Hàng triệu người trả lời cuộc thăm dò liệu WEF có nên ‘kiểm soát thế giới’ hay không
Cuộc thăm dò được khởi xướng bởi do ông Elon Musk, người đã yêu cầu người dùng Twitter bỏ phiếu xem họ có nghĩ rằng giới tinh anh toàn cầu tập hợp Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) có nên “kiểm soát thế giới hay không,” đã cho kết quả.
Ông Musk đã tiến hành cuộc thăm dò này khi cuộc họp thường niên của WEF tại Davos, Thụy Sĩ — nơi có sự góp mặt của một loạt các nhà lãnh đạo quốc tế, ngân hàng trung ương, giám đốc điều hành Wall Street và những người nổi tiếng — đã bắt đầu hồi đầu tuần này (16/01-22/01).
Với hơn 2.4 triệu người dùng Twitter bỏ phiếu, cuộc thăm dò cho thấy một con số lớn đáng kể là 86% nghĩ rằng giới tinh anh theo chủ nghĩa toàn cầu không nên “kiểm soát thế giới.”
Ông Musk đã nhiều lần chế giễu cuộc tụ họp của giới tinh anh ở Davos, nơi đã trở thành tâm điểm chỉ trích, đặc biệt là bởi những người phản đối toàn cầu hóa.
Những người chỉ trích WEF thường cho rằng tổ chức này đang nỗ lực kiểm soát thế giới thông qua ảnh hưởng của tổ chức đối với chính trị và kinh tế toàn cầu. Họ thường lập luận rằng việc WEF tập trung vào toàn cầu hóa và thúc đẩy các chính sách kinh tế tân tự do là bằng chứng cho mục tiêu này.
Ngoài ra, một số người chỉ trích WEF coi thường tư cách thành viên độc quyền, chỉ dành cho những người được mời và cuộc họp thường niên của tổ chức này ở Davos, thứ [chỉ] củng cố vẻ bề ngoài tinh hoa của tổ chức này.
‘Quý vị sẽ không sở hữu gì cả. Và quý vị sẽ hạnh phúc’
Tại một trong những bài viết của mình trên Twitter, ông Musk đã bình luận về một bài báo đề cập đến khẩu hiệu khét tiếng liên quan đến WEF “quý vị sẽ không sở hữu gì cả. Và quý vị sẽ hạnh phúc.”
Phản hồi lại một bài báo trên Substack do các nhà báo độc lập Michael Shellenberger và Izabella Kaminska là đồng tác giả, ông Musk đã viết trong một bài đăng trên Twitter hôm Chủ Nhật (15/01), “Tôi đoán việc có một diễn đàn hỗn hợp giữa chính phủ và thương mại dưới một hình thức nào đó cũng có giá trị. Mặc dù vậy, WEF có vẻ làm tôi thấy sợ, nhưng tôi chắc rằng mọi thứ đều ổn.”
Trong bài báo này, ông Shellenberger và bà Kaminska đã chỉ trích giám đốc điều hành của WEF, ông Adrian Monck, người đã quy trách nhiệm về sự ồn ào xung quanh quảng cáo “quý vị sẽ không sở hữu gì cả” là do những người phản động cánh hữu đăng trên các diễn đàn trực tuyến.
Ông Monck đã viết một bài bình luận trên tờ The Globe and Mail của Canada hồi tháng Tám năm ngoái (2022), gọi phản ứng dữ dội đó là “chiến dịch thông tin sai lệch nhắm vào Diễn đàn Kinh tế Thế giới.”
WEF đã là chủ đề bị chỉ trích gay gắt vì chiến dịch quảng cáo năm 2016 của mình, vốn tuyên bố: “Chào mừng đến với năm 2030. Tôi không sở hữu gì, không có quyền riêng tư, và cuộc sống chưa bao giờ tốt hơn thế.”
Nhiều nhà phê bình đã phản đối nỗ lực của tổ chức này nhằm coi việc thiếu quyền sở hữu cá nhân và quyền riêng tư là một điều gì đó tích cực, với đoạn quảng cáo dẫn đến một làn sóng lan truyền những hình ảnh châm biếm, phần nhiều trong số đó tập trung vào khẩu hiệu: “Quý vị sẽ không sở hữu gì cả và quý vị sẽ hạnh phúc.”
Ban đầu là kèm theo một video quảng cáo và một số bài báo, phần lớn nội dung của chiến dịch này kể từ đó đã bị xóa khỏi internet.
Một bài đăng của WEF trên Twitter cho thấy ý tưởng đó vẫn còn trên mạng, trong khi một video có tám dự đoán cho năm 2030 vẫn có thể được xem trên internet. Đoạn video này chứa dòng khẩu hiệu khét tiếng: “quý vị sẽ không sở hữu gì cả. Và quý vị sẽ hạnh phúc.”
Ông Schwab trở thành tâm điểm
Bên cạnh việc phản đối cuộc họp của WEF, những người theo chủ nghĩa chống toàn cầu hóa thường chỉ trích người sáng lập kiêm chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab vì đã thúc đẩy một nghị trình toàn cầu hóa và là một người theo chủ nghĩa tinh anh muốn tập trung quyền kiểm soát các vấn đề thế giới.
Họ lập luận rằng ông đang làm việc để làm suy yếu chủ quyền quốc gia và khả năng tự quyết định của các quốc gia.
Các nhà phê bình nói rằng ông Schwab đang thúc đẩy nghị trình chính phủ một thế giới và WEF đang nỗ lực tạo ra một cấu trúc quản trị toàn cầu do một nhóm nhỏ các cá nhân và tập đoàn có quyền lực kiểm soát.
Họ cũng cáo buộc ông thúc đẩy các chính sách kinh tế tân tự do mang lại lợi ích cho những người giàu có và quyền lực bằng cách làm tổn hại tầng lớp lao động và người nghèo.
WEF cho biết sứ mệnh của mình là cải thiện tình trạng của thế giới bằng cách thu hút các nhà lãnh đạo tham gia vào quan hệ đối tác để định hình các nghị trình toàn cầu, khu vực, và ngành.
Khi cuộc thảo luận và đàm phán kéo dài 5 ngày tại Davos kết thúc hôm 20/01, ông Boerge Brende, chủ tịch WEF, cho biết trong bài diễn văn kết luận rằng các nhà lãnh đạo thế giới và các chủ thể kinh tế đã đạt được “tiến triển” trong các vấn đề quan trọng nhất của thế giới.
Ông Brende nói: “Bài học lớn nhất trong tuần là mặc dù ngày nay thế giới bị chia cắt nhiều hơn, nhưng không cần phải là [đợi đến] ngày mai. Bằng cách đến với nhau, như thế này, chúng ta có thể định hình một tương lai hợp tác hơn.”
Khoảng 52 nguyên thủ quốc gia hoặc chính phủ, 19 thống đốc ngân hàng trung ương, và hơn 600 CEO đã tham gia vào cuộc tụ họp tại thị trấn của Thụy Sĩ này.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times