Nghiên cứu: Uống rượu trước khi ngủ trên phi cơ sẽ đe dọa sức khỏe tim mạch
Mọi người thường sẽ ngủ trên phi cơ để nghỉ ngơi một chút. Tuy nhiên, có nghiên cứu cho thấy nếu uống rượu trước khi ngủ trên phi cơ, nồng độ oxy trong máu sẽ giảm, hơn nữa nhịp tim sẽ tăng lên. Điều này sẽ gây thêm căng thẳng cho tim và thậm chí đe dọa sức khỏe tim mạch, đặc biệt là trên các chuyến bay đường dài. Vì vậy, lần tới khi quý vị đi phi cơ, hãy suy nghĩ kỹ trước khi uống rượu.
Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức đã chia 40 tình nguyện viên từ 18 đến 40 tuổi thành hai nhóm và yêu cầu họ ngủ trong hai phòng thí nghiệm về giấc ngủ. Một phòng có áp suất bình thường và phòng còn lại mô phỏng áp suất cabin ở độ cao 2,438 mét so với mực nước biển.
Ở độ cao khá cao so với mực nước biển, nồng độ oxy trong máu sẽ giảm xuống. Tình trạng này gọi là thiếu oxy do hạ áp (hypobaric hypoxia). Đây là nghiên cứu đầu tiên về tác động kết hợp của tình trạng thiếu oxy do hạ áp và rượu trong khi ngủ.
Các tình nguyện viên trên được phân chia thành hai nhóm, một nhóm có uống rượu và nhóm còn lại không uống rượu rồi ngủ một đêm, hơn nữa chỉ ngủ 4 tiếng. Điều này là để mô phỏng sự gián đoạn giấc ngủ trong chuyến bay. Họ uống một lượng tương đương với hai lon bia hoặc hai ly rượu.
Kết quả cho thấy, dưới áp suất bình thường, nồng độ oxy trung bình trong máu của người uống rượu là 94.97%, nhịp tim trung bình là 76.97 nhịp/phút (bpm). Còn nồng độ oxy trung bình trong máu của người không uống rượu là 95.88%, nhịp tim trung bình là 63.74 nhịp/phút.
Trong điều kiện giảm áp, nồng độ oxy trung bình trong máu của người uống rượu là 85.32%, nhịp tim trung bình là 87.73 nhịp/phút; nồng độ oxy trung bình trong máu của người không uống rượu là 88.07%, nhịp tim trung bình là 72.90 nhịp/phút.
Điều này có nghĩa là trong điều kiện cabin giảm áp, mọi người có nồng độ oxy trong máu thấp hơn và nhịp tim cao hơn. Những tác động này sẽ lớn hơn đối với những người uống rượu.
Nghiên cứu này còn phát hiện ở những người uống rượu trong điều kiện cabin giảm áp, hai giai đoạn của giấc ngủ là giấc ngủ sâu và giấc ngủ mắt chuyển động nhanh (REM) đều khá ngắn, mà hai giai đoạn này đều rất quan trọng đối với chất lượng giấc ngủ.
Điều đáng chú ý là cả nồng độ oxy trong máu thấp và nhịp tim cao đều sẽ gây thêm căng thẳng cho hệ tim mạch. Điều khiến người ta lo ngại là, thói quen uống rượu của mọi người trên các chuyến bay đường dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim một cách không cần thiết, nhất là đối với những người có vấn đề về tim từ trước.
Các nhà nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi đã chứng minh rằng uống rượu trên phi cơ là một nguy cơ sức khỏe bị đánh giá thấp, nhưng kỳ thực có thể dễ dàng tránh được.”
Ngoài ra, những người tham gia nghiên cứu này đều là những người trưởng thành khỏe mạnh. Đối với những người lớn tuổi hoặc sức khỏe kém, tác động tiêu cực của việc uống rượu trên phi cơ có thể sẽ lớn hơn.
Các nhà nghiên cứu nói rằng: “Trong các trường hợp cấp cứu y tế xuất hiện trên các chuyến bay, các triệu chứng về tim mạch chiếm đến 7%, trong đó 58% trường hợp chuyển hướng chuyến bay là (có hành khách) đau tim tạo thành.”
Mặc dù việc bị cám dỗ bởi rượu trên phi cơ khi đi nghỉ ở nước ngoài là điều không thể tránh khỏi, nhưng các nhà nghiên cứu kêu gọi mọi người cần đối đãi vấn đề này một cách thận trọng.
Họ nói rằng nhận thức về vấn đề này cần được nâng cao thông qua các tổ chức từ thiện, các sự kiện công cộng và lời khuyên về sức khỏe bằng văn bản từ các hãng hàng không.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng: “Nhà điều hành, hành khách và phi hành đoàn nên nhận thức được những rủi ro tiềm ẩn này. Có thể sẽ có ích nếu xem xét thay đổi các quy định để hạn chế tiêu thụ rượu trên phi cơ.”
Toàn Phong biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ