Bản tin đặc biệt

Điện thoại thông minh có thực sự khiến trẻ em trở nên ngớ ngẩn?

Sau nhiều thập niên giảng dạy, ông Steve Gardiner, giáo viên từng đoạt giải thưởng, ở Billings, Montana, đã nhận thức sâu sắc về một vấn đề mới khiến học sinh trung học của ông gặp khó khăn trong học tập.

Trớ trêu thay, chính là do cái gọi là điện thoại thông minh.

Ông Gardiner, hiện đã về hưu, nói với The Epoch Times rằng: “Điện thoại gây rối loạn và mất tập trung — là thứ phiền hà và gây mất tập trung nhất trong lớp trong 38 năm giảng dạy của tôi.”

“Học sinh cứ dán mắt vào điện thoại. Và hễ lúc nào ngừng xem điện thoại, thì các em lại nghĩ đến việc xem tiếp. Tôi gọi đó là chứng nghiện [điện thoại].”

Các chuyên gia hiện đang nhắc nhở mọi người rằng sử dụng điện thoại thông minh trong lớp học có thể tác động tiêu cực đến việc học hành và an toàn ở trường như thế nào. Họ đưa ra bằng chứng cho thấy việc cho phép học sinh mang theo thiết bị này bên mình trong ngày học ở trường sẽ dẫn đến kết quả học tập kém hơn, đôi khi thậm chí còn ảnh hưởng đến sự an toàn và tăng nguy cơ khiến hậu quả của hành vi bắt nạt nghiêm trọng hơn.

Ông Gardiner coi trọng việc giảng dạy — cũng như những trở ngại đối với việc giảng dạy. Ông có bằng tiến sĩ về giáo dục, đã từng phục vụ ba năm trong ban giám đốc của Ủy ban Quốc gia về Tiêu chuẩn Giảng dạy Chuyên nghiệp. Vào năm 2008, ông đạt danh hiệu Giáo viên của Năm ở Montana.

Khi đang dạy tiếng Anh tại trường trung học phổ thông Billings, vì lo ngại về tác động của điện thoại đối với việc học nên ông đã thực hiện một cuộc khảo sát không chính thức. Ông đã hỏi tám chủ doanh nghiệp trong thị trấn về cách họ giải quyết vấn đề nhân viên sử dụng điện thoại di động trong công việc.

“Thật tuyệt vời,” ông Gardiner nói. “Trừ một doanh nghiệp, còn tất cả các doanh nghiệp khác đều có cùng một chính sách: không được phép nhắn tin trong lúc làm việc; nếu bị bắt quả tang nhắn tin thì nhân viên đó sẽ nhận hai cảnh cáo, nếu còn tiếp diễn thì sẽ bị sa thải.”

Ông nói, ngoại lệ duy nhất là tờ báo địa phương bởi vì nhân viên phải gửi tin nhắn “để đặt câu hỏi, nghiên cứu, và nhận thông tin như một phần của công việc.”

Thanh thiếu niên nghiện điện thoại

Vì phản ứng của chính phủ đối với đại dịch COVID-19 đã gây ra sự cô lập xã hội và thời gian nghỉ học kéo dài, nên thời gian truy cập Internet của trẻ em đã tăng lên đáng kể.

Tại Hoa Kỳ, trẻ em và thanh thiếu niên từ 10 đến 14 tuổi có thời gian truy cập Internet hàng ngày nhiều hơn gấp đôi, từ trung bình 3.8 giờ lên 7.7 giờ, theo nghiên cứu được công bố trong một thư nghiên cứu của JAMA Pediatrics ngày 01/11/2021.

Một nhóm thanh thiếu niên xem bức ảnh chụp trên điện thoại thông minh ở Quảng trường Thời đại ở thành phố New York ngày 01/12/2017. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)
Một nhóm thanh thiếu niên xem bức ảnh chụp trên điện thoại thông minh ở Quảng trường Thời đại ở thành phố New York ngày 01/12/2017. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

Các tác giả viết, ngay cả khi các hạn chế cách ly được bãi bỏ thì “việc sử dụng màn hình vẫn tiếp tục tăng cao.”

Hiện nay hầu như học sinh nào cũng có điện thoại thông minh.

“Có cho mình một chiếc điện thoại thông minh hiện là một nghi thức đánh dấu sự chuyển mình đối với hầu hết trẻ em và thanh thiếu niên ở Hoa Kỳ,” Common Sense Media cho biết trong nghiên cứu năm 2023 có tiêu đề “Người bạn đồng hành Liên tục: Một tuần trong Cuộc sống Sử dụng Điện thoại Thông minh của một Thanh thiếu niên.”

Nghiên cứu này lưu ý rằng “khoảng một nửa số trẻ em ở Mỹ có điện thoại thông minh trước 11 tuổi.”

Common Sense Media — trích dẫn dữ liệu và nghiên cứu của chính tổ chức này trên Peggy Rideout và của Trung tâm Nghiên cứu Pew — báo cáo rằng 88% đến 95% thanh thiếu niên (từ 13 đến 18 tuổi) sở hữu điện thoại thông minh riêng.

Ngay sau khi Apple giới thiệu iPhone vào năm 2007, hầu hết các trường học đều thực hiện một số lệnh cấm điện thoại.

Nhưng phạm vi của lệnh cấm đã dao động qua các năm.

Theo Hiệp hội Giáo dục Quốc gia (NEA), năm 2009, 90% trường học ở Hoa Kỳ đã cấm sử dụng điện thoại di động trong lớp.

Điện thoại thông minh có thực sự khiến trẻ em trở nên ngớ ngẩn?

Đến năm 2015, chỉ có 67% trường cấm sử dụng điện thoại di động.

Theo Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia, số trường học cấm điện thoại thông minh đã tăng trở lại lên tới 77% vào năm 2020.

Trong hơn một thập niên, giáo viên đã phải cạnh tranh với điện thoại di động để khiến học sinh chú ý lắng nghe và theo dõi bài giảng, một nghiên cứu chuyên sâu của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào năm 2010 đã ghi lại. Nghiên cứu này bao gồm dữ liệu từ năm 2009, khi 90% trường học ở Hoa Kỳ cấm sử dụng điện thoại di động.

Trong số những thanh thiếu niên được khảo sát, 62% cho biết họ có thể mang điện thoại đến trường nhưng không được phép dùng trong lớp và 24% không được phép mang điện thoại vào khuôn viên trường. Trong số những học sinh hoàn toàn bị cấm mang điện thoại đến trường, thì 65% vẫn cứ mang điện thoại theo và 58% thậm chí còn nhắn tin trong lớp.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy, 64% thanh thiếu niên cho biết các em đã nhắn tin và 25% đã thực hiện hoặc nhận cuộc gọi ngay trong lớp.

Học sinh trung học ngồi ở bàn cầm nhiều thiết bị kỹ thuật số như điện thoại và máy điện toán bảng (tablet) trong giờ học. (Ảnh: LBeddoe/Shutterstock)
Học sinh trung học ngồi ở bàn cầm nhiều thiết bị kỹ thuật số như điện thoại và máy điện toán bảng (tablet) trong giờ học. (Ảnh: LBeddoe/Shutterstock)

Việc dùng điện thoại ở trường ngày càng bị phản đối

Ông Arnold Glass hiểu rất rõ sức cám dỗ và lôi cuốn của điện thoại đối với học sinh.

Ông Glass, giáo sư tâm lý học nhận thức tại Đại học Rutgers, đã dẫn đầu một nhóm mà vào năm 2018 đã công bố nghiên cứu học thuật đầu tiên chứng minh điện thoại di động trong lớp học làm giảm điểm kiểm tra của học sinh như thế nào.

Ông Glass nói với The Epoch Times rằng: “Có thể thấy ngay những tác động tiêu cực của điện thoại di động trong lớp, vốn đã dẫn đến những lệnh cấm đầu tiên.”

Điện thoại thông minh có thực sự khiến trẻ em trở nên ngớ ngẩn?
(Ảnh: Được đăng dưới sự cho phép của ông Arnold Glass)

“Tuy nhiên, các bậc cha mẹ và hội đồng trường đã lên tiếng phản đối, đồng thời các hiệu trưởng đã phải nhượng bộ trước những điều mà họ biết là một chính sách mang tính phá hoại” và thế là cho phép học sinh mang điện thoại đến trường.

“Giờ thì hội đồng trường đang bị các bậc cha mẹ kiện về những hậu quả — trong đó có việc bắt nạt — vốn là hậu quả của việc cho phép sử dụng điện thoại di động trong trường,” ông nói. “Vì vậy, các lệnh cấm tự bảo vệ đang được khôi phục.”

Mặc dù các lệnh cấm dưới nhiều hình thức khác nhau hiện đang phổ biến trên toàn quốc, nhưng Florida là tiểu bang duy nhất đưa các lệnh cấm này vào luật. Hồi tháng Năm, hai tuần trước khi tuyên bố tranh cử tổng thống, Thống đốc Ron DeSantis đã ký ban hành Dự luật Hạ viện 379, cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học trên lớp tại các trường công lập.

Thống đốc Florida Ron DeSant trưng ra 5 dự luật 'để trẻ em được là trẻ em' tại một buổi lễ ở Tampa, Florida, hôm 17/05/2023. (Ảnh: Được đăng dưới sự cho phép của Văn phòng Thống đốc Florida)
Thống đốc Florida Ron DeSant trưng ra 5 dự luật ‘để trẻ em được là trẻ em’ tại một buổi lễ ở Tampa, Florida, hôm 17/05/2023. (Ảnh: Được đăng dưới sự cho phép của Văn phòng Thống đốc Florida)

Và tại Florida, hội đồng nhà trường của Trường Công lập Quận Cam (OCPS) — học khu công lập lớn thứ tám trong cả nước — đã ban hành chính sách điện thoại di động thậm chí còn hạn chế hơn cả luật tiểu bang.

Theo quy định mới được phê chuẩn hồi tháng Tám, học sinh bị cấm sử dụng điện thoại bất cứ lúc nào trong ngày học ở trường, ngoại trừ trường hợp khẩn cấp. Học sinh được phép mang theo điện thoại miễn là cất trong ba lô.

OCPS hiện đang tiến hành một cuộc khảo sát ý kiến học sinh, cha mẹ, và giáo viên về chính sách này cũng như cách thức để có thể cải thiện chính sách đó. Kết quả khảo sát sẽ được công bố sau kỳ nghỉ đông.

Tuy nhiên, đã có những phản hồi tích cực về các hạn chế sử dụng điện thoại, ông Michael Ollendorff, giám đốc quan hệ truyền thông của OCPS, nói với The Epoch Times.

Ông Ollendorff cho biết: “Theo đó, chúng tôi đang thấy sự cải thiện về điểm số, và các cuộc trò chuyện trực tiếp tích cực hơn giữa các em học sinh.”

“Chúng tôi cũng nhận thấy rằng trong giờ ăn trưa — trước đây bọn trẻ mải mê xem điện thoại — giờ đây bọn trẻ đang chơi các trò chơi, gồm cả ném bóng ném và ném những túi bắp vào lỗ.”

Trung Quốc, Vương quốc Anh, Pháp, Hà Lan, và các quốc gia khác đã ban hành nhiều lệnh cấm sử dụng điện thoại trong lớp học.

Các nhà lập pháp tại Quốc hội cũng đang xem xét chủ đề điện thoại di động trong trường học.

Hồi tháng Mười,các Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Tom Cotton (Cộng Hòa – Arkansas) và Tim Kaine (Dân Chủ – Virginia) đã giới thiệu Đạo luật Tập trung vào Học tập. Dự luật này sẽ dành 5 triệu USD cho Bộ trưởng Giáo dục để “tiến hành một nghiên cứu về việc sử dụng thiết bị di động ở các trường tiểu học, và thiết lập một chương trình thí điểm cấp các khoản tài trợ để giúp một số trường nhất định tạo ra một môi trường học tập không có thiết bị di động.”

Trung Quốc, Vương quốc Anh, Pháp, Hà Lan, và các quốc gia khác đã ban hành nhiều lệnh cấm sử dụng điện thoại trong lớp học.

Vào tháng Tám, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã kêu gọi quốc tế ban hành lệnh cấm sử dụng điện thoại thông minh trong lớp học. Hoa Kỳ là thành viên của UNESCO.

Bằng chứng cho vấn đề

Trong một nghiên cứu năm 2017 được công bố trên tạp chí học thuật Tâm lý giáo dục, ông Glass đã cho thấy rằng: “Việc phân tán sự chú ý trong lớp học làm giảm kết quả thi cử.” Ông là đồng tác giả của nghiên cứu này cùng với giáo sư tâm lý học nhận thức Mengxue Kang tại trường Đại học Rutgers.”

Những người vận động cho lệnh cấm hoặc việc hạn chế sử dụng điện thoại trong trường học thường tham khảo nghiên cứu này.

Ông Glass nói: “Tôi đã nghiên cứu về khả năng học tập và trí nhớ trong hơn 50 năm. Một trong những mục tiêu chính của ông là “tạo ra các công cụ giảng dạy để cải thiện kết quả học tập trong lớp học.”

Ông cho biết, nghiên cứu và phân tích kết quả học tập của các sinh viên của ông từ năm 2005 đến năm 2010 cho thấy công nghệ và công cụ mà ông áp dụng trong giảng dạy và trong môi trường lớp học đang mang lại kết quả tích cực.

Giảng viên Blanca Claudio dạy một bài lịch sử bằng tiếng Tây Ban Nha trong lớp học song ngữ tại trường trung học Franklin ở Los Angeles ngày 25/05/2017. (Ảnh: Robyn Beck/AFP qua Getty Images)
Giảng viên Blanca Claudio dạy một bài lịch sử bằng tiếng Tây Ban Nha trong lớp học song ngữ tại trường trung học Franklin ở Los Angeles ngày 25/05/2017. (Ảnh: Robyn Beck/AFP qua Getty Images)

Ông Glass nói: “Mỗi năm, các học sinh đều làm bài thi tốt hơn cho đến năm 2010, khi chúng tôi đạt mức trần và sau đó điểm số bắt đầu giảm, và tôi cần tìm xem tại sao.”

“Tôi hiểu rằng trong suốt lịch sử lớp học, cho đến khoảng năm 2010, khi học sinh ngồi trong lớp, về cơ bản các em chỉ có ba lựa chọn: lắng nghe giáo viên, trò chuyện với người bạn bên cạnh, hoặc là ngủ. Và nếu giáo viên cương quyết không cho phép trò chuyện, thì chỉ còn hai lựa chọn: lắng nghe giáo viên hoặc ngủ.”

Ngay trước năm 2010, ông Glass và các giáo viên trên khắp thế giới đã nhận thấy học sinh tham gia vào lựa chọn thứ tư — dành thời gian học vào điện thoại thông minh.

“Nhiều học sinh chỉ thỉnh thoảng ngước lên nhìn giáo viên,” ông Glass nói. “Tôi gần như chắc chắn rằng hoạt động này sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập. Nhưng tôi cần phải chứng minh điều đó.”

Vì vậy, ông đã sắp xếp một cuộc thử nghiệm trong các lớp học đông người nối tiếp nhau, mỗi lớp khoảng 250 học sinh.

Những lớp học này diễn ra vào các ngày thứ Ba và thứ Năm.

Vào các ngày thứ Ba, học sinh trong một lớp được phép xem điện thoại thông minh của mình. Vào các ngày thứ Năm, học sinh lớp khác có thể xem điện thoại thông minh của mình. Giám thị giám sát để bảo đảm không sử dụng điện thoại di động khi không được phép.

Ông nói: “Chắc chắn rồi, vào cuối học kỳ, khi quý vị nhìn vào kết quả của các bài kiểm tra về tài liệu được dạy khi học sinh được phép nhìn vào điện thoại của mình, thì những điểm đó ít nhất phải là một chữ cái dưới đây.”

Ông nói: “Những học sinh xem điện thoại không chỉ làm tổn hại đến kết quả học tập của chính các em mà dường như còn ảnh hưởng đến việc học tập của những người khác không xem điện thoại của họ”.

Điện thoại trong lớp học, hành lang và phòng tắm được sử dụng để gia tăng sự bắt nạt trong trường học.

Arnold Glass, giáo sư, Đại học Rutgers

Ông nói: “Những học sinh không xem điện thoại sẽ bị phân tâm bởi hành động của các học sinh khác trong lớp.”

Ông Glass cho biết không có nghiên cứu nào sau đó mâu thuẫn với kết quả này.

“Khi một học khu muốn cấm điện thoại di động, họ luôn có thể tham khảo nghiên cứu của tôi, điều này cho thấy điện thoại trong lớp học có ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập.”

Một công cụ để bắt nạt

Ông Glass cho rằng việc sử dụng điện thoại thông minh ở trường còn gây thêm những hậu quả tiêu cực.

Ông nói: “Điện thoại trong lớp học, hành lang và phòng tắm được sử dụng để gia tăng tình trạng bắt nạt trong trường học.”

Học sinh đi lại giữa các lớp trên hành lang của một trường học. (Ảnh: Matty Symons/Shutterstock)
Học sinh đi lại giữa các lớp trên hành lang của một trường học. (Ảnh: Matty Symons/Shutterstock)

“Trước khi học sinh mang theo điện thoại, một đứa trẻ có thể bị ngáng chân làm cho vấp ngã và cảm thấy xấu hổ trong chốc lát, nhưng sau đó sẽ tránh xa đứa trẻ hoặc những đứa trẻ đã bày trò đó.”

Ông cho biết, giờ đây, các hành vi bắt nạt được lên kế hoạch và được quay bằng điện thoại, “sau đó video về đứa trẻ bị vấp và ngã xuống được chia sẻ lên toàn thế giới trên mạng. Sự sỉ nhục mà đứa trẻ phải chịu đựng, cùng với những vấn đề khác mà đứa trẻ đang trải qua, có thể đẩy đứa trẻ đến chỗ tự sát.”

Hồi tháng Mười, một tòa án đã ra phán quyết rằng thành phố New York phải trả 200,000 USD cho một nữ sinh bị ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục với một người nam giới, trong khi hai người khác theo dõi và một trong số họ quay phim bằng điện thoại của anh ta. Vụ tấn công xảy ra tại một cầu thang biệt lập tại trường trung học Tech Transit. Video đã được đăng lên TikTok và Snapchat.

Các chuyên gia cảnh báo, việc sử dụng điện thoại thông minh quá mức cũng góp phần gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần và suy giảm nhận thức.

Ông Glass cho biết: “Có nhiều chuyên gia y tế, chăm sóc sức khỏe và các nhà khoa học đã xác định chứng nghiện điện thoại thông minh là một chứng nghiện thực sự, và là một chứng nghiện gây ra nhiều vấn đề cũng như mối đe dọa đối với sức khỏe tâm thần của giới trẻ”.

Ông nói, Nhật Bản chính thức coi sự gắn bó mãnh liệt của giới trẻ với điện thoại, đặc biệt là vì mục đích chơi game, là một chứng nghiện.

Trong thời gian cách ly, điện thoại trở thành dây cứu sinh cho giới trẻ.

Ông Victor Pereina, giảng viên, Trường Giáo dục Harvard

Và Trung Quốc đã sử dụng quyền lực nhà nước để cố gắng hạn chế lượng thời gian giới trẻ dành cho điện thoại.

Ông nói: “Chính quyền Trung Quốc thậm chí còn đề nghị luật yêu cầu tất cả điện thoại thông minh và các thiết bị di động khác cũng như các ứng dụng và cửa hàng bán ứng dụng phải có công nghệ tích hợp nhằm giới hạn thời gian sử dụng màn hình ở mức hai giờ mỗi ngày.”

Phản đối lệnh cấm

Ông Victor Pereira đã giảng dạy mười bốn năm tại các trường công lập ở Boston trước khi đảm nhận vai trò giảng viên tại Trường Giáo dục Harvard.

Ông Pereira nói với The Epoch Times rằng, “Tôi chắc chắn nhìn thấy và nhận ra nhiều vấn đề mà điện thoại di động gây ra trong lớp học và hiểu lý do tại sao các trường học lại mặc định cấm sử dụng các thiết bị này.”

“Và các vấn đề gắn liền với điều đó trong thời gian diễn ra dịch COVID, trong thời gian cách ly, điện thoại đã trở thành dây cứu sinh cho giới trẻ. Trẻ em và thiếu niên trở nên lệ thuộc nhiều hơn vào các thiết bị này.”

Ông Pereira tin rằng điện thoại thông minh vẫn có chỗ [hữu dụng] trong lớp học, và các giáo viên cũng như nhân viên giáo vụ có thể quản lý việc sử dụng điện thoại thông minh cũng như giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của những thiết bị này, thậm chí dùng những chiếc điện thoại để giúp học sinh học tập.

Em Joachim (trái), một học sinh không đến trường trong thời gian diễn ra đại dịch do trường học đóng cửa, ghi âm tin nhắn thoại trên chiếc điện thoại của cha mình và gửi cho các bạn cùng lớp như một phần bài tập về nhà của em ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 20/03/2020. (Ảnh: Eric Baradat/AFP qua Getty Images)
Em Joachim (trái), một học sinh không đến trường trong thời gian diễn ra đại dịch do trường học đóng cửa, ghi âm tin nhắn thoại trên chiếc điện thoại của cha mình và gửi cho các bạn cùng lớp như một phần bài tập về nhà của em ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 20/03/2020. (Ảnh: Eric Baradat/AFP qua Getty Images)

Ông nói: “Thiết bị này phần nào tiện lợi và có giá trị, vừa nhỏ gọn và để được trong túi của chúng ta, vừa có thể giúp chúng ta truy cập thông tin một cách thuận tiện và nhanh chóng, chưa kể còn có các ứng dụng hữu hiệu trợ giúp các em học sinh trong việc học tập.”

Nhưng những chính sách tốt “phải được thực thi và nhất quán ở tất cả các trường học.”

Việc cho phép sử dụng điện thoại có kiểm soát trong lớp có thể là một bài tập thực hành giúp các em học sinh chuẩn bị cho môi trường làm việc [sau này], giúp các em quản lý thời gian, và phát triển “các kỹ năng làm việc” để các em hoàn thành các nhiệm vụ một cách hiệu quả, ngay cả trong những môi trường phải làm việc với nhiều màn hình [thiết bị điện tử khác].

Một số bậc cha mẹ cũng phản đối việc áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt đối với việc sử dụng điện thoại ở trường, lo ngại rằng điều này sẽ dẫn đến việc cắt đứt sợi dây liên lạc cần thiết với con em của họ.

Các bậc cha mẹ và người chăm sóc thường xuyên kết nối với con em họ trong quá trình học tập từ xa đã không đồng ý từ bỏ việc sử dụng điện thoại. Một số người sợ không thể liên lạc được với con trong trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như một vụ xả súng ở trường học.

Bà Shannon Moser, một người có con học lớp tám và lớp chín ở Rochester, New York, cho biết bà cảm thấy cha mẹ đang bị đẩy ra xa khi Khu học chính Greece Central bắt đầu cấm học sinh dùng điện thoại trong năm nay. Bà cho biết, việc học sinh có thể ghi lại những gì diễn ra xung quanh mình là một hình thức trách nhiệm của các em.

Bà Moser nói: “Mọi thứ giờ đây đều bị biến thành công cụ chính trị và gây chia rẽ quá mức rồi. Và tôi nghĩ bậc cha mẹ nào cũng đều canh cánh trong lòng không biết ngày hôm đó con họ có gặp phải chuyện gì hay không.”

Hai người phụ nữ ôm nhau tại trạm kiểm soát của cảnh sát gần trường trung học Marjory Stoneman Douglas, nơi 17 người thiệt mạng một ngày trước đó, ở Parkland, Florida vào ngày 15/02/2018. (Ảnh: Mark Wilson/Getty Images)
Hai người phụ nữ ôm nhau tại trạm kiểm soát của cảnh sát gần trường trung học Marjory Stoneman Douglas, nơi 17 người thiệt mạng một ngày trước đó, ở Parkland, Florida vào ngày 15/02/2018. (Ảnh: Mark Wilson/Getty Images)

Lớp học không có điện thoại

Những người phản đối sử dụng điện thoại thông minh trong lớp cho biết nhiều học sinh hiện nay đã có máy điện toán mà nhà trường cấp cho các em để phục vụ cho mục đích nghiên cứu và làm việc nhóm trong các bài tập được giao.

Và một số người cho rằng việc sử dụng điện thoại trong lớp có thể khiến các em học sinh bớt an toàn hơn trong trường hợp khẩn cấp.

Một trong những chuyên gia hàng đầu quốc gia về an toàn trường học cho biết, trong trường hợp xảy ra vụ xả súng trong khuôn viên trường, học sinh mang điện thoại trong lớp có thể gây thêm nguy hiểm cho những người trong tòa nhà.

Ông Trump nói: Trong thời gian khủng hoảng, trẻ em sử dụng điện thoại có thể ‘tạo ra những thách thức về thông tin liên lạc cho lãnh đạo trường học.

“Điều mà học sinh, nhân viên, và cha mẹ cần biết từ góc độ an toàn trường học là, trong trường hợp khẩn cấp, nếu trẻ em cứ dán mắt vào điện thoại, thì các em sẽ không tập trung vào người lớn, những người sẽ đưa ra hướng dẫn cụ thể cho học sinh.” ông Kenneth Trump, chủ tịch Cơ quan Quốc gia về An toàn và An ninh Trường học (không liên quan đến cựu tổng thống).

Ông Trump nói với The Epoch Times rằng trong thời gian khủng hoảng, trẻ em sử dụng điện thoại có thể “tạo ra những thách thức về thông tin liên lạc cho lãnh đạo trường học.”

Ông nói, các vấn đề nảy sinh “khi những tin đồn và thông tin sai lệch từng được lan truyền hàng giờ hoặc hàng ngày giờ đây chỉ lan truyền với tốc độ tính bằng giây và phút, và thông tin sai lệch đó sẽ làm tăng thêm sự mơ hồ, không chắc chắn, và lo lắng trong cộng đồng trường học.”

Ông nói: “Cuộc khủng hoảng truyền thông có thể trở nên lớn hơn chính biến cố an ninh thực tế.”

Ông Glass đồng ý rằng việc học sinh sử dụng điện thoại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng ứng phó có tổ chức và hiệu quả trong trường hợp khẩn cấp.

Ông Glass nói rằng giáo viên và nhân viên an ninh nên “hướng dẫn học sinh những gì nên làm và không nên làm” trong thời gian khủng hoảng. “Việc tất cả những đứa trẻ này sử dụng điện thoại để gọi cho cha mẹ và gọi cho nhau là không cần thiết.”

Đó chỉ là một lý do khác để loại bỏ điện thoại khỏi lớp học “đối với tất cả các khối lớp từ mẫu giáo đến cao học,” ông Glass nói.

“Điện thoại không bao giờ là phù hợp [để sử dụng trong các lớp học].”

Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press

Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Form Newsletter Subscription
Form Newsletter Subscription