6 cựu giám đốc điều hành của Apple Daily nhận tội thông đồng với thế lực ngoại quốc
Tòa hoãn tuyên án cho đến khi vụ án vi phạm Luật An ninh Quốc gia của ông Jimmy Lai có kết luận
Ông Lê Trí Anh (hay còn gọi là Jimmy Lai), cựu nhà sáng lập Next Media, và sáu cựu giám đốc điều hành của tờ Apple Daily đã bị buộc tội cấu kết âm mưu với những người khác để thông đồng với các thế lực hoặc lực lượng ngoại quốc gây nguy hại đến an ninh quốc gia. Hôm 22/11, sáu cựu thành viên của Apple Daily ngoại trừ ông Lê Trí Anh đã nhận tội tại Tối cao Pháp viện.
Tòa đã hoãn tuyên án theo đề nghị của công tố viên thụ lý vụ án này.
Sáu bị cáo là Cựu Tổng Giám đốc Next Media Trương Kiếm Hồng (Cheung Kim-hung), Cựu Phó Chủ tịch Apple Daily Trần Phái Mẫn (Chan Pui-man), Cựu Tổng Biên tập La Vĩ Quang (Law Wai-kwong), Cựu Tổng Biên tập Lâm Văn Tông (Lam Man-chung), Cựu Tổng Biên tập Apple Daily Ấn bản Anh ngữ Phùng Vĩ Quang (Fung Wai-kwong), và cựu chủ bút mục bình luận Dương Thanh Kỳ (Yeung Ching-kei). Sáu bị cáo này đã bị giam giữ hơn 12 tháng.
Đại diện bên công tố, Phó Tổng trưởng Công tố viên Hình sự Châu Thiên Hành (Anthony Chau Tin-hang), tuyên bố rằng một số bị cáo sẽ ra làm chứng trong phiên tòa xét xử hành vi vi phạm luật an ninh quốc gia sắp tới đối với ông Lê Trí Anh. Ông Châu đề nghị hoãn tuyên án sáu bị cáo cho đến khi vụ án của ông Lê đi đến phán quyết cuối cùng.
Thẩm phán chấp thuận lời đề nghị của công tố viên này. Có thông tin cho rằng ít nhất ba bị cáo sẽ làm chứng với tư cách là nhân chứng của cơ quan công tố chống lại ông Lê, trong đó có ông Trương Kiếm Hồng và cô Trần Phái Mẫn.
Bên công tố đề cập rằng các bị cáo nói trên đã đảm trách các vị trí quan trọng và từng là nhân sự cao cấp tại tòa soạn Apple Daily hiện đã đóng cửa. Các công tố viên nói rằng một số bị cáo là thành viên của Liên minh Phe Dân Chủ; những thành viên này đã tổ chức các cuộc họp với ông Lê Trí Anh, người sau đó đã thảo luận và hướng dẫn các chính sách xuất bản của hãng thông tấn Apple Daily một thời.
Bên công tố cáo buộc rằng ba bị cáo, cô Trần Phái Mẫn, ông La Vĩ Quang, ông Lâm Văn Tông, và những người đứng đầu của các bộ phận tin tức khác, đã gặp nhau vào các ngày thứ Ba để lên kế hoạch biên tập hàng tuần, cũng như để thảo luận về kế hoạch và nội dung tin tức của tuần tới.
Bên công tố cũng cho biết cuộc họp giao ban biên tập hàng ngày để quyết định nội dung sẽ xuất hiện trên mặt báo A1 của tờ Apple Daily trước đây, trong đó cô Trần, ông La, và ông Lâm đều có mặt. Bên công tố cho biết các buổi họp thảo luận được tổ chức sau mỗi tuần chạy báo để xem xét và đánh giá nội dung.
Bên công tố cũng đề cập rằng cựu chủ bút mục bình luận, ông Dương Thanh Kỳ, đã giao cho ký giả kỳ cựu Âu Gia Lân (Au Ka-lun) viết các bài bình luận theo yêu cầu của ông Lê Trí Anh.
Các bài báo khuyến khích người dân phản kháng trong phong trào chống dẫn độ năm 2019
Bên công tố cũng tuyên bố rằng sau khi chính quyền Hồng Kông đề nghị sửa đổi Pháp lệnh Tội phạm Đào tẩu hồi tháng 03/2019, Apple Daily đã xuất bản nhiều số báo có bài viết “mang tính kích động” để khuyến khích công chúng tham gia biểu tình.
Sau ngày 09/06/2019, một cuộc biểu tình quy mô lớn đã nổ ra ở Hồng Kông. Bên công tố cho biết Apple Daily đã xuất bản hơn 30 ấn phẩm “gây kích động” trong quãng thời gian đó, nhắm mục tiêu vào Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính quyền Hồng Kông, khuyến khích mọi người tiếp tục phản đối và ủng hộ khái niệm “lãm sao” (tạm dịch: cùng cháy, hiểu nôm na là “lưỡng bại câu thương”, cả hai bên cùng tổn thương).
Khi đại dịch bùng phát vào tháng 01/2020, phong trào xã hội này tạm thời lắng xuống.
Bên công tố tuyên bố Apple Daily đã phát hành nhiều ấn phẩm “gây kích động” khác nhau để “xúi giục” những người khác biểu tình phản đối chính quyền Bắc Kinh và chính quyền Hồng Kông.
Bên công tố đã liệt kê 153 bài báo có liên quan, bao gồm một bài bình luận của ông Lê Trí Anh, bốn bài bình luận của ông Âu Gia Lân, ba bài viết của cố văn sĩ Lý Di (Lee Yee), một bài viết của Giáo sư Đới Diệu Đình (Benny Tai Yiu-ting), và các tác phẩm khác của các nhân vật và các học giả ủng hộ dân chủ.
Một người khác từng là cây viết của Apple Daily, ông Viên Cung Di (Elmer Yuen Gong-yi), đã bị Cục An ninh Quốc gia truy nã vì nghi ngờ vi phạm luật an ninh quốc gia.
Bên công tố chỉ ra rằng lực lượng quốc an cảnh đã bắt giữ nhiều cựu giám đốc điều hành của Apple Daily vào tháng 06/2021. Họ cáo buộc cựu nhân viên của Apple Daily đã đăng một số bài báo nhằm “cố gắng mở rộng cũng như hợp lý hóa các hoạt động bất hợp pháp của Apple Daily.”
Các bài báo được đề cập bên trên bao gồm một cuộc phỏng vấn độc quyền do cô Trần Phái Mẫn và ông La Vĩ Quang thực hiện trước khi họ bị bắt. Bên công tố cho biết bản tin đó đã kêu gọi các nhân viên lúc bấy giờ của ấn bản tiếp tục đưa tin.
Bên công tố cũng đưa ra hai bài báo khác, có nhan đề “Lực lượng An ninh Quốc gia lục soát tòa soạn Apple Daily, năm người Bị bắt; lấy đi 44 ổ cứng chứa tài liệu tin tức,” và trích dẫn một câu của ông Lê Trí Anh rằng, “Đừng sợ.”
Bên công tố: Bài báo đề cập đến việc ông Lê Trí Anh bị đau răng để nhận được sự cảm thông của công chúng
Bên công tố lập luận rằng các bài báo nói trên đã được xuất bản để “khơi dậy sự ủng hộ và cảm thông của công chúng đối với ông Lê Trí Anh”, bao gồm cả tài liệu về việc ông Lê được tại ngoại hồi tháng 02/2021.
Bên công tố cho rằng các bị cáo đã sử dụng bài báo đó để khơi dậy sự cảm thông của công chúng khi đề cập đến việc “ông Lê bị huyết áp cao và đau răng” cũng như “biểu cảm của ông Lê khi vẫy tay chào tạm biệt người thân tại pháp đình khi bị từ chối bảo lãnh.”
Bên công tố: Ông Lê đã sử dụng Twitter để tương tác với ‘thế lực ngoại quốc’
Các công tố viên tiếp tục cáo buộc rằng ông Lê đã chỉ thị cho tờ Apple Daily hiện đã đóng cửa ra mắt ấn bản Anh ngữ vào tháng 05/2020; hãng thông tấn này đã công bố một chiến dịch mang tên “Bản dùng thử miễn phí phiên bản Anh ngữ của Apple Daily dành cho những người ủng hộ biểu tình quốc tế” thông qua một bài báo.
Bên công tố buộc tội ông Lê Trí Anh vì đã xuất bản một bài báo có tiêu đề “Bộ Luật tà ác đã hủy hoại một quốc gia hai chế độ; phe ủng hộ dân chủ tiếp tục đấu tranh cho tự do vào ngày 01/07.”
Bên công tố tin rằng ấn bản Anh ngữ của Apple Daily được thiết kế để thu hút người ghi danh ở nước ngoài, đặc biệt là người Mỹ. Bên công tố cho biết các bị cáo “hy vọng” rằng càng có nhiều người đăng ký ở hải ngoại thì Đảng Cộng sản Trung Quốc càng gặp nhiều thách thức trong việc thanh trừng và trấn áp Hồng Kông.
Bên công tố cho rằng Cựu Giám đốc điều hành của Apple Daily, ông Lê Trí Anh đã thiết lập một tài khoản Twitter có tên là “@jimmyLaiApple.” Bên công tố cáo buộc ông Lê thường xuyên đăng lại nội dung của ấn bản Anh ngữ và sử dụng chức năng “gắn thẻ” trên mạng xã hội để tương tác với “các thế lực ngoại bang.”
Ông Lê đã bị cáo buộc tương tác với các nhân vật chính trị và đại diện từ Hoa Kỳ, Anh Quốc, Nhật Bản, và Đài Loan.
Sáu bị cáo đã bị buộc tội âm mưu với những người khác ở Hồng Kông để yêu cầu các quốc gia ngoại bang hoặc các cơ quan, tổ chức hoặc nhân viên ngoại quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt, phong tỏa, hoặc thực hiện các hành động thù địch khác chống lại chính quyền Bắc Kinh và chính quyền Hồng Kông kể từ ngày 01/07/2020 đến ngày 24/06/2021.
Sự thực đằng sau lời nhận tội ở Hồng Kông
Nhiều nhà hoạt động dân chủ đã bị tống giam hơn một hoặc hai năm trước khi họ bị kết án. Nếu nhận tội, họ có thể được giảm một phần ba bản án. Để tránh một phiên tòa không hồi kết và phí thuê luật sư cao, một số người trong số họ đành phải nhận tội.
Hồi tháng Năm, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF), tổ chức phi chính phủ quốc tế, đã công bố Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2022 cho thấy Hồng Kông được xếp hạng ở mức thấp kỷ lục. Không có quốc gia nào rớt hạng một cách thậm tệ như Hồng Kông, cụ thể là từ vị trí thứ 80 hồi năm ngoái (2021) xuống vị trí thứ 148 trong năm nay. RSF đã trích dẫn cuộc đàn áp đang diễn ra đối với các kênh truyền thông ủng hộ dân chủ nhắm vào Apple Daily, Lập Trường Tân Văn (Stand News), và Citizen News, cùng nhiều hãng thông tấn khác.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times