Truyền kỳ về tướng Washington (P.5): Thành lập Mỹ quốc theo ý chỉ của Đấng Tạo Hóa
Xem thêm Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4.
Sau khi tranh luận rất lâu, bản văn kiện sao chép đã được đặt trên bàn của Chủ tịch hội nghị, khi từng đại biểu quốc hội bước lên ký tên, không khí nặng nề như đông cứng lại. Vào thời điểm đó, chữ ký này có nghĩa là tất cả những người có tên trong danh sách đều có chung nguy cơ bị vua Anh treo cổ.
Tuyên ngôn Độc lập – văn kiện lập quốc quan trọng nhất của Hoa Kỳ – đã được trình bày trước Quốc hội Lục địa bởi một nhóm gồm năm người. Trên thực tế, Thomas Jefferson đã tự mình viết áng hùng văn nổi tiếng này, còn John Adams và Benjamin Franklin – thành viên của nhóm đệ trình – chỉ chỉnh sửa một số từ trong bản thảo này, và cuối cùng đã xóa những từ ngữ chỉ trích việc buôn bán nô lệ của Anh quốc.
Phần đầu của Tuyên ngôn đề cập đến Đấng Tạo Hóa của trời đất cũng như vạn vật, và mọi sự đấu tranh của con người đều là dựa theo những quyền mà Tạo hóa đã ban cho con người.
“Chúng tôi khẳng định những chân lý này là hiển nhiên, mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được Tạo hoá ban cho một số quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Để đảm bảo cho những quyền này, chính phủ đã được lập ra từ trong nhân dân và có được quyền lực chính đáng là do có sự ưng thuận của nhân dân.”
Tại sao nên thoát khỏi chế độ thống trị để thành lập một nhà nước độc lập? Phần đầu của Tuyên ngôn Độc lập đã giải thích rằng:
“Thật ra, nếu đúng là thận trọng thì đừng vì những lý do đơn giản và nhất thời mà thay đổi những chính phủ đã hình thành từ lâu; và do vậy, kinh nghiệm từ bao đời nay đều cho thấy rằng con người thà chịu đựng khi cái xấu còn ở mức chịu đựng được, còn hơn là tự hoàn thiện bằng cách loại bỏ những hình thức mà mình đã quen thuộc. Nhưng khi hàng loạt hành vi lạm dụng và tước đoạt, khăng khăng đeo đuổi một mục tiêu, đã làm lộ rõ ý đồ khuất phục họ dưới ách chuyên chế tuyệt đối thì họ có quyền, có bổn phận lật đổ một chính quyền như thế và cử những người khác ra giữ yên ổn cho họ trong tương lai.”
“Lịch sử của vua nước Anh hiện nay là lịch sử của những đau thương và tước đoạt triền miên, tất cả đều nhằm mục đích trực tiếp là thiết lập ách chuyên chế bạo ngược ở những bang này.”
Những dòng chữ này chưa bao giờ phai nhạt theo thời gian, ngược lại, ngày càng trở nên nổi bật hơn. Ở khắp nơi trên thế giới, những câu nói này là chuẩn mực tinh thần cho những ai muốn thoát khỏi chế độ chuyên chế và đấu tranh cho nhân quyền, tự do. Tại Hồng Kông vào năm 2019, đã có một thế hệ thanh niên xuống đường bày tỏ sự phản đối chính sách tàn bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đồng thời bảo vệ nền độc lập hiến pháp cũng như các quyền và tự do của người dân Hồng Kông. Tuyên bố của chính phủ lâm thời mà họ thành lập cũng bắt đầu bằng Tuyên ngôn Độc lập của Thomas Jefferson.
Lại nói về năm 1776 tại Philadelphia, lúc đó là mùa hè nóng nực, trong căn phòng như lò nướng, John Adams cầm bài luận này của Jefferson trên tay, cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ và hài lòng. Vốn ban đầu là đề cử Jefferson viết một bài để bày tỏ quan điểm của Quốc hội, nhưng khi viết xong thì thấy bài luận thật xuất sắc, chân thành, thấu tình đạt lý, đặc biệt là có tinh thần cao đẹp, không chỉ là tinh thần lập quốc của Hoa Kỳ mà còn là Tuyên ngôn thuộc về toàn thể nhân loại.
Bản thân Thomas Jefferson sau khi tốt nghiệp Đại học William & Mary đã tham gia một tổ chức giải phóng nô lệ vào năm 1769 với tư cách là thành viên. Kinh nghiệm này khiến ông tự thể nghiệm được rằng, muốn hoàn thành việc xóa bỏ chế độ nô lệ ở các thuộc địa dưới thời vua Anh, là chuyện không thể.
Và trong bản tuyên ngôn của mình, ông cũng không quên giải phóng những người nô lệ da đen – “Anh quốc đã phát động cuộc chiến chống lại nhân loại một cách tàn bạo. Chiếm đoạt cướp bóc đã cướp đi sinh mạng và quyền tự do của một dân tộc xa xôi mà dân chúng ở đó chưa bao giờ xúc phạm đến nước Anh. Cuộc chiến này đã bắt cóc và cưỡng bức những người vô tội này, khiến họ chết một cách thảm thương khi quá cảnh hoặc bị đưa đến phía xa xôi của Trái Đất làm nô lệ. Cuộc chiến cướp biển do thế lực tà ác phát động này là cuộc chiến tiến hành vì giáo hoàng Cơ Đốc giáo ở Vương quốc Anh. Quyết định của ông ta đã mở ra một thị trường – nơi con người có thể bị mua và bán”. Đoạn văn này cáo buộc chính phủ Anh buôn người từ Phi Châu để làm nô lệ tại các thuộc địa là hành vi vô nhân tính và vô đạo đức.
Tuy nhiên, khi Tuyên ngôn được đưa ra Quốc hội, đại diện của các bang miền Nam vừa nhìn thấy liền đứng dậy và chuẩn bị rời đi. “Những người phía Đông các ông, các ông tự bắt đầu một cuộc chiến với chủ quốc của mình, và kéo chúng tôi – những người đang sống thoải mái trong các đồn điền phía Nam – đồng hành với các ông trên con thuyền tặc, thúc giục chúng tôi cùng nhau thực hiện một cuộc Cách mạng độc lập. Đồng thời, các ông còn âm mưu phá hoại miếng cơm của chúng tôi? Các đồn điền ở miền Nam sẽ hoạt động như thế nào nếu không có nô lệ da đen? Nô lệ từ Phi Châu hoang dã không có tôn giáo và văn minh, nếu không ai quản lý, họ sẽ nằm phơi nắng từ sáng đến tối, các ông mong họ chăm chỉ và văn minh như người da trắng, biết quản lý tộc người của mình sao? Ban đầu, các thổ dân ở Mỹ Châu, những người cắm lông vũ trên đầu, sống chết cũng không chịu đồng hóa với chúng ta, cho họ hạt giống lúa mì họ sống chết vẫn trồng ngô. Nhóm người da đỏ đó ẩn náu trong rừng, bắn những mũi tên lạnh lùng vào người da trắng, và chém đứt đầu người da trắng khi tóm được – điều này đủ khiến người da trắng chúng ta phải đau đầu rồi. Các ông vẫn định giải phóng cho nô lệ da đen sao? Nếu có một cuộc chiến tranh thực sự, những người nô lệ da đen có súng trong tay có thật sự sẽ không bắn vào chúng ta? Thomas Jefferson và những người trong nhóm viết bài này một cách hùng hồn, nghĩ rằng chúng ta chưa có đủ kẻ thù và chưa đủ rắc rối hay sao? Các ông thật là cao thượng, các ông muốn chống lại Vua Anh và giải phóng nô lệ da đen, các ông thì bận rộn, còn chúng tôi về nhà trồng trọt, thế được không?”
Benjamin Franklin xét thấy đoạn văn nói về việc buôn bán nô lệ da đen này đã khiến hội đồng kích động, nếu đại biểu của một số bang miền Nam rời đi thì Quốc hội sẽ không thể tiếp tục. Ưu tiên trước mắt là cuộc cách mạng giành độc lập và lập quốc. Vậy nên, ông nói rằng việc cấm buôn bán nô lệ thì để bước tiếp sau chúng ta sẽ nói, chỉ cần đuổi người Anh đi là đủ để chúng ta làm điều này trong suốt quãng đời còn lại của mình, những việc này sẽ lưu lại cho thế hệ sau. Adams đành miễn cưỡng tổng kết như thế.
Sau khi Tuyên ngôn Độc lập được thông qua tại Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội John Hancock là người đầu tiên ký tên. Trong khoảng trống bên dưới tờ giấy, ở chính giữa, ông đã ký tên của mình, vì vậy mà chữ ký này trở thành một câu nói phổ biến của người dân Mỹ: “Please help us out and put your John Hancock on our petition”, có nghĩa là “Bạn hãy vui lòng ký tên lên bản kiến nghị này”.
Sau khi tranh luận rất lâu, bản văn kiện sao chép đã được đặt trên bàn của người chủ trì hội nghị. Khi từng đại biểu quốc hội bước lên ký tên, không khí nặng nề như đông cứng lại. Vào thời điểm đó, chữ ký này có nghĩa là tất cả những người có tên trong danh sách đều có chung nguy cơ bị vua Anh treo cổ. Một vị đại biểu nói đùa rằng, “Nếu Tướng Washington và quân đội của ông ấy bị đánh bại, chúng ta sẽ bị treo cổ riêng hoặc bị treo cổ cùng nhau.” Có người còn nhân cơ hội này đã nói đùa một vị đại biểu có thân hình mập mạp rằng, “Haha, đến lúc lên giá treo cổ, những người gầy chúng tôi đạp chân một lúc là tắt thở chết rồi. Còn ngài béo à, ngài không gặp may rồi, ngài chắc phải đạp chân rất lâu mới tắt thở.”
Từ Jefferson đến Lincoln
Bản Tuyên ngôn Độc lập này đã đặc biệt được sao chép và gửi cho quân đội ở Washington. Tướng Washington vui mừng đến mức tập hợp tất cả binh lính của mình lại và đọc to bản tuyên ngôn này. “Từ bây giờ, chúng ta sẽ chiến đấu cho Hợp chúng quốc Hoa Kỳ! Hãy cầu nguyện cho đất nước của chúng ta trước bữa ăn!”. Vào đêm của ngày đọc bản Tuyên ngôn, cả thành phố Boston đều vui mừng khôn xiết. Những công dân và binh lính vừa trở thành người Mỹ độc lập đã cùng nhau kéo tượng George III ở trung tâm thành phố xuống rồi đem đến kho vũ khí, nấu chảy thành hàng nghìn viên đạn và gửi cho quân đội.
Chiếc chuông Tự do ở Philadelphia ngân vang khắp bầu trời, người dân toàn thành phố được lắng nghe các đại biểu đọc áng hùng văn này, và hân hoan đi diễu hành. Kể từ đó, ngày 4 tháng 7 hàng năm đã trở thành ngày Quốc khánh của Hoa Kỳ. Như Adams đã dự đoán trong bức thư gửi người vợ Abigail của mình rằng: Từ nay về sau, mọi người ở các thế hệ sẽ kỷ niệm ngày này, xuyên suốt lục địa Mỹ Châu, người ta sẽ kỷ niệm ngày trọng đại này bằng các cuộc diễn hành, biểu diễn, đốt lửa, bắn pháo hoa, đại bác, súng….
Lại nói về việc đoạn văn bị xóa khỏi Tuyên ngôn Độc lập, đã khiến những người nô lệ da đen bị giữ lại ở lục địa Mỹ Châu trong rất nhiều năm. Sau khi thành lập Mỹ quốc, Jefferson đã từng nghiêm túc đề nghị tại Quốc hội rằng nên dần dần trả nô lệ da đen về quê hương Phi Châu của họ, nhưng vẫn không được đa số tán thành. Chế độ nô lệ vẫn diễn ra, và những nô lệ da đen không có nhân quyền, không có khả năng bảo vệ bất kỳ thứ gì mà họ yêu quý: tài sản, gia đình, ý chí cá nhân. Những trẻ em trong vòng tay mẹ sẽ bị đem ra chợ bán khi các cháu được 6-7 tuổi, từ đó mẹ con ly biệt và không thể gặp lại nhau.
Sự phản đối của những người có lương tri đối với chế độ nô lệ ngày càng tăng, và cuối cùng, vào những năm 1860-1865, sau cuộc Nội chiến thiệt hại hàng trăm nghìn sinh mạng mà hầu hết là binh lính da trắng, Tổng thống Lincoln cuối cùng đã đưa việc bãi bỏ chế độ nô lệ trở thành một Đạo luật sắt trong Hiến pháp Hoa Kỳ. Trong bài diễn văn Gettysburg nổi tiếng của mình, Tổng thống Lincoln đã mở đầu bằng câu nói: “Tám mươi bảy năm trước, ông cha ta đã tạo dựng trên lục địa này một quốc gia mới, được thai nghén trong Tự do, được cung hiến cho niềm xác tín rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng”.
Tác giả: Tống Vi Vi
Lý Nhạc biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ