Truyền kỳ về tướng Washington (P.6): Pháo đài Washington
Xem thêm Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4, Phần 5.
Vào thời điểm đó, một người lính Hessian đã bắn nhiều phát súng vào Tướng Washington. Tuy nhiên, giống như khi Tướng Washington tham gia Chiến tranh Pháp-Ấn vào những năm 1750, ông từng bị bốn viên đạn xuyên qua áo khoác nhưng vẫn bình an vô sự. Trong suốt cuộc đời mình, vị tướng này có khả năng “miễn nhiễm” với đạn trên chiến trường, đây là điều mà hơn hai trăm năm nay các sử gia đều phải công nhận.
Khi con tàu cuối cùng của Tướng Washington rời Brooklyn Heights (xem Truyền kỳ về tướng Washington (P.1): Sương mù trắng trên sông Đông), tiếng súng của quân Anh đã vang lên sau lưng ông. Sương mù tan đi, trên mặt sông không còn sót lại thứ gì, chỉ trong một đêm, tất cả quân nổi dậy đã vượt sông trước mắt quân Anh. Tướng Howe hoàn toàn bối rối, họ rốt cuộc đã làm như thế nào?
Đến tháng 9/1776, quân Anh và quân Lục địa đối đầu ở hai bờ sông Đông. New York nằm trên bờ Đại Tây Dương nên trở nên lạnh hơn vào cuối hè và đầu thu, đôi khi còn có một trận mưa xối xả bất ngờ từ trên trời giáng xuống. Những người lính vượt sông cứ ướt đẫm như thế mà tản ra trên đường phố Manhattan trong nhiều ngày, quần áo của họ đều bị ướt, lều ướt, một số thậm chí còn không có lều. Dưới con mắt của những người dân New York, những người lính Lục địa này trông thật mệt mỏi và gầy gò, họ ngồi như những người tỵ nạn trên đường phố chờ nắng phơi khô.
Còn tướng Washington thì không nghỉ ngơi một phút nào, ông cưỡi ngựa đi thị sát khắp nơi, vì sợ rằng những dân binh chưa qua huấn luyện kỷ luật quân đội chính quy sẽ liều lĩnh cướp bóc nhà dân. Khi ông cùng đoàn tùy tùng chạy ngang qua sông Đông, ông đã hoàn toàn lộ diện trước tầm ngắm của quân địch. Tướng Washington cao gần 1.9 mét, con ngựa trắng cao lớn của ông cũng rất bắt mắt trong đám đông. Theo các tư liệu lịch sử ghi chép, một số binh sĩ thuộc binh đoàn lính đánh thuê Hessian của Đức nhớ lại rằng, lúc đó có một người lính Hessian đã bắn nhiều phát súng vào Tướng Washington. Tuy nhiên, cũng giống như khi tham gia Chiến tranh Pháp-Ấn vào những năm 1750, Tướng Washington bị bốn viên đạn bắn xuyên qua áo khoác mà vẫn bình an vô sự. Vị tướng này có năng lực “miễn nhiễm” với đạn trên chiến trường trong suốt cuộc đời của mình, đây là điều mà hơn hai trăm năm nay các sử gia đều phải công nhận. Khi người lính Hessian đó muốn nhắm vào Tướng Washington một lần nữa, thì ông đã đi khuất tầm nhìn của anh ta.
New York, một thành phố thịnh vượng, sôi động nhưng lại khó diễn tả bằng lời, rất khác với những con người đấu tranh tự do đầy nhiệt huyết và dũng cảm ở Boston. Người dân Manhattan là những người yêutiền nhất thế giới, họ không mấy nhiệt tình với cuộc cách mạng giành độc lập, nhưng lại có rất nhiều người theo phái Bảo Hoàng và cung cấp thông tin tình báo cho quân đội Anh. Tại thành phố này, Lục quân Lục địa phải đối mặt với những trận chiến bi thảm và liên tiếp thất bại. Một trong những người anh trai của Benjamin Tallmadge mà chúng tôi đề cập trong bài viết trước đã không may bị bắt trong trận chiến giữa Lục quân Lục địa và Quân đội Anh vào tháng 9/1776, và bị tra tấn đến chết trong Nhà tù Quân đội Anh ở New Jersey, khi đó anh mới 24 tuổi.
Có lẽ mọi người chúng ta đều quen thuộc với câu nói nổi tiếng, “Tôi tiếc rằng tôi chỉ có một cuộc đời để cống hiến cho đất nước của mình”. Câu nói này đến từ Đại úy người Mỹ trẻ tuổi Nathan Hale, người đã để lại di ngôn này cho thế giới khi sắp bị treo cổ. Hale là bạn cùng lớp của Tallmadge tại Đại học Yale, hai người họ có ý chí tương đồng, khi tiếng súng của Chiến tranh Cách mạng vang lên, hai người bạn tốt này đã đến gặp Tướng Washington để nhập ngũ và tham chiến. Hale được lệnh thu thập thông tin tình báo của Anh ở New York, vì thiếu kinh nghiệm, anh đã bị quân du kích trung thành với quân đội Anh bắt giữ. Hale bị buộc tội là nhân viên tình báo do Lục quân Lục địa phái đến, và ngay lập tức bị treo cổ.
Cuộc đổ bộ tại Vịnh Kip
Vào ngày 15/9/1776, quân đội Anh đã đổ bộ vào cảng nước sâu của Vịnh Kip gần đường phố 33 ở Manhattan. Các quân hạm hùng mạnh của Hải quân Hoàng gia Anh dàn hàng ngang trên sông Đông, tập trung hỏa lực, đồng loạt nã pháo vào bờ. Trong tiếng pháo rền vang ngập tràn khói lửa, Lục quân Lục địa vốn không có lực chống cự đã bị pháo bắn tan tác. Những người lính còn có thể mở mắt trong làn khói, động tay động chân nhận ra mình còn sống thì quay đầu bỏ chạy, tất cả đều bỏ chạy. Đội quân hoàn toàn thất thủ, ngay cả viện binh đến cũng không thể nào đứng vững, cũng bỏ chạy lấy mạng cùng đám bại quân đang chạy tán loạn.
Tướng Washington từ trụ sở lâm thời Hamlin lao ra chiến trường, chứng kiến cảnh tượng bại trận hỗn loạn của binh sĩ. Ông lập tức rút kiếm, chỉ vào những người lính và hô lên “bình tĩnh”, cố gắng ngăn chặn sự tán loạn của nhóm dân quân đang sợ hãi trước trận pháo kích. Nhưng dường như là không có tác dụng, những chiến binh bại trận vẫn vung chân bỏ chạy tán loạn, đằng sau là thi thể của đồng đội với tứ chi đã tan nát vì trận địa pháo.
Tướng Washington cầm kiếm một mình cưỡi ngựa xông thẳng về phía trận địa của quân địch, các phụ tá của ông thấy vậy liền xông tới bất chấp mưa bom bão đạn, liều mạng tóm lấy dây cương, ngăn cản không cho vị tướng này chiến đấu một mình. Cứ như thế, Tướng Washington bị kéo trở lại, được vây quanh bởi các phụ tá của ông và hòa vào đám đông đang tháo chạy. Trên đường đi, tướng Washington tức giận đến mức túm lấy chiếc mũ quân đội trên đầu ném xuống đất, phụ tá của ông nhặt lại, một lúc sau lại bị ông ném xuống. Ông thực sự quá phẫn nộ: “Trời ơi, đây là quân đội của ta, binh sĩ của ta sao?” – ông đau lòng tự hỏi.
Sau Cuộc đổ bộ tại Vịnh Kip, quân đội Anh đã đổ bộ vào Manhattan. Sau Trận Halim vào ngày hôm sau và Trận White Plains vào tháng 10, Pháo đài Washington đã trở thành chiến trường cuối cùng ở Thành phố New York. Kể từ đó, Lục quân Lục địa mất New York, và quân Anh cố thủ ở đây cho đến khi Chiến tranh Cách mạng kết thúc.
Nước mắt của Washington
Pháo đài Washington nằm ở Washington Heights ngày nay. Vào thời điểm đó, nó là một vách đá cheo leo có nước bao quanh, và một pháo đài được xây dựng trên vách núi. Tại cuộc họp của Lục quân Lục địa, nó thường được coi là tuyến phòng thủ cuối cùng ở New York, dễ phòng thủ và khó tấn công. Lúc đó, Tướng Washington đã nhiều lần báo cáo với Quốc hội rằng Lục quân Lục địa nhất định phải từ bỏ New York, ông biết rằng New York đã không thể giữ được nữa, và Quốc hội cũng chỉ thị rõ ràng rằng hãy từ bỏ New York.
Tuy nhiên Tướng Greene, cấp dưới và người bạn thân của Washington lại không đồng tình với ý kiến này, ông tích cực chủ trương trấn giữ Pháo đài Washington và không nhường căn cứ trọng địa của quốc gia như New York cho quân địch. Đại tá Magaw, người đã từng gây thiệt hại nặng cho quân dịch trong các trận đánh trước, cũng vỗ ngực cam đoan rằng, sẽ giữ được Pháo đài Washington với 3,000 binh sĩ, ít nhất là cho đến tháng Hai năm sau.
Tuy nhiên, đối với quân đội Anh với lực lượng Hải quân Hoàng gia hùng mạnh nhất thế giới, cho dù Pháo đài Washington dựa lưng vào núi hay có nước bao quanh, về mặt chiến thuật thì đó căn bản không phải là một hiểm địa không thể đánh hạ. Vào ngày 15/11/1776, Tướng Howe ra tối hậu thư, thúc giục binh lính của Pháo đài Washington đầu hàng. Sau khi bị từ chối, ông đã phát động cuộc tấn công ngay trong đêm đó, quân hạm Anh nhanh chóng phong tỏa toàn bộ sông Hudson, cắt đứt đường rút lui của Lục quân Lục địa trên núi; đồng thời bố trí đại pháo ở độ cao tương ứng để nhắm vào Pháo đài Washington, bắt đầu một trận công kích điên cuồng bằng hỏa lực.
Lợi dụng lúc thủy triều lên vào buổi chiều ngày hôm sau, binh lính Hessian đã từ chân núi leo lên, nhưng gặp phải sự kháng cự của Lục quân Lục địa, bởi vậy nhiều lần công kích mà không thành. Mãi đến khi cả bốn phía của Pháo đài Washington đều bị bao vây và thất thủ, Đại tá Magaw và các binh sĩ của ông mới hạ vũ khí và đầu hàng. Còn những người lính Hessian bị hỏa lực cản đường với thương vong nặng nề, họ tràn lên với đôi mắt đỏ như máu, giơ lưỡi lê lên và đâm vào những binh sĩ Lục địa đã đầu hàng. Trên vách núi hiu quạnh, chỉ sau một buổi chiều tà, xác chết nằm ngổn ngang khắp nơi. 2,800 người còn lại bị tống vào các trại tù binh.
Trại tù binh quân Anh là một nơi chẳng khác gì địa ngục ở trần gian. Có lẽ quân đội Anh sợ rằng nếu thả những thanh niên nhiệt huyết vừa mới chiến đấu hết mình này, sau khi trở về, họ sẽ lại cầm súng lên và tiếp tục chiến đấu. Một trong những nhà tù giam giữ tù binh Mỹ là một con tàu lớn trôi nổi trên vùng biển New Jersey, nơi đây giam giữ một số lượng lớn các tù binh quân Lục địa. Họ bị giam trong hầm kín, không có ánh sáng mặt trời, không khí loãng, thiếu cơm ăn áo mặc, các bệnh truyền nhiễm sớm lây lan, không có thuốc chữa trị, mọi người bất lực nhìn đồng đội chết bên cạnh mình, thi thể bị ném xuống biển. Theo số liệu thống kê nghiêm ngặt, trong Chiến tranh Cách mạng Hoa Kỳ, số binh sĩ bị tra tấn đến chết còn nhiều hơn số binh sĩ tử trận trên chiến trường. Chỉ riêng trong trận Pháo đài Washington, đã có hơn 2,800 binh sĩ bị bắt, trong 14 tháng đã có 2,000 người chết, chỉ có khoảng 800 người sống sót và được thả. Từ đó, chúng ta có thể thấy được sự cai trị tàn bạo của vua Anh ở thuộc địa lúc bấy giờ.
Tại Pháo đài Lee đối diện với Pháo đài Washington, Tướng Washington đứng trên đỉnh đồi và nhìn qua ống kính viễn vọng. Ông đã tận mắt nhìn thấy cảnh tượng bi thảm bị giết và bị bắt của những binh sĩ sau khi đầu hàng. Những người phụ tá có mặt lúc đó đã chứng kiến vị tướng này trầm tư rơi lệ, khóc lóc đau khổ như một đứa trẻ yếu đuối vậy. Và không chỉ có một phụ tá ghi chép lại hình ảnh này về Washington trong nhật ký của mình. Trong hoàn cảnh bị đánh bại và bao vây tứ phía, những giọt nước mắt của Washington khiến họ cảm thấy lo sợ – cuộc cách mạng có lẽ sẽ kết thúc tại đây, và điều chờ đợi mọi người có lẽ là giá treo cổ do Vua Anh trao cho họ.
Tuy nhiên, mấy trăm năm sau nhìn lại, những giọt nước mắt của Washington dành cho những binh sĩ của mình khiến lòng người cảm động và ấm áp.
Tác giả: Tống Vi Vi
Lý Nhạc biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ