Ủy ban Âu Châu chấp thuận thêm 2 loài côn trùng làm ‘thực phẩm’ cho con người
Gần đây, Ủy ban Âu Châu đã chấp thuận thêm hai loài côn trùng làm thực phẩm cho con người trong khu vực này, ngay cả sau khi thừa nhận những lo ngại về việc gây dị ứng của hai loài côn trùng này, trong bối cảnh Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang quảng bá rộng rãi côn trùng là một nguồn đạm (protein) cho người.
“Ủy ban đã phê chuẩn cho việc đưa ra thị trường loại côn trùng thứ tư, Alphitobius diaperionus (ở dạng sâu bột nhỏ), như một loại thực phẩm. Thuật ngữ ‘sâu bột nhỏ’ đề cập đến trạng thái ấu trùng của bọ Alphitobius diaperinus, một loài côn trùng thuộc họ Tenebrionidae (bọ cánh cứng đen),” quyết định chấp thuận trên trang web của EC viết.
Ủy ban Âu Châu cũng cho phép loại bột đã khử một phần chất béo thu được từ dế nhà như một loại “thực phẩm mới.” Liên minh Âu Châu định nghĩa thực phẩm mới là thực phẩm chưa được con người trong khu vực tiêu thụ ở mức độ đáng kể trước ngày 15/05/1997.
“Loại thực phẩm mới này bao gồm các sản phẩm dế nhà ở dạng đông lạnh, dạng sệt, dạng sấy khô, và dạng bột. Loại thực phẩm này dự kiến sẽ được bán trên thị trường như một nguyên liệu sản xuất trong một số sản phẩm thực phẩm cho toàn bộ dân số.”
WEF đã và đang thúc đẩy việc sử dụng côn trùng làm thức ăn cho con người, lập luận rằng côn trùng nên được sử dụng để thay thế các nguồn đạm đến từ động vật vì dấu chân sinh thái thấp và được cho là có khả năng giảm biến đổi khí hậu.
Những lo ngại về dị ứng, ghê sợ khi ăn côn trùng
Tuy nhiên, theo Cơ quan An toàn Thực phẩm Âu Châu (EFSA), thực phẩm làm từ côn trùng có thể gây ra phản ứng dị ứng ở một số người. Ước tính dị ứng thực phẩm ảnh hưởng đến khoảng 2-4% dân số trưởng thành và lên tới 8-9% dân số trẻ em.
Ủy ban Âu Châu cho biết, “EFSA kết luận rằng việc tiêu thụ các loại đạm đến từ côn trùng được đánh giá là có khả năng dẫn đến các phản ứng dị ứng. Điều này đặc biệt có khả năng xảy ra ở những đối tượng đã bị dị ứng từ trước với động vật giáp xác, mạt bụi, và trong một số trường hợp là động vật thân mềm. Ngoài ra, các tác nhân gây dị ứng từ thức ăn chăn nuôi (ví dụ gluten) có thể tích dồn ở côn trùng được tiêu thụ.”
EFSA đã tiến hành “đánh giá khoa học nghiêm ngặt” đối với các sản phẩm của hai ứng viên: Ynsect có trụ sở tại Pháp, dùng cho sản phẩm dựa trên sâu bột nhỏ, và Cricket One có trụ sở tại Việt Nam, dùng cho bột đã khử một phần chất béo thu được từ dế nhà. Cơ quan này kết luận rằng hai mặt hàng này an toàn cho con người “theo các cách thức sử dụng và mức độ sử dụng do ứng viên đề xướng.”
Việc bảo người dân ăn côn trùng có thể là một thách thức.
Theo một báo cáo của Cơ quan Môi trường Đức (pdf), 45.7% số người được khảo sát cho rằng cảm giác “ghê sợ” là lý do chính khiến họ không muốn ăn côn trùng. Tiếp theo là vấn đề vệ sinh ở mức 14.9%.
“Mức độ sẵn sàng tiêu thụ côn trùng để thay thế thịt là rất thấp. Ngoài thực tế là giới tính không đóng vai trò lớn — nam giới dường như cởi mở hơn với việc tiêu thụ côn trùng — không thể xác định được yếu tố nhân khẩu học xã hội nào khác ảnh hưởng đến việc chấp nhận côn trùng như là thực phẩm,” báo cáo cho biết.
Nghị trình toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới
Trong một bài báo xuất bản hồi tháng 02/2022, WEF đã thúc đẩy việc tiêu thụ côn trùng để giảm biến đổi khí hậu, lập luận rằng côn trùng có thể cung cấp nhiều protein hơn trên 100 gram so với thịt.
Tổ chức này trích dẫn một nghiên cứu cho thấy rằng trong khi 100 gram thịt sẽ cung cấp 16.8-20.6 gram protein, thì với côn trùng con số này dao động từ 9.7-35.2 gram protein.
“Tất nhiên, không phải tất cả các loại protein đến từ côn trùng đều được tạo ra như nhau. Ví dụ, dế, một số loài kiến, và sâu bột được biết đến là những ngôi sao giàu đạm và calo trong thế giới tiêu thụ côn trùng,” bài báo của WEF viết.
Bài báo tiếp tục lập luận rằng côn trùng ít cần chăm sóc và bảo tồn hơn so với vật nuôi. Bài báo cũng cho biết rằng thế giới đang cạn kiệt nguồn đạm, đồng thời chỉ ra sự gia tăng dân số nhanh chóng, ước tính sẽ đạt gần 10 tỷ người vào năm 2050.
Lợi ích của việc sử dụng côn trùng làm nguồn thực phẩm “phải được đưa ra cân nhắc với mọi thách thức tiềm năng,” một báo cáo năm 2021 (pdf) của Tổ chức Nông Lương Hoa Kỳ lưu ý. Báo cáo nói rằng việc tiêu thụ côn trùng có thể đi kèm với một số nguy cơ về an toàn thực phẩm phải được tính đến khi cân nhắc côn trùng như một nguồn thực phẩm.
Theo báo cáo, các nguy cơ đó bao gồm “các tác nhân sinh học (vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng) cũng như các chất gây ô nhiễm hóa học (thuốc trừ sâu, kim loại độc, chất chống cháy).”
Lời khuyên của WEF về việc ngừng tiêu thụ thịt đã vấp phải sự phản đối gay gắt của nhiều người ở Hoa Kỳ.
“Những người theo chủ nghĩa toàn cầu lại làm thế nữa rồi,” Dân biểu Mike Flood (Cộng Hòa-Nebraska) đã viết trong một dòng tweet hôm 19/01. “Thúc đẩy kế hoạch chuyển thế giới sang chế độ ăn thuần chay khi họ mơ ước chấm dứt sản xuất thịt.”