Vì sao tôi có hứng thú với bói toán (Phần 1)
“Nhà giàu thì họ hàng xa cũng tụ đến, nhà nghèo thì anh em ly tán.” Đây là khắc họa về cuộc sống của tôi trong giai đoạn trưởng thành ở độ tuổi thanh thiếu niên. Trong thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc nắm chính quyền ở Trung Quốc đại lục, khi còn là giáo viên trong trường cha tôi đã cùng nhiều người khác gia nhập Quốc dân Đảng. Ông cũng từng làm biên tập viên cho một tờ báo và đăng các bài viết về việc chống Đảng Cộng sản. Vì vậy mà sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đoạt được chính quyền một cách phi pháp ở Trung Quốc đại lục vào năm 1949, cha tôi đã bị kết án ba năm cải tạo lao động (tức là bị giam chung với những người được gọi là lao động giáo dưỡng, thực chất là một bản án gián tiếp). Sau khi được trả tự do, ông tiếp tục công việc giảng dạy tại trường đại học. Nhưng đến đầu năm 1960, do phong trào “Ba lá cờ đỏ” phá sản và những tai họa do con người tạo ra, kinh tế vô cùng khó khăn. Tất cả các cơ quan đều phải cắt giảm và rút gọn nhân sự. Thế là những người vốn từng bị gắn mác là “có vấn đề lý lịch” đều được đưa về nông thôn. Sau khi về nông thôn được ba tháng, cha tôi bị xóa bỏ tiền lương và trở thành nông dân ‘tay làm hàm nhai’. Khi đó thực sự cha tôi bị cô lập hoàn toàn, ai cũng sợ bị liên lụy. Cái gọi là nghèo mãi khó giúp nên cả nhà bỗng rơi vào cảnh khốn khó. Sau đó tai họa vẫn chưa kết thúc.
Đến cuộc Cách mạng Văn hóa năm 1966, gia đình tôi lại bị Hồng vệ binh đến nhà tịch thu tài sản, đấu tố và đuổi ra khỏi nhà. Cha tôi vừa về thành phố chữa bệnh, liền bị định tội là “phản cách mạng” và một lần nữa bị chuyển về nông thôn làm ruộng. Vì bệnh cao huyết áp phát tác, nên ông đột nhiên bị ngã xuống ruộng. Sau khi được cứu sống, ông bị bán thân bất toại. Trong thôn sai người khiêng ông về thành phố. Nhưng trong nhà nghèo rớt mồng tơi, vốn không có tiền chữa bệnh, bệnh viện cũng không tiếp nhận (vì là người “có vấn đề”), tôi chỉ có thể tự mình học sách y khoa và giúp bố châm cứu. Sau này, ở tuổi 60, cha tôi cuối cùng cũng kết thúc nửa sau cuộc đời trong cảnh nghèo khó và bệnh tật. Lúc ông mất gia đình chỉ còn lại vài đồng xu, ngay cả tiền gọi xe cấp cứu 5 nhân dân tệ cũng không trả nổi.
Chính vì chứng kiến hết thảy cuộc đời của cha, nên tôi từ nhỏ đã có suy ngẫm về nhân sinh và số mệnh: Những thăng trầm trong nửa đầu và nửa sau cuộc đời của cha tôi là ngẫu nhiên, hay là có những nhân tố tất nhiên trong đó?
Sau đó, tôi cố đi tìm kiếm những kiến thức và sách vở liên quan đến các phương diện như nhân sinh, số mệnh, tư tưởng, tinh thần v.v. để nghiên cứu và tìm hiểu. Vì lý do này, tôi đã vùi đầu trong thư viện 4 năm để đọc các tác phẩm triết học của Hegel, nhưng tôi vẫn không thể giải đáp được bí ẩn của cuộc đời và số phận. Sau đó, tôi chuyển sang nghiên cứu các tác phẩm triết học Trung Quốc cổ đại và bắt đầu tiếp xúc với học thuyết âm dương ngũ hành của Trung Quốc cổ đại, đồng thời tiến gần đến việc khám phá bản chất của sinh mệnh con người… Tôi kết giao rộng rãi với những “người tài hoa” và “cao sỹ” còn sót lại từ trước năm 1949 trong xã hội, thỉnh giáo họ về những bí ẩn về số phận và cuộc đời. Trong số đó, có ba người để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc.
Sau khi cha tôi qua đời không lâu, hàng xóm thấy tôi tuổi còn trẻ mà gia đạo suy bại như thế, không biết tiền đồ sau này của tôi sẽ như thế nào? Ông ấy bèn tốt bụng đưa tôi đi gặp một “người tài hoa”. Đó là lần đầu tiên tôi được người khác xem tướng, cũng là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với kiến thức loại này. Sau khi ông ấy cẩn thận xem xét, quan sát khuôn mặt, lòng bàn tay, bàn chân và tư thế đi đứng của tôi, câu đầu tiên ông ấy mở miệng nói là, anh là kiểu người triết học (lúc đó tôi chưa nghiên cứu triết học Hegel), rồi thuận tiện giải thích đặc điểm của kiểu người triết học là gì. Khi đó tôi nghĩ, triết học chẳng qua là chỉ những cái gọi là chủ nghĩa duy vật và tà giáo Mác-Lênin thời đó. Kỳ thực đây chính là điều tôi ghét nhất. Cha tôi chính là bị triết học đấu tranh giai cấp của tà giáo Mác-Lênin sát hại. Mọi người nói xem tôi còn có thể có hứng thú với nó không? Vì vậy lúc đó tôi nghĩ trong lòng: Ông ta nói hoàn toàn không đúng.
Không ngờ vài năm sau, tôi lại học triết học Hegel trong thư viện suốt bốn năm. Câu thứ hai, ông ấy nói tôi là “tứ trì mệnh” (có 4 cái muộn). Đời người có bốn điều quan trọng: là thê (vợ), tài, tử (con) và lộc. Mỗi người đều không giống nhau. Có người trong đời chỉ có ba thứ, có người có hai; có người đến sớm, có người đến muộn. Ông bảo tôi có đủ bốn thứ nhưng cả bốn đều đến muộn cho nên gọi là “tứ trì mệnh”. Ngoài ra, ông còn kể về nhiều điều khác nhưng ấn tượng nhất là hai điều trên. Cuối cùng, ông ấy nói với tôi: Cậu sẽ không đạt được gì trước tuổi 36 và hãy hướng đến việc tích lũy kinh nghiệm. Dù kết hôn trước 36 tuổi cũng phải ly hôn. Nếu đang trên đường đi đăng ký kết hôn thì đi được nửa đường sẽ có cãi cọ rạn nứt. Sau 36 tuổi, chuyện gì phải đến sẽ đến, đừng sốt ruột. Khi đó tôi mới hơn hai mươi tuổi, làm sao có thể đợi đến năm 36 tuổi? Lúc này tuổi trẻ khí thế cao, nghe chỉ là nghe thôi, còn làm thì vẫn làm theo ý mình. Tôi tin rằng nhiều người lần đầu tiếp xúc với toán mệnh, đều sẽ có cách nhìn như vậy.
Tuy nhiên, năm này qua năm khác, tôi thực sự cảm thấy như mình bị rơi vào vòng kim cô, dù có cố gắng như thế nào, phấn đấu đến đâu, thì vẫn trắng tay. Thời đó không thể làm giàu, có một công việc ổn định là khá lắm rồi, mà tôi cũng không thiếu thứ này. Vì cha vất vả ở độ tuổi trung niên, nên năm tôi 17 tuổi liền bỏ học, ra ngoài tìm việc làm để phụ giúp gia đình. Cho nên, tôi đã sớm vào làm công cho một nhà máy quốc doanh rồi. Còn vấn đề tình cảm, cô bạn gái cùng học mà tôi đã hẹn hò suốt 8 năm, đã thực sự ứng nghiệm là chia tay và đúng là ứng nghiệm trước tuổi 36 việc gì cũng không thành.
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ