Trung Quốc Cộng sản không thể điều hành Hồng Kông
Ngày 01/10 đánh dấu kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Một mặt thì, chính quyền Hồng Kông tuyên truyền rằng Hồng Kông đang viết nên một chương sử mới “từ hỗn loạn đến quản trị, và từ quản trị đến hưng vượng” theo Luật An ninh Quốc gia; mặt khác, Lực lượng Cảnh sát Hồng Kông lại thông báo rằng họ sẽ điều động 8,000 cảnh sát vào ngày 01/10, vậy chẳng phải khác biệt một trời một vực với tuyên truyền về “quản trị” và “hưng vượng” hay sao.
Cùng với việc liên tục phủ nhận làn sóng di cư khỏi xứ Hương Cảng đang diễn ra và việc những quan chức cao cấp trong chính quyền Hồng Kông liên tục viết thư để phản đối “những bản tin sai sự thật” về Hồng Kông của giới truyền thông ngoại quốc, ba năm qua Hồng Kông đã thụt lùi về mọi mặt. Điều này cho thấy rõ một điều rằng, “những kẻ phế vật trung thành” (biệt hiệu này được một học giả Bắc Kinh đặt ra để chỉ những chính trị gia bất tài, thuộc phe kiến chế ở Hồng Kông, chỉ biết xu nịnh Bắc Kinh mà không làm được gì hữu ích) không có khả năng điều hành Hồng Kông và đạt được bất cứ thành tựu nào đáng kể.
Hồng Kông đã đổi khác
Trước năm 1997, vị thống đốc cuối cùng của Hồng Kông Chris Patten nói: “Tôi cảm thấy lo lắng, không phải vì quyền tự trị của Hồng Kông sẽ bị Bắc Kinh tước đoạt, mà nó sẽ bị một số người ở Hồng Kông phá hủy từng chút từng chút một.”
Thật không may, lời tiên tri này đã trở thành sự thật sau khi Anh chuyển giao Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997. Giới tinh anh trong xã hội biết rõ yêu sách của những người cộng sản kia, đó là ‘có trung thành mới có cơm ăn’. Ngày nào cũng vậy, hễ mở miệng ra là họ dẫn lời của ông Tập Cận Bình, chưa kể họ còn tán dương Luật An ninh Quốc gia một cách có chủ ý bất chấp những hậu quả tàn khốc rõ ràng rành rành mà luật này đã gây ra cho Hồng Kông.
Không thể phủ nhận rằng ngành giáo dục cũng đóng một vai trò quan trọng trong thảm họa này. Kể từ năm 1998, Sở Giáo dục đã tự ý bóp méo lịch sử, và thành tựu mới nhất của cơ quan này là tuyển một nhóm sinh viên sản xuất một video âm nhạc chào mừng Ngày Quốc khánh của Trung Quốc cộng sản. Nội dung trong đoạn video này xuyên tạc một bài tiểu luận nổi tiếng của ông Lương Khải Siêu (Liang Qichao), một nhà lập hiến theo phái tân học nổi tiếng của Trung Quốc, chẳng hạn như việc xóa bỏ câu “thanh niên độc lập ắt Trung Quốc độc lập”. ĐCSTQ sợ rằng câu nói đó khiến người ta liên tưởng tới sự độc lập của Hồng Kông. Chỗ nào cũng xu nịnh, chỗ nào cũng cấm đoán, vậy thì tìm đâu ra một lối thoát cho Hồng Kông?
Một môi trường chính trị cởi mở và minh bạch là điều kiện tiên quyết đối với một thành phố quốc tế như Hồng Kông. Tuy nhiên, những người cộng sản Trung Quốc lại không đồng tình với điều đó. Cho đến nay, họ vẫn đang điều hành một đảng cộng sản ngầm ở Hồng Kông, tự cho mình là tổ chức nằm ngoài vòng pháp luật và không cần phải chịu trách nhiệm trước người dân Hồng Kông.
Theo ông Trình Tường (Ching Cheong), một ký giả Hồng Kông kỳ cựu, có 400,000 đảng viên ngầm như vậy ở Hồng Kông. Đáng chú ý là nơi đầu tiên ông Lương Chấn Anh (Leung Chun-ying) đến để cảm ơn những người ủng hộ mình sau khi được bầu chọn làm đặc khu trưởng chính là Văn phòng Liên lạc Chính phủ Nhân dân Trung ương tại Đặc khu hành chính Hồng Kông. Văn phòng Liên lạc này là chính phủ trên thực tế của Hồng Kông, và chính phủ Hồng Kông chỉ đơn thuần là một cơ quan chấp hành của văn phòng này. Cơ quan ngôn luận của đảng này là báo Đại Công (Ta Kung Pao) và báo Văn Hội (Wen Wei Po). Do đó, nền chính trị của Hồng Kông trở nên rất bất ổn.
Kết quả là, lằn ranh đỏ ở khắp mọi nơi, nhà nước pháp quyền bị suy yếu. Chính quyền Hồng Kông vẫn im lặng khi Liên Hiệp Quốc yêu cầu họ dịch báo cáo về nhân quyền ở Hồng Kông theo Luật An ninh Quốc gia sang Hoa ngữ. Những người chỉ trích tin rằng đây là một nỗ lực có chủ ý để ngăn không cho báo cáo này lưu hành trong dân chúng.
Giờ đây, chính quyền Hồng Kông chủ yếu phụng sự cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chứ không phải cho người dân Hồng Kông. Điều này lý giải cho việc thành lập một ủy ban rà soát tư cách ứng cử viên để sàng lọc những ứng cử viên hội đồng lập pháp mà nhà cầm quyền không thích.
“Chủ nghĩa cánh tả” đã trở thành một chuẩn mực mới ở Hồng Kông, và để không mắc sai lầm, công nhân viên chức đã đấu tranh để trở thành “cánh tả” nhất có thể, kết quả là biến thành “cực tả”. So với cuộc Bạo loạn chống thực dân năm 1967, vào thời điểm đó các hiệu sách thân cộng có thể bán sách của Mao Trạch Đông và các trường phái theo cánh tả có thể rao giảng niềm tin chính trị của họ, thì giờ đây Hồng Kông đã trở thành một đô thị cấm sách, hơn nữa việc bàn luận về nền dân chủ và sự tự do đã trở thành điều cấm kỵ trong trường học. Trong khi đó, lời rao giảng rằng chủ nghĩa đế quốc là do McDonald’s và Disneyland mang đến, thì lại được chấp nhận.
Nguyên nhân
Sau năm 1997, chính quyền Hồng Kông đã áp dụng chủ nghĩa thân hữu (*) làm nguyên tắc chỉ dẫn và hầu hết các nhà hàng bị truy tố vì cáo buộc vi phạm quy định COVID đều là những nhà hàng màu “vàng” (nghĩa là những nhà hàng ủng hộ một phong trào biểu tình). “Trung lập chính trị”, vốn là giá trị cốt lõi của các công chức và hoạt động rất hiệu quả trong thời thuộc địa, đã bị phe cánh tả phá vỡ và thay thế bằng “chính trị chỉ huy”.
Kết quả là, nguyên nhân căn bản nhất dẫn đến sự thất bại trong quản trị của Hồng Kông: đối xử với người dân Hồng Kông giống như với người dân Trung Quốc đại lục. Đã có một thời ĐCSTQ lo ngại rằng họ sẽ không thể áp dụng một chính sách cứng rắn đối với Hồng Kông.
Ông Khương Ân Trụ (Jiang Enzhu), cựu Giám đốc Văn phòng Liên lạc, từng nói rằng Hồng Kông là một cuốn sách rất khó đọc và khó hiểu, và cần phải được xem xét một cách kỹ càng.
Trái ngược với những gì mà đặc khu trưởng đầu tiên Đổng Kiến Hoa (Tung Chee-hwa) đã nói tại đại lễ thành lập đặc khu Hồng Kông, người Hồng Kông phải làm chủ vận mệnh của mình, họ đã trở thành mục tiêu của cải cách ngay khi còn thơ ấu. Những nỗ lực gần đây của các tờ báo cánh tả nhằm xóa bỏ ký ức thời thuộc địa (phi thực dân hóa) nảy sinh từ sự tiếc thương của công chúng đối với cố Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị trên thực tế chính là đang cố gắng xóa bỏ những nét đặc trưng đã tạo nên Hồng Kông (phi Hồng Kông hóa).
Làn sóng di cư chưa qua, thì làn sóng “hồi hương” (một thuật ngữ mà người dân áp dụng để nói về việc du lịch đến Nhật Bản, điểm đến du lịch đầu tiên của họ) lại đến. Vào đêm trước ngày Quốc khánh Trung Quốc Cộng sản (01/10), Hồng Kông đã nới lỏng các hạn chế COVID-19 và mọi người đổ xô đến Nhật Bản du lịch. Đây có thể xem là một hình thức trưng cầu dân ý về chế độ cộng sản.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times