Siết chặt vòng vây những dân tộc dễ bị tấn công trên thế giới
Dân số Israel là vào khoảng 10 triệu người. Con số này đại diện cho khoảng một nửa số người Do Thái trên thế giới.
Ý tưởng sáng lập Israel hiện đại là để cung cấp một nơi trú ẩn cho người Do Thái tại quê hương của họ ở Trung Đông dựa theo Kinh thánh, sau vụ thảm sát hàng loạt 6 triệu người Do Thái của Đức Quốc xã.
Tuy nhiên, hiện tại, 78 năm sau sự kiện Holocaust, những người biểu tình bài Israel xuất hiện trên khắp Trung Đông, các thành phố lớn của thế giới phương Tây, và các trường đại học nổi tiếng của Mỹ quốc đều hô vang những lời đe dọa chết chóc và “Từ sông ra biển, Palestine sẽ được tự do.” Khẩu hiệu đặc trưng của họ là nhanh chóng xóa bỏ nhà nước Do Thái và mọi người dân trong đó.
Hiện tại người Do Thái sẽ không có cơ hội để có thể sống hòa bình dưới bất kỳ chính phủ Trung Đông hiện tại nào. Trong thời kỳ hậu chiến, gần một triệu người Do Thái đã bị đàn áp, thanh trừng sắc tộc, và bị buộc phải trục xuất khỏi tất cả các quốc gia Ả Rập lớn — Algeria, Ai Cập, Iraq, Libya, Maroc, Syria và Yemen — mặc dù họ đã cư trú hàng trăm năm tại đó.
Sự thù hận đối với Israel vẫn còn là vấn đề nổi cộm trong hầu hết thế giới Ả Rập với gần 500 triệu dân, và thực sự là chuyện bình thường trong số 1.6 tỷ người Hồi Giáo trên thế giới và các quốc gia của họ tại Liên Hiệp Quốc.
Và Israel chỉ là một trong số các quốc gia nhỏ bé và dễ bị tấn công. Hầu hết các quốc gia tại khu vực Đông Địa Trung Hải và Trung Đông đều đầy biến động. Tất cả đều bị các nước láng giềng thù địch bao vây. Những quốc gia khác cũng đã phải chịu đựng một lịch sử đàn áp lâu dài và các đợt diệt chủng — những thảm họa không nhất thiết hoàn toàn gắn liền với quá khứ xa xưa của họ.
Cuộc chiến ủy nhiệm gay gắt giữa các lực lượng của Armenia và Azerbaijan tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh gần đây đã kết thúc với sự thất bại của các lực lượng do Armenia viện trợ. Kết quả là, ngay trước vụ thảm sát người Do Thái của Hamas hôm 07/10 khoảng 120,000 người Armenia theo đạo Cơ Đốc Giáo đã bị người Azerbaijan theo đạo Hồi và nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ trục xuất khỏi khu vực này.
Hơn một thập kỷ trôi qua sau cuộc diệt chủng người Armenia của Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc thanh trừng sắc tộc hiện nay ở Nagorno-Karabakh đã khiến hơn 1 triệu người bị trục xuất khỏi quê hương và bị tàn sát.
Armenia (quốc gia theo Cơ Đốc Giáo), chỉ có 3 triệu dân, thậm chí còn nhỏ bé hơn Israel. Và quốc gia này gần như bị bao vây bởi các quốc gia Hồi Giáo thù địch. Như trong trường hợp của Israel, thế giới gần như phớt lờ [hoặc không bận tâm] kịch bản tàn bạo quen thuộc xưa cũ này, vốn giờ đây tái diễn với những đối thủ hung hãn tương tự.
Hy Lạp — một thành viên NATO và Liên minh Âu Châu — cũng tương tự Israel ở chỗ quốc gia này tương đối nhỏ, với dân số 10.5 triệu người. Trong hơn 400 năm, Hy Lạp bị Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman chiếm đóng. Khoảng một thế kỷ trước, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện cuộc thanh trừng sắc tộc, loại người Hy Lạp khỏi Ionia cổ đại và thủ đô Smyrna — quê hương của các dân tộc Hy Lạp trong nhiều thiên niên kỷ.
Giống như Armenia, quốc gia này có chung đường biên giới với kẻ xâm lược lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ. Các hòn đảo của Hy Lạp ngoài khơi Tiểu Á hiện đang là nơi thường xuyên bị phi cơ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tấn công. Về phía bắc của Hy Lạp là vùng Balkan đầy biến động trong lịch sử. Bên kia Địa Trung Hải là một số quốc gia Bắc Phi bất ổn và thường xuyên chứng kiến bạo lực, thường là nguồn gốc của làn sóng nhập cư bất hợp pháp ồ ạt, gây bất ổn vào Hy Lạp.
Đảo Cyprus nhỏ bé cũng là một quốc gia dễ bị tấn công không kém. Lịch sử đảo Cyprus là một trong các quốc gia chịu đựng những cuộc xâm lược và chiếm đóng liên tục. Gần đây nhất, đảo Cyprus bị buộc phải chia thành các vùng của Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1974, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược và trục xuất khoảng 200,000 người Hy Lạp khỏi quê hương đã có từ hàng thế kỷ của họ ở phía bắc hòn đảo này.
Và tất cả những nguy hiểm mà các quốc gia nhỏ bé này phải đối mặt không phải là thuyết trừu tượng hay lịch sử cổ đại. Chẳng hạn, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gần đây đã bình luận về những căng thẳng hiện đang đè nặng lên tất cả các quốc gia đó.
Với những vụ bắt giữ ngày càng tăng do Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm không phận Hy Lạp ở Aegean, ông Erdogan đã đe dọa sẽ nã phi đạn vào Athens: “Chúng tôi có thể khai hỏa đột ngột vào một đêm khi thời cơ đến.”
Gần đây ông Erdogan cũng dọa Israel với lời cảnh báo gần như tương tự về một cuộc tấn công phủ đầu bằng phi đạn của Thổ Nhĩ Kỳ vào ban đêm, khoe khoang rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể “tấn công bất cứ lúc nào vào bất kỳ đêm nào.” Ông cũng đã đề cập một cách đáng lo ngại về vụ thảm sát hôm 07/10 và phản ứng của Israel đối với sự việc này ở Gaza: “Chúng tôi sẽ nói với cả thế giới rằng Israel là tội phạm chiến tranh. Chúng tôi đang chuẩn bị cho việc này.”
Về việc trục xuất người Armenia gần đây và cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh, ông Erdogan cũng khoe khoang: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thành sứ mệnh mà cha ông của chúng tôi đã thực hiện trong nhiều thế kỷ ở vùng Caucasus.” Rõ ràng, ông Erdogan đang đề cập đến cả cuộc chinh phạt Armenia của người Ottoman và những nỗ lực sau này của Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu thế kỷ 20, nhằm thanh trừng sắc tộc Armenia.
Trong tất cả các trường hợp này, các quốc gia nhỏ bé và dễ bị tấn công tổ chức các cuộc bầu cử minh bạch và bảo đảm quyền cá nhân — trái ngược hoàn toàn với các nước láng giềng lớn hơn và hung hãn hơn. Sự tồn tại của các quốc gia này được kéo dài là phụ thuộc vào các liên minh và sự trợ giúp của phương Tây — từ Liên minh Âu Châu, từ NATO, và đặc biệt là từ Hoa Kỳ.
Trong quá khứ, tất cả họ đều phải chịu thảm họa vì họ khác biệt với các nước láng giềng về sắc tộc, tôn giáo, và lịch sử — và bị quốc gia được cho là đồng minh và bên bảo trợ của họ ở phương Tây xem là tầm thường hoặc không quan trọng.
Nếu chúng ta không cẩn thận, thì điều tưởng chừng như không thể xảy ra lần nữa chắc chắn sẽ xảy ra.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times