Hoa Kỳ: Chính phủ TT Biden và các nhà lập pháp GOP tranh cãi về thời hạn cho mức trần nợ
Khi Hoa Kỳ một lần nữa phải đối mặt với một thời hạn mà theo đó mức trần nợ được nâng lên hoặc quốc gia này không thể thực hiện các nghĩa vụ tài chính của mình, các quan chức Chính phủ Tổng thống (TT) Biden và các nhà lập pháp của Quốc hội đã tham gia các chương trình trò chuyện Chủ Nhật hôm 14/05 để bày tỏ quan điểm của họ và gây ảnh hưởng đến dư luận.
Đó là một trò chơi “2 con dê qua cầu” về tài chính, với hầu hết các thành viên Đảng Dân Chủ — những người đang muốn tiếp tục tăng mức trần nợ — đối đầu với một phe nhỏ và ngoan cố, những người theo đường lối cứng rắn về tài chính của Đảng Cộng Hòa (GOP), trong số đó có những người đã từ chối bỏ phiếu cho Dân biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) cho vị trí Chủ tịch Hạ viện hồi tháng Một vừa qua cho đến khi ông đồng ý với các yêu cầu lập pháp về các vấn đề tài khóa.
Một số người lo ngại rằng ông McCarthy có thể bị ép buộc, vì những cam kết mà ông đã đưa ra, để cho phép vỡ nợ trừ khi các thành viên Đảng Dân Chủ đồng ý cắt giảm chi tiêu.
Các cuộc đàm phán tiếp tục liên quan đến các nhà lãnh đạo Quốc hội của Đảng Dân Chủ, Đảng Cộng Hòa và Tòa Bạch Ốc.
Quốc hội đã thiết lập mức trần nợ trong Đệ nhất Thế chiến, cho phép Bộ Ngân khố Hoa Kỳ vay tới một giới hạn nhất định.
Chi tiêu cho đại dịch, chi phí tài chính cho các cuộc chiến ở Trung Đông và chi trả cho việc chăm sóc dân số già đều góp phần đáng kể vào khoản nợ quốc gia hiện tại là 31.3 ngàn tỷ USD, một con số tính ra là khoản nợ khoảng 94,000 USD cho mỗi công dân.
Nếu Quốc hội và tổng thống không thể đồng ý về việc tăng hạn mức nợ, vỡ nợ có thể xảy ra sớm nhất là vào đầu tháng Sáu và không muộn hơn vào đầu tháng Tám.
Tại một sự kiện vấn đáp với cử tri gần đây của CNN với sự góp mặt của ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng Hòa (GOP) 2024 Donald Trump, cựu tổng thống nói rằng nếu các thành viên Đảng Cộng Hòa trong Quốc hội không thể cắt giảm chi tiêu mà họ mong muốn, thì việc vỡ nợ sẽ tốt hơn là tăng mức trần nợ.
Nỗ lực tiếp tục đạt được thỏa thuận và tránh vỡ nợ
Bà Lael Brainard, giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, cố vấn cho tổng thống về chính sách kinh tế quốc tế và Hoa Kỳ, đã xuất hiện trên chương trình Face the Nation của CBS để nói chuyện với ký giả Margaret Brennan về tình trạng của các cuộc đàm phán này.
Bà Brennan hỏi: “Tổng thống đã nói rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra. Bộ trưởng Ngân khố cho biết các nhà đàm phán đã tìm thấy một số lĩnh vực đồng thuận. Nghe có vẻ như mọi việc tiến triển tốt. Chúng ta tiến gần đến một thỏa thuận đến mức nào rồi?”
Bà Brainard trả lời: “Vâng, vì thế mà đội ngũ nhân viên rất nỗ lực. Tôi sẽ mô tả sự nỗ lực đó là nghiêm túc, mang tính xây dựng. Và, chị biết đấy, tôi nghĩ, chị Margaret ạ, thật hữu ích nếu chúng ta chỉ cần tăng mức trần nợ và nói một chút về những gì đang là nguy cơ ở đây.
“Vì vậy, khi tôi nói chuyện với các CEO, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên khắp đất nước, họ nói với tôi rằng mọi thứ đang thực sự diễn ra rất tốt. Nhưng mối quan tâm lớn nhất của họ là Quốc hội có thể không ngăn chặn được tình trạng vỡ nợ và đó sẽ là một thảm họa. Nó sẽ dẫn đến chi phí đi vay cao hơn đối với xe hơi, thế chấp, đối với các doanh nghiệp nhỏ, thậm chí đối với chính phủ Hoa Kỳ. Và vì vậy, điều quan trọng nhất là bảo đảm rằng Quốc hội hoàn thành trách nhiệm cơ bản của mình để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ.”
Trên chương trình This Week của ABC, người chủ trì chương trình Jonathan Karl đã đặt câu hỏi với Dân biểu Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas), chủ tịch Ủy ban Đối ngoại, về việc ông Trump tán thành vỡ nợ. Ông hỏi ông McCaul, “anh lo lắng đến mức nào khi chúng ta sắp vỡ nợ?”
Nghị sĩ trả lời: “Chà, đây luôn là trò chơi mà chúng tôi thực hiện ở mọi khóa Quốc hội, anh biết đấy, và thách nhau nhảy khỏi vách đá. Đó là một trò chơi nguy hiểm. Tôi nghĩ rằng nếu mất toàn bộ niềm tin và uy tín của mình, thì bất kỳ người làm tài chính nào cũng sẽ nói với anh rằng điều đó rất thảm khốc.”
Ông McCaul nói rằng Đảng Cộng Hòa sẵn sàng tăng mức trần nợ nhưng muốn “cắt giảm đáng kể chi tiêu và giới hạn chi tiêu ở mức năm 2022.”
Thứ trưởng Bộ Ngân khố Wally Adeyemo đã thảo luận về mức trần nợ với người chủ trì chương trình Dana Bash trên chương trình State of the Union của CNN. Ông Adeyemo đưa ra lưu ý về quan điểm lưỡng đảng đối với vấn đề này, nói rằng các cuộc thảo luận giữa các bên về khoản nợ này là rất có giá trị.
Ông Adeyemo nói: “Tôi biết Tổng thống mong muốn được gặp gỡ các nhà lãnh đạo để nói về cách chúng ta tiếp tục đạt được tiến triển. Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải nhớ những gì là nguy cơ ở đây.”
“Và cuối cùng, những nguy cơ đó là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ chưa bao giờ vỡ nợ, và chúng ta không thể vì vỡ nợ không chỉ liên quan đến thị trường tài chính; đó là trả lương cho những người nhận An sinh xã hội của chúng ta, trả lương cho quân đội của chúng ta, trả lương cho những người nam, nữ nhân viên đang làm việc ở biên giới hôm nay. Đó là lý do tại sao tổng thống kêu gọi Quốc hội nâng hạn mức nợ càng sớm càng tốt.”
Thượng nghị sĩ Chris Murphy (Dân Chủ-Connecticut) nói với người chủ trì chương trình Chuck Todd trong chương trình Meet the Press của NBC rằng ông lo ngại về quan điểm đối với chi tiêu của chính phủ Hoa Kỳ mà Chủ tịch Hạ viện McCarthy đang đưa ra.
Ông Murphy cho biết: “Ông Chuck Schumer, ông Joe Biden, thậm chí ông Mitch McConnell đã nói rằng nếu chúng ta không thể đạt được thỏa thuận trong vài tuần tới, thì không được bàn về vỡ nợ nữa. Nhà lãnh đạo duy nhất nói rằng chúng ta sẽ hủy hoại nền kinh tế Mỹ nếu chúng ta không thể đạt được thỏa thuận trong 10 đến 14 ngày tới là ông Kevin McCarthy.”
Dân biểu Byron Donalds (Cộng Hòa-Florida), người đã tán thành cuộc tranh cử tổng thống năm 2024 của ông Donald Trump, đã chia sẻ ý kiến của mình về việc ông Joe Biden quản lý nền kinh tế với ký giả Shannon Bream của Fox News Sunday.
Ông Donalds nói : “Bất kỳ gia đình và doanh nghiệp nào ở đất nước chúng ta đều hiểu rằng quý vị không thể cứ tiếp tục chi một số tiền lớn và sau đó vay một số tiền lớn mà sẽ không có hậu quả gì”.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times