Cuộc họp về mức trần nợ giữa Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo Quốc hội bị dời sang tuần sau
Theo Tòa Bạch Ốc, cuộc họp để thảo luận về mức trần nợ giữa Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo hàng đầu của Quốc hội dự kiến diễn ra vào ngày 12/05 đã được lùi lại cho đến tuần sau (15-21/05).
Các nhà lãnh đạo đã lên lịch trình gặp nhau để thảo luận về việc dỡ bỏ mức trần nợ để tránh mất khả năng thanh toán các nghĩa vụ nợ của đất nước trước thời hạn ngày 01/06.
Một phát ngôn viên của Tòa Bạch Ốc nói với The Epoch Times, “Các nhân viên sẽ tiếp tục làm việc, và tất cả những người đứng đầu đã đồng ý họp vào đầu tuần tới.”
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) nói với các phóng viên rằng việc hoãn lại không có nghĩa là các cuộc đàm phán với tổng thống đã thất bại và xác nhận rằng cuộc họp này đã được lên lịch lại. Ông nói rằng chưa có nhiều tiến triển để có thể tổ chức một cuộc họp tiếp theo trong tuần này.
Một nguồn tin biết về các cuộc họp nói với The Epoch Times, “Đây là một bước phát triển tích cực. Các cuộc họp đang tiến triển. Các nhân viên đang tiếp tục họp, và đây không phải là thời điểm thích hợp để đưa việc này trở lại với những người đứng đầu.”
Hôm 09/05, ông Biden đã gặp ông McCarthy và các nhà lãnh đạo Quốc hội khác tại Tòa Bạch Ốc sau ba tháng bế tắc về mức trần nợ.
Ông Biden nói với các phóng viên sau cuộc họp này, “Chúng tôi đã đồng ý tiếp tục thảo luận, và chúng tôi sẽ họp lại vào thứ Sáu,” đồng thời lưu ý rằng cho đến lúc đó, nhân viên của cả hai bên sẽ họp với nhau hàng ngày để thảo luận về tiến độ.
Hạn mức hiện tại dành cho nợ liên bang ở Hoa Kỳ là 31.4 ngàn tỷ USD. Và mặc dù trước đây quốc gia này chưa bao giờ vỡ nợ, nhưng theo Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen thì lịch sử không vỡ nợ này có thể thay đổi ngay từ đầu tháng Sáu.
“Mọi người trong cuộc họp này đã nhắc lại quan điểm của họ,” ông McCarthy nói với các phóng viên bên ngoài Tòa Bạch Ốc sau cuộc họp hôm 09/05. “Tôi không thấy bất kỳ bước tiến mới nào.”
“Tôi nghĩ điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm là tìm ra những điểm mà chúng ta có thể loại bỏ lãng phí, tìm những điểm mà chúng ta có thể phát triển nền kinh tế này, và đó chính xác là điều mà dự luật Hạ viện thực hiện.”
Hồi tháng Tư, Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã thông qua “Đạo luật Giới hạn, Tiết kiệm, Tăng trưởng,” vốn sẽ hạn chế chi tiêu liên bang cho năm tài chính 2024 ở mức của năm 2022 để giúp bù đắp việc tăng mức trần nợ thêm 1.5 ngàn tỷ USD hoặc đến tháng 03/2024. Dự luật dài 320 trang này có mục đích khôi phục chi tiêu tùy nghi về mức năm 2022 và hạn chế tăng trưởng chi tiêu ở mức 1%/năm.
Tuy nhiên, Tòa Bạch Ốc đã bác bỏ đề nghị của Đảng Cộng Hòa và cho rằng Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đang đề nghị “những khoản cắt giảm có hại cho việc chăm sóc cựu chiến binh, an toàn công cộng, giáo dục, v.v.”
Ông Biden nói sau cuộc họp này rằng ông McCarthy đã đề nghị “một hướng đi rất khác.”
“Tôi không chắc,” ông nói. “Tôi không nghĩ họ thật sự chắc chắn về những gì họ đang đề nghị.”
Tuy nhiên, ông Biden không loại trừ việc gia hạn mức trần nợ trong thời gian ngắn.
Hôm 10/05, tổng thống lại một lần nữa gây sức ép với Đảng Cộng Hòa trong một bài diễn văn ở New York khi gọi những lời đe dọa của họ về mức trần nợ là “nguy hiểm” và vô nghĩa.
“Nếu chúng ta vỡ nợ, thì cả thế giới sẽ gặp rắc rối. Đây là một cuộc khủng hoảng được tạo ra,” ông Biden nói. “Mỹ là nền kinh tế mạnh nhất thế giới. Và chúng ta nên cắt giảm chi tiêu và giảm mức thâm hụt mà không gây ra một cuộc khủng hoảng không cần thiết một cách có trách nhiệm.”
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times