PHÂN TÍCH: Đằng sau các cuộc đàm phán về mức trần nợ — Bên nào đang có ưu thế hơn?
Ông Alexander Hamilton, nhân vật lỗi lạc thành danh từ sớm từng giữ chức Bộ trưởng Ngân khố khi mới 32 tuổi, đã đề nghị một kế hoạch táo bạo trước Quốc hội Hoa Kỳ nhiệm kỳ thứ nhất vào ngày 09/01/1790. Ông Hamilton đã khẳng định, chính phủ liên bang nên gánh vác các khoản nợ thời chiến của 13 tiểu bang, trị giá khoảng 25 triệu USD, và trả số nợ đó bằng số tiền được vay với lãi suất thấp hơn, rồi sau đó trả nợ tiếp bằng doanh thu thuế.
Làm như vậy sẽ tăng cường vai trò của chính phủ liên bang, đặc biệt là trong hệ thống tài chính của quốc gia, và bảo đảm được rằng quốc gia còn non trẻ này có được sự tín nhiệm tốt với các quốc gia khác trên thế giới.
Cuộc tranh luận đầu tiên về nợ quốc gia đã bắt đầu như thế.
Ông Hamilton lập luận: “Không còn nghi ngờ gì về sự cần thiết của việc vay mượn trong những trường hợp khẩn cấp cụ thể, tuy nhiên mặt khác, cũng như vậy, điều rõ ràng một cách tương đương là, để có thể vay theo các điều khoản tốt, thì then chốt là độ tín nhiệm của quốc gia này phải được thiết lập tốt.”
Những người khác, đáng chú ý là ông Thomas Jefferson, khi đó là ngoại trưởng, không đồng ý. Vài năm sau đó, ông Jefferson đã viết như sau, “Tuy nhiên, tôi đặt nền kinh tế vào trong số những phẩm chất tốt đầu tiên và quan trọng nhất của nền cộng hòa, và nợ công là một trong những mối nguy hiểm lớn nhất cần phải e ngại.”
Các tiểu bang miền nam, vốn hầu hết đã trả xong các khoản nợ trong Chiến tranh Cách mạng, đã phản đối kế hoạch này. Tại sao họ phải bị đánh thuế để trả các khoản nợ của Massachusetts và New York?
Cuối cùng, các bên đã đạt được một thỏa hiệp. Để đổi lấy các phiếu bầu ủng hộ việc chịu nhận các khoản nợ của các tiểu bang khác từ những tiểu bang này, chính phủ sẽ đặt thủ đô tương lai của mình ở miền Nam. Và cùng với đó, nợ quốc gia đã được thiết lập, khiến nó trở nên lâu đời hơn chính quốc gia này vì Hoa Kỳ đã phải chịu các khoản nợ phát sinh ngay cả trước khi hình thành khung Hiến Pháp.
Chắc chắn là, chính phủ liên bang và khoản nợ của chính phủ liên bang đã phát triển vượt xa những gì người ta hình dung vào cuối những năm 1700. Ông Hamilton có thể sẽ chùn bước khi nghĩ đến khoản nợ quốc gia trị giá 31.4 ngàn tỷ USD. Và phải mãi đến năm 1917 thì trần nợ, một mức giới hạn theo luật định về quy mô của khoản nợ, mới được tạo ra.
Mặc dù vậy, khi Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) đàm phán về số tiền mà chính phủ có thể vay và cách thức chi tiêu số tiền vay được, họ đang tiến hành một cuộc tranh luận lâu đời như chính đất nước này.
Ông Hamilton đã thắng hiệp đấu của mình. Nhưng trò chơi này vẫn tiếp tục.
Trò chơi đổ lỗi
Đổ lỗi về khoản nợ liên bang đã trở thành một môn thể thao chính trị, đặc biệt là trong những năm gần đây khi đảng kiểm soát Quốc hội tranh luận về việc tăng giới hạn vay.
Trong hiệp này, ông McCarthy đã đổ lỗi việc nợ gia tăng cho các thành viên Đảng Dân Chủ, nói rằng họ “nghiền chi tiêu.” Các thành viên Đảng Dân Chủ đã phản bác rằng việc cắt giảm thuế thời ông Donald Trump là nguyên nhân khiến nợ nần chồng chất. Trên thực tế, thì cả việc chi tiêu tăng và doanh thu giảm đã khiến nợ tăng cao hơn trong phần lớn lịch sử Hoa Kỳ.
Nhìn chung, các cuộc chiến tranh đã gây thiệt hại tài chính nhiều nhất. Nợ quốc gia tăng vọt lên ba con số trong Nội chiến, Đệ nhất Thế chiến, và Đệ nhị Thế chiến. Và việc cắt giảm thuế trong những năm 1980 đã tạo ra khoản nợ tăng hàng năm ở mức hai con số trong gần một thập niên.
Khi không trong thời chiến, thì nợ quốc gia tăng chậm trong phần lớn lịch sử của quốc gia này. Trong suốt 50 năm giữa Nội chiến và Đệ nhất Thế chiến, nợ quốc gia chỉ tăng hơn 10%.
Ngược lại, khoản nợ này đã tăng hơn 30 ngàn tỷ USD trong 50 năm qua, tăng hơn 6,700%. Cả hai đảng chính trị đều thấy tình hình này là không thể chấp nhận được, nhưng họ có những ý kiến bất đồng về cách giải quyết vấn đề.
Đảng Cộng Hòa chủ yếu ủng hộ việc giữ thuế thấp để khuyến khích đầu tư tư nhân vào nền kinh tế trong khi cắt giảm chi tiêu liên bang để giảm thâm hụt.
Đảng Dân Chủ thường ủng hộ việc tăng thuế đối với các gia đình và tập đoàn giàu có nhất trong khi sử dụng chi tiêu có mục tiêu của chính phủ để kích thích nền kinh tế.
Giữa những triết lý đang cạnh tranh nhau đó, ít nhất có thể nghe thấy tiếng vang của ông Hamilton và ông Jefferson.
Ông McCarthy nói: “Ngay từ ngày đầu tiên tôi ngồi lại với tổng thống, đã có hai tiêu chí ở đó. Tôi nói với ông ấy rằng chúng ta sẽ không tăng thuế vì chúng ta đang mang lại nhiều tiền hơn bao giờ hết. Và chúng ta sẽ không thông qua mức trần nợ vô điều kiện. Chúng ta phải chi tiêu ít hơn so với năm ngoái.”
Thay mặt tổng thống, Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre cho biết: “Theo Hiến Pháp, Quốc hội có nghĩa vụ phải hành động, chứ không phải là bắt giữ niềm tin và tín nhiệm trọn vẹn vào Hoa Kỳ làm con tin trừ phi chúng tôi cho phép họ cắt giảm các chương trình mà những người Mỹ đang làm việc cần mẫn dựa vào.”
Bằng cách quy trách nhiệm cho nhau về cuộc khủng hoảng nợ, ông Biden và ông McCarthy đều hy vọng sẽ thu hút được thiện cảm của công chúng về phía mình.
Tuy nhiên, tổng thống dường như đã có một con át chủ bài.
Cuộc đánh cược của ông Biden
Ngày 13/01, Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen thông báo với Quốc hội rằng đất nước đang tiến gần đến hạn mức nợ theo luật định. Nếu đạt đến hạn mức nợ, chính phủ phải ngừng vay tiền. Vì quốc gia hoạt động với ngân sách thâm hụt nên việc vay mượn liên tục là cần thiết để thanh toán các hóa đơn. Nếu không có khả năng vay, thì chính phủ sẽ phải bắt đầu trì hoãn việc thanh toán hóa đơn.
Bà Yellen nói rằng kết quả này có thể được ngăn chặn trong ít nhất bốn tháng, trì hoãn cuộc khủng hoảng cho đến khoảng tháng Sáu. Bà kêu gọi Quốc hội hành động.
Ông McCarthy ngay lập tức nói rõ rằng Quốc hội sẽ không xem xét nâng mức trần nợ trừ phi các thành viên Đảng Dân Chủ đồng ý cắt giảm chi tiêu. Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau hôm 01/02 để thảo luận về vấn đề này, một cuộc gặp được cả hai mô tả bằng những từ ngữ tích cực.
Tuy nhiên, tổng thống khẳng định rằng ông sẽ không thỏa hiệp về việc dỡ bỏ hạn mức nợ, vì điều đó sẽ gây nguy hiểm cho cả nền kinh tế Mỹ cũng như niềm tin và tín nhiệm trọn vẹn vào Hoa Kỳ. Đối với việc cắt giảm chi tiêu, ông Biden cho biết việc gặp nhau sẽ chẳng có ý nghĩa gì cho đến khi các thành viên Đảng Cộng Hòa đề ra ngân sách cho thấy chính xác họ dự định cắt giảm những khoản nào.
Tình thế này đã bắt đầu một cuộc đối đầu kéo dài ba tháng, trong đó ông McCarthy liên tục kêu gọi đàm phán, nhưng ông Biden đã phớt lờ.
Chủ tịch Hạ viện đã viết một lá thư cho tổng thống hôm 28/03 để yêu cầu một cuộc họp. Ông đã kêu gọi ông Biden trong các cuộc họp báo. Ông cáo buộc tổng thống đang va vấp trên con đường dẫn đến vỡ nợ. Ông đề nghị được gặp vị tổng thống 80 tuổi này để ăn trưa và thậm chí mang cho ông ấy “đồ ăn nhẹ” nếu điều đó có ích, một câu bông đùa ám chỉ về tuổi tác của ông Biden.
Trong suốt toàn bộ quá trình này, ông Biden vẫn không hề lay chuyển. Một số nhà phân tích nói rằng đó là bởi vì ông ấy tin rằng ông ấy đã chiếm được thế thượng phong.
Ông McCarthy đã được bầu làm chủ tịch Hạ viện hôm 07/01, chỉ một tuần trước khi bà Yellen cảnh báo Quốc hội về hạn mức nợ đang đến gần. Đã có kỷ lục 15 cuộc bỏ phiếu diễn ra trước khi các thành viên Đảng Cộng Hòa cùng nhau ủng hộ ông McCarthy, dường như cho thấy sự rạn nứt bên trong Đảng Cộng Hòa. Ngoài ra, Đảng Cộng Hòa có thế đa số tối thiểu trong Hạ viện. Chỉ cần một vài thành viên Đảng Cộng Hòa từ chối ủng hộ các sáng kiến của ông McCarthy thôi, là họ đã có khả năng thất bại rồi.
Hơn nữa, chỉ cần một thành viên của Hạ viện nộp đơn yêu cầu việc rời khỏi ghế chủ tịch, thì cũng đã có thể chấm dứt vai trò chủ tịch của ông McCarthy.
Vì vậy, ông Biden đã bình chân như vại, lặp đi lặp lại câu thần chú của mình rằng Quốc hội có trách nhiệm nâng mức trần nợ và bảo vệ niềm tin và tín nhiệm trọn vẹn vào Hoa Kỳ.
“Tôi nghĩ chính phủ ông Biden nghĩ rằng Đảng Cộng Hòa sẽ thất bại trong Hạ viện, cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich từng nói với The Epoch Times. “Họ đã nghĩ rằng lập luận ‘Đừng để chúng ta vỡ nợ’ sẽ hiệu quả, và họ sẽ không cần phải làm gì cả.”
Tất cả điều đó đã thay đổi trong vòng 24 giờ.
Ông McCarthy lật ngược tình thế
Chiều ngày 25/04, các thành viên Đảng Cộng Hòa đã giới thiệu Đạo luật Giới hạn, Tiết kiệm, Tăng trưởng tại Hạ viện. Được ông McCarthy công bố sáu ngày trước đó một cách không chính thức, dự luật này đã nhanh chóng được giao cho Ủy ban Nội quy Hạ viện để xem xét ngay lập tức.
Các thành viên Đảng Cộng Hòa, vốn chiếm thế đa số 9-4 trong ủy ban này, đã họp vào buổi tối hôm đó để xem xét dự luật. Trước sự phản đối mạnh mẽ của các thành viên Đảng Dân Chủ về việc tách khỏi “trật tự thông thường” và sau một loạt các thay đổi vào đêm khuya, dường như được thực hiện để xoa dịu một số thành viên Đảng Cộng Hòa, ủy ban này đã thông qua dự luật bằng một cuộc bỏ phiếu theo quan điểm đảng phái ngay sau 2 giờ sáng vào ngày 26/04.
Dự luật này đã đề nghị tăng mức trần nợ chỉ vừa đủ để tới đầu năm 2024 trong khi hạn chế chi tiêu liên bang ở mức năm 2022, hạn chế tăng trưởng chi tiêu ở mức 1% hàng năm trong một thập niên, thu hồi tiền cứu trợ COVID-19 chưa chi tiêu, tăng yêu cầu làm việc đối với một số chương trình Medicaid và Chương trình Hỗ trợ Dinh dưỡng Bổ sung (SNAP), và nới lỏng các yêu cầu cấp giấy phép khoan dầu khí.
Chiều hôm sau, trong khi Tổng thống Biden chuẩn bị tiếp đón Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol trong một buổi yến tiệc cấp nhà nước, ông McCarthy đã đưa Đạo luật Giới hạn, Tiết kiệm, Tăng trưởng ra bỏ phiếu. Đạo luật này đã được thông qua bằng một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 217-215.
Và chỉ vậy thôi, ông McCarthy đã đạt được một chiến thắng lớn, khiến những người phản đối bối rối khi thông qua một dự luật vừa tăng hạn mức nợ và vừa đề ra các yêu cầu ngân sách của Đảng Cộng Hòa cho năm 2024 và hơn thế nữa.
Năm ngày sau, ông Biden đã mời ông McCarthy đến Tòa Bạch Ốc để thảo luận về hạn mức nợ.
Tại bàn đàm phán
Hôm 01/05, cùng ngày mà ông Biden gửi lời mời tới ông McCarthy, bà Yellen một lần nữa thông báo cho Quốc hội về ngày X sắp xảy đến khi chính phủ không thể hoàn trả đầy đủ các nghĩa vụ nợ của mình. Bà Yellen cho biết ngày này có thể sẽ diễn ra vào tháng Sáu, có thể sớm nhất là vào ngày 01/06. Bà một lần nữa kêu gọi Quốc hội hành động.
Ông Biden và ông McCarthy đã gặp nhau hôm 09/05, cùng với Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ- New York), Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky), và Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries (Dân Chủ-New York).
Mặc dù Đảng Dân Chủ chiếm thế đa số với cách biệt mỏng manh trong Thượng viện, những ông Schumer đã không thực hiện hành động nào để nâng mức trần nợ. Các chuyên gia đều đồng ý rằng ông Schumer không thể tập hợp được đủ 60 phiếu bầu cần thiết cho để tăng mức trần nợ một cách “sạch” mà không bị cản trở bởi việc cắt giảm chi tiêu, điều mà ông Biden hằng mong muốn.
Ông McConnell, vốn tự mình là một nhà đàm phán hạn mức nợ kỳ cựu, đã giao phó hoàn toàn công việc cho ông McCarthy. “Giải pháp nằm giữa một người ở Mỹ có thể ký một dự luật thành luật và chủ tịch của Hạ viện. Và họ gặp nhau càng sớm thì càng tốt,” ông McConnell nói sau cuộc họp, đồng thời cho biết thêm rằng ông sẽ ủng hộ bất kỳ thỏa thuận nào do ông McCarthy và ông Biden đưa ra.
Mặc dù thế chủ động dường như đã chuyển sang phía ông McCarthy, nhưng các cuộc đàm phán do các cấp thấp hơn thực hiện đã tiến triển rất ít trong những ngày sau đó.
Các nhà lãnh đạo đã một lần nữa gặp nhau hôm 16/05/2022, lần này có cả Phó Tổng thống Kamala Harris. Ông Biden đã chỉ định các phụ tá kỳ cựu của Tòa Bạch Ốc là ông Steve Richchetti và bà Shalanda Young thay mặt cho ông đàm phán. Ông McCarthy chỉ định Dân biểu Garret Graves (Cộng Hòa-Lusiana) làm nhà đàm phán chính của mình, sau đó có thêm Dân biểu Patrick McHenry (Cộng Hoà-North Carolina) cùng tham gia.
Ông Biden đã bày tỏ hy vọng rằng một thỏa thuận có thể đạt được, mặc dù ông McCarthy từ chối nói rằng ông cảm thấy lạc quan về tình hình.
Ông McCarthy nói, “Chúng tôi cách xa nhau. Nhưng điều đã thay đổi trong cuộc gặp này là tổng thống hiện đã chọn hai người từ chính phủ của ông ấy để đàm phán trực tiếp với chúng tôi.”
Các cuộc đàm phán một lần nữa đi vào bế tắc trong khi ông Biden đang ở ngoại quốc tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima, Nhật Bản.
Trong thời gian ông vắng mặt, những người có quan điểm cứng rắn ở cả hai bên đã kêu gọi không thỏa hiệp về lập trường tương ứng của họ, một diễn biến phức tạp tiềm ẩn cho cả hai nhà lãnh đạo.
11 thượng nghị sĩ, do thượng nghị sĩ Bernie Sanders (Độc Lập-Vermont) dẫn đầu, đã ký một lá thư gửi tổng thống hôm 18/05 kêu gọi ông viện dẫn Tu chính án thứ 14 để tiếp tục thanh toán các hóa đơn của quốc gia, thay vì vỡ nợ hoặc chấp nhận những gì mà họ xem là những khoản cắt giảm chi tiêu không thể chấp nhận được.
Nhóm họp kín House Freedom Caucus, do Dân biểu Scott Perry (Cộng Hòa-Pennsylvania) lãnh đạo, đã đưa ra một tuyên bố vào cùng ngày, kêu gọi ông McCarthy và các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện ngừng đàm phán với ông Biden và thông qua Đạo luật Giới hạn, Tiết kiệm, Phát triển thành luật mà không có thay đổi nào.
Khi ông Biden lên chuyên cơ Không Lực Một để trở về nhà, thì các cuộc đàm phán đã đi vào bế tắc.
Một chọi một
Trong chuyến bay, ông Biden và ông McCarthy đã nói chuyện qua điện thoại và đồng ý lại gặp nhau lần nữa vào hôm 22/05. Lần này, cuộc gặp sẽ chỉ diễn ra giữa tổng thống và chủ tịch. Trong cuộc gặp, cả hai người đều đặt ra những điều mà họ không thể thương lượng, mở đường cho các nhà đàm phán của cả hai bên đi đến thỏa thuận.
Xuất hiện sau cuộc trò chuyện kéo dài 90 phút tại Tòa Bạch Ốc, ông McCarthy cho biết ông tin rằng một thỏa thuận có thể được Quốc hội thông qua trước khi quốc gia vỡ nợ.
“Chúng tôi vẫn sẽ có một số khác biệt về mặt triết lý, nhưng tôi cảm thấy cuộc gặp này có hiệu quả,” ông McCarthy nói. “Và tôi nghĩ rằng chúng tôi đã có thể thực sự tập trung vào những điểm khác biệt.”
Tổng thống cũng đã mô tả cuộc họp theo cách tích cực.
“Tôi vừa kết thúc một cuộc gặp hữu ích với Chủ tịch McCarthy về sự cần thiết của việc ngăn chặn tình trạng vỡ nợ và tránh một thảm họa cho nền kinh tế của chúng ta,” tổng thống viết. “Chúng tôi đã nhắc lại một lần nữa rằng vỡ nợ không phải là một lựa chọn và cách duy nhất để tiến lên phía trước là thiện chí hướng tới một thỏa thuận của lưỡng đảng.”
Như năm 1790, có vẻ như sự thỏa hiệp kiểu này đã có thể một lần nữa mang lại một giải pháp. Mức trần nợ sẽ được dàn xếp, ít nhất là trong một thời gian.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times