Ủy Ban Âu Châu: ‘Người Do Thái ở châu Âu ngày nay lại đang sống trong sợ hãi’
Theo Liên Đoàn Chống Phỉ Báng (Anti-Defamation League), các vụ bài Do Thái đã tăng 240% ở Đức và 300% ở Áo.
Theo Ủy ban Âu Châu, người Do Thái ở châu Âu đang “sống trong sợ hãi” sau khi các vụ bài Do Thái trên lục địa này gia tăng “ở mức độ bất thường.”
“Sự gia tăng các vụ bài Do Thái trên khắp châu Âu đã lên đến mức bất thường trong vài ngày qua, gợi nhớ đến một số thời điểm đen tối nhất trong lịch sử,” ủy ban này cho biết trong một tuyên bố hôm 05/11. “Chúng ta đã chứng kiến các vụ việc và luận điệu bài Do Thái nổi lên ở Liên Minh Âu Châu (EU) và trên toàn thế giới: bom xăng bị ném vào một giáo đường Do Thái ở Đức, biểu tượng ngôi sao David bị sơn đầy lên các tòa nhà dân cư ở Pháp, nghĩa trang Do Thái bị mạo phạm ở Áo, các cửa hàng và giáo đường Do Thái bị tấn công ở Tây Ban Nha, những người biểu tình hô vang khẩu hiệu căm thù người Do Thái.”
“Người Do Thái ở châu Âu ngày nay lại đang sống trong sợ hãi,” bản tuyên bố cho biết. “Trong những thời điểm khó khăn này, EU sẽ sát cánh cùng cộng đồng Do Thái của mình. Chúng tôi lên án những hành động hèn hạ này bằng những ngôn từ mạnh mẽ tối đa.”
Tuyên bố của Ủy Ban Âu Châu nhấn mạnh rằng các vụ bài Do Thái đi ngược lại “mọi thứ” mà châu Âu đại diện và nói rằng EU “quyết tâm” bảo vệ hạnh phúc của tất cả các cộng đồng của mình. Kể từ năm 2021, EU đã đưa ra một chiến lược toàn diện để chống lại chủ nghĩa bài Do Thái.
Ủy ban này nêu ra rằng EU đã tăng cường tài trợ để bảo vệ những thánh đường cũng như các địa điểm khác. Tổ chức này cũng đang thực thi luật để bảo đảm rằng các nền tảng [mạng xã hội] trực tuyến nhanh chóng ứng phó với “nội dung bài Do Thái hoặc bài xích Hồi Giáo trên mạng.”
Tuyên bố của Ủy ban nói: “[Các vụ việc này] chống lại mô hình xã hội mà chúng tôi đại diện: một xã hội dựa trên sự bình đẳng, toàn diện, và hoàn toàn tôn trọng nhân quyền. Do Thái, Hồi Giáo, Thiên Chúa Giáo — không ai phải sống trong nỗi sợ hãi bị phân biệt đối xử hoặc bạo lực vì tôn giáo hoặc danh tính của họ.”
Theo một thông cáo báo chí hôm 06/11 của tổ chức vận động Do Thái — Liên Đoàn Chống Phỉ Báng (ADL) — những người ủng hộ Hamas và các tổ chức bài Do Thái khác đã “đe dọa và nhắm mục tiêu vào các cá nhân cũng như tổ chức của người Do Thái và Israel trên toàn thế giới” sau cuộc tấn công vào Israel hôm 07/10 dẫn đến cuộc thảm sát hơn 1,400 công dân.
Tại Đức, RIAS, tổ chức phi chính phủ chuyên ghi chép các vụ bài Do Thái ở nước này, đã ghi nhận một mức tăng 240% các vụ việc như vậy từ ngày 07/10 đến ngày 15/10 so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Tại Pháp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã báo cáo rằng có 1,040 vụ bài Do Thái và 486 vụ bắt giữ. Nước Áo đã báo cáo số vụ việc tương tự tăng 300% trong khoảng thời gian từ ngày 07/10 đến ngày 19/10.
Sau vụ tấn công hôm 07/10, Ủy Ban Âu Châu ban đầu đã nêu ra rằng họ sẽ xem xét tất cả các khoản viện trợ phát triển cho Palestine. Tuy nhiên, tổ chức này đã rút lui sau khi một số quốc gia thành viên EU phản đối hành động này.
Đến hôm 19/10, các Nghị viên Quốc Hội Âu Châu thuộc EU đã ủng hộ việc tăng cường trợ giúp nhân đạo cho Dải Gaza đồng thời yêu cầu xem xét kỹ lưỡng để bảo đảm rằng không có khoản tiền nào trực tiếp hoặc gián tiếp tài trợ cho khủng bố.
Chủ nghĩa bài Do Thái của Hoa Kỳ
Các vụ bài Do Thái cũng tăng mạnh ở Hoa Kỳ. Theo một thông cáo báo chí hôm 24/10 của ADL, từ ngày 07/10 đến ngày 23/10, có 312 vụ bài Do Thái, tăng mạnh so với chỉ 64 vụ trong cùng thời kỳ năm ngoái.
Ông Jonathan Greenblatt, Giám đốc điều hành ADL, cho biết: “Tất cả các nhà lãnh đạo, từ các nhà lãnh đạo chính trị, tổng giám đốc đến hiệu trưởng trường đại học, đều có trách nhiệm lên án mạnh mẽ và dứt khoát chủ nghĩa bài Do Thái cũng như chủ nghĩa khủng bố.”
“Việc này không khó. Lời nói rất quan trọng, và trong khi chiến tranh ở Gaza leo thang, chúng tôi khuyến khích tất cả những người có quyền lực hãy sử dụng chương trình hoạt động của họ để lên án sự căm thù và khủng bố, ở bất cứ nơi nào sự việc này xảy ra.”
Hôm 02/11, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua một nghị quyết lên án các trường cao đẳng và đại học Hoa Kỳ đã ủng hộ các tổ chức khủng bố chống Israel như Hamas và Hezbollah trong khi lại cho phép chủ nghĩa bài Do Thái diễn ra trong khuôn viên trường.
Nghị quyết do Dân biểu Burgess Owens (Cộng Hòa-Utah) đề xướng này cho biết, sự ủng hộ dành cho các tổ chức khủng bố như vậy có thể dẫn đến “việc tạo ra một môi trường thù địch đối với sinh viên, giảng viên, và nhân viên gốc Do Thái.” Nghị quyết được thông qua với tỷ lệ 396 phiếu thuận – 23 phiếu chống, với 22 thành viên Đảng Dân Chủ đã bỏ phiếu chống lại nghị quyết này.
Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua một dự luật để cung cấp 14.3 tỷ USD tài trợ cho Israel với sự ủng hộ đa số từ Đảng Cộng Hòa. Dự luật này, vốn bù đắp 14.3 tỷ USD bằng cách cắt giảm ngân sách dành cho IRS, vẫn chưa được Thượng viện thông qua.
Sự tham gia của quân đội Hoa Kỳ
Kể từ ngày 07/10, Hoa Kỳ đã chuyển hướng hoặc gửi hơn 15,000 quân nhân đến Trung Đông.
Việc điều động này bao gồm 1,200 binh sĩ trong khu vực được khai triển vào đầu tháng Mười, khoảng 10,000 lính thủy binh trên tàu USS Gerald R. Ford và các nhóm tàu tấn công USS Dwight D. Eisenhower hiện đang đóng quân ở Biển Địa Trung Hải, cùng 4,000 lính thủy binh và Thủy quân lục chiến được khai triển cùng với nhóm tàu sẵn sàng đổ bộ USS Bataan.
Trong khi đó, các Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal (Dân Chủ-Connecticut) và Lindsey Graham (Cộng Hòa-South Carolina) đang trong tiến trình tạo ra một nghị quyết lưỡng đảng để đề nghị Hoa Kỳ tấn công Tehran nếu các phe phái được Iran hậu thuẫn ở Trung Đông tấn công Israel hoặc tiêu diệt binh lính Mỹ trong khu vực.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, ông Graham nói rằng nghị quyết này “về cơ bản nói rằng, nếu chiến tranh mở rộng, nếu Hezbollah mở một mặt trận thứ hai ở phía bắc chống lại Israel theo cách đáng kể để áp đảo Iron Dome, thì chúng ta nên tấn công Cộng hòa Hồi Giáo Iran.”
Ông Blumenthal cho rằng nghị quyết này “hoàn toàn cần thiết.” Ông nhấn mạnh rằng nghị quyết này có lợi cho các quốc gia khác trong khu vực.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times