Hội nghị thượng đỉnh G7 kiên định lập trường về Trung Quốc, nhưng căng thẳng về vấn đề phá thai
Các nhà lãnh đạo G7 bày tỏ ‘mối lo ngại sâu sắc’ về sự viện trợ của Bắc Kinh dành cho cơ sở công nghiệp quân sự của Nga.
BARI, Ý—Hôm 15/06, hội nghị thượng đỉnh G7 của bảy nền dân chủ giàu có trên thế giới đã kết thúc, thể hiện những quyết định và hành động thống nhất nhấn mạnh lập trường kiên định của họ đối với Trung Quốc và Nga.
Trong khi giải quyết những thách thức toàn cầu khác nhau, các nhà lãnh đạo này đã gặp phải nhiều xích mích về một vấn đề gây tranh cãi: làm thế nào để xử trí vấn đề phá thai trong bản thông cáo chung của họ, vốn được xem là tuyên bố cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh.
Hôm 13/06, các nhà lãnh đạo G7 đã tề tựu tại khu nghỉ mát ven biển phía nam nước Ý Borgo Egnazia để tham dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ 50 của họ.
Thông cáo chung được công bố năm nay đánh dấu một sự thay đổi đáng chú ý so với các tuyên bố của những năm trước, phản ánh một lập trường quyết đoán hơn đối với Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo G7 bày tỏ “lo ngại sâu sắc” về sự viện trợ của Bắc Kinh dành cho cơ sở công nghiệp quân sự của Nga, kêu gọi Trung Quốc ngừng chuyển hàng hóa lưỡng dụng, chẳng hạn như các linh kiện và thiết bị vũ khí, vốn đang được ngành công nghiệp này của Nga sử dụng.
Các nhà lãnh đạo G7 cam kết tiếp tục “áp dụng các biện pháp nhắm vào những tác nhân ở Trung Quốc” vốn đang trợ giúp đáng kể cho cỗ máy chiến tranh của Nga, gồm cả các ngân hàng và các tổ chức khác.
Thông cáo chung đã chứng minh rằng các quốc gia Âu Châu cuối cùng cũng sẵn sàng đồng thuận với lập trường lâu dài của Hoa Kỳ về Trung Quốc, bất chấp sự phụ thuộc kinh tế lớn vào quốc gia cộng sản này. Việc này gồm cả một cam kết giải quyết vấn đề dư thừa công suất công nghiệp của Trung Quốc, vốn cản trở sự đổi mới ở các nước phương Tây.
Các nhà lãnh đạo cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục có các hành động, khi cần thiết và thích hợp, để bảo vệ nhân sự và các doanh nghiệp của chúng tôi khỏi những hành vi không công bằng.”
Khi được hỏi về lý do dẫn đến sự thay đổi trong chính sách về Trung Quốc, một quan chức chính phủ cấp cao nói với các phóng viên rằng các nhà lãnh đạo G7 hiện đã hiểu rõ hơn về tham vọng của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, là “khôi phục lại sự thống trị của Trung Quốc,” đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và có thể xa hơn nữa.
Chiến thắng của Tổng thống Biden
Khi các nhà lãnh đạo G7 lần đầu tiên triệu tập, trọng tâm chính của họ là thống nhất về kế hoạch sử dụng các tài sản bị phong tỏa của Nga để cung cấp các khoản vay cho Ukraine, một chủ đề đã thu hút được sự chú ý đáng kể của giới truyền thông. Trước hội nghị thượng đỉnh, các quan chức Hoa Kỳ đã cố gắng hạ thấp kỳ vọng để tránh xảy ra sự thất vọng không đáng có.
Vào ngày khai mạc hội nghị thượng đỉnh, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan nói với các phóng viên rằng Hoa Kỳ đã “dành rất nhiều tâm huyết và nỗ lực cho” kế hoạch này.
Sau khi các nhà lãnh đạo tuyên bố rằng cuối cùng họ đã đạt được thỏa thuận về tài sản bị phong tỏa của Nga, thì Tổng thống Biden nhân cơ hội đó gửi một thông điệp tới Tổng thống Nga Vladimir Putin, nói rõ: “Ông ấy không thể chờ cho đến khi chúng ta bỏ cuộc; ông ấy không thể chia rẽ chúng ta.”
Nhận xét của ông được đưa ra trong cuộc họp báo chung hôm 13/06 với người đồng cấp Ukraine, ông Volodymyr Zelensky.
Với thỏa thuận này, mà các chi tiết về chuyên môn vẫn đang trong quá trình được làm rõ, Tổng thống Biden cũng đã có cơ hội gửi một thông điệp tới những người đóng thuế của Mỹ đang bất mãn với việc gửi hàng tỷ dollar đến Ukraine. Theo các quan chức Hoa Kỳ, nhóm G7 đang “bắt Nga phải trả giá” cho cuộc chiến ở Ukraine, thay vì bắt người đóng thuế [phải trả giá].
Tuy nhiên, Tổng thống Biden đến hội nghị thượng đỉnh này với tay không, không đưa ra tin tức tích cực nào về kế hoạch hòa bình cho Gaza. Trong hội nghị thượng đỉnh, ông đã tóm lược cho các nhà lãnh đạo G7 về các cuộc đàm phán đang diễn ra. Trong khi đó, ông được biết Hamas đã từ chối một đề xướng do Mỹ hậu thuẫn.
Hôm 13/06, khi các phóng viên hỏi liệu thỏa thuận hòa bình ở Gaza có sớm đạt được hay không, Tổng thống Biden đáp: “Không,” và nói thêm, “Tôi vẫn chưa mất hy vọng đâu.”
Trong hội nghị thượng đỉnh, giới truyền thông đã chứng kiến sự thay đổi tâm trạng của Tổng thống Biden khi ông chỉ trích một phóng viên đặt câu hỏi về Gaza trong cuộc họp báo với tổng thống Ukraine.
“Tôi mong là các bạn hành xử đúng đắn một chút. Tôi ở đây để nói về một tình huống nghiêm trọng ở Ukraine,” ông nói với các phóng viên, yêu cầu họ để dành những câu hỏi liên quan đến Gaza cho sau này.
Trong tuyên bố cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo bày tỏ sự đồng thuận trong việc ủng hộ lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza, thả tất cả con tin, và một con đường dẫn đến giải pháp hai nhà nước.
Bất đồng về vấn đề phá thai
Tại hội nghị thượng đỉnh, mặc dù các nhà lãnh đạo đã thể hiện sự thống nhất khi giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng toàn cầu, nhưng một vấn đề đã làm rạn nứt sự thống nhất này: đó là phá thai.
Các nguồn tin ngoại giao tiết lộ cho giới truyền thông rằng Thủ tướng nước chủ nhà Ý Giorgia Meloni đã cố gắng loại bỏ bất kỳ đề cập nào đến việc phá thai khỏi tuyên bố cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh.
Tổng thống Biden được cho là đã phản đối những nỗ lực của bà Meloni, yêu cầu đề cập rõ ràng đến “các quyền sinh sản,” ít nhất là phù hợp với bản thông cáo năm ngoái.
Căng thẳng về vấn đề này trở nên rõ ràng trong một cuộc họp báo hôm 13/06 khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người vừa chịu một thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử Nghị viện Âu Châu gần đây, đã chỉ trích chính phủ Ý vì không bảo vệ quyền phá thai của phụ nữ.
Đáp lại, bà Meloni cáo buộc tổng thống Pháp lợi dụng diễn đàn G7 như một chiến dịch bầu cử để ghi điểm chính trị mà không nêu đích danh tên ông.
Mối quan hệ căng thẳng giữa các nhà lãnh đạo Pháp và Ý được thể hiện rõ qua những cái bắt tay của họ tại hội nghị thượng đỉnh, trong đó đoạn video về một cuộc gặp gỡ đã nhanh chóng được lan truyền rộng rãi.
Nhà lãnh đạo Ý đã cố gắng xóa đề cập đến “quyền tiếp cận phá thai an toàn và hợp pháp” khỏi tuyên bố cuối cùng, thể hiện tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của bà với tư cách là người đăng cai hội nghị.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times