Chiến tranh Israel-Hamas làm dấy lên nguy cơ làm hỏng kế hoạch của Hoa Kỳ cho hòa bình rộng lớn hơn ở Trung Đông
Sau cuộc tấn công hôm 07/10 của Hamas và lời tuyên chiến của Israel, Saudi Arabia được cho là đã tạm dừng các hoạt động ngoại giao với Israel.
Sự gia tăng xung đột gần đây giữa Israel và Hamas, một tổ chức bị Hoa Kỳ chỉ định là khủng bố, đặt ra một thách thức đáng kể đối với khát vọng của Mỹ về hòa bình ở khu vực Trung Đông rộng lớn hơn.
Hôm 20/10, Tổng thống (TT) Joe Biden cho rằng các cuộc tấn công của Hamas nhằm vào Israel là do nhóm này mong muốn cản trở mối bang giao đang ấm lên giữa Israel và Saudi Arabia. TT Biden đã tích cực tạo thuận tiện cho các cuộc thảo luận giữa Jerusalem và Riyadh, đáng chú ý nhất là việc ông công bố kế hoạch hợp tác về các hành lang vận chuyển trong hội nghị thượng đỉnh G20 vào hồi tháng Chín ở Ấn Độ.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã khen ngợi TT Biden, nói rằng: “Tôi nghĩ rằng dưới sự lãnh đạo của ông, thưa Tổng thống, chúng ta có thể gây dựng một nền hòa bình lịch sử giữa Israel và Saudi Arabia.”
Một hiệp định hòa bình tiềm năng giữa Saudi Arabia và Israel sẽ đánh dấu một cột mốc ngoại giao, có thể mở đường cho các quốc gia Ả Rập khác chính thức công nhận Israel. Tuy nhiên, cuộc tấn công theo nhiều hướng của Hamas vào lãnh thổ Israel giáp với Gaza hôm 07/10 đã làm tổn hại nghiêm trọng đến các bước tiến ngoại giao này.
Phản ứng trước các cuộc tấn công, Thủ tướng Netanyahu đã ban bố “tình trạng chiến tranh,” cam kết “nhắm mục tiêu vào tất cả các vị trí của Hamas,” đồng thời tuyên bố, “Chúng tôi sẽ biến Gaza thành đảo hoang.” Do đó, Saudi Arabia được cho là đã tạm dừng các cuộc đàm phán ngoại giao của mình đối với Israel, làm dấy lên nghi ngờ về tính khả thi của lộ trình hòa bình được Hoa Kỳ sắp đặt cẩn thận.
Mối bang giao đang nảy nở giữa Israel và Saudi Arabia: Từ thù địch đến giảng hòa
Israel đã phải đối mặt với sự phản đối từ các nước lân bang Ả Rập kể từ khi thành lập vào ngày 15/05/1948. Một ngày sau khi thành lập, Israel đã bị một liên minh gồm các nước như Ai Cập, Syria, Iraq, Lebanon, và Jordan, cũng như dân quân Palestine xâm lược. Bất chấp những cuộc xung đột này, Israel vẫn đứng vững dù phải trả giá bằng gần 1% dân số.
Trong giai đoạn từ năm 1948 đến năm 1982, Israel và nhiều quốc gia Ả Rập khác nhau giao tranh trong năm cuộc xung đột lớn, trong đó Chiến tranh Yom Kippur năm 1973 là cuộc xung đột đáng chú ý nhất. Những cuộc tấn công do Ai Cập, Syria, và Jordan dẫn đầu này cuối cùng đã bị các lực lượng Israel đẩy lùi.
Hiệp định Trại David, do Tổng thống Hoa Kỳ đương thời Jimmy Carter làm cầu nối, đã đánh dấu thỏa thuận hòa bình thành công nhất cho đến nay giữa Israel và Ai Cập — một quốc gia Ả Rập. Sau Ai Cập, quốc gia tiếp theo rời khỏi liên minh chống Israel là Jordan. Lúc đầu Jordan cung cấp nơi ẩn náu cho Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) nhưng sau đó đã trục xuất nhóm này do các hoạt động nhằm lật đổ vương triều Hashemite [của Jordan]. Mối bang giao giữa Jordan và Israel kể từ đó đã ấm lên đáng kể.
Hoa Kỳ dẫn đầu các sáng kiến hòa bình tại Trung Đông rộng lớn hơn
Kể từ khi công nhận Israel khi nước này được thành lập vào năm 1948, Hoa Kỳ đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình giữa Israel và các nước Ả Rập. Ngày 15/09/2020 đánh dấu một cột mốc quan trọng dưới thời Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, với việc ký kết Hiệp định Abraham giữa Israel, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, và Bahrain. Thỏa thuận mang tính bước ngoặt này đã tiếp thêm sức sống cho quá trình bình thường hóa bang giao với Israel và nhóm lại hy vọng hòa bình sau Hiệp định Trại David.
Các thông báo tiếp theo từ Sudan và Maroc về việc bình thường hóa bang giao với Israel vào tháng 10 và tháng 12/2020 càng làm nổi bật một mô hình đang thay đổi ở Trung Đông.
Vào tháng 03/2022, Hoa Kỳ đã khởi xướng Diễn đàn Negev, gồm các nước Bahrain, Ai Cập, Israel, Morocco, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, và Hoa Kỳ. Mục đích của diễn đàn này là thúc đẩy hội nhập, hợp tác, và phát triển trong khu vực.
Tháng 07/2022, TT Biden đến thăm Saudi Arabia, qua đó đề nghị bình thường hóa bang giao giữa Riyadh và Jerusalem. Một thỏa thuận lịch sử như vậy có thể đóng vai trò là chất xúc tác để có thêm các quốc gia Ả Rập khác xem xét lại lập trường của họ đối với Israel. Để khích lệ, Hoa Kỳ đề nghị bảo vệ quân sự cho Saudi Arabia, củng cố hơn nữa cam kết của nước này trong việc thiết lập một nền hòa bình rộng lớn hơn ở Trung Đông.
Iran và Hamas: Những chướng ngại cho hòa bình Trung Đông
Tuy nhiên, không phải tất cả các bên đều phấn chấn trước những diễn biến này; đáng chú ý là Iran và Hamas đã bày tỏ sự phản đối.
Ông David, một doanh nhân Israel ẩn danh, nói với The Epoch Times: “Hoa Kỳ đang tạo thuận tiện cho một sự chuyển đổi, đặc biệt là trong mối bang giao giữa Israel và Saudi Arabia. Iran xem việc bình thường hóa các mối bang giao này là mối đe dọa nghiêm trọng đối với lợi ích của mình.”
Ông nói thêm, “Iran tận dụng nhiều nhóm ủy quyền để gây mất ổn định khu vực. Cho dù đó là Hezbollah ở Lebanon, lực lượng Houthi ở Yemen, hay lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn ở Syria và Iraq, thì tất cả đều nhằm mục đích mở rộng tầm ảnh hưởng của Iran đồng thời làm phức tạp các nỗ lực xây dựng hòa bình.”
Các báo cáo cho thấy các quan chức an ninh Iran đã tham gia vào việc hoạch định cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel hôm 07/10. Hoạt động này được cho là đã được bật đèn xanh trong cuộc họp ở Beirut hôm 02/10, nơi các đại diện của nhiều nhóm được Iran hậu thuẫn, bao gồm cả Hamas và Hezbollah, đều điều chỉnh chi tiết các chiến lược của họ.
Kể từ tháng Tám, các tay súng thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran được cho là đã hợp tác với Hamas để đề ra chiến lược cho nhiều hoạt động quân sự khác nhau, cả trên bộ và trên biển. Các cuộc họp ở Beirut với nhiều nhóm được Iran hậu thuẫn làm sáng tỏ thêm những nỗ lực phối hợp nhằm gây bất ổn cho khu vực.
Lập trường nước đôi của Trung Quốc làm dấy lên các mối lo ngại ở Israel, khiến mối bang giao giữa Trung Quốc và Israel rạn nứt
Sau cuộc tấn công tàn khốc của Hamas khiến 1,400 người Israel thiệt mạng và 200 con tin bị bắt giữ, Trung Quốc đã không lên án Hamas. Thay vào đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chỉ trích Israel vì cái mà họ gọi là “sự trả đũa quá mức.”
Hôm 08/10, ông Yuval Waks, một nhà ngoại giao cao cấp tại đại sứ quán Israel ở Bắc Kinh, đã truyền đạt rằng Israel mong đợi Trung Quốc sẽ đưa ra “lời lên án mạnh mẽ hơn” đối với Hamas. Đến hôm 12/10, Bộ Ngoại giao Israel đã thông báo cho ông Trạch Tuấn (Zhai Jun), Đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề Trung Đông, rằng lập trường chính thức của Trung Quốc được xem là không thỏa đáng và bác bỏ quyền tự vệ của một quốc gia.
Ngày 14/10, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhắc lại cáo buộc này, cho rằng hành động của Israel đã vượt quá phạm vi tự vệ.
Khi trò chuyện với The Epoch Times, ông David tiết lộ rằng sự thất vọng đối với Trung Quốc đang lan rộng ở Israel. Tâm lý bài Do Thái dường như đã thu hút được sự chú ý trên mạng xã hội Trung Quốc. Ví dụ, blogger video Su Lin [ở Trung Quốc] đã ví Israel với Đức Quốc xã và tán thành quan điểm rằng Hamas “quá yếu,” những bình luận này được lan truyền mà hầu như không có sự kiểm duyệt chính thức.
Bất chấp những nỗ lực của người Israel nhằm chống lại những thông tin sai lệch như vậy trên các nền tảng của Trung Quốc, ông David đã ví nỗ lực này như “hạt muối bỏ bể.”
Theo ông David, những diễn biến gần đây báo hiệu thời kỳ tồi tệ nhất trong mối bang giao giữa Trung Quốc và Israel kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Ông dự đoán sẽ có sự thay đổi trong mối quan hệ song phương trong tương lai.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times