Việc khôi phục thuật ngữ Cách mạng Văn hóa của ĐCSTQ báo hiệu sự chia rẽ sâu sắc hơn trong nội bộ Đảng và sự cô lập của ông Tập Cận Bình
Một chuyên gia của chương trình ‘Diễn đàn Tinh anh’ của NTD cho biết, sự hồi sinh của thuật ngữ thời kỳ Cách mạng Văn hóa có thể báo hiệu việc chủ tịch Tập Cận Bình nhắm mục tiêu vào các đảng viên cấp cao của ĐCSTQ.
Gần đây, Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát hành một bài báo, một lần nữa kêu gọi cảnh giác trước cái gọi là “những kẻ lừa dối chính trị” trong nội bộ Đảng. ĐCSTQ đã hồi sinh thuật ngữ Cách mạng Văn hóa này trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia suy thoái.
Trong chương trình Hoa ngữ “Diễn đàn Tinh anh” (Pinnacle View) của NTD, một nhóm tham luận viên đã thảo luận về bối cảnh và ý nghĩa đằng sau cơn cuồng loạn mới nhất của ĐCSTQ. NTD là mạng truyền hình độc lập của Trung Quốc, có trụ sở tại Hoa Kỳ.
Quá khứ và hiện tại của ‘kẻ lừa dối chính trị’
Bà Quách Quân (Guo Jun), tổng biên tập ấn bản Hồng Kông của The Epoch Times, giải thích trên chương trình rằng “kẻ lừa dối chính trị” là một thuật ngữ có từ thời Cách mạng Văn hóa của ĐCSTQ từ năm 1966 đến năm 1976. Trong thời gian đó, ĐCSTQ đã sử dụng những thuật ngữ như vậy để gán cho các cá nhân trong Đảng là “không trung thành” hoặc “phản cách mạng.”
“Tôi tin rằng gần đây khi ĐCSTQ nêu ra vấn đề ‘những kẻ lừa dối chính trị,’ họ chắc chắn không đề cập đến các quan chức bình thường,” bà nói. “Ít nhất, họ nhắm vào các quan chức ở cấp Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, nếu không muốn nói là những người đứng thứ hai hoặc thứ ba trong Ủy ban Thường vụ.” Ủy ban Thường vụ là cơ quan lãnh đạo cao cấp của ĐCSTQ.
Ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), cựu chủ nhiệm khoa luật tại Đại học Bắc Kinh và là một nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc nổi tiếng hiện đang sinh sống tại Úc, cho biết trên “Diễn đàn Tinh anh” rằng dưới thời lãnh đạo cộng sản Tập Cận Bình, đặc biệt là trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã một lần nữa hồi sinh thuật ngữ “những kẻ lừa dối chính trị” này.
Ông cho biết ông tin rằng ủy viên xếp thứ năm trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị của ĐCSTQ, ông Thái Kỳ (Cai Qi), là người đã khôi phục thuật ngữ này.
“Lý do chính khiến ông Thái Kỳ nhận được sự ưu ái của ông Tập Cận Bình là vì ông ấy trước hết đề xướng và kiên quyết đánh đồng địa vị của ông Tập Cận Bình với Mao Trạch Đông, muốn ông Tập Cận Bình được tôn kính như một ‘vị thần’ của Đảng Cộng sản giống như Mao Trạch Đông. Mao Trạch Đông đã lãnh đạo ĐCSTQ thiết lập chế độ độc tài cộng sản, và theo ĐCSTQ, ông đã có công lớn trong việc thành lập đất nước. Câu chuyện của ông Thái Kỳ là ông Tập Cận Bình đã cứu ĐCSTQ, cứu quân đội, và cứu đất nước,” ông nói.
Ông Viên giải thích thêm rằng ông Thái sẵn sàng viện đến các cuộc đấu tranh công khai trong nội bộ ĐCSTQ để nhắm vào các quan chức cao cấp trong đảng, những người có thể có thái độ cầm chừng đối với ông Tập. Vì vậy, thuật ngữ “những kẻ lừa dối chính trị” đang được dùng để gán cho bất kỳ ai có thể ngờ vực hoặc nghi vấn về khả năng lãnh đạo của ông Tập.
Theo ông Viên, những người trong nội bộ ĐCSTQ gần đây đã tiết lộ rằng ông Tập tin có những kẻ lừa dối chính trị ngay cả trong giới lãnh đạo cao nhất của đảng sau Đại hội Toàn quốc lần thứ 19 của ĐCSTQ vào năm 2017. Mặc dù chưa chỉ ra đó là ai, nhiều người cho rằng ông Tập có thể đang hướng tới ông Triệu Lạc Tế (Zhao Leji), Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị xếp thứ 3, người có vẻ không hài lòng với sự lãnh đạo của ông Tập, đặc biệt là về tình hình bất ổn gần đây của Evergrande.
Ông Tập không được lòng giới tinh hoa của ĐCSTQ
Ông Viên tin rằng ông Tập hiện đang bị cô lập nghiêm trọng trong nội bộ ĐCSTQ. Mặc dù ông Tập, qua một thập niên giả danh một chiến sĩ chống tham nhũng, đã đánh bại phe cánh của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân trong Đảng và thanh trừng nhiều cá nhân trong số đó, nhưng những quan chức ưu tú của ĐCSTQ vốn nghi ngờ khả năng lãnh đạo của ông Tập vẫn tiếp tục tồn tại.
“Hơn nữa, trong quá trình quay trở lại chủ nghĩa [cộng sản] chính thống của Mao Trạch Đông, ông Tập Cận Bình đã hoàn toàn xúc phạm các doanh nhân tư nhân giàu có của Trung Quốc,” ông cho biết. “Vì vậy, hàng loạt hành động chính trị và kinh tế của ông Tập Cận Bình đã biến ông ta thành một bạo chúa. Trong lịch sử ĐCSTQ, chưa bao giờ có một nhà độc tài nào bị cô lập như ông Tập Cận Bình. Xưa kia Mao Trạch Đông vẫn còn có một nhóm ủng hộ nhiệt thành, chẳng hạn như cái gọi là Hồng vệ binh, những người ủng hộ ông Mao cuồng nhiệt. Nhưng hiện nay không có bất kỳ giai cấp hay tầng lớp xã hội nào ủng hộ ông Tập Cận Bình, đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất của ông ấy.”
Hiện tại, ông Tập đã thành lập một nhà nước giám sát công nghệ cao độc tài với hệ thống kiểm soát xã hội chưa từng có để giám sát toàn bộ xã hội Trung Quốc. Ông Viên tin rằng một hệ thống như vậy có thể duy trì sự ổn định cho sự cai trị của ĐCSTQ trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng đến một giai đoạn nào đó, sự bất mãn mạnh mẽ trong xã hội Trung Quốc cuối cùng sẽ bùng nổ và biến thành một lực lượng lật đổ sự chuyên chế của ông Tập.
Hai xu hướng chống ông Tập
Ông Viên giải thích trong “Diễn đàn Tinh hoa” rằng có hai tư tưởng chống ông Tập chính ở Trung Quốc và thậm chí cả bên trong ĐCSTQ. Một được gọi là sự quay trở lại con đường cải cách và mở cửa của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình, dẫn đến sự bùng nổ kinh tế ở Trung Quốc.
Hệ tư tưởng thứ hai tiến bộ hơn hệ tư tưởng thứ nhất, đó là hoài niệm về nhà lãnh đạo ủng hộ cải cách Hồ Diệu Bang trong Đảng. Trở lại những năm 1980, ông Hồ đã vượt ra ngoài phạm vi cải cách kinh tế và ủng hộ cải cách chính trị cho Trung Quốc. Ông Viên cho biết sự ra đi của ông Hồ vào năm 1989 đã trực tiếp dẫn đến các cuộc biểu tình rầm rộ của sinh viên đòi dân chủ, dẫn đến thảm kịch Vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn.
Ông tiếp tục, Vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn là một khoảnh khắc “đế chế phản công” đánh dấu sự kết thúc cho những cải tổ của ông Hồ. Các cuộc thảo luận về di sản của ông đã bị kiểm duyệt trong nhiều năm khi những kẻ độc tài theo đường lối cứng rắn trong đảng đã bóp nghẹt hy vọng dân chủ hóa ở Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Viên tin rằng có một số người trong ĐCSTQ ngày nay đang chuẩn bị giương cao ngọn cờ của ông Hồ một lần nữa để thách thức sự chuyên chế của ông Tập.
Ông nói: “Đây là điều mà ông Tập Cận Bình lo lắng nhất, hay nói đúng hơn là điều ông ấy sợ hãi nhất, và theo tôi, xu hướng lịch sử này là không thể ngăn cản được.”
Về những bất an của ông Tập, bà Quách cho rằng trong một hệ thống độc tài, quyền lực càng lớn thì ông càng trở nên bất an. Vấn đề chính mà ĐCSTQ phải đối mặt hiện nay là sự trì trệ hoặc thậm chí suy thoái kinh tế, có thể đe dọa sự ổn định của chế độ.
Bản tin có sự đóng góp của Michael Zhuang
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times