Đảng Dân Chủ tại Hạ viện giới thiệu ‘kiến nghị loại trừ’ để buộc bỏ phiếu về hạn mức nợ của Hoa Kỳ
Hôm thứ Tư (17/05), các thành viên Đảng Dân Chủ tại Hạ viện đã chính thức giới thiệu một nghị quyết về một thủ tục được gọi là “kiến nghị loại trừ” (discharge petition) trong nỗ lực cố gắng buộc bỏ phiếu về việc tăng hạn mức nợ của Hoa Kỳ mà không cần sự chấp thuận của Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California).
Bản kiến nghị loại trừ được đưa ra lúc 10 giờ sáng như một phần của một kế hoạch bí mật đã được âm thầm khởi xướng kể từ đầu tháng Một. Dân biểu đứng đầu của Đảng Dân Chủ, Dân biểu Hakeem Jeffries (Dân Chủ-New York), đã thông báo cho các đồng sự Đảng Dân Chủ về kế hoạch này lần đầu tiên hôm 02/05.
Lúc đó, ông nói với các đồng sự rằng một dự luật có nhan đề “Đạo luật Phá vỡ Bế tắc” (Breaking the Gridlock Act) được giới thiệu vào đầu Quốc hội nhiệm kỳ 118 có nhiều mục, nhưng về sau cũng đính kèm theo một mục về tăng mức trần nợ vô điều kiện. Dự luật do Dân biểu Mark DeSaulnier (Dân Chủ-California) đưa ra này vẫn chưa được giải quyết kể từ ngày 07/03, khi luật được chuyển đến 20 ủy ban Hạ viện khác nhau.
Kiến nghị loại trừ, một quy định thủ tục hiếm khi được sử dụng, sẽ đưa một dự luật ra khỏi ủy ban và buộc phải tổ chức một cuộc bỏ phiếu tại sàn Hạ viện, nếu dự luật không được giải quyết trong hơn 30 ngày. Điều này sẽ xảy ra ngay cả khi không có sự chấp thuận của Chủ tịch Hạ viện.
Hôm thứ Tư, ông Jeffries đã kêu gọi tất cả các thành viên trong nhóm họp kín của mình ủng hộ một kiến nghị loại trừ cho dự luật của ông DeSaulnier.
Trong một lá thư gửi các “đồng sự thân mến” (pdf), ông bày tỏ hy vọng tìm được một “giải pháp lưỡng đảng, có thể chấp nhận được để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ,” nhưng lưu ý rằng do thời hạn vỡ nợ ngày 01/06 của Hoa Kỳ sắp đến, nên “điều quan trọng là tất cả các lựa chọn lập pháp phải được theo đuổi trong trường hợp không đạt được thỏa thuận.”
Ông cho biết kiến nghị loại trừ là “một phương tiện có thể cần thiết để bảo vệ toàn bộ niềm tin và uy tín của Hoa Kỳ,” đồng thời nói thêm, “Điều khẩn thiết là các Thành viên phải nỗ lực hết sức để ký vào bản kiến nghị loại trừ ngay hôm nay.”
Để đệ trình kiến nghị loại trừ và thành công trong việc buộc tổ chức một cuộc bỏ phiếu tại sàn Hạ viện, Đảng Dân Chủ cần sự ủng hộ của một khối đa số Hạ viện, hay 218 phiếu bầu. Nếu toàn bộ 213 thành viên Đảng Dân Chủ tại Hạ viện bỏ phiếu ủng hộ, thì nỗ lực này vẫn cần ít nhất 5 thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện cùng tham gia.
Hiện tại, vẫn chưa rõ liệu tất cả các thành viên Đảng Dân Chủ có ủng hộ kiến nghị loại trừ này hay không.
Tình hình bế tắc kể từ tháng Một
Kể từ tháng Một, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã không thể đi đến đồng thuận về việc nâng mức trần nợ 31.4 ngàn tỷ USD của quốc gia.
Hiện kiểm soát Hạ viện với khối đa số 222 so với 213, Đảng Cộng Hòa đã thúc đẩy cắt giảm chi tiêu để đổi lấy một thỏa thuận với Đảng Dân Chủ nhằm nâng hạn mức nợ tự áp đặt của Quốc hội.
Chính phủ Hoa Kỳ thường chi tiêu nhiều hơn số tiền thuế thu được, do đó, cần vay nợ hàng năm để đáp ứng các nghĩa vụ chi tiêu do Quốc hội quy định, điều này đòi hỏi phải tăng hạn mức nợ.
Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã bày tỏ rằng bộ sẽ không thể duy trì chi tiêu dưới mức trần nợ sau khoảng ngày 01/06. Điều này có nghĩa là chính phủ Hoa Kỳ sẽ không thể thanh toán các hóa đơn của mình nếu hạn mức nợ không được dỡ bỏ. Các nhà kinh tế đã nói rằng điều này sẽ gây ra một cuộc suy thoái.
Ông McCarthy: Việc đạt được thỏa thuận trước ngày 21/05 là ‘có thể thực hiện được’
Sau cuộc họp thảo luận về mức trần nợ với ông McCarthy và các nhà lãnh đạo khác hôm 16/05 — cuộc họp thứ hai như vậy trong tám ngày — hôm 17/05 Tổng thống Biden đã nói với các phóng viên rằng cuộc họp đã diễn ra “hiệu quả,” đồng thời nói thêm rằng ông “tin tưởng” sẽ đạt được thỏa thuận về ngân sách và sẽ không có một vụ vỡ nợ liên bang.
“Quốc gia này chưa, và sẽ không bao giờ vỡ nợ,” ông nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc trước ngày khởi hành đến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Hiroshima, Nhật Bản.
“Và chúng tôi sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận này với các nhà lãnh đạo Quốc hội trong những ngày tới cho đến khi chúng tôi đạt được thỏa thuận.”
Khi được các phóng viên tại Điện Capitol Hoa Kỳ hỏi liệu có thể đạt được thỏa thuận về một mức trần nợ vào thời điểm Tổng thống Biden trở về từ châu Á vào ngày 21/05 hay không, ông McCarthy cho biết điều đó “có thể thực hiện được.”
“Chúng tôi đang trong một lịch trình quá ngắn như vậy,” ông nói với các phóng viên. “Điều này làm cho việc đạt được thỏa thuận gần như trở nên khó khăn hơn. Nhưng có một điều mà quý vị biết, đó là đối với tôi, tôi không bao giờ bỏ cuộc. Tôi có ý chí, sự kiên trì và chúng tôi sẽ giải quyết xong chuyện đó.”
Hôm thứ Tư, Tổng thống Biden báo hiệu rằng ông có thể chấp nhận mở rộng các yêu cầu làm việc (đối với người trưởng thành khỏe mạnh nhận trợ cấp từ chính phủ) như một phần của thỏa hiệp với Đảng Cộng Hòa nhằm nâng mức trần nợ, miễn là những yêu cầu này không ảnh hưởng đến các chương trình chăm sóc sức khỏe.
Trong khi đó, trong một cuộc phỏng vấn của CNBC, ông McCarthy đã bảo vệ lời kêu gọi của những người theo phái bảo tồn truyền thống về các quy định làm việc, nói rằng những yêu cầu này sẽ giúp ích cho nền kinh tế và làm gia tăng nguồn nhân lực, đồng thời tuyên bố sẽ loại trừ mọi cuộc thảo luận về thuế.
Tăng thuế đối với người giàu và các công ty để giúp chi trả cho các chương trình dành cho những người dân Mỹ khác là một phần quan trọng trong ngân sách năm 2024 của Tổng thống Biden. Hôm thứ Ba (16/05), ông Biden cho biết ông thất vọng vì Đảng Cộng Hòa sẽ không xem xét các cách để tăng doanh thu.
Bản tin có sự đóng góp của Lawrence Wilson và Reuters
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times