệ Ngọc dịu dàng an ủi và trấn an chàng ấy.
Ngày hôm sau, quả nhiên Khưu Viên ngoại cùng phu nhân xem Trần Kỳ như người xa lạ. Buổi tối ngày hôm ấy, Lệ Ngọc làm giả ba, bốn vết tích màu son đỏ trên cổ của Trần Kỳ. Nàng nói: “Được rồi.” Đồng thời, Lệ Ngọc còn tặng riêng cho chàng hai chiếc vòng tay bằng vàng và bạch ngọc, xem chúng là vật định ước cho lần gặp sau này. Lệ Ngọc đau lòng nói: “E rằng khi chàng quay trở lại đây, cây cối trước mộ thiếp đã um tùm cả rồi.” Vào ngày thứ hai, quả nhiên Khưu Viên ngoại thực hiện đúng lời hứa của mình, ông tặng cho Trần Kỳ năm trăm lượng bạc, xua tay bảo chàng rời đi.
Trần Kỳ nhanh chóng thuê một chiếc thuyền lớn, bốc quan tài của người cậu lên, rồi chở về phía nam. Khi Trần Kỳ trở về nhà, chàng chỉ thấy phụ thân đã già của mình. Kế mẫu đã qua đời, phụ thân chàng tiếp tục lấy một nô tỳ làm thiếp. Người cha già thấy con trai đã trở về thì cảm nhận được sự an ủi. Lại nhìn thấy số tiền tài và vật phẩm mà chàng đem về, ông nghĩ đó là tài sản mà người em vợ đã để lại, nên cũng không hỏi gì nhiều. Sau khi Trần Kỳ chôn cất quan tài của người cậu xong thì chàng mua thêm rất nhiều đất. Phụ thân của Trần Kỳ rất giỏi nấu rượu, nên họ bắt đầu trồng lúa nước và mở xưởng rượu, thu về được rất nhiều tiền. Trần Kỳ còn đi học trở lại.
Khưu Viên ngoại thấy Trần Kỳ đã rời đi thì cho rằng độc trong người con gái mình nhất định đã hết rồi. Ông bèn nhờ người mai mối tìm mối hôn sự cho con gái. Bệnh tình của Khưu Lệ Ngọc bỗng nhiên phát tác, nàng được chẩn đoán bị bệnh phong. Viên ngoại gắng sức dò hỏi, nhưng Lệ Ngọc chỉ nén nước mắt không trả lời. Phu nhân kiểm tra cơ thể nàng, phát hiện nàng vẫn còn trinh tiết. Khưu phu nhân vừa khóc vừa mắng: “Nha đầu bệnh hoạn con thật vô dụng, con không muốn sống nữa sao?” Hơn một tháng trôi qua, bệnh của Khưu Lệ Ngọc ngày càng chuyển nặng, họ bèn gửi nàng đến nơi dành cho người bị bệnh phong.
Khi Khưu Lệ Ngọc vào nơi dành cho người bị bệnh phong, nàng đã nhiều lần treo cổ tự vẫn, nhưng lại thấy một ông lão mặt rỗ có âm giọng phương nam đến cứu nàng. Về sau, Lệ Ngọc muốn chạy trốn, ông lão vui vẻ đồng ý làm người dẫn đường. Ông nói: “Lão phu họ Hoàng, người Hoài Nam, tiểu nương tử cô không phải muốn đi tìm Trần Kỳ sao? Ta và cậu ấy đã từng gặp nhau. Chúng ta có thể cùng nhau đi tìm cậu ấy, tôi cũng đang muốn đến Hoài Nam.” Lệ Ngọc nghĩ bản thân đã bị chứng bệnh không thể chữa khỏi, lại bởi vì ông lão tuổi đã cao, nên nàng liền vui vẻ đi cùng ông.
Vừa đến đất Sở, lộ phí đã cạn kiệt. Họ chỉ có thể dựa vào xin ăn để sống. Ông lão thổi sáo, còn khưu Lệ Ngọc viết bài “Nữ trinh mộc khúc” hát rong ven đường để kiếm sống. Đi tận nửa năm, họ mới đến được Hoài Nam. Khi sắp đến thôn làng, ông lão chỉ về phía xa và nói: “Cô hãy đi theo hướng nam, lấy ngôi nhà có cánh cổng làm bằng đá màu vàng kia làm chuẩn. Cô có thể tự đi rồi, ta phải đi xa đây. Chỉ mong cô nhắn gửi cho cha con nhà Trần Kỳ rằng Hải Khách xin bái tạ.” Nói xong, ông lão liền biến mất tăm mất tích.
Khưu Lệ Ngọc đi đến ngôi nhà có cánh cửa đá màu vàng kia, nàng thấy một ông lão ngồi bên cửa, trông rất giống với Trần Kỳ, nàng nghi ngờ đây là cha chồng của mình. Lệ Ngọc liền đem câu chuyện xa xôi từ ngàn dặm của mình tỉ mỉ kể cho ông ấy nghe. Ông Trần nói: “Trần Kỳ là con trai của ta. Sự tình mà cô kể với ta, rất khó để ta lập tức tin tưởng. Trần Kỳ đang tham gia kỳ thi mùa thu ở Kim Lăng, vài ngày sau sẽ trở về. Chỉ có ở trước mặt Trần Kỳ, ta mới có thể biết được lời cô nói là thật hay giả.” Lệ Ngọc nghe xong, nàng khấu đầu chào ông như thực hiện lễ nghi với cha chồng. Cô tạm thời tá túc trong một am ni cô.
Không lâu sau, Trần Kỳ quay trở về. Trần ông hỏi chàng về chuyện của Lệ Ngọc, chàng vô cùng kinh ngạc, không biết phải nói thế nào cho đúng. Trần ông nói: “Con không thể làm một người phụ bạc như vậy, nhà chúng ta không thiếu cơm cháo. Tuy chưa ngủ cùng nhau nhưng con nên chăm sóc cô ấy cả đời này.” Trần Kỳ dập đầu cảm tạ phụ thân, sau đó nhanh chóng đi đến am ni cô để gặp mặt Lệ Ngọc. Nàng vừa thấy Trần Kỳ thì liền vội níu lấy y phục chàng và bật khóc: “Thiếp từ phương xa tới đây, nhưng phụ thân lại không tin thiếp đã thành thân với chàng. Thiếp chỉ hy vọng sau khi mình qua đời, thi thể có thể được chôn cất tại phần mộ tổ tiên của Trần gia.” Trần Kỳ vừa khóc vừa an ủi, hỏi nàng làm sao có thể đến được nơi đây. Khưu Lệ Ngọc liền kể cho Trần Kỳ nghe về tướng mạo của ông lão họ Hoàng và cách họ đi tới nơi đây. Trần Kỳ ngạc nhiên thốt lên: “Ông ấy là cậu của ta, là một vị Tiên trên trần thế!”
Trần Kỳ mang theo Lệ Ngọc trở về nhà. Chàng tìm một không gian trống trong kho rượu để nàng ở lại. Lệ Ngọc ngủ giữa nhiều vò rượu. Tất cả các tỳ nữ đều đứng từ xa, không ai dám bước lại gần nàng. Chỉ có một tỳ nữ nhỏ tuổi tên là Cam Tiêu là dám đi đến hầu hạ nàng. Cam Tiêu giúp Lệ Ngọc dọn dẹp vệ sinh và những công việc lặt vặt khác. Còn về ăn uống và thuốc thang đều do Trần Kỳ tự tay chuẩn bị. Trải qua một thời gian dài, Trần Kỳ mang theo chăn bông và dắt theo Cam Tiêu đến ngủ bên cạnh Lệ Ngọc. Cả hai người họ đều bị bệnh phong.
Kết quả kỳ thi mùa thu được công bố, Trần Kỳ sẽ tham gia thi hương. Người dân trong làng tranh nhau nói về chuyện hôn nhân của Trần Kỳ, nhưng chàng đều cố gắng né tránh. Phụ thân có ý khuyên bảo chàng. Trần Kỳ bật khóc nói: “Con mới 21 tuổi, người bị bệnh phong chắc chắn cũng không thể sống lâu. Tại sao phụ thân không đợi đến khi nàng ấy mất, lúc ấy cũng không phải quá muộn để con có thể thành thân với người mới!” Trần Kỳ còn lo lắng rằng khi bản thân đi rồi, Khưu Lệ Ngọc không có người trông nom, nên chàng lấy cớ bị bệnh xin nghỉ, không tham gia kỳ thi của bộ Lễ ở Bắc kinh nữa. Lệ Ngọc đập đầu vào chiếc bình, đau khổ nói: “Bởi vì thiếp nên lang quân phải trì hoãn việc nối dõi tông đường, lại cản trở con đường thăng tiến của chàng. Sau khi thiếp qua đời, làm sao có mặt mũi để nhìn tổ tông dưới suối vàng đây? Không bằng bây giờ thiếp lập tức chết đi!” Nói xong, Lệ Ngọc đập đầu vào chiếc bình. May nhờ vào Cam Tiêu gắng sức khuyên can thì mới ngăn được Lệ Ngọc làm điều dại dột.
Một ngày nọ, Trần Kỳ đến nhà của một người họ hàng để uống rượu. Vì gặp phải trời mưa nên chàng không thể quay trở về. Cam Tiêu bởi vì bị bệnh nên ngủ trong phòng. Chỉ có một mình Lệ Ngọc ở trong kho rượu, nghe thấy tiếng mưa, cơ thể nàng ngứa ngáy không ngừng. Nàng bỗng nghe thấy tiếng gió rít trên xà nhà. Một con rắn đen lớn, thô ráp, to cỡ cánh tay trẻ con, dài bảy tám thước, rũ xuống từ trên không trung. Lúc đầu, Lệ Ngọc cảm thấy vô cùng sợ hãi, nhưng sau đó nàng nghĩ rằng thà bị rắn ăn thịt còn hơn tự tử, nên sau đó nàng đã mặc kệ. Thân con rắn cuộn tròn trên xà nhà, đầu thò xuống phía dưới. Nó mở nắp hũ rượu ra, hút rượu trong hũ, rồi phát ra âm thanh liên hồi. Một lúc sau, nó đã uống đầy bụng, định rút đầu lên xà nhà, thì xà nhà như cành cây khô héo, đột nhiên gãy xuống. Con rắn liền rơi vào trong hũ rượu, cựa quậy, giãy giụa. Nó dùng hết sức lực để giãy giụa, nhưng phút chốc đã trở nên im bặt.
Lệ Ngọc thắp đèn lên, miễn cưỡng đứng dậy, nàng nhìn thấy con rắn đã chết. Nàng cho rằng nọc rắn có thể thay thế cho rượu độc, nên nâng hũ rượu lên và uống hơn một thăng (đơn vị đo rượu thời xưa). Lệ Ngọc tức khắc liền cảm thấy cơ thể được thanh lọc, mọi phiền muộn trong tâm trí đều được trút hạ. Da nàng trở nên ngứa ngáy vô cùng. Nàng lại lấy rượu sát trùng lên da và cơn ngứa lập tức biến mất. Ngày hôm sau, Lệ Ngọc vẫn lén uống rượu và dùng nó để tắm rửa. Bệnh tật dường như đã biến mất. Làn da thô ráp, khô khốc của nàng trở nên mịn màng như ngọc. Mái tóc xoăn trở nên đen bóng, mượt mà như mây rủ. Những vùng da bị nứt nẻ trên mặt và tay chân đều trở nên tươi sáng, đẹp đẽ như măng non. Cam Tiêu vô cùng ngạc nhiên, liền chạy báo tin với Trần Kỳ. Trần Kỳ hỏi Lệ Ngọc chi tiết sự tình, Lệ Ngọc liền kể lại câu chuyện nàng đã uống rượu rắn. Trần Kỳ bước tới nhìn con rắn, nó có thân màu đen và mang theo hoa văn màu trắng, có dấu ấn giống như đám mây và trên đỉnh đầu có duy nhất một cái sừng màu đỏ. Đây là vua của loài rắn ở núi Vũ Tích, gọi là rắn Ô Phong.
Trần Kỳ lập tức cho người mang đến những bộ y phục tươi sáng, lộng lẫy, trâm hoa, đồ trang sức quý và ngọc thạch. Chàng bảo Lệ Ngọc ăn vận thật xinh đẹp, để ra ngoài chào hỏi cha chồng và chị dâu. Không ai là không ngạc nhiên, họ kinh ngạc trước nhan sắc đẹp tựa Thần Tiên của cô. Trần ông nói: “Khi còn nhỏ, ta từng nghe nói Xà vương sống ở núi Vũ Tích cả ngàn năm rồi. Hòa thượng từ ngoại quốc đều muốn tìm một vài vảy rắn để chữa bệnh hắc lào, nhưng không thể tìm được. Nào ngờ là do ông trời đã đặc biệt giữ con rắn này lại để trị bệnh cho con dâu hiền đức của ta!” Ngày hôm đó, họ liền chuẩn bị nghi lễ kết hôn. Quan khách mời đến rất nhiều, đại tiệc rất hoành tráng, trống nhạc vang vọng, nam nữ từ hàng trăm dặm đều đến để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Lệ Ngọc. Sau khi trở về nhà, họ vẫn khen ngợi mãi không dứt.
Sau ba năm, Khưu Lệ Ngọc sinh ra một bé gái. Nàng cảm kích ân đức của Cam Tiêu, muốn thu nhận Cam Tiêu làm trắc thất. Nhưng Trần Kỳ một lần nữa khước từ, Lệ Ngọc nói gì chàng cũng không đồng ý. Mùa xuân năm ấy, Trần Kỳ tham gia kỳ thi của bộ Lễ. Chàng đậu tiến sỹ, vào làm việc ở Hàn lâm viện, sau đó rời kinh thành làm Tri phủ. Không lâu sau, Trần Kỳ lại được thăng lên làm Thống chế quân đội Lưỡng Việt (Quảng Đông, Quảng Tây). Chàng phái võ quan thị vệ của mình đến tìm Khưu Viên ngoại, hỏi ông ấy về Khưu Lệ Ngọc. Khưu Viên ngoại giả vờ khóc, nói: “Con gái của tôi bạc mệnh, đã sớm qua đời rồi. Đại nhân vẫn muốn tìm lại phu nhân đầu tiên của mình sao?” Trần Kỳ lại nói muốn tìm hài cốt, đem về quê hương để an táng. Khưu Viên ngoại hoảng sợ, nói muốn dâng hiến một ngàn lượng bạc để mừng thọ cho phụ thân của Trần Kỳ, nhưng Trần Kỳ không đồng ý. Sau đó, chàng phái người đi tìm hỏi ông lão đã mai mối cho mình thuở ấy. Ông lão nói: Bởi vì Lệ Ngọc hoảng sợ bỏ chạy, nên đã rơi xuống vực sâu và qua đời rồi. Trần Kỳ bật cười, nói: “Họ thật sự nhìn ta với với ánh mắt của kẻ tiểu nhân.” Chàng lập tức sai tỳ nữ dẫn phu nhân ra. Khưu Lệ Ngọc mặc y phục của nhất phẩm phu nhân, phong thái rạng rỡ. Khưu Viên ngoại sợ hãi đến mức suýt ngã xuống đất. Ông nhìn kỹ hơn một chút, thì ra đó là Lệ Ngọc, con gái của ông.
Khưu Lệ Ngọc rơi nước mắt hỏi: “Phụ thân, mẫu thân có khỏe không?” Khưu Viên ngoại vô cùng hổ thẹn, không nói nên lời. Sau đó, Khưu Lệ Ngọc thường xuyên về quê hương của mình để thăm viếng họ hàng, người thân. Nàng mang theo rượu rắn để chữa bệnh, xây dựng khu nhà ở dành cho người bị bệnh phong. Đồng thời, nàng cứu được vô số người bị bệnh này ở Quảng Tây. Khi Trần Kỳ hơn 40 tuổi, Trần ông vẫn còn rất khỏe mạnh. Trần Kỳ dâng thư lên Hoàng thượng, xin được về quê hương an dưỡng tuổi già. Sau khi về nhà, Trần Kỳ sửa sang lại phần mồ mả cho người cậu của mình, lập một tấm bia phu nhân, ghi chép sơ lược những chuyện đã trải ra. Sau này, rượu thuốc núi Vũ Tích nổi tiếng khắp thiên hạ.
Lãnh Vọng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ