Trung Quốc: Người phụ nữ khuyết tật phải đối mặt với án tù vì đức tin của mình
Một người phụ nữ khuyết tật đã bị đưa ra xét xử lần hai chỉ vì niềm tin của mình và hiện đang chờ tòa đưa ra phán quyết cuối cùng vào tháng Mười Hai tới. Một luật sư đã kêu gọi công luận lưu tâm tới trường hợp của cô, nói rằng cô là nạn nhân của cuộc bức hại Pháp Luân Công (hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) ở Trung Quốc.
Cô Ngưu Hiểu Na (Niu Xiaona), là một người phụ nữ bị thương tật vĩnh viễn (khuyết tật thứ cấp) đến từ Cáp Nhĩ Tân, một thành phố ở phía đông bắc tỉnh Hắc Long Giang.
Hôm 27/11, một tòa án Trung Quốc đã tiến hành một phiên tòa phúc thẩm đối với học viên Pháp Luân Công này. Phiên tòa được tổ chức trực tuyến do các hạn chế về đại dịch COVID-19.
Hôm 29/09, tòa án địa phương kết án cô 15 năm tù và bị phạt 1,000 nhân dân tệ (khoảng 139 USD) với lý do lưu trữ và thực hiện sao chép các tờ thông tin về Pháp Luân Công. Cô Ngưu đã kháng cáo lên tòa án cấp trung của tỉnh Hắc Long Giang.
Một luật sư đại lục, sử dụng bút danh là Dư, người am tường về vấn đề này đã giải thích những lo ngại của mình với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times vào ngày 27/11.
Ông kêu gọi công luận quan tâm chú ý đến phiên tòa xét xử của cô Ngưu vì tình trạng thể chất của cô lẽ ra ngay từ đầu đã không phù hợp cho việc giam giữ, và bản phán quyết cuối cùng mà tòa sắp tuyên có thể khiến tính mạng của cô gặp nguy hiểm.
Sức khỏe được cải thiện
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tâm linh bao gồm các bài tập tĩnh tại và một bộ bài giảng đạo đức xoay quanh các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Môn tập này đã trở nên phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc trong những năm 1990, nhưng chế độ cộng sản Trung Quốc lại xem sự phổ biến đó là một mối đe dọa đối với quyền cai trị của mình, nên đảng này đã phát động một cuộc đàn áp trên toàn quốc vào năm 1999.
Kể từ đó, hàng triệu học viên đã trở thành mục tiêu trong một chiến dịch đàn áp sâu rộng, bao gồm sách nhiễu, giam giữ, tra tấn, và thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Năm 1996, khi còn là sinh viên năm hai đại học, cô Ngưu đã được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh phong tê thấp, một dạng của bệnh viêm khớp dạng thấp mạn tính. Những cơn đau đớn dữ dội do hai đầu gối sưng lên đã khiến cô không thể cử động nhiều.
Cô bắt đầu tập Pháp Luân Công vào năm 1997. Chẳng bao lâu, tình trạng thể chất của cô đã cải thiện và cô có thể kiểm soát cơn đau cũng như làm các công việc hàng ngày mà không cần nhiều sự trợ giúp.
Vào ngày 22/10/2003, cô bị cảnh sát bắt cóc, chịu bảy ngày thẩm vấn và đánh đập, và một tháng quản thúc tại gia.
Sau đó, tòa án đã kết án cô 14 năm tù vào tháng 02/2004. Vì tình trạng thương tật, nên cô được giam lỏng tại nhà, với sự giám sát liên tục của cảnh sát.
Trong thời gian bị quản thúc tại gia, cô Ngưu vẫn kiên định tu tập và tình trạng thể chất của cô ngày càng cải thiện.
Vào ngày 19/04/2021, cảnh sát lại một lần nữa bắt cóc cô và mẹ cô, cũng là một học viên Pháp Luân Công.
Khi được tại ngoại vào ngày 09/07/2021, cô đã sụt hơn 26 pound (gần 12kg) trong 80 ngày bị giam giữ và sức khỏe của cô ngày càng sa sút.
Luật sư: Bản án này quá ‘hoang đường’
Luật sư Dư mô tả bản án tại phiên tòa xét xử gần đây nhất của cô Ngư là quá “hoang đường”.
Ông giải thích: “Cô Ngư đã bị kết án ba năm tù vì lưu trữ và sản xuất tờ thông tin về Pháp Luân Công vào năm 2019 và 2021. Nhưng quyết định lần này của tòa án cao hơn cả bản án 14 năm trước đó mà cô đã thụ án tù treo, và thẩm phán đã nâng bản án tù lên đến 15 năm và thêm một khoản phạt là 1.000 nhân dân tệ.”
Ông lo lắng rằng, với tình trạng sức khỏe hiện giờ của cô, thì việc ngồi tù sẽ khiến cô phải trả giá bằng mạng sống.
Ông Dư hy vọng rằng, nếu các hãng thông tấn vào cuộc, đưa vụ việc này ra ánh sáng, thì có thể góp phần gây áp lực lên tòa án, dẫn đến quyết định sửa đổi bản án.
Ông Ngô Thiệu Bình (Wu Shaoping), một luật sư nhân quyền sống tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times hôm 27/11 rằng, theo luật pháp Trung Quốc, việc tạm tha vì lý do y tế là hợp tình hợp lý đối với trường hợp của cô Ngưu.
Tuy nhiên, phán quyết hồi tháng Chín đã được đưa ra mà không có lời giải thích rõ ràng về bản án quản thúc tại gia trước đó, họ đã căn cứ trên cơ sở pháp lý nào để ban hành bản án này. Do đó, “Bản án này đáng lẽ phải được hủy bỏ hoặc giảm nhẹ hình phạt theo pháp luật,” ông nói.
Ông nhấn mạnh thêm, một số lượng lớn các học viên Pháp Luân Công đã bị bắt và bị kết án dựa trên tội danh “vi phạm pháp luật” theo Điều 300 của Bộ luật Hình sự Trung Quốc, nhưng điều đó là trái với thực tế và tính hợp pháp của chính luật đó.
Theo ông Ngô, không có cơ sở pháp lý nào cho rằng niềm tin vào Pháp Luân Công hoặc việc truyền bá thông tin về Pháp Luân Công là bất hợp pháp; nhưng Bắc Kinh liên tục đưa ra các cáo buộc chống lại những học viên vô tội này.
Bản tin có sự đóng góp của Lâm Sầm Tâm và Hạ Đôn Hậu
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times