Đại hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết kêu gọi ‘đình chiến nhân đạo’ ở Gaza
Nghị quyết do các quốc gia Ả Rập soạn thảo hoàn toàn không đề cập đến cái tên ‘Hamas.’
Hôm 27/10, Đại hội Đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA) đã thông qua với tỷ lệ áp đảo một nghị quyết không ràng buộc kêu gọi một “thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo” ngay lập tức ở Dải Gaza.
Cơ quan toàn cầu này đã thông qua nghị quyết, được đưa ra trong bối cảnh cuộc chiến giữa Israel và Hamas, với 120 phiếu thuận, 14 phiếu chống, và 45 phiếu trắng.
Israel và Hoa Kỳ đã bỏ phiếu chống lại nghị quyết này, có tiêu đề “Bảo vệ Thường dân và Duy trì Nghĩa vụ Pháp lý và Nhân đạo.” Năm quốc đảo Thái Bình Dương và bốn thành viên Liên minh Âu Châu — Áo, Croatia, Séc, và Hungary — cũng phản đối biện pháp này; tám thành viên EU đã bỏ phiếu tán thành.
Nghị quyết này đánh dấu phản ứng đầu tiên của Liên Hiệp Quốc đối với cuộc chiến Israel-Hamas, nổ ra từ hôm 07/10, khi những kẻ khủng bố Hamas tiến hành một cuộc tấn công chưa từng có vào thường dân ở Israel khiến 1,400 người thiệt mạng; đây là cuộc tấn công tồi tệ nhất vào đất nước này trong nhiều thập niên. Hamas là nhóm khủng bố Hồi giáo được Iran hậu thuẫn đang kiểm soát Dải Gaza.
“Hamas” hoàn toàn không được nhắc tên trong nghị quyết do Ả Rập soạn thảo nói trên. Bản thảo ban đầu kêu gọi một “lệnh ngừng bắn ngay lập tức” trong khi nghị quyết được thông qua kêu gọi “một thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, lâu dài, và bền vững dẫn đến chấm dứt chiến sự.”
Trong hai tuần qua, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, một cơ quan khác của Liên Hiệp Quốc, đã bốn lần thất bại trong việc đạt được thỏa thuận về một nghị quyết. Hai nghị quyết từng được đề nghị đã bị phủ quyết và hai nghị quyết còn lại không đạt được túc số 9 phiếu “thuận” cần thiết để được phê chuẩn.
Không giống như các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, vốn có khả năng ràng buộc về mặt pháp lý, các nghị quyết của UNGA không có tính ràng buộc pháp lý. Tuy nhiên, Đại sứ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất Lana Nusseibeh, đại diện Ả Rập tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nói với các phóng viên rằng “những nghị quyết này có sức nặng và thẩm quyền đạo đức đáng kinh ngạc.”
Bà lưu ý rằng 10 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc được bầu, phục vụ nhiệm kỳ hai năm, sẽ nắm giữ “thẩm quyền đạo đức” từ UNGA và cố gắng phá vỡ thế bế tắc trong một nghị quyết của hội đồng.
Trước đó UNGA cũng không đạt được đa số 2/3 số phiếu cần thiết để thông qua một bản sửa đổi của Canada đối với bản nghị quyết được Hoa Kỳ ủng hộ. Bản sửa đổi đó, được 88 phiếu thuận, 55 phiếu chống, và 23 phiếu trắng, sẽ bác bỏ và lên án rõ ràng “các cuộc tấn công khủng bố của Hamas… và việc bắt giữ con tin” từ Israel vào ngày 07/10, cũng như yêu cầu thả ngay các con tin.
Israel đã bác bỏ những lời kêu gọi ngừng bắn, cho rằng làm vậy thì những kẻ khủng bố Hamas sẽ được hưởng lợi. Để đối phó với cuộc tấn công ngày 07/10, quân đội nước này đã tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của Hamas ở Gaza từ trên không, tiến hành một cuộc bao vây ở Gaza, và đang chuẩn bị một cuộc tiến công trên bộ.
Các quy định trong nghị quyết
Nghị quyết do Jordan dẫn đầu này xem tình hình ở Gaza là “các hành động bất hợp pháp của Israel ở Đông Jerusalem bị chiếm đóng và phần còn lại của lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng” đồng thời nêu ra 14 yêu cầu chính.
Bên cạnh việc kêu gọi ngừng bắn nhân đạo, tài liệu này còn kêu gọi “quyền tiếp cận nhân đạo ngay lập tức, đầy đủ, bền vững, an toàn, và không bị cản trở” tới Gaza cho các cơ quan nhân đạo khác nhau của Liên Hiệp Quốc và các đối tác của họ, những người đang tìm cách cung cấp “sự trợ giúp khẩn cấp cho thường dân ở Dải Gaza.”
Văn bản nhấn mạnh và nhắc lại nhiều lần tầm quan trọng của việc bảo đảm thường dân ở Dải Gaza được an toàn và tuyên bố rằng thường dân phải có thể tiếp cận các nguồn cung cấp thiết yếu và trợ giúp nhân đạo, cũng như có thể đi lại một cách an toàn.
Nghị quyết yêu cầu Israel — được gọi trong nghị quyết nói trên là “Thế lực chiếm đóng” — hủy bỏ lệnh “yêu cầu thường dân Palestine và nhân viên Liên Hiệp Quốc, cũng như các nhân viên nhân đạo và y tế, phải rời khỏi tất cả các khu vực ở Dải Gaza phía bắc Wadi để di dời… tới phía nam Gaza.”
Ngoài ra, nghị quyết này cũng “kiên quyết bác bỏ mọi nỗ lực nhằm cưỡng bức di dời thường dân Palestine.”
Riêng văn bản này kêu gọi “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả thường dân đang bị giam giữ bất hợp pháp, yêu cầu sự an toàn, phúc lợi, và đối xử nhân đạo đối với họ phù hợp với luật pháp quốc tế.” Tuy nhiên, văn bản không đề cập rõ ràng đến hơn 200 con tin mà Hamas cho biết họ đã bắt cóc từ Israel.
Nghị quyết nhấn mạnh “tác động đặc biệt nghiêm trọng mà cuộc xung đột vũ trang gây ra đối với phụ nữ và trẻ em, bao gồm cả những người tị nạn và người di tản, cũng như đối với những thường dân khác, những người rõ ràng có thể dễ bị tổn thương, bao gồm cả người khuyết tật và người cao niên.”
Nghị quyết cũng nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc ngăn chặn tình trạng mất ổn định và leo thang bạo lực trong khu vực” và kêu gọi tất cả các bên “kiềm chế tối đa.”
Nghị quyết tiếp tục “tái khẳng định rằng một giải pháp công bằng và lâu dài cho cuộc xung đột Israel–Palestine chỉ có thể đạt được bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên các nghị quyết liên quan của Liên Hiệp Quốc và phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như trên cơ sở giải pháp hai nhà nước.”
Israel thề sẽ tiếp tục tấn công Hamas
Ông Riyad H. Mansour, đặc phái viên Palestine tại Liên Hiệp Quốc, cho biết ông “biết ơn tất cả các quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ” nghị quyết.
Ông nói: “Chúng ta cùng nhau tìm cách chấm dứt tàn sát, đau thương và sợ hãi, sự hủy diệt. Tất nhiên, đây không phải là điều mà đại diện của thế lực chiếm đóng có thể hiểu được.”
Trong khi đó, ông Gilad Erdan, Đại sứ Israel tại Liên Hiệp Quốc, gọi cuộc bỏ phiếu tại UNGA là “một ngày sẽ được ghi lại trong nỗi ô nhục.”
Ông Erdan nói sau cuộc bỏ phiếu, “Israel có quyền tự vệ, và việc thực hiện quyền này là để bảo đảm rằng những hành động tàn bạo như vậy sẽ không bao giờ lặp lại. Cách duy nhất, cách duy nhất để bảo đảm điều này là triệt tiêu các năng lực khủng bố của Hamas. [Đó là] cách duy nhất. Tuy nhiên, nghị quyết này thậm chí còn không nêu tên Hamas, cứ như thể cuộc chiến này tự bắt đầu.”
“Israel sẽ không dừng chiến dịch cho đến khi các năng lực khủng bố của Hamas bị triệt tiêu và con tin của chúng tôi được trao trả… Cách duy nhất để tiêu diệt Hamas là nhổ tận gốc họ ra khỏi đường hầm và thành phố khủng bố dưới lòng đất,” ông nói.
“Tại sao quý vị lại bảo vệ những kẻ sát nhân? Tại sao quý vị lại bảo vệ những kẻ khủng bố cố tình chặt đầu trẻ em và bắt cóc trẻ sơ sinh? Chuyện gì đang xảy ra ở đây? Điều này phải khiến mỗi người trong số quý vị phải tự hỏi việc đệ trình nghị quyết này có mục đích thực sự là gì?”
“Tuy nhiên, nghị quyết nguy hiểm này yêu cầu Israel kêu gọi người dân Gaza quay trở lại, quay trở lại vùng chiến sự đang hoạt động này. Mục tiêu ở đây có phải là gây nguy hiểm hơn nữa cho tính mạng con người không? Nghị quyết lố bịch này lại cả gan kêu gọi đình chiến. Mục tiêu của thỏa thuận đình chiến trong nghị quyết này là rằng Israel nên ngừng tự vệ [trước] Hamas, để Hamas có thể thiêu rụi chúng tôi.”
“Israel đang theo dõi chặt chẽ tình hình nhân đạo ở Gaza, và chúng tôi biết rằng không có cuộc khủng hoảng nhân đạo nào theo luật nhân đạo quốc tế. Tin tưởng vào các báo cáo từ Gaza chẳng khác gì tin tưởng vào các báo cáo từ ISIS.”
Với ISIS, ông Erdan đang đề cập đến tổ chức khủng bố ở Syria.
Kể từ hôm 07/10, Israel đã tuyên bố sẽ quét sạch năng lực khủng bố của Hamas và tiến hành chiến dịch oanh tạc các địa điểm ở Gaza bị những kẻ khủng bố Hamas sử dụng. Quân đội Israel đã nhiều lần lên án Hamas vì sử dụng thường dân Gaza làm “lá chắn sống” và lưu ý rằng những kẻ khủng bố Hamas đã bắn hỏa tiễn từ các cơ sở hạ tầng dân sự, các khu vực và tòa nhà ở Dải Gaza, do đó biến những địa điểm đó thành mục tiêu hợp pháp để quân đội Israel tấn công. Israel còn quy trách nhiệm cho Hamas về những hành động có chủ đích nhằm tối đa hóa sự lên án của cộng đồng quốc tế đối với bất kỳ nỗ lực nào của Israel nhằm chống lại những kẻ khủng bố.
‘Mở rộng’ các hoạt động trên bộ ở Gaza
Hôm 27/10, Israel tuyên bố sẽ “mở rộng” các hoạt động trên bộ ở Gaza. Trong nhiều tuần, các quan chức Israel đã báo hiệu rằng một cuộc xâm lược trên bộ vào Gaza sắp diễn ra. Hôm 12/10, Israel đã khuyến khích khoảng 1.1 triệu người ở Gaza — tức là gần một nửa dân số — di chuyển xuống phía nam.
Cách đây vài tuần, quân đội Israel đã tiết lộ các kế hoạch nhắm vào mạng lưới đường hầm chằng chịt của Hamas bên dưới thành phố Gaza, nơi những kẻ khủng bố sử dụng và được các công trình dân sự phía trên che chắn. Mặt khác, Hamas thề sẽ chiến đấu đến tay súng cuối cùng và chỉ thị người dân Gaza hạn chế di tản khỏi khu vực này.
Bộ Y tế Gaza do Hamas hậu thuẫn cho biết hơn 7,000 thường dân đã thiệt mạng; The Epoch Times không thể xác minh độc lập con số đó. Quân đội Israel gần đây đã chỉ ra rằng một phần đáng chú ý của số hỏa tiễn mà Hamas bắn về phía Israel kể từ ngày 07/10 đã không đến được mục tiêu và rơi xuống Gaza. Trong các cuộc xung đột trước đây, một số người Palestine thiệt mạng ở Gaza được cho là do hỏa tiễn của Hamas bắn hụt.
Việc ban hành nghị quyết của UNGA diễn ra cùng ngày mà Ngoại trưởng Iran cáo buộc chính phủ Hoa Kỳ “điều khiển nạn diệt chủng ở Palestine” và cảnh báo rằng Hoa Kỳ sẽ “không thể tránh khỏi cảnh bom đạn” nếu Israel tiếp tục bắn phá Gaza.
“Tôi cảnh báo nếu nạn diệt chủng ở Gaza tiếp tục, họ sẽ không thể tránh khỏi cảnh bom đạn. Đây là quê hương của chúng tôi và Tây Á là khu vực của chúng tôi,” Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian nói. “Chúng tôi không thỏa hiệp với bất kỳ đảng nào, bất kỳ bên nào, và không có sự dè dặt nào khi nói đến an ninh cho quê hương của chúng tôi.”
Ông lưu ý rằng Hamas sẵn sàng thả “các tù nhân dân sự” sau các cuộc đàm phán của Iran với nhóm này.
Iran luôn là nước ủng hộ nhiều nhất cho Hamas và các nhóm khủng bố khác liên quan đến các cuộc tấn công khủng bố chống lại Israel. Không rõ liệu Iran có liên quan trực tiếp đến vụ tấn công ngày 07/10 châm ngòi cho cuộc chiến này hay không, nhưng các quan chức Iran đã lên tiếng ủng hộ các cuộc tấn công.
Phát ngôn viên An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby nói rằng Hoa Kỳ ủng hộ việc tạm dừng hoạt động quân sự của Israel ở Gaza để cung cấp viện trợ nhân đạo, nhiên liệu, và điện cho thường dân ở đó. Ông cũng cho biết Hoa Kỳ sẽ ủng hộ việc tạm dừng cục bộ để bảo đảm thả hơn 200 con tin bị Hamas bắt cóc đến Gaza.
Hoa Kỳ cho biết họ sẽ buộc Tehran phải chịu trách nhiệm về làn sóng tấn công bằng hỏa tiễn và phi cơ không người lái (drone) gần đây nhắm vào binh lính Hoa Kỳ ở Trung Đông.
Bản tin có sự đóng góp của Josee Ng, The Associated Press, và Reuters
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times