Ông McCarthy: Cuộc họp về hạn mức nợ với Tổng thống Biden không mang lại ‘bước tiến mới nào’
Trước cuộc đàm phán về mức trần nợ hôm 09/05 với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) và các nhà lãnh đạo quốc hội khác, Tổng thống (TT) Joe Biden đã nói đùa rằng: “Chúng tôi sắp sửa giải quyết tất cả các vấn đề của thế giới.”
Nhưng khi cuộc họp kết thúc, thế giới vẫn còn nhiều vấn đề, và theo ông McCarthy, nợ quốc gia vẫn nổi cộm trong số đó.
“Mọi người trong cuộc họp này đã nhắc lại lập trường của mình,” Chủ tịch Hạ viện nói với các phóng viên bên ngoài Tòa Bạch Ốc. “Tôi không thấy có bước tiến mới nào.”
“Tổng thống nói rằng các nhân viên nên gắn kết với nhau. Nhưng tôi đã nói rất rõ ràng với tổng thống rằng hiện giờ chúng ta chỉ còn hai tuần [trước khi một vụ vỡ nợ có thể xảy ra].”
‘Không thể thương lượng’
Hiện tại, mức giới hạn cho vay liên bang của Hoa Kỳ là 31.4 ngàn tỷ USD. Và mặc dù quốc gia này chưa bao giờ vỡ nợ trước đây, những theo Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen và các chuyên gia kinh tế khác, điều này có thể thay đổi ngay từ đầu tháng Sáu nếu hạn mức nợ này không được nâng lên.
Trước cuộc họp hôm thứ Ba (09/05), ông McCarthy nói rằng đã đến lúc các thành viên Đảng Dân Chủ ngồi vào bàn đàm phán về việc cắt giảm chi tiêu.
“Chín mươi bảy ngày trước, tôi đã gặp Tổng thống Biden để thảo luận về cách ông ấy có thể tránh vỡ nợ quốc gia của chúng ta,” ông McCarthy viết trong một tweet. “Trong 97 ngày qua, ông ấy đã phớt lờ cuộc khủng hoảng này.”
Ông nói thêm: “Các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện là những người duy nhất ở Hoa Thịnh Đốn đã thông qua một hạn mức nợ có trách nhiệm để tránh vỡ nợ.”
“Hôm nay là một cơ hội mới để các thành viên Đảng Dân Chủ tìm thấy tiếng nói chung và hành động có trách nhiệm vì các thế hệ tương lai.”
Sau hội nghị nói trên, ông McCarthy cho biết tổng thống đã thừa nhận rằng có một số lĩnh vực mà ông sẽ xem xét cắt giảm ngân sách, nhưng không đưa ra bất kỳ chi tiết cụ thể nào.
Sau khi lưu ý rằng ông “hy vọng” hai bên có thể tìm thấy những điểm chung đó, vị Chủ tịch Hạ viện này nói thêm: “Tôi nghĩ điều tốt nhất chúng ta có thể làm là tìm những chỗ mà chúng ta có thể loại bỏ lãng phí, tìm những chỗ có thể phát triển nền kinh tế này, và đó chính xác là những gì dự luật này của Hạ viện thực hiện.”
Hồi tháng Tư, các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã thông qua “Đạo luật Giới hạn, Tiết kiệm, Tăng trưởng”, vốn sẽ hạn chế chi tiêu liên bang cho năm tài khóa 2024 ở mức của năm 2022 để giúp bù đắp cho việc tăng mức trần nợ thêm 1.5 ngàn tỷ USD, hay đến hết tháng Ba năm 2024.
Nhưng trong một cuộc họp báo vào đầu ngày hôm đó, Tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre có vẻ không xem trọng kế hoạch đó, cáo buộc Đảng Cộng Hòa “tạo ra một cuộc khủng hoảng” và không thực hiện được nhiệm vụ của mình.
Cô nói: “Nếu các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện làm theo cách của mình, thì điều này có thể … gây ra một cuộc suy thoái, và chúng tôi đã nói đi nói lại về những gì có thể xảy ra nếu họ tiếp tục lấy nền kinh tế Mỹ làm cái cớ để đe dọa,” cô nói. “Đó sẽ là trọng tâm của chúng tôi, đó sẽ là trọng tâm của tổng thống ngày hôm nay — để làm rõ điều đó với các nhà lãnh đạo rằng họ phải thực hiện nghĩa vụ quốc hội của mình.”
Cô nói thêm, việc vỡ nợ là “không thể thảo luận.”
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện sau đó đã lặp lại quan điểm của Tòa Bạch Ốc, cho rằng Đảng Cộng Hòa đang “lấy việc vỡ nợ làm cái cớ để đe dọa” bằng cách từ chối rút chủ đề này ra khỏi bàn đàm phán, và rằng việc cắt giảm ngân sách nên được thương lượng vào một ngày sau này.
“Sử dụng rủi ro vỡ nợ, với tất cả những nguy hiểm có thể xảy ra với người dân Mỹ, như một cái cớ để đe dọa, và nói rằng, ‘Đó là cách của tôi hoặc sẽ không có cách nào khác,’ … thật là nguy hiểm,” ông Schumer nói. “Vì vậy, chúng tôi lặp lại lời đề nghị với Chủ tịch McCarthy: Hãy loại bỏ chủ đề vỡ nợ ra khỏi bàn đàm phán, và hãy tiếp tục đàm phán về quy trình ngân sách và quy trình phân bổ.”
Cuộc khủng hoảng ‘tự tạo’
Bất chấp những lời khẳng định của Tòa Bạch Ốc rằng tình trạng tiến thoái lưỡng nan về nợ nói trên là do Đảng Cộng Hòa gây ra, bà Maya MacGuineas, Chủ tịch Ủy ban Trách nhiệm về Ngân sách Liên bang cho biết bà lo ngại rằng lập trường chính trị của cả hai bên đối với vấn đề này cho thấy “Hoa Thịnh Đốn đang suy sụp như thế nào”.
“Kỳ thực, mức trần nợ đã được nâng lên trong nhiều thập niên mà không gây lo lắng lớn, mà không đi kèm với ý nghĩ rằng chúng ta sắp vỡ nợ,” Bà MacGuineas nói với NTD News, hãng thông tấn cùng hệ thống với The Epoch Times. “Nhưng điều đó cũng thường gắn liền với các chính sách giúp cải thiện tình hình tài chính. Xét từ nhiều mặt, đây là một trong những thời điểm duy nhất mà việc đó buộc các nhà hoạch định chính sách phải dừng lại, tạm dừng, và xem xét quỹ đạo tài chính và xem liệu nó có an toàn hay không. Và ngay bây giờ, tình hình rõ ràng là không an toàn.”
Bà cho rằng cả Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa dường như tập trung vào các câu chuyện chính trị và bầu cử hơn là điều hành đất nước.
Bà lưu ý: “Chúng ta không nghe thấy nhiều về việc thỏa hiệp.”
Tuy nhiên, bà MacGuineas cũng nhấn mạnh rằng việc cứ để quốc gia vỡ nợ, như một số thành viên Đảng Cộng Hòa đã đề xướng, sẽ là vô trách nhiệm.
Bà nói: “Chúng ta phải nâng mức trần nợ. Điều này chỉ đơn thuần phản ánh những cam kết mà chúng ta đã thực hiện trong quá khứ.”
“Và nếu điều quý vị muốn làm là thực sự chịu trách nhiệm về tài chính—điều mà tôi khuyến khích các nhà lập pháp của chúng ta làm—thì điều họ nên làm là hứa sẽ không thông qua thêm bất kỳ luật nào bao gồm việc vay thêm. Trừ phi đó là trường hợp khẩn cấp, còn không có lý do gì mà đất nước phải vay thêm. Chúng ta nên cố gắng kiểm soát khoản vay vốn đã có trên sổ sách.”
Không có giải pháp nhanh chóng
Một vấn đề mà cả hai phe đã có thể đồng ý hôm thứ Ba (09/05) là việc tăng hạn mức nợ ngắn hạn để kéo dài thời gian đàm phán không nằm trong chủ đề thảo luận.
“Không, chúng ta không nên trì hoãn,” ông McCarthy nói với các phóng viên tại Capitol Hill trước cuộc họp. “Chúng ta hãy hoàn thành việc này ngay bây giờ.”
Tương tự như vậy, khi được hỏi về những bình luận của ông McCarthy, bà Jean-Pierre nói: “Việc gia hạn ngắn hạn không phải là kế hoạch của chúng tôi. … Điều này có thể dễ dàng giải quyết. Đây là một cuộc khủng hoảng do con người tạo ra mà ông Chủ tịch Hạ viện là người dẫn đầu.”
Ông McCarthy lưu ý sau cuộc họp rằng việc đạt được giải pháp đó có thể khó khăn nếu các thành viên Đảng Dân Chủ không sẵn sàng thỏa hiệp.
“Tôi muốn người dân Mỹ hiểu rằng: Có quá đáng không khi chúng tôi yêu cầu rằng chúng ta chỉ đơn giản là chi tiêu như mức chúng ta đã chi tiêu 5 tháng trước? Có quá đáng không khi nói lên rằng chúng tôi phát hiện thấy sự lãng phí trong chính phủ? … Nếu điều đó là quá đáng đối với Đảng Dân Chủ, hãy cho tôi biết họ nghĩ như thế nào mới là đúng.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times