Trung Quốc đang trở thành một nhà tù lớn, cư dân sống trong sự giám sát của ban quản lý tòa nhà
Một chủ căn hộ ở thành phố Thành Đô của Trung Quốc đã phát hiện mình bị công ty quản lý tòa nhà liên tục giám sát trong một khoảng thời gian dài, khiến anh cảm thấy vô cùng khó chịu. Ngày càng có nhiều người nhận ra rằng quyền riêng tư là một điều xa xỉ ở Trung Quốc cộng sản, nơi người dân hầu như không có quyền công dân.
Tờ Cực Mục Tân Văn (Jimu), một hãng thông tấn ở tỉnh Hồ Bắc, gần đây đã tiết lộ hai vụ việc xảy ra ở Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên lân cận.
Hồi tháng 03/2021, anh Lưu Việt (Liu Yue, hóa danh) đang đi mua sắm gần nhà thì có một người lạ, một người đi đường, lại gần anh và nói: “Ban quản lý tòa nhà đang theo dõi anh 24 giờ một ngày đấy. Anh hãy chú ý giữ an toàn nhé.”
Anh Lưu cảm thấy bối rối vì không quen biết người đã nói cho anh nghe thông tin này.
Vài tháng sau, một nhân viên bảo vệ trong khu dân cư của anh Lưu nói với anh rằng ông ấy hay thấy những bức ảnh của anh Lưu lan truyền trong một nhóm WeChat, vì vậy ông tin rằng anh Lưu có thể đang bị theo dõi.
Lần này, anh Lưu đã nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc hơn. Sau đó, anh phát hiện ra rằng một số nhân viên bảo vệ khác hay hướng điện thoại di động của họ về phía anh, nhưng ngay khi anh Lưu nhìn về phía họ, thì họ sẽ ngay lập tức chuyển điện thoại di động ra chỗ khác.
Hồi tháng Tư năm nay, một người làm việc cho ban quản lý tòa nhà sắp rời đi đã cung cấp cho anh Lưu bằng chứng cho thấy anh đang bị theo dõi — một số lượng lớn ảnh chụp màn hình WeChat và video trong đó anh Lưu là mục tiêu bị giám sát.
Sau đó, anh Lưu phát hiện ra rằng nhiều người trong ban quản lý tòa nhà đã giám sát anh trong hơn một năm.
Những người quản lý tòa nhà đã lập một nhóm WeChat riêng để chia sẻ thông tin về anh Lưu. Khi bất kỳ ai trong số họ chụp được anh bằng camera trên điện thoại di động của mình, thì thông tin sẽ được gửi trực tiếp vào nhóm trò chuyện, bao gồm việc anh Lưu rời khỏi nhà lúc mấy giờ, anh dắt chó đi dạo khi nào, anh đi thang máy nào, anh gặp một người bạn nữ ở đâu, và anh đã đến nhà hàng nào. Tất cả những chi tiết như vậy đều được báo cáo cho một người quản lý tòa nhà mang họ Trần.
Trong một trong những ảnh chụp màn hình được cung cấp cho anh Lưu, có một bức ảnh cho thấy anh đang đọc gì đó trên điện thoại di động, và những người quản lý trong nhóm trò chuyện than phiền rằng độ phân giải không đủ cao để họ nhìn thấy nội dung trên màn hình.
Sau khi biết mình bị theo dõi, việc về nhà trở thành một gánh nặng đối với anh Lưu. Anh nói với tờ Cực Mục rằng trước khi bước vào khu chung cư của mình, mỗi lần anh đều phải chuẩn bị tâm lý vững vàng, và anh sẽ che chắn kín đáo nhất có thể khi ra ngoài, về nhà muộn nhất có thể, và hạn chế mời bằng hữu đến nhà chơi.
Tháng trước, anh Lưu cảm thấy mình không thể nhẫn chịu thêm nữa và quyết định báo cho cảnh sát về hành vi giám sát này.
Anh Lưu biết rằng một số cư dân khác cũng đang bị theo dõi. Cô Triệu Mai (Zhao Mei), một nữ cư dân, là một trong số những người bị như vậy.
Sau một vài nỗ lực điều tra, hồi tháng Tám, cô Triệu biết được rằng những người quản lý tòa nhà đang theo dõi cô. Họ biết cụ thể giờ đi về của cô, nơi cô đi ăn tối hoặc mua sắm, và khi nào thì gia đình cô đến thăm vì camera giám sát của họ đã theo dõi cô mỗi khi cô xuất hiện ở nơi công cộng. Tương tự như trường hợp của anh Lưu, những người quản lý tòa nhà đã bàn tán và chế giễu mọi hành động của cô trong nhóm WeChat.
Cô Triệu đã trình báo sự việc với cảnh sát hồi cuối tháng Chín.
Cô Triệu đã chuyển đồ đạc ra khỏi căn hộ của mình. Cô không dám quay lại đó sống và định bán nhà đi dù phải chịu lỗ.
Cô Triệu nói với tờ Cực Mục: “Việc bị theo dõi trong thời gian thực chắc chắn khiến tôi cảm thấy rất không thoải mái và không an toàn.”
Về lý do bị theo dõi, anh Lưu và cô Triệu cho biết họ từng khiếu nại rằng mức phí quản lý tòa nhà quá cao và dịch vụ không đem lại sự hài lòng cho người sử dụng. Cả hai đều cố gắng thành lập một hội dành cho chủ nhà, nhưng không thành công. Họ nghi ngờ rằng công ty quản lý tòa nhà đang trả đũa vì những khiếu nại của họ.
Công ty quản lý tòa nhà cho biết họ đã thành lập một nhóm đặc biệt để giải quyết vấn đề này, và người quản lý họ Trần đã bị đình chỉ công tác và đang bị cảnh sát điều tra.
Một luật sư họ Vương ở Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, nói với The Epoch Times hôm 11/11 rằng mục đích ban đầu của việc thành lập các công ty quản lý tòa nhà là cung cấp dịch vụ cho chủ sở hữu nhà, nhưng giờ họ lại trở mặt và theo dõi chủ nhà, điều này chắc chắn là vi phạm nội quy quản lý tòa nhà và cũng vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Ông Vương nói, “Mặc dù các bức ảnh và video được chụp ở một nơi công cộng, nhưng họ đã công khai thông tin cá nhân của chủ nhà ở trong nhóm, đây nên được coi là hành vi xâm phạm quyền riêng tư. Tuy nhiên, xâm phạm quyền riêng tư không phải là hành vi phạm tội ở Trung Quốc mà chỉ có thể bị khởi kiện dân sự, chẳng hạn như yêu cầu bồi thường và một lời xin lỗi hoặc yêu cầu bồi thường tổn thương tinh thần.”
Quyền riêng tư cá nhân không được tôn trọng ở Trung Quốc
Dưới sự thống trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), “quyền riêng tư cá nhân” là một khái niệm không có giá trị ở Trung Quốc. Theo Luật Xử phạt Hành chính Trị an của nhà cầm quyền này, bất kỳ ai nhìn trộm, chụp lén, nghe lén, hoặc lan truyền thông tin cá nhân hoặc chuyện đời tư của người khác sẽ bị giam giữ không quá 5 ngày hoặc bị phạt lên đến 500 nhân dân tệ (khoảng 70 USD). Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng hơn, người đó sẽ bị giam giữ từ 5 đến 10 ngày và có thể bị phạt tiền không quá 500 nhân dân tệ.
Trong nhiều trường hợp, các quan chức Trung Quốc đã công khai vi phạm quyền riêng tư của công dân. Hồi tháng Tư và tháng Năm năm nay, thành phố Thượng Hải đã bị phong tỏa để hạn chế sự lây lan của COVID-19. Chính quyền Thượng Hải tuyên bố rằng “việc khử trùng các gia đình là một phần quan trọng trong công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh.” Do đó, một số quan chức phòng dịch đã yêu cầu những chủ nhà bị chuyển đến khu cách ly giao ra chìa khóa nhà và lệnh cho nhân viên vào nhà để tiến hành cái gọi là “phun khử trùng”. Một số lượng lớn các video như vậy đã lan truyền trên internet, khiến dư luận không khỏi phẫn nộ.
Ông Đồng Chi Vĩ (Tong Zhiwei), giáo sư luật tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật pháp Hoa Đông, đã đăng một bài viết trên mạng xã hội hôm 08/05, nói rằng “Không một tổ chức nào ở Thượng Hải có quyền buộc người dân giao chìa khóa nhà cho [chính quyền để ai đó có thể] vào nhà của họ để khử trùng,” và bất kỳ quan chức nào ra lệnh như vậy đều đã phạm tội “xâm nhập trái phép vào nhà dân.”
Bài viết của ông đã bị chính quyền chặn ngay lập tức và các tài khoản mạng xã hội của ông Đồng đều bị cấm.
Chính quyền cũng đã xâm phạm quyền riêng tư của công dân trong thời kỳ không có dịch bệnh. Bitter Winter, một tạp chí chuyên về các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, đưa tin rằng một số chủ nhà ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, đã nhận được thông báo từ cảnh sát yêu cầu họ lắp đặt hệ thống giám sát trong các căn hộ cho thuê của mình, với danh nghĩa “đề phòng trộm cắp.” Cảnh sát yêu cầu các màn hình giám sát phải được lắp đặt trong phòng khách đối diện với cửa trước, và các địa điểm cho thuê không có camera giám sát sẽ bị cấm tiếp tục kinh doanh cho thuê. Cảnh sát cũng sẽ tiến hành kiểm tra nơi kinh doanh định kỳ và phạt những người vi phạm.
Xây dựng chủ nghĩa toàn trị kỹ thuật số
Năm 2019, nhà cung cấp dịch vụ thông tin IHS Markit của Anh dự đoán rằng vào cuối năm 2021, sẽ có khoảng 1 tỷ camera giám sát trên toàn thế giới, trong đó 54% camera sẽ là ở Trung Quốc. Tức là với 540 triệu camera giám sát được lắp đặt cho 1.46 tỷ dân, thì trung bình cứ 1,000 người sẽ có 372.8 camera.
Đây là một ước tính tương đối dè dặt. Một ước tính khác của IHS Markit đưa ra con số 626 triệu camera giám sát ở Trung Quốc, tương đương với 432.2 máy quay trên 1,000 người.
Các ước tính trên là dựa trên dân số tổng thể của Trung Quốc. Trên thực tế, sự hiện diện của camera giám sát trên mỗi 1,000 người sẽ cao hơn ở các khu vực thành thị.
Hôm 13/10, Viện Nghiên cứu Nhân quyền và Tội ác Diệt chủng Montreal (MIGS) ở Canada đã tổ chức buổi ra mắt cuốn sách có nhan đề “Nhà nước Giám sát: Bên trong Cuộc truy cầu của Trung Quốc để Khởi động một Kỷ nguyên Mới về Kiểm soát Xã hội” (“Surveillance State: Inside China’s Quest to Launch a New Era of Social Control”).
Theo hai tác giả, ĐCSTQ đã thiết lập một cơ sở dữ liệu cấp nhà nước làm cơ sở cho chủ nghĩa toàn trị kỹ thuật số. Thông qua công nghệ kỹ thuật số, công nghệ đám mây, và các phương tiện khác, nhà cầm quyền kết nối cơ sở dữ liệu này với các giấy tờ tùy thân của công dân, dữ liệu nhận dạng khuôn mặt, dấu vân tay, và lịch sử đi lại cá nhân để thiết lập các cơ chế kiểm soát mới. Sau đó, các nhà chức trách có thể theo dõi tất cả các sản phẩm điện tử như điện thoại di động và máy điện toán, theo dõi các tin nhắn riêng tư bất cứ lúc nào, xóa các tin nhắn gây bất lợi cho chính quyền trong vài giây và xác định chính xác người đã đăng tin nhắn. Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, chính quyền đã mở rộng việc giám sát toàn dân 24/24 giờ thông qua ứng dụng điện thoại “mã sức khỏe”. Đại dịch đã mở ra một “kỷ nguyên mới” cho hoạt động giám sát của ĐCSTQ.
Bản tin có sự đóng góp của Kane Zhang
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times