Trung Quốc: Thay đổi lãnh đạo trong Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ cho thấy sự tập trung nhắm vào Đài Loan ngày càng tăng
Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ, vốn là một đơn vị rất quan trọng về mặt chiến lược của Trung Quốc, gần đây đã chứng kiến một loạt thay đổi lãnh đạo đáng chú ý. Khu vực này là một điểm khai triển tiềm năng cho các hành động chống lại Đài Loan. Các báo cáo từ các nguồn tin của Nhật Bản, được chứng thực bằng hình ảnh trên không và các ý kiến chuyên gia, cho thấy Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) đã tăng cường công tác chuẩn bị liên quan đến quốc đảo này trong năm qua.
Hôm 03/08, Đài truyền hình Nam Kinh của Trung Quốc đã đưa tin nổi bật về chuyến công du của các quan chức từ Nam Kinh, nơi đặt trụ sở của Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ, đến một số cơ sở quân sự quan trọng. Chuyến thăm có sự tham gia của các quan chức quân đội cao cấp và chính quyền địa phương, chẳng hạn như Tư lệnh Chiến khu Đông bộ Lâm Hướng Dương (Lin Xiangyang), và Đô đốc Lưu Thanh Tùng (Liu Qingsong), chính ủy của Quân khu, cùng những người khác.
Những thay đổi nổi bật trong quân chủng này cho thấy Bắc Kinh gia tăng tầm quan trọng chiến lược đối với Đài Loan, được nhận thấy qua sự gia tăng nhanh chóng của các nhân vật chủ chốt có liên hệ chặt chẽ với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong số đó đặc biệt là việc bổ nhiệm Trung tướng Ngô Tuấn Bảo (Wu Junbao) làm Tư lệnh lực lượng không quân của Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ. Vai trò trước đây của ông là phó Tư lệnh. Sự nghiệp nổi bật của ông bao gồm vai trò là sĩ quan tham mưu cho một lữ đoàn hàng không trong lực lượng không quân của quân khu Nam Kinh trước đây và là chỉ huy của căn cứ không quân Thượng Hải. Năm 2014, thành tích của ông được ghi nhận với việc thăng quân hàm thiếu tướng.
Tương tự, Đô đốc Lưu, trước đây là Chính ủy Bộ Tư lệnh Chiến khu Bắc bộ, đã nhận nhiệm vụ mới quan trọng là Chính ủy Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ hồi tháng 06/2023.
Hoạn đồ của ông được đánh dấu bằng những vai trò quan trọng, trong đó có nhiệm kỳ Phó Chính ủy kiêm Chính ủy Hải quân Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ. Gần đây nhất là hồi tháng 01/2022, khi đang là Chính ủy Bộ Tư lệnh Chiến khu Bắc bộ, ông được thăng quân hàm đô đốc. Biến chuyển mới nhất này của ông nhấn mạnh sự cải tổ chiến lược ở cấp bậc cao trong cấu trúc quân sự của ĐCSTQ.
Tướng Lâm, một thân tín đáng tin cậy của ông Tập, đã thăng tiến vượt bậc trong hệ thống cấp bậc quân sự của ĐCSTQ. Năm 2020, khi mới 56 tuổi, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh quân khu của Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ và được thăng quân hàm trung tướng cùng năm đó. Năm sau, ông chuyển sang lãnh đạo Bộ chỉ huy Quân khu Trung ương, đồng thời được thăng cấp tướng.
Tuy nhiên, năm ngoái (2022), Tướng Lâm đã được gọi trở lại Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ, tái xuất hiện với tư cách là Tư lệnh quân khu.
Trong một sự thay đổi đáng chú ý khác, Trung tướng Khổng Quân (Kong Jun), Tư lệnh đầu tiên của Lực lượng Thủy quân lục chiến PLA, được bổ nhiệm làm Tư lệnh lực lượng mặt đất của Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ cuối năm 2021.
Những biến chuyển này nhấn mạnh tầm quan trọng mà ĐCSTQ đặt ra đối với biên giới phía đông, thể hiện qua việc Tướng Hà Vệ Đông (He Weidong) được thăng chức từ Tư lệnh Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ lên làm phó chủ tịch Quân ủy Trung ương ĐCSTQ hồi năm 2022.
Địa chính trị đặc biệt của Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ
ĐCSTQ điều hành năm bộ chỉ huy quân khu lớn, với Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ có trụ sở chính tại Nam Kinh, tỉnh Giang Tô. Bộ Tư lệnh này giám sát các lực lượng vũ trang ở một số tỉnh, thành phố, và có quyền tài phán đối với các vùng biển quan trọng như Biển Hoa Đông và Eo biển Đài Loan.
Do tầm quan trọng địa chính trị của quân chủng này, nhà bình luận quân sự Hạ Lạc Sơn (Xia Loushan) nói với The Epoch Times hôm 05/08 rằng Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ sẽ đi đầu nếu căng thẳng leo thang ở Eo biển Đài Loan. Nếu xung đột xảy ra, bộ chỉ huy này sẽ không chỉ đóng vai trò là điểm khai triển chính cho một cuộc tấn công vào Đài Loan mà còn có khả năng dẫn đầu cuộc tấn công, được quân đội từ các bộ tư lệnh chiến khu khác chi viện.
Một nguồn tin trong quân đội Trung Quốc tiết lộ thêm về những thay đổi trong Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ với phóng viên The Epoch Times. Nguồn tin tiết lộ rằng Lực lượng Chi viện Chiến lược của ĐCSTQ, chuyên chi viện cho các hoạt động chiến trường trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả hàng không vũ trụ và không gian mạng, hiện đang hoạt động với tốc độ tăng cường, có lẽ là để chuẩn bị cho chiến tranh.
Những thay đổi nhân sự và hoạt động tăng cường càng nhấn mạnh thêm các động lực đang tiến triển trong khu vực và cho thấy các tính toán chiến lược của Bắc Kinh xung quanh Đài Loan.
Truyền thông Nhật Bản cảnh báo về các hoạt động của PLA gần Đài Loan
Hôm 01/08, hãng thông tấn Nikkei Asia đã đưa ra cảnh báo về tính chất đang thay đổi trong các hoạt động của PLA xung quanh Đài Loan. Viện dẫn chuyến công du Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi hồi năm ngoái như một tác nhân kích hoạt, bản tin của Nikkei nhấn mạnh cách mà PLA đã mở rộng phạm vi hoạt động của mình, đặc biệt là ở phía đông Đài Loan, ám chỉ khả năng chuẩn bị cho chiến lược phong tỏa.
Trong lịch sử, phi cơ quân sự và chiến hạm của PLA hiếm khi mạo hiểm đi về phía đông Đài Loan. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi rõ rệt vào mùa xuân năm 2023.
Hồi tháng Tư, hàng không mẫu hạm nội địa đầu tiên của Trung Quốc, tàu Sơn Đông, đã thực hiện các cuộc tập trận cất cánh và hạ cánh ở Tây Thái Bình Dương. Hoạt động mạo hiểm này của tàu Sơn Đông diễn ra sau các cuộc tập trận tương tự của một hàng không mẫu hạm khác của Trung Quốc, Liêu Ninh, hồi tháng Mười Hai năm ngoái (2022) ở biển Philippine.
Hồi tháng Tư và tháng Năm, phi cơ không người lái tấn công TB001 và phi cơ không người lái trinh sát BZK-005 của PLA được quan sát là đang bay quanh Đài Loan.
Hơn nữa, vào giữa mùa hè, tàu Sơn Đông đã tiến hành một loạt cuộc tập trận “theo yêu cầu định hướng chiến đấu nghiêm ngặt” ở một vùng biển không được tiết lộ, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc Thời báo Hoàn Cầu.
Hôm 30/07, Thời báo Hoàn Cầu đưa tin rằng hàng không mẫu hạm này “có thể sớm bắt đầu chuyến đi biển xa thứ hai bên ngoài ‘chuỗi đảo thứ nhất,’” bao gồm Quần đảo Kuril, Nhật Bản, Quần đảo Ryukyu, Đài Loan, miền bắc Philippines, và Borneo.
Bản tin của Nikkei cho biết số lượng phi cơ PLA được ghi nhận ở phía đông Đài Loan đã tăng lên. Giữa chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi cho đến tháng Hai năm nay (2023), số lần nhìn thấy dao động từ 0 đến 3 ngày mỗi tháng. Tuy nhiên, kể từ tháng Ba, các con số đã tăng lên đáng kể, tổng cộng là 10 ngày hồi tháng Tư, 12 ngày hồi tháng Năm, 6 ngày hồi tháng Sáu, và 12 ngày hồi tháng Bảy.
Các nhà phân tích tin rằng chuỗi các cuộc tập trận quân sự ám chỉ ý định của Bắc Kinh nhằm hình thành một cuộc phong tỏa toàn diện xung quanh Đài Loan.
Ông Quách Dục Nhân (Yujen Kuo), Giám đốc Điều hành của Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia của Đài Bắc, nói với Nikkei rằng: “Vì Trung Quốc đã đạt được mục tiêu mở rộng hàng hải sang Biển Hoa Đông và Biển Đông, nên họ có thể phong tỏa hoàn toàn Đài Loan từ ba hướng khi tiến vào Tây Thái Bình Dương.
Ngoài Đài Loan, sự quyết tâm của ĐCSTQ cũng thể hiện rõ ở các khu vực khác. Các tàu Trung Quốc thường xuyên vi phạm lãnh hải của Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, với vụ xâm nhập chưa từng có kéo dài hơn 80 giờ hồi tháng Tư.
Trong khi đó, kể từ năm 2013, Bắc Kinh đã xây dựng bảy hòn đảo nhân tạo — về cơ bản được xem như những hàng không mẫu hạm không thể chìm — để sử dụng làm căn cứ quân sự ở Biển Đông.
Tuy nhiên, bất chấp sự phô trương sức mạnh bên ngoài, các động lực bên trong cho thấy không phải mọi thứ đều ổn trong nội bộ PLA.
Việc ông Tập liên tục kêu gọi lòng trung thành gợi ý về những căng thẳng nội bộ có thể xảy ra. Tờ báo quân sự của PLA, trong một bài xã luận hôm 03/08, nhấn mạnh lòng trung thành kiên định với ĐCSTQ, nhấn mạnh “sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng.”
Các nghi vấn về lòng trung thành này phát sinh từ những tiến triển gần đây. Lực lượng Hỏa tiễn của PLA đã trải qua một đợt cách chức lãnh đạo tập thể bất thường trong những tháng gần đây. Ngoài ra, có nhiều suy đoán về nơi ở của Tướng Cự Can Sinh (Ju Qiansheng), chỉ huy Lực lượng Chi viện Chiến lược, sau sự vắng mặt dễ nhận thấy của ông trong các sự kiện lớn. Bí ẩn này càng phức tạp hơn do sự biến mất của phó chỉ huy lực lượng, Trung tướng Thượng Hồng (Shang Hong), đã mất tích hồi năm ngoái.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times