PHÂN TÍCH: Khủng hoảng mức trần nợ thử thách khả năng lãnh đạo của TT Biden
Trong nhiều tuần, Tổng thống (TT) Joe Biden đã dịch chuyển thành công trách nhiệm về cuộc khủng hoảng mức trần nợ lên vai Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California).
Bằng cách từ chối gây nguy hiểm cho sự “trọn vẹn niềm tin và sự tín nhiệm” của Hoa Kỳ trong việc đàm phán về mức trần nợ, tổng thống đã có thể miêu tả Chủ tịch hạ viện là người “bắt giữ nền kinh tế làm con tin.” Sau khi công bố đề xướng ngân sách năm 2024 của mình hôm 09/03, tổng thống Biden đã có thể nói với ông McCarthy, “Hãy cho tôi xem kế hoạch của ông” để cắt giảm chi tiêu và từ chối tham gia các cuộc đàm phán cho đến khi ông ấy làm vậy.
Giờ đây, chiến thắng của ông McCarthy trong việc hiệp lực được nhóm các thành viên Đảng Cộng Hòa ưa tranh luận để thông qua một dự luật về nợ và chi tiêu tại Hạ viện hiện có sự chênh lệch sít sao giữa hai đảng khiến chiến lược của tổng thống bị đặt nghi vấn.
Khi áp lực gia tăng từ mọi phía để chấm dứt tình trạng bế tắc này, ông Biden phải đối mặt với một lựa chọn vốn có thể tạo không khí chung cho các thỏa thuận của ông với Quốc hội trong hai năm tới.
Liệu Tổng thống sẽ tiếp tục trì hoãn, đánh cược rằng người dân Mỹ sẽ đổ lỗi cho những thành viên Đảng Cộng Hòa về việc kéo dài cuộc khủng hoảng bằng cách đề xướng cắt giảm chi tiêu hết mức hay không? Hay ông sẽ tìm ra một giải pháp thỏa hiệp để giải quyết cuộc khủng hoảng này trong khi vẫn giữ nguyên nghị trình lập pháp của mình?
Quyết định của ông Biden có thể sẽ dựa trên một phép đạc tam giác của các yếu tố chính, bao gồm sự kiên nhẫn liên tục của các thành viên trong đảng của ông, phản ứng của các thị trường tài chính trước một tình trạng bế tắc liên tục, và sức mạnh của vị thế chính trị của ông McCarthy so với vị thế chính trị của ông.
Cuối cùng, quyết định này có thể tựu trung vào yếu tố căn bản nhất trong toàn bộ các cân nhắc chính trị: người dân muốn gì.
Khủng hoảng gia tăng
Khi giới hạn vay theo luật định của quốc gia đạt tới 31.4 ngàn tỷ USD vào tháng Một, ông McCarthy khẳng định Quốc hội sẽ không cho phép tăng mà không có một số thỏa thuận để hạn chế chi tiêu trong tương lai.
Ông Biden đã từ chối đàm phán, về mức trần nợ cũng như cắt giảm chi tiêu liên bang, đặt trách nhiệm đề xướng kế hoạch cắt giảm chi tiêu trước tiên lên ông McCarthy.
Tình hình này đã thay đổi hôm 26/04 khi Đảng Cộng Hòa suýt thông qua Đạo luật Giới hạn, Tiết kiệm, Phát triển theo đường hướng của đảng.
Ông McCarthy nói, “Giờ đây mọi chuyện là tùy thuộc vào ông,” như thể nói với ông Biden ngay sau khi dự luật này được thông qua. “Nền kinh tế có gặp khó khăn gì hay không, chính là ở ông. Bởi vì Đảng Cộng Hòa đã tăng giới hạn nợ. Chứ không phải là ông. [Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck] Schumer cũng không.”
Dự luật này nâng mức trần nợ thêm 1.5 ngàn tỷ USD, vừa đủ để đẩy cuộc khủng hoảng nợ tiếp theo vào năm bầu cử 2024. Đồng thời, dự luật này cũng bao gồm cắt giảm chi tiêu và các điều khoản khác mà Đảng Dân Chủ nhận thấy là không thể chấp nhận được.
Đề xướng này giảm chi tiêu năm 2024 xuống mức của năm 2022, hạn chế tăng trưởng chi tiêu ở mức 1% trong 10 năm, thu hồi các quỹ cứu trợ COVID-19 chưa chi tiêu, và khôi phục các yêu cầu công việc đối với một số người nhận SNAP và Medicaid.
Và, thách thức với sáng kiến năng lượng xanh của ông Biden, kế hoạch của Đảng Cộng Hòa đã loại bỏ các rào cản đối với việc gia tăng khoan dầu khí.
Hiện tại, ông Biden đã kiên quyết từ chối đàm phán.
Đảng Dân Chủ đang xoay xở
Các thành viên Đảng Dân Chủ trong Quốc hội đồng lòng phản đối việc cắt giảm chi tiêu của Đảng Cộng Hòa, điều mà họ cho rằng sẽ hủy hoại các chương trình xã hội mà người Mỹ bình thường đang dựa vào. Tuy vậy, các rạn nứt đã xuất hiện trong các tiểu bang thành trì của Đảng Dân Chủ (Blue Wall) về vấn đề thỏa hiệp với Đảng Cộng Hòa.
Thượng nghị sĩ Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia) là người đầu tiên chỉ trích việc ông Biden từ chối đàm phán.
Ông Manchin nói trong một tuyên bố hôm 20/04, “Mặc dù sẽ là có lý khi thật sự không đồng ý với bất kỳ cách tiếp cận mức trần nợ cụ thể nào, nhưng nếu tổng thống Biden tiếp tục từ chối ngay cả đàm phán một thỏa hiệp hợp lý và hợp lẽ, thì chúng ta sẽ đạt được một vụ vỡ nợ lịch sử, và cơn lốc kinh tế kéo theo đó.”
“Vì lợi ích của đất nước, tôi kêu gọi Tổng thống Biden ngồi vào bàn đàm phán, đề xướng một kế hoạch cắt giảm chi tiêu và giảm thâm hụt thiết thực và thực chất, và hãy đàm phán ngay bây giờ.”
Dân biểu nhiệm kỳ đầu tiên Greg Landsman (Dân Chủ-Ohio) đã đưa ra những bình luận ngắn gọn hơn cho các phóng viên.
“Tôi không nghĩ có bất kỳ tổn hại nào khi hai vị ấy ngồi xuống nói chuyện,” ông Landsman nói, như một nhân viên đã xác nhận với The Epoch Times. “Ý kiến cho rằng chúng ta thậm chí đang tiến gần đến một khả năng vỡ nợ là thật điên rồ.”
Các thành viên Đảng Dân Chủ khác đã thúc giục ông Biden tham gia các cuộc đàm phán ngay lập tức nhưng đã cố gắng tách việc tăng mức trần nợ ra khỏi các cuộc đàm phán về ngân sách này.
Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar (Dân Chủ-Minnesota) cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 23/04: “Tất nhiên, Tổng thống Biden nên ngồi lại với Chủ tịch Hạ viện McCarthy.”
“Ông ấy nên đàm phán về ngân sách này. OK, đó là điểm để đàm phán. Và họ nên bắt đầu những cuộc đàm phán đó ngay bây giờ, không sử dụng người dân Mỹ và các khoản vay thế chấp của họ làm con tin,” bà nói. “Chúng ta chỉ cần làm rõ rằng chúng ta sẽ tránh vỡ nợ và giải quyết vấn đề này cho xong.”
Bà Karine Jean-Pierre, tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc, cũng nêu ra sự khác biệt tương tự.
Bà Jean-Pierre cho biết tại một cuộc họp báo hôm 27/04: “Như tổng thống đã nói ngày hôm qua, ông ấy rất vui được gặp Chủ tịch McCarthy nhưng không phải để đàm phán về giới hạn nợ.”
Việc ông Biden khăng khăng rằng không thể đàm phán về mức trần nợ dựa trên ý kiến rằng không có lựa chọn nào khác ngoài việc nâng giới hạn nợ này. Cả hai bên đã tuyên bố rằng họ không muốn có một vụ vỡ nợ.
Và các thành viên Đảng Dân Chủ thường nêu ra rằng Đảng Cộng Hòa đã tăng mức trần nợ ba lần dưới thời chính phủ ông Trump.
Tuy nhiên, ông McCarthy khẳng định rằng ngay cả những khoản tăng đó cũng chỉ xảy ra sau các cuộc đàm phán với Đảng Dân Chủ về chi tiêu trong tương lai.
Ông McCarthy nói với các phóng viên hôm 20/4: “Thực ra tôi đang có mặt tại phòng họp đó. Mức trần nợ đó không được nâng lên nếu không có những cuộc đàm phán. Sự khác biệt là Đảng Dân Chủ sẽ không tăng mức trần nợ cho đến khi Tổng thống Trump đồng ý chi thêm tiền.”
Giờ đây, một lời đề nghị của Đảng Cộng Hòa đã được đưa ra bàn đàm luận, vẫn chưa rõ làm thế nào các cuộc đàm phán về nợ và chi tiêu có thể được tách biệt.
Yếu tố Wall Street
Cuộc khủng hoảng đã gia tăng kể từ hồi tháng Một khi Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen thông báo với Quốc hội rằng quốc gia này đã đạt đến giới hạn vay theo luật định. Bà Yellen đã tránh vi phạm mức trần nợ thông qua việc sử dụng cái gọi là các biện pháp bất thường, vốn sẽ ngăn chặn được một sự vi phạm [mức trần nợ] cho đến một thời điểm nào đó trong mùa hè này.
Tuy nhiên, các chuyên gia đã cảnh báo rằng bế tắc này càng kéo dài, thì khả năng xảy ra bất ổn tài chính càng lớn.
Ông Peter C. Earle, một kinh tế gia tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times: “Nếu cả hai bên cản trở nhau cho đến phút cuối, thì có thể chúng ta sẽ chứng kiến giá chứng khoán của chính phủ Hoa Kỳ sụt giảm và lợi suất của các công cụ ngắn hạn (kỳ phiếu và tín phiếu) tăng lên mức chưa từng thấy trong nhiều năm.”
Về căn bản, đó là những gì đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng mức trần nợ năm 2011. Các thị trường tài chính đã phản ứng rất kém trước khả năng này — huống chi là thực tế — về việc không thực hiện được các nghĩa vụ tài chính Hoa Kỳ. Giá công khố phiếu tăng, lãi suất tăng, và Standard & Poor’s hạ bậc tín nhiệm của Hoa Kỳ.
Trong khi các thị trường vẫn ổn định, thì ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp đang kêu gọi một giải pháp lưỡng đảng ngay lập tức cho vấn đề nợ này.
Phòng Thương mại Hoa Kỳ, nhóm vận động hành lang lớn nhất của quốc gia, cho biết trong một tuyên bố hôm 26/04: “Chính phủ nên chần chừ gặp gỡ các nhà lãnh đạo của Quốc hội để tìm ra một con đường phía trước nhằm nâng mức trần nợ và giải quyết các khoản thâm hụt đang gia tăng.”
Ông Joshua Bolten, Giám đốc điều hành của Business Roundtable, cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự.
Ông Bolten viết: “Cuộc bỏ phiếu hôm nay tại Hạ viện là một bước quan trọng để ngăn chặn một cuộc vỡ nợ và bảo toàn được niềm tin cũng như uy tín của Hoa Kỳ. Hội nghị Bàn tròn Kinh doanh hy vọng hành động này sẽ khởi động các cuộc đàm phán lưỡng đảng về việc nâng mức trần nợ càng sớm càng tốt.”
Theo dự báo từ Bộ Ngân khố và Văn phòng Ngân sách Quốc hội, Bộ Ngân khố sẽ lại đạt mức trần nợ vào khoảng từ đầu tháng Sáu đến cuối mùa hè này.
Chiến thắng của ông McCarthy
Cho đến nay, tổng thống đã đối mặt với một Chủ tịch tỏ ra là một đối thủ chính trị yếu ớt.
Cuộc bầu cử ông McCarthy vào vị trí chủ tịch hạ viện hồi đầu tháng Một cần 15 phiếu bầu và một số nhượng bộ đối với những người theo đường lối cứng rắn trong nhóm các thành viên Đảng Cộng Hòa. Những nhượng bố đó đã bao gồm việc bổ nhiệm thêm các thành viên của Nhóm Tự do Hạ viện (House Freedom Caucus), nhóm có tư tưởng bảo tồn truyền thống nhất trong số các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện, vào các ủy ban Quy tắc và Phân bổ ngân sách đầy quyền lực.
Ông McCarthy cũng đồng ý thay đổi quy tắc cho phép một thành viên Hạ viện được kêu gọi một cuộc bỏ phiếu để loại bỏ chủ tịch hạ viện.
Bất chấp những trở ngại đó, ông McCarthy đã tạo ra được đôi ba thành tựu lập pháp. Đó là việc lật ngược một bản sửa đổi gây tranh cãi đối với bộ luật hình sự của Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp do đại dịch COVID-19. Mặc dù đã đe dọa phủ quyết các lệnh này, ông Biden đã ký cả hai thành luật.
Ông McCarthy nói sau khi Đạo luật Giới hạn, Tiết kiệm, Phát triển được thông qua: “Có lẽ cuối cùng ông cũng sẽ ký vào dự luật này.”
Với chiến thắng lập pháp của ông McCarthy, tổng thống dường như đang đối phó với một đối thủ chính trị mạnh hơn so với cách đây vài tuần.
Tuy nhiên, bốn thành viên Đảng Cộng Hòa đã bỏ phiếu chống lại Đạo luật Giới hạn, Tiết kiệm, Tăng trưởng này, vì vậy không rõ liệu Đảng Cộng Hòa có thể đạt được một sự thỏa hiệp hay không.
Kiên nhẫn của công chúng
Cả hai bên trong cuộc tranh luận này đã cố gắng chuyển trách nhiệm hành động cho bên kia. Trước khi dự luật của Đảng Cộng Hòa được thông qua, điệp khúc của ông Biden là “Hãy cho tôi xem kế hoạch của ông.”
Giờ đây, sau khi thông qua việc tăng mức trần nợ, ông McCarthy lặp lại câu thần chú, “Chúng tôi đã hoàn thành công việc của mình.”
Đôi cuộc thăm dò mới đây cho thấy rằng người Mỹ ít quan tâm đến những chiến thắng khoa trương hơn là những giải pháp thực tế.
Một cuộc thăm dò của CBS News cho thấy 70% công chúng Mỹ ủng hộ việc tăng mức trần nợ nếu không thì nước này không thực hiện được các nghĩa vụ của mình.
Đồng thời, một cuộc thăm dò của PBS NewsHour/NPR/Marist báo cáo rằng một tỷ lệ ngang nhau trong số những người dân mong muốn các quan chức liên bang thỏa hiệp và tìm ra giải pháp.
Công chúng sẽ còn kiên nhẫn được bao lâu trong khi cả hai bên đều cáo buộc rằng bên kia đã tạo ra vấn đề là một câu hỏi mà cả ông Biden và ông McCarthy đều sẽ phải trả lời.
Trong lịch sử, cả hai bên đều phải chịu phần lớn trách nhiệm đối với các cuộc khủng hoảng nợ. Sau các cuộc đàm phán về nợ năm 2011, tỷ lệ tín nhiệm dành cho Đảng Cộng Hòa đã giảm từ 41% xuống 33% chỉ trong một tháng.
Tỷ lệ tín nhiệm dành cho Tổng thống Barack Obama giảm xuống 40%, mức thấp nhất trong nhiệm kỳ của ông.
“Tôi rất vui được gặp ông McCarthy, nhưng không phải về việc giới hạn nợ có được gia hạn hay không,” ông Biden nói với các phóng viên hôm 26/04. “Việc gia hạn nợ là không thể thương lượng.”
Cùng ngày, ông McCarthy cũng cho biết: “Không có mức trần nợ rõ ràng nào sẽ được Hạ viện thông qua. Chúng ta không thể làm thế với con cháu mình. Chúng ta đang mắc nợ 31 ngàn tỷ USD.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times