Chi phiếu an sinh xã hội của quý vị có thể sớm bị ảnh hưởng: Đây là lý do tại sao
Bộ trưởng Ngân khố Janet cảnh báo rằng nếu Hoa Kỳ không thực hiện được các nghĩa vụ tài chính của mình trong bối cảnh Quốc hội bế tắc về việc nâng mức trần nợ, thì các khoản thanh toán An sinh xã hội có thể bị gián đoạn.
“Bộ Ngân Khố đang rơi vào hoàn cảnh mà chúng tôi không thể thanh toán tất cả các hóa đơn đến hạn vào ngày hôm đó. Và đây thực sự sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ chúng ta không thanh toán được các khoản nợ đến hạn,” bà Yellen nói với ABC News hồi đầu tuần. “Và, quý vị biết đấy, cho dù đó là việc không chi trả được các khoản thanh toán lãi đến hạn đối với khoản nợ hoặc các khoản thanh toán đến hạn đối với người nhận An sinh xã hội hoặc đối với các nhà cung cấp dịch vụ Medicare, thì đơn giản là chúng tôi sẽ không có đủ tiền mặt để đáp ứng tất cả các nghĩa vụ của mình.”
Gần đây, bà Yellen dự đoán rằng chính phủ liên bang sẽ chạm đến hạn mức nợ sớm nhất là ngày 01/06, vài tháng tới sau khi “các biện pháp đặc biệt” được thực hiện để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ. Nếu chính phủ chạm đến hạn mức nợ, thì chính phủ liên bang sẽ không thể thanh toán tất cả các nghĩa vụ tài chính của mình.
Theo dữ liệu do Cơ quan An sinh Xã hội cung cấp, cơ quan này sẽ chi trả các khoản An sinh Xã hội trị giá khoảng 1 ngàn tỷ USD cho khoảng 67 triệu người, với phần lớn trong đó là người về hưu. Dữ liệu này cho thấy trong số những người nhận có khoảng 48.6 triệu người về hưu, 7.6 triệu người khuyết tật, và 9.8 triệu người khác là những người sống sót và người phụ thuộc.
Tuần này (08-14/05), Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) đã tổ chức các cuộc đàm phán trong bối cảnh bế tắc về mức trần nợ, nhưng dường như không bên nào muốn nhân nhượng. Hôm thứ Tư (10/05), Chủ tịch Hạ viện đã cáo buộc chính phủ Tổng thống Biden phớt lờ “cuộc khủng hoảng này” trong “97 ngày” kể từ lần cuối hai người gặp nhau, trong khi các thành viên Đảng Dân Chủ như Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) thì cáo buộc Đảng Cộng Hòa đang thúc đẩy một “dự luật mang tính đảng phái” để tăng mức trần nợ.
Đảng Cộng Hòa nói rằng họ sẽ không nâng hạn mức nợ nếu không cắt giảm chi tiêu liên bang để đổi lại. Nhưng các thành viên Đảng Dân Chủ cho rằng mức trần nợ nên được nâng lên mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào, đồng thời cho rằng các cuộc đàm phán về cắt giảm chi tiêu nên được tiến hành riêng biệt.
Khoản thanh toán An sinh Xã hội đầu tiên của tháng Bảy dự kiến vào ngày 11/07 sẽ dành cho những người Mỹ có ngày sinh từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 10 của tháng đó. Các khoản thanh toán tiếp theo cho những người sinh vào những ngày sau của tháng trong các tháng tương ứng của họ sẽ nhận khoản thanh toán lần lượt vào ngày 18/07 và ngày 25/07 theo lịch thanh toán.
Chưa từng có?
Bởi vì Hoa Kỳ chưa bao giờ vỡ nợ, nên các quan chức nói rằng đây sẽ là điều chưa từng có. Nhưng các nhà lãnh đạo hàng đầu của Quốc hội và ông Biden trong những ngày gần đây đã nói rằng Hoa Kỳ sẽ không vi phạm các nghĩa vụ của mình.
Trong một phiên điều trần về Phân bổ ngân sách của Thượng viện vào tháng Ba, bà Yellen cho biết công việc của bà với tư cách là Bộ trưởng Ngân khố là bảo đảm rằng các hóa đơn được thanh toán. Bà không cho biết những khoản thanh toán nào sẽ được ưu tiên — bao gồm cả An sinh Xã hội.
“Ưu tiên có nghĩa là vỡ nợ dưới một cái tên khác,” bà nói với các thành viên của một hội đồng Thượng viện. “Không thanh toán bất kỳ hóa đơn nào của chúng ta là vỡ nợ. Khi quý vị nghĩ về nỗi đau mà việc này sẽ gây ra cho những người nhận An sinh Xã hội, những người nhận phiếu thực phẩm, những người cung cấp dịch vụ, cho chính phủ với danh sách trả lương riêng cần phải chi trả, khi mà được thông báo rằng họ sẽ không được trả tiền, chính phủ sẽ không tôn trọng những hóa đơn đó. Một vụ vỡ nợ là như thế đấy.”
Bà bộ trưởng nói rằng các hệ thống thanh toán được thiết lập để chi trả tất cả các hóa đơn của chính phủ khi đến hạn, lưu ý rằng chúng không được thiết lập “để chia các khoản thanh toán thành các loại khác nhau như một vấn đề chung.” Và bà nói thêm, “đối với nhiều cơ quan, các khoản thanh toán thuộc tất cả các loại khác nhau được trộn lẫn với nhau theo những cách không thể tách rời.”
Ông Shai Akabas, giám đốc chính sách kinh tế của Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng, nói với một hãng truyền thông địa phương rằng vẫn còn nhiều câu hỏi nếu chính phủ liên bang vỡ nợ.
“Chúng ta chưa bao giờ rơi vào tình trạng đó trên phương diện một quốc gia,” ông Akabas bình luận với hãng thông tấn 10 News ở San Diego. “Điều có khả năng xảy ra là một cuộc suy thoái kinh tế, có thể ảnh hưởng đến túi tiền của người Mỹ theo nhiều cách khác nhau. Đầu tiên, chúng ta có thể thấy các khoản thanh toán mà người Mỹ mong đợi từ chính phủ liên bang dưới dạng các chương trình và viện trợ khác bị trì hoãn. Chúng ta có thể thấy lãi suất tăng đáng kể.”
Nhưng theo bà Yellen một điều chắc chắn là sẽ có sự hỗn loạn tài chính trên diện rộng nếu xảy ra vỡ nợ.
“Đơn giản là chúng tôi sẽ không có đủ tiền mặt để đáp ứng tất cả các nghĩa vụ của mình,” bà cảnh báo trong cuộc phỏng vấn với ABC News. “Và mọi người đều đồng tình rằng sự hỗn loạn về tài chính và kinh tế sẽ xảy ra sau đó.”
Sự bế tắc này đã khiến các nhà đầu tư lo lắng, đẩy chi phí bảo hiểm nợ của chính phủ Hoa Kỳ lên mức cao kỷ lục, khi Wall Street ngày càng lo ngại hơn về những rủi ro của một vụ vỡ nợ chưa từng có.
Ông Biden đã thể hiện dấu hiệu cởi mở với yêu cầu của Đảng Cộng Hòa nhằm thu lại một số tiền để cứu trợ COVID-19 chưa sử dụng, trị giá dưới 80 tỷ USD. Trong khi đó, Tòa Bạch Ốc lặp lại sự ủng hộ của mình đối với luật thúc đẩy chính phủ cấp phép cho các dự án năng lượng bằng cách đặt ra các mốc thời gian tối đa.
Một tờ thông tin của Tòa Bạch Ốc được phát hành hôm thứ Tư cho biết chính phủ “ủng hộ những cải tổ quan trọng” có trong một dự luật của Thượng nghị sĩ Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia). Đảng Cộng Hòa đã không tán thành dự luật đó nhưng nói rằng việc cho phép cải tổ sẽ giúp Hoa Kỳ duy trì lợi thế của mình trong việc phát triển dầu khí. Đảng Dân Chủ coi đó là cách thúc đẩy sự phát triển của các dự án năng lượng “sạch”.