Các nhà lãnh đạo G7 đạt được thỏa thuận sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga cho Ukraine
Các lãnh đạo đã đồng ý cung cấp khoản vay ít nhất 50 tỷ USD cho Ukraine, được bảo đảm bằng lợi nhuận từ các tài sản bị phong tỏa của Nga.
PUGLIA, Ý—Hôm 13/06, các nhà lãnh đạo Nhóm G7 đã đạt được một thỏa thuận về việc sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga để tiếp tục trợ giúp cho cuộc chiến ở Ukraine.
G7 sẽ cung cấp cho Ukraine một khoản vay bằng cách sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga làm tài sản bảo đảm. Tổng số tiền hiện chưa rõ ràng, nhưng chỉ riêng Hoa Kỳ đã cam kết 50 tỷ USD. Rủi ro sẽ được chia sẻ giữa các quốc gia G7 khác.
Các quan chức cấp cao trong chính phủ Tổng thống Biden nói với các phóng viên rằng khoản vay này sẽ bắt đầu trong năm nay, và nhấn mạnh rằng điều này thực sự khiến Nga trả cho khoản vay thay vì người đóng thuế ở Hoa Kỳ và các nước G7.
“Nga trả tiền,” một quan chức chính phủ cấp cao cho biết. “Thu nhập đến từ dòng tiền lãi từ tài sản cố định này, và đó là cách hoàn trả công bằng duy nhất. Hiện tại nguyên gốc tài sản này vẫn chưa đụng đến. Nhưng chúng tôi có toàn quyền lựa chọn để tịch thu tài sản gốc sau này nếu có ý nguyện chính trị.”
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong một bài đăng trên X, đã bày tỏ hy vọng rằng thỏa thuận về tài sản này sẽ được hoàn tất vào thứ Năm.
“Toàn bộ người dân Ukraine, kể các chiến binh của chúng tôi, đều thấy rằng G7 sẽ luôn ủng hộ Ukraine,” ông viết. “Tôi biết ơn các đối tác của chúng tôi vì niềm tin của họ vào chúng tôi và chiến thắng của chúng tôi.”
Trước hội nghị thượng đỉnh quan trọng này, các bộ trưởng tài chính của G7 đã có các cuộc thảo luận về tính hợp pháp của việc sử dụng khoảng 300 tỷ USD tài sản bị phong tỏa được giữ trong các tài khoản tại châu Âu làm tài sản bảo đảm để cung cấp khoản vay cho Ukraine dùng trong công cuộc tái thiết. Pháp được cho là là quốc gia do dự nhất đối với kế hoạch này.
Trước khi rời Pháp hồi tuần trước, Tổng thống Biden đề cập rằng ông đã đạt được thỏa thuận với ông Macron về kế hoạch sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga.
Khi được hỏi làm thế nào Hoa Kỳ có thể vượt qua những lo ngại về việc sử dụng tài sản có chủ quyền, quan chức chính phủ cấp cao này đã trả lời bằng cách hỏi rằng, “Giải pháp nào thay thế” nếu Ukraine không được tài trợ đầy đủ?
“Điều này sẽ gây ra tác động răn đe gì ở châu Âu và phần còn lại của thế giới,” ông hỏi. “Tín hiệu nào sẽ đưa ra cho những chế độ độc tài rằng họ có thể vẽ lại biên giới bằng vũ lực? Tôi nghĩ đây là những chi phí mà tất cả chúng ta đều đồng ý là không thể chấp nhận được, và đó là lý do tại sao chúng tôi hành động.”
Vị quan chức chính phủ cấp cao này cũng cho biết số tiền này sẽ được sử dụng theo nhiều cách ở Ukraine, kể cả trợ giúp nhân đạo và tài trợ cho công cuộc tái thiết. Tuy nhiên, ông cũng cho biết có “một số khu vực theo thẩm quyền pháp lý” muốn dành tiền của họ cho tài trợ quân sự.
Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, thỏa thuận đạt được một ngày sau khi Hoa Kỳ công bố các lệnh trừng phạt mở rộng đối với hơn 300 tổ chức và cá nhân nhằm “tăng các rủi ro mà các tổ chức tài chính ngoại quốc phải đối mặt khi giao dịch với nền kinh tế chiến tranh của Nga.”
Sau cuộc gặp với các nhà lãnh đạo G7 hôm 13/06, Tổng thống Biden sẽ ký thỏa một thuận an ninh song phương có thời hạn 10 năm với ông Zelensky, thể hiện sự cam kết không ngừng của Hoa Kỳ trong việc trợ giúp đất nước bị chiến tranh tàn phá này chống lại sự xâm lược của Nga.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times