Nhóm các quốc gia G7 sẽ trừng phạt các tổ chức tài chính giúp Nga né tránh chế tài
Gần đây, các quan chức của Hoa Kỳ đã đưa ra những lời cảnh báo liên tiếp về việc ĐCSTQ sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt mới vì giúp đỡ Nga. Hoa Kỳ đang hợp tác với các đồng minh Âu Châu để xem xét cách tăng cường nhắm vào các tổ chức tài chính trung gian giúp Nga trốn tránh các biện pháp trừng phạt.
Hãng truyền thông Bloomberg dẫn lời những người thông thạo tin tức cho biết, nhóm bảy nước (G7) và Liên minh Âu Châu (EU) đang xem xét biện pháp chế tài để chống lại các tổ chức tài chính trung gian của nước thứ ba, vốn đã sử dụng hệ thống truyền tải thông tin tài chính của Ngân hàng Trung ương Nga SPFS (phiên bản SWIFT của Nga) để trốn tránh các chế tài trừng phạt.
Trong một thời gian dài, G7 luôn coi việc ngăn chặn Nga tiếp cận vũ khí và các công nghệ then chốt cần thiết để sản xuất vũ khí là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, Moscow đã qua các nước thứ ba như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất và các quốc gia Trung Á để nhập cảng các mặt hàng này. Điều này thường đòi hỏi hàng loạt các mạng lưới trung gian để né tránh sự giám sát và kiểm tra.
Năm 2014, khi Nga xâm chiếm Crimea, để giảm sự phụ thuộc vào hệ thống SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Tài chính Ngân hàng Toàn cầu) do Hoa Kỳ lãnh đạo, Nga đã tạo ra hệ thống thông tin tài chính của Ngân hàng Nga (SPFS) theo mô hình của hệ thống SWIFT.
Hồi tháng Hai năm nay, Nga bị cấm sử dụng SWIFT một cách toàn diện. Để đối phó với các chế tài trừng phạt, Nga đang tích cực mở rộng quy mô sử dụng SPFS. Ngân hàng Trung ương Nga cho biết, hiện đã có 20 quốc gia với tổng cộng 159 tổ chức tài chính ngoại quốc kết nối vào SPFS. Trong quý đầu tiên của năm 2023, khối lượng giao dịch của SPFS đã tăng gấp bốn lần so với cùng thời gian năm 2022.
Vào tháng Một năm nay, TASS báo cáo rằng lượng giao dịch toàn cầu không qua hệ thống SWIFT chưa đến 10%, bao gồm SPFS của Nga, CIPS của Trung Quốc, và SEPAM của Iran. Ấn Độ cũng thiết lập hệ thống thông tin tài chính của riêng mình (SFMS) vào năm 2001 nhưng từ chối kết nối với SPFS của Nga.
Tháng Mười Hai năm ngoái, Tổng thống Biden đã ký một lệnh hành pháp để áp đặt chế tài trừng phạt các ngân hàng ngoại quốc giúp đỡ Nga tấn công Ukraine. Các tổ chức tài chính giúp Nga né tránh các chế tài cũng có thể trở thành đối tượng của các lệnh trừng này.
Hành động này làm tăng khó khăn trong việc chuyển tiền ra vào Nga. Trong quý đầu tiên của năm nay, lượng thương mại giữa Nga và các đối tác chính như Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc đã giảm xuống.
Tháng trước (05/2024), hãng thông tấn Deutsche Welle (DW) đưa tin rằng một số nhà sản xuất Trung Quốc nhận thấy ngày càng khó xuất cảng sản phẩm sang Nga. Nguyên nhân là do các ngân hàng lớn của Trung Quốc lo ngại chế tài của Hoa Kỳ sẽ làm hạn chế các khoản thanh toán cho những giao dịch này.
Hiện tại, dưới sự thúc đẩy của Hoa Kỳ, các đồng minh Âu Châu cũng đang tập trung xem xét cách chống lại các tổ chức tài chính đã tạo thuận tiện cho Nga né tránh các lệnh trừng phạt. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra ở Ý vào tháng Sáu này, các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ đạt được sự đồng thuận về hàng loạt các biện pháp giúp việc thực hiện các lệnh trừng phạt đối với Nga tốt hơn.
Theo tin tức của Bloomberg, mục tiêu của EU là đạt được một thỏa thuận toàn diện trước Hội nghị Thượng đỉnh G7. Nhưng một số quốc gia thành viên khối này đã phản đối việc cấm toàn diện SPFS. Họ lo ngại điều này sẽ gây nguy hiểm cho các giao dịch hợp pháp và làm tổn hại đến quan hệ với các nước thứ ba.