Có thể cứu vãn các trường đại học hiện nay không?
Nền giáo dục đại học ưu tú ở Hoa Kỳ — lâu nay vẫn được mặc định là vượt trội trên toàn cầu — đang phải đối mặt với một phen giông bão thực thụ.
Có ít sinh viên ghi danh hơn, chi phí cao hơn, sinh viên nghèo khó hơn, sự đổ sụp các tiêu chuẩn, và các giảng viên ngày càng bị chính trị hóa và tầm thường; tất cả đều phản ánh sự sụp đổ của hệ thống đại học ưu tú.
Đất nước này đang nhận thức được tình hình thực tế rằng một tấm bằng cử nhân không còn tương đương với việc sinh viên tốt nghiệp được giáo dục rộng rãi và có khả năng phân tích. Cũng như thường lệ, họ bị xem là được nuông chiều, phần lớn là có lượng kiến thức ít ỏi, và ngoan cố một cách không đâu.
Không có gì ngạc nhiên khi các cuộc thăm dò cho thấy sự tôn trọng của công chúng đối với giáo dục đại học giảm sút nghiêm trọng và đặc biệt là ngày càng thiếu tin tưởng đối với các giáo sư.
Hàng năm, có rất ít sinh viên vào đại học. Mặc dù so với 20 năm trước thì dân số Hoa Kỳ đã tăng thêm 40 triệu người nhưng tỷ lệ sinh đã giảm trong hai thập niên với khoảng 500,000 ca sinh mỗi năm.
Trong khi đó, từ năm 1980 đến năm 2020, tiền phòng, tiền ăn, và học phí đã tăng lên 170%.
Lạm phát không phải là nguyên nhân duy nhất khiến các loại chi phí tăng vọt, mà là vì các trường đã giảm bớt gánh nặng giảng dạy của giảng viên nhưng lại tuyển thêm nhiều nhân viên hành chính. Tại đại học Stanford, gần như cứ mỗi sinh viên trong trường thì lại có một nhân viên hoặc vị trí hành chính.
Đồng thời, để cạnh tranh tuyển sinh trong khi số lượng sinh viên ngày càng giảm, các trường đại học bắt đầu cung cấp các dịch vụ tốn kém như tư vấn thay mặt cho cha mẹ (loco parentis), ký túc xá và các tiện nghi kiểu Club Med, cũng như các hoạt động ngoại khóa.
Khi số lượng sinh viên ghi danh ngày càng ít ỏi và chi phí tăng lên, các trường đại học bắt đầu cung cấp các gói trợ giúp sinh viên “dịch vụ trọn gói,” phụ thuộc nhiều vào các khoản vay sinh viên được chính phủ trợ cấp. Tổng số các khoản nợ mà hơn 40 triệu sinh viên vay đang lên đến gần 2 ngàn tỷ USD.
Tệ hơn nữa, các ngành khoa học xã hội đã mở ra một loạt các chuyên ngành chính và ngành học phụ mới về trị liệu. Hầu hết các khóa học về giới tính/chủng tộc/môi trường này không nhấn mạnh vào các kỹ năng phân tích, toán học, vấn đáp, và viết. Những khóa học như vậy chẳng gây ấn tượng gì với nhà tuyển dụng.
Việc tuyển dụng giảng viên ngày càng tiến đến mức không dựa trên ưu đãi nhân tài, mà dựa trên các tiêu chí đa dạng – công bằng – hòa nhập (diversity – equity – inclusion, DEI). Những giảng viên mới được nhận vào đã tìm cách đưa các tiêu chí DEI tự tư tự lợi này vào hệ thống và điều chỉnh lại giáo dục đại học để chuẩn bị cho một thế hệ mới tiếp tục duy trì các hệ tư tưởng cấp tiến.
Tại những trường ưu tú hơn, các hạn ngạch [tuyển sinh] phân biệt chủng tộc đã hạn chế đáng kể số lượng sinh viên gốc Á Châu và gốc Âu Châu. Nhưng dự án kỹ thuật xã hội phân biệt chủng tộc đó đòi hỏi phải bỏ yêu cầu bài thi SAT(*) và xếp hạng so sánh điểm trung bình ở trung học.
Ghi chú của người dịch: SAT (Scholastic Aptitude Test, Bài kiểm tra Năng lực học thuật) là một bài thi được sử dụng để đánh giá khả năng ngôn ngữ và tính toán cho các học sinh trung học, từ đó có thể dùng như một thước đo để dự đoán, đánh giá mức độ thành công ở bậc đại học tương ứng.
Trong bối cảnh những sinh viên có sự chuẩn bị kém hơn đã bước vào đại học, các giảng viên hoặc là tăng điểm (ở đại học Yale, hiện 80% sinh viên đạt điểm A hoặc A-), hạ thấp các yêu cầu khóa học, hoặc là mở thêm các lớp bóng mềm (soft-ball) mới. Nếu có các hành động khác đi trong lúc cố gắng giữ vững các tiêu chuẩn cũ thì giảng viên sẽ bị cáo buộc là phân biệt chủng tộc và tệ hơn nữa.
Một cách khác để giải quyết vòng luẩn quẩn chi phí ngày càng tăng, sinh viên ít hơn và nghèo hơn là thu hút sinh viên ngoại quốc. Những sinh viên này trả toàn bộ chi phí đại học, đặc biệt là những khoản trợ cấp hào phóng từ Trung Đông và Trung Quốc. Gần một triệu người ngoại quốc, phần lớn đến từ các chế độ phi tự do, hiện đang học ở những ngôi trường này với học bổng toàn phần.
Khi đến đây, nhiều người coi các quyền tự do vừa mới nhận được của mình là lời mời tấn công Mỹ quốc. Một khi đến đây, họ rất thường mô tả một cách lãng mạng về các chính phủ vô cùng chuyên chế và các giá trị phi tự do ở quê hương, nơi mà có lẽ họ đã tìm cách trốn thoát bằng cách đến Mỹ.
Hầu hết sinh viên ngoại quốc cho rằng họ được miễn trừ hậu quả do vi phạm nội quy hoặc luật pháp nói chung của trường. Rốt cuộc, họ phải chi trả toàn bộ chi phí học hành và do đó trợ cấp một phần cho những người không chi trả.
Gần một nửa số người ghi danh học đại học không bao giờ lấy được mảnh bằng. Tính trung bình, sinh viên nào tốt nghiệp được thì cũng phải mất sáu năm.
Tất cả những điều thực tế này giải thích nguyên nhân tại sao ngày càng nhiều thanh thiếu niên lựa chọn các trường dạy nghề, các khóa học nghề nghiệp, và cao đẳng cộng đồng. Họ thích tham gia vào lực lượng lao động hầu như không mắc nợ và được [các doanh nghiệp] cần đến như những người thợ có tay nghề, được săn đón.
Hầu hết họ nhận thấy rằng nếu các trường đại học được vũ khí hóa đã phá hoại chương trình giáo dục đại cương cũ kỹ này, thì việc không theo đuổi tấm bằng cử nhân truyền thống cũng không phải là thiệt thòi gì lớn. Người ta có thể tìm thấy một lựa chọn tốt hơn nhiều, đó là các lớp học có tiêu chuẩn cao và được giảng dạy thành công theo phương pháp học trực tuyến với chi phí thấp hơn.
Tình trạng này đưa đến một thảm họa cho nền giáo dục đại học và một lời cảnh tỉnh cho quốc gia nói chung.
Mọi thế hệ hiện đang lâm vào cảnh thời niên thiếu bị kéo dài khi họ lê bước qua quãng đời đại học để tiêu tốn những năm đôi mươi cho đến gần ba mươi. Kết quả đáng tiếc cho quốc gia là người ta hoàn toàn chậm trễ trong các việc kết hôn, sinh con, mua nhà — mà từ bao đời nay, tất cả những việc này đều là chất xúc xác để trưởng thành và gánh vác những trách nhiệm đi kèm.
Nhóm giảng viên bị chính trị hóa, các sinh viên ấu trĩ, và các lớp học thường thường bậc trung đã kết hợp lại để làm giảm uy tín của tấm bằng đại học, kể cả bằng cấp của những trường đại học ưu tú. Một tấm bằng của đại học Columbia không còn bảo chứng cho sự trưởng thành hay kiến thức vượt trội mà lại có thể là lời cảnh báo cho các nhà tuyển dụng rằng đây là một sinh viên mới tốt nghiệp nói chuyện đao to búa lớn, trình độ học vấn kém, thích khiếu nại với Phòng Nhân sự hơn là nâng cao năng suất của công ty.
Tuy nhiên, có lẽ không đến nỗi hoàn toàn đáng tiếc khi phần lớn giáo dục đại học đang đi theo hướng của các trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, và đĩa CD. Quốc gia cần nhiều người lao động tay chân lành nghề hơn, thời niên thiếu và thời gian mắc nợ ngắn hơn.
Các khóa học STEM, các trường chuyên nghiệp, và các trường truyền thống thì được bảo vệ tốt hơn khỏi sự tầm thường và vẫn nên tồn tại. Mặt khác, thêm hàng triệu người bắt đầu trưởng thành ở tuổi 18 mà không mắc nợ và ít bị gò bó, không còn thiếu hiểu biết và kiêu căng ở tuổi 25 không phải là chuyện gì xấu đối với quốc gia.
Hân Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times