Các chuyên gia: Sự biến mất của cựu Ngoại trưởng Trung Quốc làm nổi bật nền chính trị bè phái của ĐCSTQ
Ông Tần Cương ‘được cho là thuộc phe thân Mỹ,’ một phát ngôn viên ủng hộ dân chủ nói
Đã hơn sáu tuần trôi qua kể từ khi cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang) biến mất và hơn hai tuần kể từ khi ông bị cách chức không theo nghi thức giữa những tin đồn về tham nhũng, ngoại tình, và một cuộc điều tra.
Mặc dù ông Tần được thay thế bởi người tiền nhiệm của ông, ông Vương Nghị, nhưng việc ông vẫn bặt vô âm tín đã làm dấy lên tranh luận về tình trạng này sẽ tác động như thế nào đến chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Các chuyên gia nói với The Epoch Times rằng sự biến mất của ông Tần có liên quan đến đấu đá nội bộ giữa các phe phái chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Điều này cũng cho thấy rằng chính sách đối ngoại của Trung Quốc sẽ tiếp tục là thân Nga và chống Hoa Kỳ.
“Khi nói đến chính sách đối ngoại thì trong nội bộ ĐCSTQ có hai phe. Phe thân Hoa Kỳ với phe thân Nga. Ông Tần được cho là thuộc phe thân Hoa Kỳ,” bà Nicole Tsai, một phát ngôn viên của Nhà nước Liên bang Mới của Trung Quốc, một nhóm ủng hộ dân chủ có trụ sở tại New York, nói với The Epoch Times trong một bức thư điện tử.
Các chính sách nhà nước của Trung Quốc phần lớn được giữ bí mật, và các chuyên gia ngày càng hiểu rằng chính trị bè phái góp phần tạo nên nền chính trị quyền lực ở Bắc Kinh và là khởi nguồn của các vấn đề về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia.
Bà Tsai cho biết, “Việc thay thế ông Tần bằng người tiền nhiệm Vương Nghị, vốn được biết đến với ‘quan điểm ngoại giao chiến lang,’ cho thấy [rằng] chính sách đối ngoại của ĐCSTQ sẽ nghiêng về chống Hoa Kỳ và thân Nga.”
Kể từ khi ông Tập Cận Bình trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc vào năm 2012, ông đã phụ trách tất cả các cơ quan ra quyết định liên quan đến chính sách đối ngoại để cải thiện sự phối hợp giữa các nhóm lợi ích khác nhau; trước đó, các cơ quan này đã bị chia rẽ giữa các phe phái, theo một bài báo năm 2016 (pdf) có tiêu đề “Ở Trung Quốc, Các quyết định Chính sách Đối ngoại được Đưa ra Như thế nào?”
Về mặt chức năng, ĐCSTQ là một cơ quan phức tạp với sự đấu đá nội bộ giữa các thành viên, theo các tác giả bài báo, đã viết rằng, “Cuộc tranh giành này có thể dữ dội,” và “các vấn đề đối ngoại không tránh được cuộc đấu đá nội bộ này.”
Bà Hà Thanh Liên (He Qinglian), một chuyên gia kinh tế và là nhà bình luận nổi tiếng về Trung Quốc tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng không ngạc nhiên khi có những cuộc tranh đấu nội bộ trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
“Ở đâu có con người, ở đó có xung đột,” bà Hà nói.
Vị chuyên gia về Trung Quốc này đã đề cập đến một câu nói năm 1966 của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông, trong đó ông nói: “Các vị có thể nói rằng không có bè phái nào trong đảng của chúng ta, nhưng có đấy.”
Bà Hà nói: “Bằng cách cho phép chia đảng thành hai phe, ông Mao đã đóng vai trò là người cân bằng giữa hai phe, giúp ông ấy có khả năng củng cố quyền lực của mình.”
Theo bà Hà, bang giao giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã bắt đầu từ hơn nửa thế kỷ trước, và “ngoại giao nước lớn” của ĐCSTQ thực chất là mối quan hệ của Bắc Kinh với Hoa Thịnh Đốn. Điều này có nghĩa là một phe thân Hoa Kỳ đã được hình thành từ lâu bên trong Bộ Ngoại giao.
Bà nói rằng mặt khác, Trung Quốc một lần nữa tập trung vào ngoại giao với Nga kể từ năm 2009, và các nhà ngoại giao Nga lẽ dĩ nhiên là đang ngày càng được ưa thích trong bộ này.
Bên trong hệ thống quản trị độc đảng, toàn trị của ĐCSTQ, vấn đề phe phái nào phụ trách tại bộ này quyết định nhiều thứ, bao gồm cả số phận của số lượng công chức và nhà ngoại giao ngày càng tăng của Trung Quốc.
“Có thể nói, trong hai phe ở Bộ Ngoại giao, thì phe nào chiếm thế thượng phong sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến hơn,” bà Hà nói.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh tranh giành bè phái này, ông Tập “đã dao động” khi giải quyết các mối quan hệ với Hoa Kỳ và Nga, và khi canh bạc của ông với ông Tần không có kết quả, thì nhà lãnh đạo này đã loại bỏ ông.
Phe thân Hoa Kỳ và phe thân Nga
Bà Hà dẫn sự chú ý đến những gì đã diễn ra giữa phe thân Hoa Kỳ và phe thân Nga bên trong bộ ngoại giao của ĐCSTQ trước khi ông Tần mất tích và bị loại khỏi vị trí người đứng đầu bộ này.
Chuyên gia này cho biết ba ngày sau khi ông Tần bị cách chức, thì hôm 20/07, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh và Truyền hình Nhà nước đương thời Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng) cũng bị cách chức. Theo bà Hà, ông Lạc là một cựu thứ trưởng ngoại giao và từng được coi là ứng cử viên ưa chuộng cho chức ngoại trưởng.
Ông Lạc, 60 tuổi, gia nhập Bộ Ngoại giao năm 1986 và năm 2019 được chuyển đến Nga làm Đại sứ Trung Quốc khi ông là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
“Kinh nghiệm làm việc của ông ấy chủ yếu ở Liên Xô cũ và Đông Âu. Năm 2017, ông Lạc Ngọc Thành được thăng chức [làm] ủy viên dự khuyết của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19,” bà Hà cho biết.
Theo vị chuyên gia Trung Quốc này, ông Lạc đã bị chuyển đi khỏi Nga chỉ 4 tháng sau khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine vào ngày 14/06/2022, vì ông đã không thông báo cho ông Tập về cuộc khai chiến này.
“Xét từ lời nói, hành động, và lợi ích của ông Lạc Ngọc Thành, thì ông ấy [thuộc] phe thân Nga,” bà Hà nói, đồng thời cho biết thêm rằng sau khi chiến tranh Nga-Ukraine bắt đầu, bang giao giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trở nên căng thẳng thêm.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn gia tăng, thì vào ngày 30/12/2022, ông Tần được bổ nhiệm làm ngoại trưởng Trung Quốc. Vào thời điểm đó, ông thay thế bộ trưởng đương thời Vương Nghị. Bà Hà cho biết người ta thường cho rằng bằng cách bổ nhiệm ông Tần, thì ông Tập đang cố gắng cải thiện bang giao Mỹ-Trung.
“Kể từ đó, hành động đáng chú ý nhất của ông Tần Cương là khi Liên Hiệp Quốc tiến hành một ‘cuộc bỏ phiếu chính thức’ về dự thảo nghị quyết A/77/L.65 hồi cuối tháng Tư, trong đó đề cập rõ ràng rằng ‘Liên bang Nga đã xâm lược Ukraine sau khi xâm chiếm Georgia,’”, bà Hà nói.
Trung Quốc là một trong 122 quốc gia bỏ phiếu tán thành, trong khi 5 quốc gia bỏ phiếu phản đối, và 18 quốc gia bỏ phiếu trắng.
“Đây là lần duy nhất Trung Quốc bỏ phiếu ủng hộ nhiều phiếu của Liên Hiệp Quốc lên án Nga sau khi bắt đầu Chiến tranh Nga-Ukraine,” bà Hà nói, và cho biết thêm rằng mặc dù bỏ phiếu như thế, nhưng Trung Quốc đã không nhận lại được những gì họ mong muốn từ phía Hoa Kỳ.
“Vẫn chưa có dấu hiệu bãi bỏ thuế quan,” bà nói, đồng thời cho biết thêm rằng hôm 21/06, Tổng thống Joe Biden thậm chí còn gọi ông Tập là “nhà độc tài,” cho thấy rõ rằng “cành ô liu” mà Trung Quốc đưa cho Hoa Kỳ đã bị từ chối.
Trong khi đó, sự giao thiệp giữa Trung Quốc và Nga tạm thời bị đình trệ từ cuối tháng Tư cho đến khi Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đến thăm Trung Quốc hôm 24/05. Theo bà Hà, mối quan hệ Nga-Trung đã phát triển tốt đẹp kể từ đó.
Vừa qua, hai nước này đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung, và Moscow cũng thông báo rằng Tổng thống Vladimir Putin sẽ thăm Trung Quốc vào tháng Mười tới đây.
Những nhà ngoại giao của ông Tần
Trong khi đó, trong mấy tháng ông Tần làm ngoại trưởng, các nhà ngoại giao thuộc phe thân Hoa Kỳ trong bộ ngoại giao liên tục đưa ra những tuyên bố ủng hộ Ukraine và phản đối Nga, điều này đã gây rắc rối cho ông Tần.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hồi tháng Tư, đại sứ Trung Quốc tại Pháp, Lô Sa Dã (Lu Shaye), đã gây ra sự phẫn nộ ở châu Âu khi nói rằng các quốc gia thuộc Liên Xô cũ không có “thân phận thực sự theo luật pháp quốc tế.” Ông Lô nói điều này khi trả lời một câu hỏi liệu rằng Crimea, được Nga sáp nhập vào năm 2014, có phải là một phần của Ukraine hay không.
Đáp lại, Lithuania, Latvia, và Estonia đã triệu tập các đại diện của Trung Quốc tại nước sở tại để làm rõ quan điểm. Sau đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp đã phải thanh minh và nói rằng những bình luận của ông Lô “không phải là một tuyên bố về chính sách, mà là sự thể hiện của quan điểm cá nhân.”
Ngược lại với điều này, trong một cuộc phỏng vấn với Al Jazeera, ông Phó Thông (Fu Cong), đại sứ Trung Quốc tại Liên minh Âu Châu, cho biết ông ủng hộ Ukraine lấy lại biên giới lãnh thổ năm 1991, có nghĩa là lấy lại các lãnh thổ bị Nga chiếm đóng. Trước đó, ông Phó đã đưa ra những tuyên bố tương tự trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng Tư với The New York Times khi nói rằng Trung Quốc không ủng hộ việc Nga sáp nhập các lãnh thổ Ukraine.
“Chí ít thì kiểu lập trường ngoại giao mâu thuẫn này cho thấy ông Tần Cương, Ngoại trưởng, đã không lãnh đạo được,” bà Hà nói, và cho biết thêm rằng đây là “căn nguyên nhức nhối” của ông.
Trong khi đó, mặc dù ông Lạc không còn là thành viên của Bộ Ngoại giao, nhưng phe thân Nga của ông vẫn tồn tại, và do đó, các chuyên gia tin rằng ông Tập đã loại bỏ ông Tần để nắm quyền kiểm soát tình hình.
Ông Nishakant Ojha, một chuyên gia về Trung Quốc ở New Delhi, đã đề cập đến cách mà các chuyên gia tình báo nhìn nhận những vấn đề như vậy ở Trung Quốc.
Ông Ojha nói, “Một chương cũ dạy về tình báo nói rằng khi hệ thống phân chia quyền lực cân bằng của chính quyền không còn nữa, thì Trung Quốc sẽ buộc phải phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của một người, và có thể có rất nhiều ‘bất ngờ’ mà cuối cùng có thể làm rung chuyển hệ thống đó.”
Tác động đối với chính sách đối ngoại của Trung Quốc
Các chuyên gia cho rằng việc ông Tần bị cách chức sẽ tác động bất lợi đến chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Ông Joel Atkinson, một chuyên gia về các vấn đề Đông Á tại Đại học Nghiên cứu Đối ngoại Hankuk ở Nam Hàn, nói với The Epoch Times rằng thế giới đang theo dõi sát sao Trung Quốc và đang nghiên cứu tính độc đoán trong các thông điệp của Bắc Kinh.
Ông nói: “Ngày càng nhiều người nhận thức rằng việc ra quyết định ở Bắc Kinh là không rõ ràng và không thể đoán được, làm tăng thêm cảm giác rủi ro đang thúc đẩy các nỗ lực giảm thiểu rủi ro trong mối bang giao với Trung Quốc.”
Ông Frank Lehberger, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đức, cho rằng ông Tần có lẽ là quan chức cao cấp duy nhất trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc là một chuyên gia về Hoa Thịnh Đốn và được ông Tập tin tưởng.
Ông Lehberger nói với The Epoch Times trong một bức thư điện tử rằng: “Vì vậy, việc ông ấy bị giáng chức là một tổn thất cho cả chính sách đối ngoại của Trung Quốc và các ý định trong chính sách đối ngoại của ông Tập.”
Theo ông Lehberger, Ngoại trưởng đương nhiệm Vương Nghị là một chuyên gia về Nhật Bản chứ không phải về Hoa Kỳ; như vậy, Trung Quốc sẽ đánh mất những hiểu biết quý giá về Hoa Thịnh Đốn. Ông nói rằng bằng cách tái bổ nhiệm ông Vương làm ngoại trưởng, ông Tập thực sự đã giáng ông Tần xuống một cấp quyền lực thấp hơn và, do đó, điều đó gây phiền toái cho ông Vương. Ông Vương là nhà ngoại giao cao cấp nhất của ĐCSTQ với tư cách là người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại, cơ quan ra quyết định chính sách đối ngoại hàng đầu của chế độ cộng sản này.
Ông nói: “Hoàn toàn không có ai khác trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc hiện giờ có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm như ông Tần Cương đã tích lũy được theo thời gian.”
Theo ông Lehberger, khi ông Vương còn là bộ trưởng ngoại giao, sự thiếu hiểu biết của ông không thành vấn đề, bởi vì Trưởng ban Đối ngoại của ĐCSTQ khi đó là ông Dương Khiết Trì.
“Ông Dương, người hiện đã nghỉ hưu trong vinh dự, từng là thông dịch viên riêng của gia đình ông Bush,” ông Lehberger viết, đồng thời cho biết thêm rằng ông Dương đã trở thành một chuyên gia về ai-là-ai ở Hoa Thịnh Đốn kể từ thời điểm đó. Với vai trò là một thông dịch viên, ông Dương đã tháp tùng ông George H. W. Bush và gia đình trong chuyến công du của vị tổng thống tương lai tới Trung Quốc vào cuối những năm 1970. Gia đình ông Bush được cho là rất thích ông Dương và đặt cho ông biệt danh là “Dương Hổ.”
Vị chuyên gia này tin rằng ông Vương và ông Dương không tin tưởng lẫn nhau, và ông Vương sẽ không muốn gọi ông Dương trở lại làm việc.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times