Cựu thống đốc Patten: Các giá trị của Hồng Kông sẽ tồn tại lâu hơn chế độ độc tài
Trong lời chúc Tết gửi tới người dân, vị thống đốc cuối cùng của Hồng Kông đã trấn an người dân xứ Hương Cảng rằng chính quyền Trung Quốc sẽ sớm tan rã và các giá trị đại diện cho Hồng Kông sẽ tồn tại lâu hơn bất kỳ chế độ độc tài nào.
Hôm 21/01, một ngày trước khi bước sang năm Quý Mão, tổ chức Hồng Kông Watch, một tổ chức nhân quyền bất vụ lợi, đã chia sẻ một video của Nam tước Chris Patten xứ Barnes (tên tiếng Hoa là Bành Định Khang), toàn quyền cuối cùng của Hương Cảng từ năm 1992 đến năm 1997.
Đầu tiên ông Patten chúc người dân Hồng Kông “Cung Hỷ Phát Tài” (Kung Hei Fat Choi) bằng tiếng Quảng Đông, có nghĩa là chúc mọi người một năm mới an khang thịnh vượng. Sau đó, ông chia sẻ rằng ông rất buồn khi thấy cảnh nhiều người Hồng Kông phải rời khỏi thành phố hoặc phải đi lưu vong. Ông nói rằng tất cả những gì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã làm sớm muộn gì cũng sẽ khiến đảng này lụi tàn trong dòng chảy lịch sử, và các giá trị mà Hồng Kông đại diện sẽ tồn tại lâu hơn bất kỳ chế độ độc tài nào ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, kể cả ở Bắc Kinh.
Lời chúc năm mới của ông Patten được kết hợp với phiên bản nhạc Hoa không lời của bài “Nguyện Vinh quang cho Hồng Kông”, vốn được mệnh danh là bài quốc ca không chính thức trong phong trào chống dẫn độ vào năm 2019.
Ông nói thêm rằng nhiều người Hồng Kông, mặc dù không có lựa chọn nào khác ngoài việc trở thành những người lưu vong, họ phải di cư đến Vương quốc Anh và các quốc gia khác, nhưng ở bất cứ nơi nào mà họ gọi là ‘quê hương’ thì họ đều có những đóng góp rất lớn.
Ông Patten rất buồn khi người dân Hồng Kông phải đi tha hương vì cuộc tấn công toàn diện của những người cộng sản Bắc Kinh vào nền tự do của Hồng Kông. Nói thêm rằng cái gọi là ‘bằng hữu của Bắc Kinh trong Mặt trận Thống nhất’ là những kẻ đồng phạm thực hiện những việc làm xấu xa của họ ở Hồng Kông.
Vị toàn quyền cuối cùng này nhắc lại rằng ông rất yêu mến Hồng Kông, và thành phố này sẽ luôn ở trong tâm trí ông.
Ông cũng như nhiều người khác tin chắc rằng chế độ độc tài và mọi việc mà chế độ đó đã làm sẽ nhận hậu quả xứng đáng.
Phân biệt giữa ĐCSTQ và người dân Trung Quốc
Ông David Alton, một người ủng hộ nhân quyền khác ở Trung Quốc và Hồng Kông, đã gửi lời chúc mừng năm mới trên Facebook hôm 22/01 (tức mùng 01 Tết).
Ông tin rằng cần phải phân biệt giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và những người Trung Quốc ưu tú. Ông Alton cho biết tâm của ông luôn hướng đến những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị mắc kẹt trong trại cải tạo ở Tân Cương, nhóm thiểu số Tây Tạng, những người Hồng Kông bị đàn áp và những người Đài Loan bị nhà cầm quyền [Trung Quốc] đe dọa.
Ông Alton cho biết ông cảm thấy tiếc thương cho Hồng y Trần Nhật Quân (Joseph Zen), các nhà dân chủ và người biểu tình đang bị bỏ tù ở Hồng Kông, chẳng hạn như ông Lê Trí Anh (Jimmy Lai Chee-ying), anh Hoàng Chi Phong (Joshua Wong Tsz-Mush), Pháp Luân Công, và các tín đồ tôn giáo khác ở Trung Quốc.
Ông Alton gợi lại cho người xem về trường hợp của một ký giả công dân Trung Quốc có tên là Trương Triển (Zhang Zhan), người đã bị kết án bốn năm tù vì đưa tin về đợt phong tỏa ở Vũ Hán và tìm kiếm sự thật về COVID-19.
Mối lo ngại của ông Patten về Hồng Kông
Ông Patten là toàn quyền thứ 28, cũng là thống đốc cuối cùng của Hồng Kông cho đến khi thuộc địa của Anh này được trao trả lại cho Trung Quốc.
Ngay sau khi nhậm chức, ông Patten đã thúc đẩy kế hoạch cải tổ chính trị năm 1995 nhằm thúc đẩy dân chủ ở Hồng Kông. Tuy nhiên, ông Lỗ Bình (Lu Ping), khi đó là Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao của Quốc Vụ viện Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã chỉ trích ông Patten là “tội nhân thiên cổ” (người bị lịch sử lên án).
Cuối cùng, mặc dù Hội đồng Lập pháp đã thông qua kế hoạch cải tổ chính trị của ông Patten, nhưng ĐCSTQ đã ngăn chặn kế hoạch này. Chế độ này đã rút lại các thành viên của Hội đồng Lập pháp [thuộc địa] được bầu chọn vào năm 1995, không cho họ trở thành thành viên của cơ quan lập pháp này sau thời kỳ chuyển giao năm 1997, thay vào đó chế độ này đã thành lập một ‘Hội đồng Lập pháp lâm thời’.
Vào ngày 01/07/2022, ngày đánh dấu 25 năm Bàn giao Hồng Kông, tại một sự kiện của Hong Kong Watch, ông Patten đã gọi Trưởng đặc khu Hồng Kông, “Cảnh sát Lý,” để nhấn mạnh rằng ông Lý Gia Siêu (John Lee) được một nhóm đặc vụ và nội gián bầu chọn chứ không phải người dân. Ông cũng nói rõ rằng cương lĩnh chính trị của ông Lý không có chút gì liên quan đến kinh tế, phát triển xã hội, giáo dục, hay các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Hồng Kông.
Ông Patten nói rằng ông Lý đã sử dụng chiến thuật nắm đấm sắt để đàn áp những người biểu tình ôn hòa khi ông còn phụng sự trong lực lượng cảnh sát, và đó cũng là cách ông trở thành đặc khu trưởng của Hồng Kông.
Ông còn lên án ĐCSTQ vì đã định nghĩa một người ái quốc là “người phải yêu Đảng Cộng sản”. Ông đặt câu hỏi rằng có lẽ trong mắt của nhà cầm quyền cộng sản thì bà Trần Phương An Sinh (Anson Chan), ông Lê Trí Anh, và ông Lý Trụ Minh (Martin Lee) đều không phải là những người ái quốc.
Ông Patten chỉ trích ĐCSTQ vì đã viết lại sách giáo khoa lịch sử của Hồng Kông, xóa bỏ bất kỳ nội dung nào có ghi Hồng Kông từng là thuộc địa của Anh.
Ông tin rằng sự phát triển của Hồng Kông đã nở rộ trước năm 2012. Tuy nhiên, trạng thái đó đã bị đảo lộn khi Đảng Cộng sản Trung Quốc can thiệp vào các vấn đề của Hồng Kông, và bổ nhiệm một trưởng đặc khu Hồng Kông, là ông Lương Chấn Anh (CY Leung Chun-ying).
Ông Patten cũng chỉ trích ông Tập Cận Bình vì đã làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn kể từ khi ông ta lên nắm quyền.
Ông thừa nhận rằng nếu người Hồng Kông chọn ở lại quê nhà, thì họ phải chấp nhận một hoàn cảnh rất khác so với những người đã rời khỏi nơi này.
Nie Law, Shan Lam, Summer Lawson thực hiện
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times