Liệu trí tuệ còn có thể vãn hồi trong thời đại ‘tiểu phấn hồng’?
Nền giáo dục mới ở Hồng Kông: học về trách nhiệm công dân, thay vì quyền công dân, để dưỡng thành các tiểu phấn hồng (những người trẻ tuổi ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc)
Hôm 16/07, Liên đoàn Lao động Giáo dục Hồng Kông đã cử hành lễ khai mạc Diễn đàn Thượng đỉnh Giáo dục Chủ nghĩa Ái Quốc và Trung tâm Giáo dục Ái Quốc, với sự tham dự của hơn 300 hiệu trưởng cùng đại diện của các cơ quan tài trợ trường học và các tổ chức giáo dục.
Hai vị khách đầu tiên được đề cập trong bài diễn văn của Trưởng đặc khu Lý Gia Siêu (John Lee Ka-Chiu) là ông Dương Nghĩa Thụy (Yang Yirui), Đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hồng Kông và ông Tưởng Kiến Sương (Jiang Jianxiang), Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ của Văn phòng Liên lạc Chính phủ Nhân dân Trung ương tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông.
Chúng ta không thể không đặt câu hỏi: Liệu sự tham gia của những người có vai vế trong Văn phòng Liên lạc có ảnh hưởng đến hình ảnh của “một quốc gia, hai chế độ” khi giáo dục là một vấn đề tự chủ của Hồng Kông hay không?
Trong thời đại “Tân Hồng Kông” thì câu hỏi này đã trở nên vô nghĩa. Ngay từ những năm 1980, các quan chức của Văn phòng Liên lạc (rồi sau đó là Tân Hoa Xã, hay Thông tấn xã Tân Hoa) đã công khai nhấn mạnh rằng giáo dục là “binh gia tất tranh chi địa” (tạm dịch: nơi mà mọi nhà binh đều phải đánh).
Hồng Kông ngày nay không còn giống như Hồng Kông của mười năm về trước, và “quyền cai trị toàn diện” (quanmian guanzhiquan) của Bắc Kinh đã vượt lên trên tất cả.
Một thập niên trước, vào năm 2012, nền giáo dục quốc gia đã đặt dư luận vào một phen huyên náo. Chính phủ đã ra lệnh thiết lập một chương trình Giáo dục Đạo đức và Quốc dân độc lập. Trung tâm Dịch vụ Giáo dục Quốc dân do chính phủ hậu thuẫn đã xuất bản cuốn Cẩm nang hướng dẫn giảng dạy về mô hình quốc gia kiểu mẫu của Trung Quốc, trong đó có chứa thành kiến rõ ràng, chẳng hạn như gọi chế độ cộng sản Trung Quốc là “tiến bộ, vô tư và đoàn kết”, gọi nền chính trị Mỹ là “chính đảng ác đấu, nhân dân đương tai” (tạm diễn nghĩa: một cuộc đấu tranh ác liệt giữa các đảng phái chính trị và là một thảm họa đối với người dân).
Tất cả những điều này đã kích khởi một làn sóng phản đối kịch liệt của công chúng. Các nhóm như Học Dân Tư Triều (tạm dịch: Phong trào tư tưởng của những người học thức) và Hội Cha mẹ Quan tâm đến Giáo dục Quốc dân đã biểu tình trong suốt mùa hè, tổ chức các cuộc tuần hành, chiếm giữ trụ sở chính phủ, biểu tình bãi khóa, và tuyệt thực.
Vào tối ngày 07/09/2012, 120,000 người đã tập trung tại trụ sở của chính phủ. Cuối cùng, chính phủ đã nhượng bộ và thông báo vào ngày hôm sau rằng sẽ không có thời gian biểu cho việc thực hiện môn giáo dục quốc dân và các trường có thể tự mình quyết định xem có dạy môn giáo dục quốc dân hay không.
Ngày hôm nay của mười năm sau, với sự sụp đổ của xã hội dân sự và sự nín lặng hoàn toàn theo Luật An ninh Quốc gia, ông Lý Gia Siêu (John Lee) có thể nói một cách chẳng kiêng dè trong bài diễn văn của mình rằng chính quyền sẽ “uốn nắn một cách nghiêm khắc, cứng rắn và chính nghĩa những giá trị quan lệch lạc của giới trẻ, kể tốt các câu chuyện của Trung Quốc, kể tốt các câu chuyện của Hồng Kông.”
Cái gọi là “chính nghĩa” (đạo lý có lợi cho nhân dân) ấy đã được thể hiện rõ ràng trong một số sách giáo khoa mới về Phát triển Xã hội và Công dân: Hồng Kông chưa từng là một thuộc địa, học sinh sẽ chỉ học về trách nhiệm công dân chứ không học về quyền công dân, và Trung Quốc không có nhiều vấn đề như mọi người vẫn nghĩ. Nếu học sinh tiếp thu toàn bộ những thông tin đó, thì một thế hệ mới của “các tiểu phấn hồng” (những người Hoa trẻ tuổi ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc) ngây thơ trong sáng sẽ sắp sửa xuất hiện.
Giáo dục công dân kiểu này là một bước đại thụt lùi. Tôi có một bản sao của cuốn sách giáo khoa “Công Dân Mới Trong Trường Trung học” được xuất bản ở Trung Quốc trong thời kỳ “cai trị phản động của Quốc Dân Đảng” (những năm 1930). Các chương mục trong sách này thảo luận về các vấn đề như dân số, nông nghiệp, đời sống người lao động, thị trường việc làm, và hôn nhân; nói cách khác, cuốn sách này nghiên cứu thảo luận, thay vì tránh né [đề cập đến] các vấn đề của Trung Quốc.
Đồng thời, khi bàn về chính trị, cuốn sách này cũng thảo luận về cả nền dân chủ lẫn chế độ độc tài. Mặc dù trong đó rõ ràng là ca ngợi chính phủ Quốc Dân Đảng, nhưng cũng không né tránh các khái niệm chính trị căn bản.
‘Kể tốt’ (shuohao) không phải là một khái niệm giáo dục, mà là tuyên truyền chính trị. Giáo dục ở Hồng Kông luôn nhấn mạnh “kiến thức mang tính xây dựng”, chứ không phải “kể tốt”. Chú trọng quá mức vào việc kể tốt những câu chuyện chẳng khác nào nói là, “anh nhìn xem, tôi không khách quan đâu, tôi ở đây để tẩy não anh đấy.”
Trong thời đại an ninh quốc gia mới, nơi mà tất cả chúng ta đều được yêu cầu học hỏi “các bài diễn văn quan trọng” của “nhà lãnh đạo nhân dân”, các lối viết sáo mòn, rập khuôn rỗng tuếch của đảng sẽ tạo ra một môi trường học tập chỉ một chiều (one-voice learning) mà không có tư duy phản biện, trong bối cảnh kể tốt các câu chuyện như được yêu cầu trong các trường tiểu học và trung học ở Hồng Kông. Chẳng lẽ thế hệ tiếp theo của chúng ta sẽ chỉ toàn là “các tiểu phấn hồng” hay sao?
Nhìn ở một góc độ lạc quan, thì có thể có một số người như ông Lương Khải Siêu. Là một người tiên phong của phong trào cải cách vào cuối triều đại nhà Thanh, ông Lương Khải Siêu ban đầu là một sĩ tử có thành tích cao trong viết văn bát cổ, đã đỗ tú tài trong kỳ thi cấp tỉnh năm 16 tuổi.
Chỉ đến khi gặp được ông Khang Hữu Vi, một bậc thầy về kinh điển Nho giáo và là người đi đầu về phái tân học của phương Tây, người có kiến thức được ví như “tiếng đại hải triều, và tiếng sư tử hống”, ông Lương Khải Siêu mới bàng hoàng nhận ra mình đã tự đắc với cái chỉ là “cựu học trăm năm vô dụng.”
Sau đó, ông xin từ chức tại Học Hải Đường (Xuehai Tang), một trường học truyền thống tinh hoa, và xin vào làm trong Vạn Mộc Thảo Đường (Wanmu caotang) của ông Khang Hữu Vi. Gia tài văn chương đồ sộ của ông Lương Khải Siêu đã mở mang trí tuệ và mang sự hiện đại đến cho người Trung Quốc.
Tôi hy vọng rằng một ngày nào đó trong tương lai, những người giống như ông Lương Khải Siêu sẽ một lần nữa khai mở trí tuệ cho người dân Hồng Kông.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Hans Yeung là một cựu quản lý tại Cơ quan Kiểm tra và Đánh giá Hồng Kông, chuyên về đánh giá lịch sử. Ông cũng là một nhà sử học chuyên về lịch sử Hồng Kông và Trung Quốc hiện đại. Ông là nhà sản xuất và người dẫn các chương trình về lịch sử Hồng Kông và là người phụ trách chuyên mục cho các hãng truyền thông độc lập. Ông hiện đang sống cùng gia đình ở Vương quốc Anh. Quý vị có thể liên lạc với ông qua thư điện tử: [email protected]