Vị anh hùng lớn tuổi nhất trong chiến tranh cách mạng Hoa Kỳ
Khi Samuel Whittemore đương đầu với rất nhiều lính ném lựu thuộc quân đội Anh tại Concord, ông đã ở một độ tuổi rất lớn hơn nhiều so với tuổi nghỉ hưu – và ông vẫn sống khỏe mạnh đến gần hai thập kỷ nữa
Khi đương đầu với lính Anh với quân số lên đến 1,700 người, lão Sam Whittemore “già” đã ở khoảng 80 tuổi. Nếu tuổi hưu tiêu chuẩn hay quyền yêu cầu tuyên bố mất khả năng [lao động] đã tồn tại ở nước Mỹ thuộc địa, thì Samuel Whittemore chắc hẳn sẽ cảm thấy những điều ông làm này là không phù hợp với bản thân.
[Thế nhưng], ông là một trong những người nông dân không ngần ngại buông cày lấy súng ngay khi những phát pháo đầu tiên khai hỏa ở Lexington và Concord, nhưng ông đã không còn trẻ nữa: đây là một chi tiết quan trọng khiến ông trở nên khác biệt so với những người nông dân khác cùng tham chiến. Và ông cũng không đang trong độ tuổi tứ tuần. Thậm chí cũng không sát với độ tuổi nghỉ hưu tiêu chuẩn.
Thực tế, ông là một chiến sĩ cao tuổi nhất phục vụ trong cuộc chiến tranh Hoa Kỳ. Mặc dù ngày ấy ông đã bị thương rất nặng do quân đội Anh gây ra, nhưng ông đã sống sót và còn tiếp tục sống thêm 18 năm nữa. Trong số rất nhiều câu chuyện chúng ta được nghe kể từ ngày 19/04/1775, câu chuyện về Samuel Whittemore đã trở thành một minh chứng nổi bật cho sự phục hồi, sức sống bền bỉ, và tính cách tuyệt đối không khoan nhượng.
Khi những toán lính Anh loạng choạng trong kiệt quệ rời khỏi Concord, trên đường đến Boston, họ đã băng qua thị trấn Menotomy. Trên cánh đồng nơi ấy, có một người ông lão đang chăm chỉ làm ruộng. Dù đã xấp xỉ tuổi 80 và thân còn mang thương tật, Samuel Whittemore tỏ ra không chút do dự. Ông kêu gọi những người đàn ông cùng sinh sống trong thị trấn đứng lên chống lại quân Anh. Ông kết lại tuyên bố của mình bằng những lời sau, “Chỉ cần tôi có thể lấy đi mạng sống của kẻ thù quốc gia, thì tôi có thể ra đi trong thanh thản.” Trên tay khẩu súng trường, gươm và súng lục, ông đã bước vào nơi trận mạc, còn vợ ông thì [vội vã thoát khỏi thị trấn] tìm nơi ẩn náu ở vùng khác.
Nép mình sau bức tường cùng với khẩu súng trường trên tay, ông đã bắt đầu bắn vào toán lính Anh đang đi ngang qua. Phát giác màn tấn công lộ liễu này, một toán lính ném lựu được cử đến hòng ra tay đánh đập ông. Khi toán lính đến gần, ông tra lại đạn, ngắm và bóp cò, một tên lính Anh tử mạng.
Ông rút tiếp khẩu súng lục và bắn vào tên lính thứ hai, rồi thứ ba. Khi ông lao vào tấn công kẻ thù với thanh gươm mang theo, một tên lính ném lựu đã bắn vào mặt ông và làm vỡ mảng xương má. Những tên lính ùa lên và đâm ông nhiều nhát bằng lưỡi lê. Khi toán lính cho rằng chỉ như thế thôi chưa đủ, chúng đã tiếp tục dùng báng súng đánh ông nhừ tử. Khi tưởng rằng ông đã bỏ mạng, toán lính Anh rời đi.
Tuy nhiên, nhiều giờ đồng hồ trôi qua, khi những người dân địa phương tìm thấy thân thể chằng chịt những vết chém của ông Whittemore, (theo một số câu chuyện được kể lại), thì lúc ấy ông không những vẫn còn sống mà còn cố gắng lên đạn cho khẩu súng trường của mình. Họ mang ông đến tìm một bác sĩ phẫu thuật, vị bác sĩ này ban đầu tỏ vẻ ngần ngại [không muốn] chữa các vết thương – ông ấy đã quá già và lại phải chịu đựng quá nhiều thương tích. Nhưng trước lời đề nghị nghiêm cẩn từ những người hàng xóm, ông Sam đã được khâu vết thương và đưa trở về nhà.
Không chỉ hồi phục một cách đáng kinh ngạc, chỉ với một năm sau, ông đã nhập ngũ, nhận nhiệm vụ trong lục quân lục địa [Hoa Kỳ] và phục vụ trong quân ngũ một thời gian ngắn trong chiến tranh. Tên ông được đề trong nhiều danh sách hợp quân, có lúc ông mang đến hàm trung úy. Ông đã chứng kiến quốc gia mình được giải phóng khỏi sự quản chế của Vương quốc Anh, phê chuẩn hiến pháp của riêng mình và bầu chọn Tổng thống George Washington tiếp tục giữ nhiệm kỳ tổng thống Hoa Kỳ lần thứ hai cho đến khi ông gần trăm tuổi.
Trải qua hàng thế kỷ, cùng với rất nhiều những nhân vật lịch sử đáng ngưỡng mộ khác, Samuel Whittemore cũng đã được thần thoại hóa. Danh tiếng của ông lớn dần lên kéo theo danh hiệu về lòng quả cảm cũng nhân lên gấp bội.
Theo bản cáo phó được đăng trên tờ Columbian Centinel vào ngày 06/02/1793, khi kể lại câu chuyện của ông, cánh báo giới đã ghi nhận ông mang trên thân “6 hay 8” vết chém. Cho đến năm 1995, nhà sử học từng đoạt giải Pulitzer David Hackett Fischer tự tay thảo một phiên bản cho câu chuyện về ông Whittemore, rằng khi người đàn ông cao tuổi ấy được trao cho bác sĩ, ông đang “chảy máu đầm đìa từ ít nhất mười bốn vết thương.” Những câu chuyện được kể trong suốt thế kỷ 19 của Fischer đã thổi phồng gấp đôi số vết thương của ông Whittemore so với ghi nhận ban đầu.
Tuổi thật sự của Whittemore cũng là một chủ đề gây tranh cãi. Trong tấm bảng ghi cáo phó gắn trên đài kỷ niệm về ông, cùng với các giải thích về sau trong gia phả được các thế hệ sau ghi lại, tất cả đều ghi nhận những số tuổi khác nhau. Những sử gia đương đại cũng đồng tình với các ghi chép của các hậu duệ nhà Whittemore, rằng ở trận chiến Concord, ông ở tuổi 78 và sau đó ông qua đời ở tuổi 96.
Một đời phụng sự quốc gia
Mặc dù danh tiếng của Samuel Whittemore được nhớ đến nhiều nhất với những hành động quả cảm ở một độ tuổi đặc biệt cao như vậy, nhưng những phản kháng của ông ở Menotomy chỉ là một hành động đặc biệt nhất cho cả cuộc đời dài cống hiến cho nhiệm vụ chung.
Ông sinh ra khoảng năm 1696 tại Charlestown, Massachusetts. Rất ít người biết về thời niên thiếu của ông, nhưng đến những năm 1740, ông đã đảm nhiệm vai trò của một đội trưởng đội kỵ binh và chiến đấu trong cuộc chiến Vua George. Tên ông được đặt cạnh những người lính thuộc Trung đoàn Massachusetts thứ ba trong Cuộc bao vây Louisbourg năm 1745, khi ông đã ở độ tuổi 50. Mặc dù cuộc đụng độ đầu tiên được ghi lại ở thời điểm rất xa so với khi những người lính hiện nay treo lên bộ quân phục của mình, ông Whittemore đã có mặt khi pháo đài thất thủ và trở về với một thanh kiếm Pháp trang nhã lấy được từ kẻ thù.
Hơn một thập kỷ sau, khi đã khoảng 65 tuổi, ông trở lại tham chiến trong cuộc chiến với Pháp và Ấn Độ, bao vây và chiếm pháo đài Louisburg lần thứ hai. Bốn năm sau đó, khi đang cận kề với tuổi 70, ông lại phục vụ trong cuộc chiến Pontiac, đây là một cuộc đụng độ chống lại những bộ lạc liên minh vùng Ngũ Đại Hồ (Great Lake). Tại chiến trường này, ông đã kiếm được cho mình đôi súng lục, có lẽ rằng ông lấy lại từ một người dân bản địa đã tử trận.
Sau thời gian phục vụ cho trận chiến thứ ba, ông Sam đã “về hưu”, giã từ đời lính. Ở thời điểm đó, ông Sam đã kết hôn hai lần và nuôi dưỡng 10 đứa trẻ, và ở tuổi 70, ông bắt đầu nhận vai trò lãnh đạo tại địa phương.
Rất nhiều năm sau khi Đạo luật Tem được bãi bỏ vào năm 1766, ông đã được bầu vào nhiều ủy ban khác nhau để biện hộ bảo vệ dân chúng – đầu tiên là cho Menotomy, sau là Cambridge – liên quan đến những đạo luật gây bất bình của quốc hội. Chữ ký vẫn còn đó, trên lá thư do Ủy ban Thư tín Cambridge thảo, nội dung của bức thư là về sự tham gia của ông trong việc phản đối Đạo luật Trà diễn ra không lâu trước sự ra đời của Đảng trà ở Boston.
Những vụ kiện tụng
Trước quãng thời gian phụng sự trong các ủy ban cách mạng, chỉ có một sự kiện về cuộc đời ông đã được lưu trữ lại khá kỹ lưỡng – mặc dù đây chính là câu chuyện bộc lộ rõ nét nhất phẩm cách sáng ngời của cá nhân ông.
Vào tháng 01/1741, hồ sơ tòa án Quận Middlesex ghi nhận việc ông Whittemore đã bị Đại tá John Vassall đâm đơn kiện. Vì hành vi gì? Vị Đại tá đã được chọn để trở thành Người được bầu của vùng Cambridge, và ông Whittemore đã bày tỏ quan điểm công khai rằng Vassall “chỉ phù hợp cho vị trí Người được bầu hơn con ngựa của gã mà thôi.”
Ông Whittemore đã bị bắt và giam giữ trong một thời gian ngắn, nhưng tòa án đã đưa ra kết luận rằng những lời nói của ông không cấu thành hành vi và bác bỏ các cáo buộc. Whittemore quay lại kiện ngược ông Vassall vì tội “bắt giam không hợp pháp và có ác ý.” Tòa án đồng tình với ông Whittemore và thưởng cho ông 200 pounds về những thiệt hại gặp phải.
Mặc dù sự kiện này không hoàn toàn là câu chuyện anh hùng và thể hiện được năng lực chiến đấu của Whittemore, nhưng nó nói lên hai khía cạnh trong tính cách của ông: ông không thể chịu nổi người đàn ông đã được bầu chọn nhằm phục vụ cộng đồng mà lại có thể thiếu đạo đức hay năng lực, và ông chắc chắn sẽ không thể bị xem là khinh thường hay bị buộc tội phỉ báng với những gã đàn ông như thế.
Vấn đề pháp lý gặp phải với Vassall cho chúng ta cái nhìn về một người đàn ông đứng sau câu chuyện huyền thoại, và đã tạo tiền lệ để hiệu được lý do vì sao một người già 80 tuổi mang cố tật lại có thể đối đầu với những tên sát nhân trẻ hơn mình rất nhiều: Cho dù đối diện với lính áo đỏ hay một quan chức địa phương vênh váo, ông Samuel Whittemore đều không thích sự ức hiếp.
Dù ông không đủ danh tiếng để có được những loạt phim ngắn của HBO như John Adams hay như Alexander Hamilton, nhưng địa vị Ông già Sam Whittemore tuyệt vời hơn bất kể thời điểm nào trước đó. Năm 2005, một dự luật của Thượng viện được ban bố nhằm tuyên bố ông là vị anh dùng chính thức của Khối thịnh vượng Massachusetts. Ngày 3/2 được chọn là ngày tưởng niệm về ông, một ngày sau khi ông qua đời.
Có lẽ rằng câu kết tuyệt vời nhất cho cuộc đời Samuel Whittemore được đề trong cáo phó: “Trong tất cả các mối quan hệ khác nhau: người anh, người chồng, người cha và người bạn, tinh thần trượng phu và nét đức độ vẫn luôn hiện hữu ở người đàn ông này. Và việc ông sống thọ hay có rất nhiều con cháu…đều không đáng ghi nhận bằng tình yêu nước của ông.”
Và chính xác thì ông có bao nhiêu con cháu? Cáo phó của ông ghi nhận một con số không ít hơn 185 khi ông qua đời năm 1793, khi ấy ông đã có một đứa chắt. Quả là phi thường. Con số này vượt xa những vết thương từ cuộc chiến, và người ta cho rằng điều này mới chính xác là tính biểu trưng cho di sản vĩ đại nhất của ông.
Minh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times