Phải chăng chúng ta không còn có thể tin những người bảo tồn quá khứ?
Những thành kiến chính trị của các sử gia hiện đại có nguy cơ làm suy giảm uy tín của ngành học này.
Khi cuốn sách “Arming America: The Origins of a National Gun Culture” (Vũ Trang Mỹ: Nguồn Gốc của Văn Hóa Súng Quốc Gia) của tác giả Michael Bellesiles ra mắt vào năm 2000, cuốn sách này đã được tán dương rộng rãi như một bước đột phá và một phần sửa đổi đối với cách người Mỹ nhìn nhận Tu chính án thứ Hai. Sự nghiệp của ông Bellesiles cũng đã được giới phê bình chuyên môn đánh giá cao và được trao tặng Giải thưởng Bancroft, giải thưởng danh giá dành cho các tác phẩm về lịch sử Hoa Kỳ.
Nhưng chẳng bao lâu sau, chỉ vì một lý do duy nhất là tác phẩm đó dựa trên thông tin sai lệch mà giải thưởng này đã bị rút lại và sự nghiệp của ông đã trượt dốc không phanh sau khi tác phẩm của ông đã chứng minh được tính đột phá.
Đó là thời điểm mà lĩnh vực nghiên cứu lịch sử chưa bị chính trị hóa nhiều và vẫn rất được tôn trọng. Việc Giải thưởng Bancroft, do Hội đồng quản trị của Đại học Columbia trao tặng, bị hủy bỏ là đủ để cho thấy rằng chuyên ngành này khi đó chú trọng tính học thuật hơn và ít bị chính trị tác động hơn. Theo ông Phillip W. Magness, một sử gia kinh tế, tác giả, đồng thời là giám đốc nghiên cứu và giáo dục tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Mỹ, thì phản ứng đối với nền học thuật kém chất lượng và những lối truyền đạt có động cơ chính trị của các tác phẩm trong quá khứ rất khác với hiện nay.
Một bước chuyển trong nhận thức
Ông Magness đã viện dẫn tác phẩm đạt giải Pultizer “Dự Án 1619” được giới phê bình đánh giá cao như một ví dụ rõ ràng nhất. Đứa con tinh thần của biên tập viên Tạp chí The New York Times Nikole Hannah-Jones này là một cố gắng nhằm “điều chỉnh khung nhận thức” (reframe) về việc sáng lập nước Mỹ như một đất nước được xây dựng dựa trên chế độ nô lệ hơn là dựa trên sự tự do. Tác phẩm này đã bị các sử gia có các quan điểm chính trị khác nhau công kích, gồm cả một trong những sử gia đảm trách việc xác thực dữ kiện của chính tác phẩm đó. Như ông Magness đã chỉ ra trong một cuộc phỏng vấn trên podcast “The Sons of History” (Những Đứa Con Của Lịch Sử), các giải thưởng liên tục ‘đổ về,’ trong đó có giải Pulitzer, trong khi tác phẩm gồm nhiều bài tiểu luận này vẫn đang trong quá trình thẩm định gắt gao.
Sử gia kinh tế, người đã viết cuốn sách “The 1619 Project: A Critique” (Bình Luận Tác Phẩm Dự Án 1619), đã cho thấy sự chuyển đổi từ tính học thuật trong lịch sử sang các lối truyền đạt mang tính chính trị này đã xảy ra như thế nào trong một giai đoạn 20 năm. Ông Magness nói rằng vào những năm 1960, sự chênh lệch về chính trị trong lĩnh vực lịch sử hàn lâm là khoảng 45% người theo phái thiên tả và ôn hòa, và 55% còn lại là những người theo phái bảo tồn truyền thống. Ông nói thêm rằng những con số này hầu như không thay đổi trong những năm 1990, nhưng vào đầu những năm 2000, các khuynh hướng chính trị của các học giả lịch sử đã trở nên cách biệt hơn, với các giáo sư theo phái thiên tả chiếm đâu đó từ 80-90% trong khoa lịch sử của một trường đại học nhất định.
“Điều đó gây ra một sự lười biếng tìm tòi cái mới trong giới sử gia,” ông nói. “Họ không còn phải bảo vệ các quan điểm của mình bằng những luận chứng hay làm rõ những niềm tin của họ nữa.”
Ông Magness cho biết đã có một sự chuyển đổi từ nền học thuật dựa trên dữ kiện thực tế khắt khe và hướng tới các câu chuyện lịch sử phục vụ một mục đích chính trị. Ông cho biết những câu chuyện đó, vốn chỉ đơn thuần là những cuộc luận chiến, sử dụng bằng chứng để củng cố cho một vị thế chính trị hoặc một vị thế xã hội nhằm bác bỏ một luận điệu đối lập.
“Mục tiêu mang tính chính trị điều khiển mọi thứ, điều đó có nghĩa là bằng chứng đích xác là một thứ vũ khí,” ông nói.
Một cuộc tranh cãi gay gắt đã xảy ra hồi năm ngoái khi chủ tịch Hiệp hội Lịch sử Mỹ (AHA), ông James H. Sweet, đã phản bác lại những luận điệu đang thịnh hành. Chuyên mục “Liệu Lịch sử có còn là Lịch sử?” của ông trên tạp chí của AHA đã cảnh báo về việc sử dụng chủ nghĩa hiện tại và những động cơ chính trị trong các tác phẩm lịch sử. Ông Magness tuyên bố rằng “đó là một chuyên mục rất chính đáng và ôn hòa nhằm kêu gọi các sử gia gây áp lực,” phê phán phía cánh tả lẫn cánh hữu. Nhưng ngay sau khi AHA đăng chuyên mục này lên Twitter, thì đám đông Twitter đã tấn công như thể là có sự phối hợp, chỉ trích ông Sweet và chuyên mục của ông, cũng như yêu cầu ông từ chức. Trong vòng chưa đầy 24 giờ, ông Sweet đã đưa ra một lời xin lỗi.
“Tôi rất ngạc nhiên khi thấy lời xin lỗi này nhanh chóng được đưa ra như vậy,” ông Magness nói. “Lời xin lỗi này giống như là một lá thư nhận lỗi ở phiên đấu tố dưới thời Mao Trạch Đông. Thật kinh khủng khi đọc.”
Rất nhiều người đã đứng ra bảo vệ ông Sweet nhưng đồng thời cũng chỉ trích thư xin lỗi của ông, đến nỗi Hiệp hội AHA đã quyết định tạm khóa tài khoản Twitter của họ cho đến khi cơn bão này qua đi. Chuyên mục ban đầu của ông Sweet vẫn còn, nhưng lại được mở đầu bằng lời xin lỗi của ông.
Một tia hy vọng lịch sử
Với sự thành công của tác phẩm “Dự Án 1619,” sự chỉ trích tức khắc đối với chuyên mục nhạy cảm này của ông Sweet, và sự kích động tức thì của người dùng Twitter nhằm biện minh cho các tác phẩm lịch sử có động cơ chính trị trước giới học thuật, ông Magness đã cho thấy một tia sáng hy vọng.
“Công chúng không còn tin tưởng các sử gia, khi mà họ nhìn thấy những bài bình luận từ các sử gia, những người được kỳ vọng là đang nghiên cứu về quá khứ theo cách của những chuyên gia,” ông nói. “Vì tiền thuế được sử dụng để duy trì toàn bộ hệ thống này và đó sẽ trở thành một vấn đề về tài chính công nếu giới học thuật đang không thực sự cung cấp thông tin đáng tin cậy cho công chúng. Đột nhiên công chúng có thể thức tỉnh và quyết định dừng đóng thuế.”
Ông Magness cho chúng ta biết rằng số lượng sinh viên chọn học nghề này đã sụt giảm. Ông tuyên bố ngành học này đang thoái trào, trong khi niềm hứng thú đối với lịch sử chưa từng có một nhu cầu cao hơn.
“Trong tất cả các chuyên ngành chính, ngành lịch sử đã đánh mất khá nhiều sinh viên theo tỷ lệ phần trăm hơn bất kỳ chuyên ngành nào khác trong suốt 10 năm qua, kể cả Văn học Anh hay thi ca và các bằng cấp khác không được biết đến trong thị trường việc làm của họ. Ngành lịch sử không còn có khả năng thu hút sinh viên nữa,” ông nói.
“Kỳ lạ là điều đó đang diễn ra ngay tại thời điểm mà sự quan tâm của công chúng về quá khứ chưa bao giờ mạnh mẽ hơn thế. Chúng ta đang có một số lượng lớn các sách lịch sử liên tục nằm trong những danh sách bán chạy nhất. Lịch sử đại chúng — không phải lịch sử học thuật — liên tiếp nằm trong số những cuốn sách bán chạy nhất. Mọi người sắp xếp toàn bộ những kỳ nghỉ để đến các khu di tích lịch sử. Đó cũng là một phần quan trọng trong nền kinh tế du lịch này. Mọi người đang khao khát thông tin về quá khứ.”
Diệu Linh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times