Mạn đàm về sự kết thúc của vạn vật
Sau một hội nghị thượng đỉnh diễn ra gần đây giữa các đối tác mới Trung Quốc và Nga, Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã phát hành một thông cáo kỳ lạ gồm chỉ vỏn vẹn có một câu: “Không thể có người thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và một cuộc chiến như vậy không bao giờ nên xảy ra.”
Chẳng ai bất đồng với ý kiến đó, mặc dù trước đây một số quan chức của hai chính quyền đạo đức giả này từng đe dọa sẽ tấn công hạt nhân các quốc gia láng giềng của họ.
Tuy nhiên, tại sao hai nhà lãnh đạo này lại cảm thấy cần phải đưa ra một tuyên bố ngắn gọn như vậy — và tại sao lại là vào thời điểm này?
Hiếm có khi nào những lời lẽ khoa trương về sự huỷ diệt hàng loạt mang tính toàn cầu lại đạt đến một âm hưởng cao đến vậy như hiện nay, khi các cuộc chiến tranh sống còn đang hoành hành ở Ukraine và Gaza.
Đặc biệt, ít ra thì ông Putin cũng tin rằng cuối cùng thì ông cũng đang giành chiến thắng trong cuộc xung đột ở Ukraine. Ông Tập dường như cho rằng sức mạnh quân sự đang lên trong lĩnh vực vũ khí thông thường của Trung Quốc ở Biển Đông rốt cuộc cũng đã đủ để giúp cho việc sáp nhập Đài Loan trở nên khả thi.
Hai vị này đều tin rằng trở ngại duy nhất cho chiến thắng của họ sẽ là sự can thiệp từ Hoa Kỳ và liên minh NATO, một cuộc xung đột có thể dẫn đến những lời đe dọa lẫn nhau về việc buộc phải viện đến vũ khí hạt nhân.
Đó là nguyên nhân dẫn đến những cảnh báo vừa rồi của ông Tập và ông Putin.
Hầu như hàng tháng, nhà lãnh đạo độc tài của Bắc Hàn Kim Jong Un đều sẽ đưa ra những lời đe dọa nhàm chán rằng ông ấy sẽ sử dụng kho vũ khí hạt nhân của mình để tiêu diệt Nam Hàn hoặc Nhật Bản.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan, một người thân Hamas, cũng tẻ nhạt như vậy, khi thường xuyên đe dọa người Armenia bằng những lời lẽ điên rồ về việc tiến hành lặp lại “sứ mệnh của cha ông chúng ta.” Và đôi khi ông còn cảnh báo người Israel và người Hy Lạp rằng một ngày nào đó họ có thể thức giấc trong tình cảnh phi đạn của Thổ Nhĩ Kỳ đang bay tới tấp vào các thành phố của họ.
Cụ thể hơn, lần đầu tiên trong lịch sử, Iran đã tấn công quê hương của Israel. Họ đã phóng loạt phi đạn hành trình, phi đạn đạn đạo, và thiết bị bay điều khiển từ xa ồ ạt nhất trong lịch sử hiện đại — với hơn 320 vũ khí được phóng đi.
Đồng thời, các nhà thần quyền của Iran tuyên bố rằng họ sắp có năng lực sản xuất vũ khí hạt nhân. Và tất nhiên, kể từ năm 1979, cứ thi thoảng định kỳ Iran lại hứa sẽ xóa Israel khỏi bản đồ và tiêu diệt một nửa dân số Do Thái trên thế giới cùng với nước này.
Hầu hết mọi người đều chẳng màng đến những lời hăm dọa điên rồ này và xem như là mấy lời khoác lác của những kẻ độc tài. Nhưng như chúng ta đã chứng kiến vào ngày 07/10/2023, sự man rợ trong nhân tính không thay đổi nhiều so với trong thế giới thời kỳ tiền hiện đại, cho dù được định nghĩa bằng những hành động tàn ác như trảm thủ, cắt xẻo thân thể, sát nhân, cưỡng gian hàng loạt, tra tấn, hay bắt giữ người cao niên, phụ nữ, và trẻ em Israel làm con tin.
Nhưng điều đã hoàn toàn thay đổi chính là bản thân các hệ thống gây ra chết chóc hàng loạt — vũ khí hạt nhân, các loại khí hóa học, chất sinh học, cũng như các hệ thống khai triển và phân phối vũ khí hủy diệt hàng loạt do trí tuệ nhân tạo điều khiển.
Thật kỳ lạ, trước lời hứa hẹn về một cuộc chiến quyết liệt cuối cùng thì phản ứng của thế giới vẫn chỉ là một trạng thái dửng dưng. Hầu hết mọi người cảm thấy rằng những kẻ độc tài này chỉ đang buông ra những lời ngông cuồng, chứ sẽ không bao giờ phóng thích vũ khí hủy diệt nền văn minh.
Xét đến thực tế rằng số quốc gia độc tài sở hữu vũ khí hạt nhân (ví dụ: Nga, Trung Quốc, Pakistan, Bắc Hàn, và có thể là Iran) cũng nhiều như số quốc gia dân chủ có loại vũ khí này (Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Israel, và Ấn Độ). Thì chỉ có Israel là có mái vòm chống phi đạn đạn đạo hiệu quả. Và khi sức mạnh quân sự thông thường của phương Tây suy giảm, thì họ sẽ càng phải dựa vào sự răn đe hạt nhân nhiều hơn — trong khi họ không có hệ thống phòng thủ phi đạn hiệu quả nào để bảo vệ lãnh thổ của mình.
Trong một cuốn sách vừa xuất bản, “The End of Everything” (“Sự Kết Thúc của Vạn Vật”), tôi đã viết bốn ví dụ về sự hủy diệt — nhà nước thành bang cổ Thebes, Carthage cổ đại, Constantinople thời Byzantine, và Tenochtitlán của người Aztec — trong đó những điều không ai có thể hình dung ra được đã trở thành sự thực.
Trong tất cả những vụ xóa sổ này, các quốc gia bị nhắm mục tiêu đều ngây thơ tin rằng quá khứ huy hoàng của họ sẽ bảo đảm cho sự tồn tại của họ, thay vì một đánh giá thực tế về khả năng phòng thủ yếu kém hiện tại.
Tất cả đều hy vọng rằng các đồng minh của họ — những người Sparta, người Macedonia phản đối La Mã, các quốc gia Thiên Chúa Giáo ở Tây Âu, và các thành bang phụ thuộc của người Aztec — sẽ xuất hiện vào phút chót để giải cứu họ khỏi kết cục chiến bại.
Ngoài ra, các quốc gia bị nhắm mục tiêu này hiểu biết rất ít về các kế hoạch và năng lực của những kẻ sát nhân tài ba bên ngoài những bức tường thành của họ — như người chinh phục tàn nhẫn có mong ước trở thành triết gia Alexander Đại đế, nhà bảo trợ văn học Scipio Aemilianus, nhà triết học tự xưng Mehmet II, và Hernán Cortés đọc nhiều hiểu rộng — những người này đều tìm cách hủy diệt hoàn toàn thay vì chỉ đơn thuần đánh bại kẻ thù của họ.
Các thành phố và quốc gia với số phận bi đát này đã bị phá hủy thành đống tro tàn hoặc bị sáp nhập bởi những kẻ chinh phạt. Dân số của họ bị xóa sổ hoặc bị bắt làm nô lệ, và các nền văn hóa, phong tục, truyền thống một thời từng được tôn kính của họ thì bị lãng quên vào lịch sử. Những lời trăng trối cuối cùng của những kẻ bị chinh phục thường là những biến thể khác nhau của câu, “Việc đó không thể nào xảy ra ở đây được.”
Nếu quá khứ là kim chỉ nam cho hiện tại, thì chúng ta cần lưu ý rằng điều gần như không bao giờ xảy ra trong chiến tranh chắc chắn vẫn có thể xảy ra.
Khi những kẻ sát nhân đưa ra những lời đe dọa ngông cuồng, thậm chí là điên rồ, thì chúng ta vẫn nên xem xét một cách nghiêm túc.
Chúng ta không nên trông cậy vào các quốc gia thân hữu hoặc trung lập đến cứu vớt nền văn minh của chính mình. Thay vào đó, người Mỹ nên xây dựng các hệ thống phòng thủ trên bầu trời quê hương, bảo vệ biên giới, bảo đảm quân đội hoạt động dựa trên nguyên tắc trọng dụng nhân tài, chấm dứt việc chi tiêu và vay mượn vô tội vạ, đồng thời gây dựng lại cả lực lượng quân sự thông thường cũng như lực lượng hạt nhân.
Nếu không, chúng ta sẽ tin tưởng một cách ngây thơ — và một cách trí mạng — rằng theo cách màu nhiệm nào đó chúng ta trở thành ngoại lệ khi những điều không thể tưởng tượng được lại trở nên quá đỗi hiện thực.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times