Trí tuệ vĩnh hằng: Tại sao các bậc Tổ phụ Lập quốc nói chúng ta nên học lịch sử
Nếu có bất cứ điều gì mà các bậc Tổ phụ Lập quốc liên tục nhắc lại, thì chắc chắn một trong những điều trọng yếu nhất là tầm quan trọng của việc nghiên cứu lịch sử. Rốt cuộc thì nhân loại đã tồn tại lâu hơn rất nhiều so với bất kỳ vòng đời nào của chúng ta. Chủng loài của chúng ta đã có hàng ngàn năm kinh nghiệm dắt lưng. Đó là lý do tại sao có rất nhiều trí tuệ cần được tiếp thu từ việc nghiên cứu lịch sử. Đó là những gì các bậc Tổ phụ Lập quốc của chúng ta đã làm, và đó là lý do tại sao họ nhấn mạnh rằng các thế hệ tương lai cũng phải làm như vậy để bảo tồn các thể chế của chúng ta.
Ví dụ, ngài James Madison đã gọi lịch sử là “một nguồn giải trí và chỉ dẫn bất tận.” Thật vậy, ngài Madison, cùng với ngài Alexander Hamilton và ngài John Jay, đã tiếp thu từ “nguồn bất tận” này cho tác phẩm vĩ đại của họ-Luận cương Liên bang-The Federalist Papers. Cũng chính từ “nguồn bất tận” này mà các bậc Tổ phụ Lập quốc đã khai thác khi họ sáng lập bản Hiến pháp của chúng ta, và đó cũng chính là căn nguyên mà nó vẫn là Hiến pháp thành văn tồn tại lâu đời nhất trong lịch sử.
Tương tự, ngài John Adams cũng đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc nghiên cứu lịch sử. Có thể đưa ra vô số câu trích dẫn để làm bằng chứng, nhưng có một câu thường bị bỏ qua từ thời thanh xuân của ông. Ông đã viết bằng giọng văn của vị thống đốc Thanh giáo đầu tiên của tiểu bang Massachusetts, ngài William Bradford, một người mà ông vô cùng ngưỡng mộ.
Bằng giọng văn của ngài Bradford, ông đã tóm tắt loại kiến thức mà ông tin rằng tổ tiên ở New England của ông sở hữu, và đó là những gì mà tất cả các thế hệ phải sở hữu, để được tự do: “Lịch sử của các quốc gia và của nhân loại đã quen thuộc với chúng ta; và chúng ta xem xét các chủng loài chủ yếu trong mối liên hệ với hệ thống tự nhiên vĩ đại, và tác giả của nó – đấng tạo hóa toàn năng. Hệ quả của những suy ngẫm như thế này, chính là nỗ lực không mệt mỏi trong cuộc sống của chúng ta, để tạo lập một xã hội, dựa trên các nguyên tắc của người Anh, tính nhân văn và Cơ đốc giáo.”
Chính vì những lý do như vậy mà tổ tiên Thanh giáo của ngài Adams đã thành lập những cơ sở đào tạo bậc cao như Đại học Harvard, và vô số thế hệ đã làm điều tương tự ở Âu Châu dưới sự bảo trợ của Giáo hội Công giáo.
Khi giải thích các thể chế, luật pháp và văn hóa của tiểu bang Virginia quê hương ông, ngài Thomas Jefferson đã rất chú trọng đến tầm quan trọng của việc giáo dục thanh thiếu niên, đặc biệt là về chủ đề lịch sử.
Ông viết: “Lịch sử, bằng cách cho họ biết về quá khứ sẽ giúp họ [sinh viên] nhận định về tương lai. Lịch sử sẽ giúp họ tận dụng kinh nghiệm của các thời đại khác và của các quốc gia khác; lịch sử sẽ giúp họ có đủ khả năng để đánh giá những hành động và ý định của con người; lịch sử sẽ cho phép họ biết được tham vọng dưới mọi lớp vỏ ngụy trang mà nó có thể khoác lên; và am hiểu lịch sử, để đánh bại những quan điểm của nó. Trong mỗi chính phủ trên trái đất này đều có một số vết tích của khuyết điểm con người, một số mầm mống của sự hủ bại và thoái hóa, mà những kẻ gian xảo sẽ phát hiện ra, và cái ác bị bỏ ngỏ một cách ngu muội, dung dưỡng và phát triển một cách bất tri bất giác.”
Nói cách khác, lịch sử không chỉ tiết lộ những bài học về chính trị thực tiễn, mà còn cảnh báo người dân về sự tiếp cận của chế độ độc tài.
Ngài Benjamin Franklin cũng đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của lịch sử. Ông nói về thanh thiếu niên, “Nếu Lịch Sử luôn là một Phần cố định trong Việc Đọc của họ, thì phải chăng hầu như Tất Cả các loại Kiến Thức hữu dụng đều có thể được giới thiệu theo Cách đó với Ích Lợi và Niềm Vui cho Học Sinh?”
Ông nói, đọc tốt lịch sử sẽ “khắc sâu trong Tâm Trí Thanh Thiếu Niên những Ấn Tượng sâu sắc về Vẻ Đẹp và sự Hữu Ích của Mọi Loại Đức Hạnh, Tinh Thần Công Cộng, Nghị Lực.” Nó cũng sẽ “đem đến Cơ Hội để diễn giải về Ích Lợi của các Trật Tự và Hiến Pháp Dân Sự, cách mà Con Người và Tài Sản của họ được bảo vệ bằng cách tham gia vào các Xã Hội và thành lập Chính Phủ.” Lịch sử cũng sẽ dạy cho họ những bài học về kinh tế, và cách mà “Ngành Nghề của họ [được] khuyến khích và khen thưởng, Nghệ Thuật được sáng tạo ra và Cuộc Sống trở nên thoải mái hơn.”
Khi đề cập đến đức tính cần thiết để gắn kết các xã hội tự do lại với nhau, ngài Franklin nhận thấy rằng lịch sử sẽ cho những người trẻ tuổi thấy “Ưu Điểm của Sự Tự Do, Những Mối Nguy Hại của Sự Phóng Đãng, Lợi Ích phát sinh từ Luật Pháp tốt và Thực Thi Công Lý chính đáng, v.v. Vì vậy, Những Nguyên Tắc Đầu Tiên của Chính Trị vững chắc nên được khắc sâu trong Tâm Trí Thanh Thiếu Niên.” Tương tự, nó sẽ “tạo Cơ Hội thường xuyên để cho thấy Sự Cần Thiết của một Tôn Giáo Công Cộng, từ Sự Hữu Ích của nó đối với Công Chúng; [và] Ích Lợi của một Nhân Vật Tôn Giáo trong các Công Dân.”
Và trong bài Diễn Văn Từ Biệt của mình, ngài George Washington đã viện dẫn những bài học của lịch sử khi ông khẩn cầu đồng bào của mình nhớ rằng “cả nguyên nhân và kinh nghiệm đều không cho phép chúng ta kỳ vọng rằng đạo đức dân tộc có thể thắng thế khi loại trừ nguyên tắc tôn giáo.” Và trước khi bổ nhiệm một người đàn ông làm Tổng chưởng lý Hoa Kỳ, ông đã hỏi về “trình độ chuyên sâu của ông ấy trong lĩnh vực khoa học chính trị, hay nói cách khác là hiểu biết của ông ấy về lịch sử.”
Tóm lại, các bậc Tổ phụ Lập quốc của chúng ta đã biết rằng chúng ta chỉ có thể là một dân tộc tự do nếu chúng ta học được những bài học của lịch sử. Nhân loại không bắt đầu từ chúng ta, và (cầu Chúa) sẽ không kết thúc với chúng ta.
Như tôi đã nói nhiều lần, chúng ta không nên tự giới hạn bản thân. Nhưng đó chính xác là những gì chúng ta đã làm trong suốt quá trình giáo dục của mình. Việc tiếp cận và nghiên cứu những tác phẩm kinh điển vĩ đại của nền văn minh nhân loại chưa bao giờ dễ dàng hơn thế. Các bậc Tổ phụ Lập quốc của chúng ta đã mất cả cuộc đời và một gia tài nhỏ để có được những tác phẩm của họ—chúng ta có thể có được những tác phẩm của chúng ta trong một vài cú nhấp chuột, nhờ vào internet. Còn xa so với việc trân trọng những bài học lịch sử, con cái chúng ta thường được dạy là phải khinh miệt chúng—hoặc thậm chí tệ hơn, phải phớt lờ chúng.
Nếu chúng ta muốn tiếp tục là một dân tộc tự do, thì việc nghiên cứu lịch sử nghiêm túc, tỉnh táo và, đương nhiên, một cách lôi cuốn một lần nữa phải có một vị trí nổi bật trong các lớp học của người Mỹ. Hãy để trẻ em của chúng ta đọc những tác phẩm kinh điển vĩ đại của các nền văn minh Hy Lạp, La Mã, Trung Hoa, Ả Rập, Trung Cổ và các nền văn minh khác. Hãy để chúng suy ngẫm về bản chất con người bằng cách tiếp thu kinh nghiệm của rất nhiều dân tộc khác trong suốt các thời kỳ và ở khắp các địa điểm khác.
Trong suốt quá trình ấy, hãy để chúng học được đức tính khiêm nhường mà một nghiên cứu như vậy nhất thiết phải khắc sâu. Chúng sẽ học được rằng đôi khi, những ý tưởng mới nhất là sự lặp lại của những ý tưởng tồi tệ nhất – càng thử làm, càng thất bại. Chúng sẽ học cách nghi ngờ những kẻ mị dân luôn cố gắng thuyết phục chúng rằng những vấn đề của thế giới có thể được giải quyết bằng một hệ tư tưởng với phép tư duy tam đoạn luận, và một xã hội lý tưởng là trong tầm tay nếu một số người nào đó bị loại ra. Chúng sẽ biết rằng ranh giới đạo đức tồn tại là có lý do, và mặc dù “có một phương thức dường như phù hợp với con người,” nhưng nó thường “kết thúc bằng cái chết.” Chúng sẽ tìm hiểu điều gì xảy ra khi xã hội phá bỏ các ràng buộc đạo đức mà họ thậm chí không buồn tìm hiểu mục đích của chúng là để làm gì—và thảm họa luôn xảy ra sau đó.
Cuối cùng, chúng sẽ học được rằng bản chất con người không thay đổi một chút nào trong hàng ngàn năm lịch sử được ghi lại. Chúng sẽ học được trí tuệ vốn đã khiến vô số nhà lý tưởng và nhà cách mạng thất chí, lại liên tục an ủi những người thông thái rằng “không có gì là mới dưới ánh mặt trời.” Đó là lý do tại sao các tác phẩm kinh điển xét cho cùng vẫn là kinh điển: chúng có thể câu thông bất chấp khoảng cách hàng thế kỷ, thậm chí hàng thiên niên kỷ giữa người viết và người đọc. Điều đó sẽ không thể xảy ra nếu bản chất con người có thể được nhào nặn bởi các hệ tư tưởng, hoặc lịch sử được làm lại bởi những kẻ cuồng tín.
Những bài học của lịch sử đặt nền móng cho chúng ta. Chúng khai sáng cho chúng ta. Và quan trọng hơn hết, chúng dạy chúng ta khiêm nhường, và do đó ngăn chặn sự suy đồi nhanh chóng vốn không thể tránh khỏi xuất phát từ căn nguyên của các loại tệ nạn, khiến hủy hoại mọi cá nhân và mọi xã hội: chính là sự kiêu ngạo.
Đây là những bài học lịch sử mà các bậc Tổ phụ Lập quốc đã răn dạy chúng ta phải ghi nhớ và học tập. Sự tồn vong của nền Cộng Hòa của chúng ta sẽ phụ thuộc vào việc chúng ta có làm theo hay không.
Tác giả Joshua Charles từng là người viết diễn văn tại Tòa Bạch Ốc cho cựu Phó Tổng thống Mike Pence. Ông là nhà sử học, nhà văn/người viết thuê, diễn giả và là một tác giả của một số cuốn sách bán chạy số 1 trên The New York Times. Ông cũng là cố vấn lịch sử cho một số bộ phim tài liệu và ấn bản sách về các chủ đề khác nhau, từ Các bậc Tổ phụ Lập quốc, đến Israel, vai trò của đức tin trong lịch sử Hoa Kỳ, đến tác động của Kinh Thánh đối với nền văn minh nhân loại. Ông là biên tập viên cao cấp và nhà phát triển ý tưởng của “Global Impact Bible” (“Kinh Thánh Tác Động Toàn Cầu”), được Bảo tàng Kinh thánh có trụ sở tại D.C. xuất bản vào năm 2017, đồng thời là học giả liên kết của Trung tâm Khám phá Đức tin và Tự do ở Philadelphia. Ông là một thành viên của Tikvah và Philos, đã diễn thuyết khắp đất nước về các chủ đề như lịch sử, chính trị, đức tin và thế giới quan. Ông cũng là một nghệ sĩ hòa tấu dương cầm có bằng thạc sĩ về chính phủ và bằng luật.
Quý vị có thể theo dõi ông trên Twitter @JoshuaTCharles hoặc vào trang JoshuaTCharles.com.
Do Joshua Charles thực hiện
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: