Chuyên gia Đài Loan: Văn hóa của ĐCSTQ đang thâm nhập vào giới trẻ Đài Loan
Nhiều thập niên trước, người dân Hoa lục cố gắng thoát khỏi cuộc sống tẻ nhạt dưới chế độ cai trị của Mao Trạch Đông, họ xem ca sĩ Đặng Lệ Quân và đạo diễn Lý An (Li An) người Đài Loan là thần tượng của mình. Tuy nhiên, hiện nay tại Đài Loan lại xuất hiện nhiều hiện tượng như: người lớn tuổi thích xem phim cung đấu của Trung Quốc, thanh niên trẻ đắm chìm trong các loại mạng xã hội của Trung Quốc như “TikTok” và “Tiểu Hồng Thư” (Xiaohongshu). Điều này khiến nhiều chuyên gia cảm thấy lo ngại.
Hôm 13/08, The Guardian đưa tin cho hay nữ ca sĩ người Đài Loan Lâm Y Thần (Ariel Lin) dùng hàng giờ mỗi tuần để sử dụng các trang app của Trung Quốc. Cô chia sẻ những hình ảnh hoạt hình và biểu tượng cảm xúc (meme) phổ biến ở Hoa lục trên trang cá nhân của mình. Cách dùng mạng xã hội của thế hệ trẻ như cô ngày càng chịu ảnh hưởng từ Hoa lục.
Giới chính trị gia và các chuyên gia Đài Loan lo ngại một bộ phận thanh thiếu niên của hòn đảo này sẽ bị những trang app của Bắc Kinh kiểm soát, lôi kéo mua sắm và giải trí. Các chuyên gia cho rằng, giới trẻ Đài Loan không chỉ tiếp nhận các gợi ý về xu hướng thời trang, các hình động hài hước, mà thực chất là họ đang bị văn hóa của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thẩm thấu một cách không hay biết.
Ông Vương Hồng Luân (Wang Honglun), giáo sư Khoa Xã hội học tại Đại học Quốc gia Đài Loan, cảnh báo chiến lược của ĐCSTQ nhắm vào Đài Loan đã hiện rõ ở đây. Đó là xâm nhập “vào hòn đảo, vào từng gia đình, vào hệ tư tưởng, và vào tâm hồn [của người dân].”
Một số người dân Đài Loan đã nhầm lẫn, đánh đồng văn hóa mà ĐCSTQ tuyên truyền với văn hóa truyền thống của Đài Loan. Ông Vương Hồng Luân nói thêm: “Việc (người dân Đài Loan) xem Trung Quốc là cội nguồn của văn hóa Đài Loan sẽ vô tình khiến họ sản sinh sự tôn sùng ĐCSTQ một cách mù quáng, và phụ thuộc vào Đảng này. Đó là ý nghĩ vô cùng nguy hiểm.”
Theo ghi nhận vào năm 2012 tại Đài Loan, tỷ suất chiếu phim truyền hình Trung Quốc tại hòn đảo này vượt qua phim của Nam Hàn. Điều này càng khiến người dân Đài Loan dễ dàng tiếp cận các bộ phim cung đấu sản xuất tại Trung Quốc, vốn là những bộ phim cổ súy bản tính đen tối của con người. Chẳng hạn như phim “Hậu cung Chân Hoàn truyện,” đã lập kỷ lục về số lần phát sóng lại tại Đài Loan.
Ngoài ra, một số ngôn từ mới thịnh hành ở Trung Quốc như “khuê mật” (chị em tốt), “Võng hồng” (người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội), “nhan trị” (người có nhan sắc), “cẩu độc thân” (người độc thân), “trâu X” (chỉ người hay hành động rất năng suất), v.v. cũng đang được lan truyền rộng rãi ở Đài Loan.
Ông Vương Hồng Luân bày tỏ, những nội dung văn hóa của Trung Quốc có thể sẽ xóa bỏ hoặc làm lu mờ bản sắc và văn hóa của Đài Loan. Đội ngũ của ông còn phát hiện, ngoài giờ học, học sinh Đài Loan dùng trung bình 5 giờ mỗi ngày để lướt mạng xã hội.
“Hệ thống giáo dục cần dùng truyền thông để nâng cao chất lượng giảng dạy, nhưng các giáo viên lại không biết cách vận dụng chúng,” ông Vương nói, “Giáo viên dạy [học sinh] cách đọc báo từ góc độ tư duy phân tích và chọn lọc, nhưng học sinh lại không đọc báo.”
Tháng 12/2023, chính phủ Đài Loan đã cấm nhân viên công chức sử dụng trang app “TikTok” và “Tiểu Hồng Thư” trên điện thoại và các thiết bị khác tại nơi làm việc.
Ông Josh Wang, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Đối tác Đài Loan, cho biết ông quan sát thấy giới trẻ Đài Loan đang lan truyền một số chương trình, bài hát, và biểu tượng cảm xúc của Hoa lục ở Đài Loan.
Từ Giản thực hiện
Thanh Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ