TT Biden và ông McCarthy sẽ đàm phán về mức trần nợ khi tình trạng vỡ nợ sắp xảy ra
Sau nhiều tháng đàm phán mức trần nợ bị đình trệ, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) sẽ gặp nhau vào ngày 09/05 để thảo luận về những biện pháp khả thi nhằm ngăn chặn một vụ vỡ nợ sắp xảy ra.
Được sắp xếp sẽ diễn ra tại Tòa Bạch Ốc, cuộc gặp cao cấp này sẽ đánh dấu cuộc gặp đầu tiên như vậy kể từ hôm 01/02, và cũng sẽ có sự tham gia của Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York), Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky), và Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries (Dân Chủ-New York).
Hôm 01/05, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã cảnh báo rằng một vụ vỡ nợ có thể xảy ra ngay sau ngày 01/06 nếu giới hạn về số tiền mà chính phủ liên bang có thể vay để đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của mình không được nâng lên.
Hiện tại, mức trần nợ quốc gia được đặt ở mức 31.4 ngàn tỷ USD. Khi Hoa Kỳ chạm mức trần đó hồi tháng Một, Bộ Ngân khố đã thực hiện “các biện pháp đặc biệt” để tạo thêm khoảng cách vay nhằm ngăn chặn tình trạng vỡ nợ ngay lập tức.
Giờ đây, khi các biện pháp đó sắp đạt đến giới hạn của chúng, các nhà lãnh đạo Quốc hội và tổng thống sẽ cần phải vượt qua sự chia rẽ chính trị để tìm ra tiếng nói chung và một giải pháp.
Tình trạng bế tắc
Trong khi ông Biden và hầu hết các thành viên Đảng Dân Chủ thúc đẩy tăng mức trần nợ “sạch” vô điều kiện, thì Đảng Cộng Hòa đã lập luận rằng việc liên tục tăng mức trần nợ mà không cân đối ngân sách liên bang chỉ làm tăng gánh nặng tài chính cho các thế hệ tương lai của người Mỹ.
Theo cách suy nghĩ đó, hôm 26/04, Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã thông qua một dự luật tăng giới hạn nợ thêm 1.5 ngàn tỷ USD hoặc đến hết tháng 03/2024 — tùy theo điều kiện nào đến trước — nhưng sẽ buộc mức tăng đó phải cắt giảm chi tiêu trong tương lai.
Đảng Cộng Hòa đã thúc đẩy dự luật này như một điểm khởi đầu cho việc thảo luận thêm, nhưng Đảng Dân chủ đã gọi đó là một “danh sách mong muốn mang tính đảng phái” mà sẽ không có cơ hội được Thượng viện thông qua.
Trong khi đó, hồi tháng Một, Đảng Dân Chủ tại Hạ viện đã lặng lẽ đưa ra một dự luật không liên quan như một phần của kế hoạch bí mật nhằm thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu về kế hoạch của chính họ bằng một kiến nghị loại trừ (discharge petition). Tuy nhiên, thủ tục này khó có thể thành công bởi vì một khối đa số do Đảng Cộng Hòa kiểm soát sẽ cần phải ký vào bản kiến nghị này.
Tuy nhiên, tiến đến các cuộc đàm phán ngày 09/05, cả hai đảng đã càng kiên quyết hơn về lập trường của mình, với 43 thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa — trong đó có cả ông McConnell — nói với ông Schumer trong một bức thư hôm 06/05 rằng họ sẽ phản đối bất kỳ một đề nghị tăng giới hạn nợ nào mà không bao gồm “chi tiêu thực chất và cải tổ ngân sách.”
Trong một dòng tweet hôm 07/05, ông Biden đã cáo buộc Đảng Cộng Hòa áp dụng chiến thuật đàm phán nguy hiểm, cho rằng: “Đảng Cộng Hòa MAGA đang đưa ra hai lựa chọn cho chúng tôi: 1. Cắt phúc lợi của cựu chiến binh, chương trình Meals on Wheels (Giao Bữa ăn Hàng ngày), giáo dục, và chăm sóc sức khỏe. 2. Buộc Mỹ phải vỡ nợ. Họ đang bắt nền kinh tế Mỹ làm con tin.”
‘Quốc hội phải tăng mức trần nợ’
Với việc cả hai đảng đều cương quyết giữ lập trường của mình, thì một thỏa hiệp trong cuộc khủng hoảng nợ này có thể là điều khó đạt được, mặc dù một số học giả pháp lý đã lập luận rằng có thể không cần thỏa hiệp nhờ vào Tu chính án thứ 14.
Theo Mục 4 của tu chính án này, “Tính chất hợp lệ của khoản nợ công của Hoa Kỳ, được pháp luật cho phép, bao gồm các khoản nợ phát sinh để trả cho các khoản phụ cấp và tiền thưởng cho các quân chủng trong việc trấn áp cuộc nổi dậy hoặc nổi loạn, sẽ không bị chất vấn.”
Trong giai đoạn bế tắc về mức trần nợ trước đây, Tu chính án thứ 14 đã được đề nghị như một giải pháp dự phòng an toàn có thể áp dụng để tổng thống ngăn chặn tình trạng vỡ nợ, mặc dù vẫn chưa rõ liệu cách giải thích đó có được chứng minh trước tòa là hợp pháp hay không vì tu chính án đó chưa bao giờ được viện dẫn.
Khoan nói về tính hợp pháp, hồi tuần trước khi được hỏi liệu ông có đang cân nhắc lựa chọn đó hay không, ông Biden nói với MSNBC rằng ông vẫn chưa “đi đến mức đó.”
Hơn nữa, hôm 07/05, bà Yellen đã cảnh báo trên ABC News rằng việc chọn cách giải quyết đó sẽ gây ra một “cuộc khủng hoảng Hiến Pháp.”
Nếu các cuộc đàm phán thất bại, một hướng hành động có khả năng khác có thể là Bộ Ngân khố chỉ không trả nợ đúng hạn một số hóa đơn của mình, nhằm ưu tiên thanh toán tiền gốc và lãi cho công khố phiếu của mình, như các quan chức đã đề nghị hồi năm 2013 khi bộ này gặp một tình huống tương tự.
Chính phủ cũng có thể chọn ưu tiên các hóa đơn khác bên cạnh mức nợ này, nhưng điều đó có thể dẫn đến nhiều cuộc đàm phán chính trị hơn về chương trình nào sẽ được ưu tiên, cũng như sự phức tạp về cách tạm dừng các chương trình không được tài trợ.
Một khả năng khác mà các chuyên gia đã hết sức cảnh báo là không trả nợ đúng hạn, cho rằng nó có thể tạo ra một thảm họa kinh tế.
Cụ thể, theo Phó Chủ tịch kiêm Nhà kinh tế trưởng của Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng Jason Fichtner, việc vỡ nợ có thể “làm tổn hại toàn bộ sự tin cậy và uy tín của Hoa Kỳ” và gây tổn hại về tài chính cho hàng triệu người đóng thuế “do các khoản thanh toán của chính phủ có thể bị trì hoãn và giá trị thị trường chứng khoán và của cải thanh toán hưu trí bị sụt giảm.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times