Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ: Đảng Cộng Hòa và TT Biden vẫn có thể tìm thấy ‘điểm chung’ về mức trần nợ dù có những bất đồng
Ông Biden sẽ gặp ông McCarthy để đàm phán về mức trần nợ vào thứ Hai (22/05)
Hôm Chủ Nhật (21/05), Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) cho biết Đảng Cộng Hòa (GOP) và Tổng thống (TT) Joe Biden có thể tìm thấy “điểm chung” về mức trần nợ bất chấp những bất đồng mang tính “triết học” kéo dài.
Được biết ông McCarthy và ông Biden đã thảo luận lại vấn đề này khi ông Biden trở về nước trên Không Lực Một từ Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản.
Ông McCarthy nói với các phóng viên tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ rằng cuộc điện đàm này là “hiệu quả” và cuộc thảo luận sẽ tiếp tục vào tối nay.
“Tôi nghĩ chúng tôi có thể giải quyết một số vấn đề này nếu ông ấy hiểu những gì chúng ta đang xem xét,” ông McCarthy nói về tổng thống. “Nhưng tôi đã nói rất rõ ràng với ông ấy ngay từ đầu. Chúng ta cần phải chi tiêu ít tiền hơn năm ngoái.”
Nhưng bất chấp sự lạc quan này, ông McCarthy đã cảnh báo: “Hiện chưa có thỏa thuận nào về bất cứ điều gì.”
Cùng ngày, ông Biden lại đưa ra một ý tưởng đã được Đảng Dân Chủ lưu truyền từ lâu: rằng tổng thống có thể sử dụng một điều khoản trong Tu chính án thứ 14 để đơn phương tăng mức trần nợ mà không cần quốc hội cho phép.
Ông Biden cho biết Tòa Bạch Ốc đang xem xét tính hợp pháp và tính thực tế của quyết định này, cho thấy ông ấy vẫn chưa tin rằng có thể đạt được một thỏa thuận.
Trong cuộc họp báo hôm 21/05, ông Biden đã cáo buộc Đảng Cộng Hòa có “quan điểm cực đoan” và nói, “Đã đến lúc Đảng Cộng Hòa phải chấp nhận rằng không có thỏa thuận nào được thực hiện chỉ hoàn toàn dựa trên các điều khoản đảng phái của họ.”
Tất cả các nhà lãnh đạo tham gia vào các cuộc đàm phán đang diễn ra đều khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ không vỡ nợ.
Trong nhiều tháng, Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ đã bế tắc về vấn đề mức trần nợ, vốn mô tả số tiền tối đa mà Bộ Ngân khố Hoa Kỳ có thể vay. Cả hai viện của Quốc hội phải thông qua việc tăng trần nợ để quốc gia có thể tiếp tục hoạt động. Nếu không tăng trần nợ, Hoa Kỳ sẽ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử, một kết quả có thể gây ra những tác động thảm khốc đối với giá trị của đồng dollar.
Đảng Cộng Hòa dưới sự lãnh đạo của ông McCarthy đã yêu cầu cắt giảm chi tiêu để đồng ý tăng giới hạn nợ, với lý do cần phải kiểm soát được thâm hụt và nợ quốc gia của Hoa Kỳ, hiện vượt quá 31.4 ngàn tỷ dollar. Để đạt được mục tiêu này, đề xướng của Đảng Cộng Hòa sẽ cắt giảm chi tiêu khoảng 22%.
Những cắt giảm này bao gồm các yêu cầu công việc nghiêm ngặt hơn đối với bảo hiểm Medicaid và trợ cấp phiếu thực phẩm. Các yêu cầu khác của GOP bao gồm bãi bỏ tài trợ vốn có thể cho phép IRS thuê tới 87,000 nhân viên thuế mới, cũng như yêu cầu thắt chặt an ninh biên giới.
Các nhà lãnh đạo Đảng Dân Chủ đã mô tả những đề nghị này là “không thể chấp nhận được” và thay vào đó thúc đẩy việc thông qua mức tăng trần nợ “sạch” mà không cắt giảm chi tiêu hoặc các điều khoản khác kèm theo.
Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã nói rằng Hoa Kỳ có thể vỡ nợ sớm nhất là vào ngày 01/06 nếu không có tiến triển nào trong việc nâng mức trần nợ. Hôm 21/05, bà đã cho biết thêm rằng: “Tôi nghĩ rằng đó là một thời hạn khó khăn.”
Trong nhiều tháng, ông Biden đã từ chối đàm phán với Đảng Cộng Hòa về mức trần nợ. Điều đó đã thay đổi sau khi ông McCarthy tập hợp sự ủng hộ của nhóm các thành viên GOP vốn có ý kiến chia rẽ đối với Đạo luật Tăng trưởng Tiết kiệm Giới hạn, một dự luật sẽ nâng mức trần nợ nhưng cắt giảm chi tiêu.
Áp lực về vấn đề này cũng đến từ Thượng viện, với hầu hết các thành viên của GOP tại Thượng viện đều đưa ra yêu cầu tương tự.
Một lá thư do Thượng nghị sĩ Mike Lee (Cộng Hòa-Utah) dẫn đầu cũng yêu cầu những cải cách đáng kể để đổi lấy việc tăng mức trần nợ. Trong thư, ông Lee cùng với 42 thượng nghị sĩ khác, kể cả Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky), đồng ý với yêu cầu của ông McCarthy.
Các thượng nghị sĩ viết: “Chúng tôi sẽ không bỏ phiếu ủng hộ bất kỳ dự luật nào tăng mức trần nợ mà không có sự chi tiêu và cải cách ngân sách thực chất.” Liên minh này có đủ số phiếu bầu để phá vỡ bất kỳ thỏa thuận nào tại Thượng viện mà không có sự cắt giảm chi tiêu.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times